Bí Thư Thành Ủy Hà Nội viếng thăm Hoa Kỳ
Theo lời mời của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thì Bí Thư Thành Ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đang có mặt tại Mỹ trong chuyến đi thăm khởi sự từ ngày 21 tháng 7.
Được biết ông Phạm Quang Nghị đã gặp một số giới chức cao cấp và chính khách Mỹ, kể cả Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách các vấn đề chính trị Wendy Sherman, ông Thomas Shannon, Cố vấn của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng Thống Obama Tony Blinken, và quyền Chủ tịch Thượng viện Patrick Leahy, và Thượng nghị sĩ John McCain.
Phía Hoa Kỳ bày tỏ quan tâm về những căng thẳng gần đây ở Biển Đông sau khi Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố có chủ quyền, đồng thời lặp lại lập trường của Washington muốn duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực Á Châu-Thái bình dương, kể cả các quyền tự do giao thương và tự do hàng hải ở Biển Đông.
Trong khi đó thì ông Nghị yêu cầu Hoa Kỳ mở rộng thị trường cho các hàng hóa do Việt Nam sản xuất, hạ các rào cản thương mại, khuyến khích đầu tư vào Việt Nam và thừa nhận nền kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, cũng như đề nghị Mỹ tăng hỗ trợ cho Việt Nam để giải quyết các hệ quả của chiến tranh, như chương trình xử lý chất độc dioxin, giúp đỡ các nạn nhân của chất độc thường được gọi là chất độc da cam, tháo gỡ bom mìn, và tìm kiếm di cốt các binh sĩ mất tích trong chiến tranh.
Chuyến đi thăm của Bí Thư Thành Ủy Hà Nội, một Ủy viên thuộc Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam, được coi là mang ý nghĩa quan trọng như một chỉ dấu cho thấy hai nước cựu thù đã xích lại gần nhau. Tuy nhiên, một học giả theo dõi sát tình hình Việt Nam cho rằng việc ông Phạm Quang Nghị sang thăm Hoa Kỳ lần này cùng lúc nói lên sự hoài nghi của giới bảo thủ trong Bộ Chính Trị đối với thế hệ lãnh đạo trẻ tuổi hơn như Ngoại Trưởng Phạm Bình Minh, mà họ cho là có thể bị nhiễm các giá trị Tây phương.
Giáo sư Thayer thuộc Học Viện Quốc phòng Australia của Đại học New South Wales, cho rằng Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam đã tỏ thái độ nhượng bộ Trung Quốc quá mức khi không đáp ứng kịp thời lời mời của Ngoại trưởng Mỹ dành cho ông Phạm Bình Minh.
Giáo sư Thayer nhận định nếu giới lãnh đạo trong Bộ Chính Trị Việt Nam sợ Trung Quốc tới mức không dám xích lại gần Mỹ, thì Việt Nam sẽ mất cơ hội được tự do.
Đèn trung thu Việt Nam in hình các danh nhân chống ngoại xâm
Trung thu với truyền thuyết về Chú Cuội, Chị Hằng…những háo hức trẻ thơ trước những chiếc bánh nướng, bánh dẻo, những chiếc lồng đèn đủ hình dạng, sắc màu, vô vàn ánh nến lung linh huyền ảo trong đêm rước đèn trung thu dường như chỉ còn tồn tại trong ký ức một thời đã qua. Ngày tết thiếu nhi tại Việt Nam từ nhiều năm nay đã biến tướng thành một dịp để người lớn biếu xén lẫn nhau. Tuy vẫn còn là dịp để trẻ em vui chơi, nhưng những chiếc đèn xếp, đèn ông sao, đèn khung tre uốn hình dạng nhiều con vật bọc giấy kính đỏ made in Vietnam từ lâu đã phải nhường chỗ cho các loại đèn Trung Quốc.
Nhưng năm nay tình hình đã có đổi khác. Các doanh nghiệp trong nước mạnh dạn