Bộ công an CSVN nghiêm cấm bức cung, nhục hình
Bộ Công An CSVN vừa ban hành thông tư số 28/2014/TT-BCA, nghiêm cấm bức cung, mớm cung hoặc dùng nhục hình dưới bất kỳ hình thức nào trong quá trình điều tra hình sự.
Thông tư sẽ có hiệu lực từ ngày 25/8/2014, quy định rõ phải có giấy triệu tập được Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng cơ quan điều tra duyệt khi điều tra viên tiến hành triệu tập để làm việc với đương sự tại trụ sở công an hay Ủy ban Nhân dân từ cấp xã trở lên hoặc tại cơ quan của đương sự.
Giấy triệu tập phải ghi đầy đủ nội dung về việc triệu tập cũng như tư cách tham gia tố tụng của người bị triệu tập.
Thông tư còn quy định điều tra viên không được sách nhiễu đối với người bị tạm giữ, không được có bất kỳ liên hệ nào với thân nhân hay cơ quan, tổ chức có liên quan đến bị can, không để lộ thông tin điều tra vụ án.
Trong trường hợp do yêu cầu nghiệp vụ như phải làm việc với người bị triệu tập bên ngoài những nơi quy định thì phải có sự đồng ý của cấp lãnh đạo cơ quan điều tra.
Với bản chất của chế độ từ trước đến nay „nói một đàng làm một nẻo“ và tình trạng „trên bảo dưới không nghe“ thì người ta nghi ngờ tính hiệu quả của thông tư này trong thời gian tới.
Luật sư Nguyễn Đăng Trừng – Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Sài Gòn bị khai trừ đảng
Chiều 31.7.2014, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP Sài Gòn – đã công bố Quyết định số 3030/QĐ-TS về việc khai trừ luật sư Nguyễn Đăng Trừng – Bí thư Đảng đoàn, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Sài Gòn.
LS. Nguyễn Đăng Trừng đã từng là đại biểu quốc hội Việt Nam khóa 12. Ông cũng từng tham gia vào vai trò ủy viên Ủy ban Tư pháp của quốc hội. Ông cũng là người từng bào chữa cho trùm xã hội đen Năm Cam và luật sư Lê Công Định.
Theo thông báo của Ban Thường vụ Thành ủy TP Sài Gòn, thì từ năm 2012, luật sư Nguyễn Đăng Trừng trong lãnh đạo, điều hành hoạt động của Đảng đoàn đã xem nhẹ vai trò lãnh đạo của Đảng đoàn đối với hoạt động của Đoàn Luật sư TP Sài Gòn (TPSG), không tổ chức cho Đảng đoàn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Đảng đoàn theo Quy chế làm việc đã ban hành. Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm Quy chế làm việc của Đảng đoàn trong việc phân công, bổ nhiệm, đề bạt một số cán bộ tại Đoàn Luật sư TP.
Chỉ đạo chuẩn bị nhân sự Đại hội Đoàn Luật sư TP nhiệm kỳ VI (2013-2018) không đúng quy trình, thiếu công khai, minh bạch, phong cách lãnh đạo thiếu dân chủ, độc đoán… Ngoài ra, Ls Nguyễn Đăng Trừng còn bị cho là đã lợi dụng chức vụ Chủ nhiệm Đoàn Luật sư, không thông qua Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPSG, tự ý ký 4 văn bản để phản bác ý kiến chỉ đạo của UBND TPSG, của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, xuyên tạc, nói không đúng sự thật về ý kiến chỉ đạo công tác chuẩn bị Đại hội Đại biểu Đoàn Luật sư TP, nhiệm kỳ VI (2013-2018) với một số cán bộ lãnh đạo trong Ban Thường vụ Thành ủy và Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Đã có nhiều hành vi để vô hiệu hóa, cản trở, thậm chí làm trái nghị quyết, kết luận của tập thể Đảng đoàn Đoàn Luật sư TP, Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP làm cho Đại hội đại biểu Đoàn Luật sư TP nhiệm kỳ này bị kéo dài đến nay vẫn chưa tiến hành được, làm ảnh hưởng đến Đại hội đại biểu Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy TP SG cho rằng việc làm của LS Nguyễn Đăng Trừng là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,… không còn đủ tư cách đảng viên.
Tưởng cũng cần nhắc lại, mặc dù vào năm 2006 Bộ tư pháp CSVN đã từng bị Đoàn Luật sư TPSG phản đối vì dự tính cử công chức lãnh đạo tổ chức luật sư. Thời gian này luật sư Nguyễn Đăng Trừng, đã từng nhân danh Đoàn Luật Sư TPSG, rút lui khỏi vị trí thành viên Hội Đồng Lâm Thời Luật Sư Toàn Quốc.
Đầu năm 2008, Thủ tướng Việt Nam từng chính thức yêu cầu: “Người đứng đầu tổ chức luật sư toàn quốc phải có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, am hiểu sâu sắc nghề luật sư, có khả năng lãnh đạo và thuyết phục đối với đội ngũ luật sư…”Song Bộ Tư pháp vẫn không chọn những luật sư thực thụ, giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, đủ uy tín để lãnh đạo “Hội đồng Luật sư lâm thời” mà sắp xếp 3 nhân vật mà trước đó chưa bao giờ là luật sư làm chủ tịch, phó chủ tịch.
Được biết Việt Nam hiện có khỏang 5.300 luật sư nhưng chỉ có 328 luật sư được chọn làm đại biểu dự “Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ nhất”. 328 đại biểu này sẽ bầu 91 luật sư tham gia “Hội đồng Luật sư toàn quốc” và 91 luật sư đó mới có quyền bầu Chủ tịch Liên đòan Luật sư, sau khi “hội đồng lâm thời đã lên danh sách dự kiến cho các vị trí”!
Cũng vì vậy, Luật sư Nguyễn Đăng Trừng đã từng nêu nhận xét của ông với VietNamNet:
“Đây là một tổ chức nghề nghiệp nên quá trình bầu cử phải dân chủ. Thực tế lại không được như vậy. Cách đang làm sẽ không nhận được sự tín nhiệm của giới luật sư, khó lòng kết nối các đoàn luật sư trong cả nước và bảo vệ được quyền lợi cho luật sư trong quá trình hành nghề”…”
5 triệu dân VN bị viêm gan C
Đó là thông tin được các chuyên gia y tế công bố tại lễ hưởng ứng ngày Phòng chống Viêm gan Thế giới 28/7.
Theo các chuyên gia, hiện Việt Nam có khoảng 4-5 triệu người nhiễm viêm gan siêu vi C, chiếm gần 6% dân số. Sự gia tăng số ca viêm gan C trở thành vấn đề ưu tiên hàng đầu trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam.
Theo VNExpress, các số liệu thống kê mới nhất cho thấy, tỷ lệ bệnh viêm gan virus C tại Việt Nam có chiều hướng gia tăng do phần lớn người dân cũng như bệnh nhân thiếu kiến thức về bệnh, dẫn đến không có khái niệm về tầm soát, điều trị và phòng ngừa lây lan. Rất nhiều người chủ quan cho rằng mình không có nguy cơ mắc viêm gan vi rút C, không tiến hành các xét nghiệm sớm, vô tình lây truyền mầm bệnh cho những người xung quanh.
Ông Lê Văn Tuân, đại diện văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết, viêm gan do virus thực sự là mối đe doạ y tế nghiêm trọng nhất trên toàn cầu, đặc biệt nguy hiểm là bệnh viêm gan mãn tính do virus viêm gan C. Hiện thế giới có hơn 185 triệu người nhiễm viêm gan C và có 350.000 trường hợp tử vong mỗi năm.
VnExpress ghi lời ông Tuân: “Khoảng 30% người viêm gan C mãn tính có nguy cơ tiến triển thành xơ gan hoặc ung thư gan. Đây là loại virus được giới chuyên môn xem là ‘sát thủ thầm lặng’. Ngoài yếu tố có nguy cơ dễ lây nhiễm cao trong cộng đồng, hầu hết người bị nhiễm loại vi rút này không biểu hiện triệu chứng giai đoạn đầu, và có thể tới vài chục năm cho đến khi bệnh bùng phát hoặc gây biến chứng xơ gan, ung thư gan thì mới biết mắc bệnh.”
Viêm gan C chưa có văcxin phòng bệnh. Bệnh lây qua đường máu, mẹ truyền sang con nếu mẹ bị mắc bệnh. Nếu bệnh được phát hiện và điều trị sớm, bệnh nhân vẫn có thể khỏi hẳn.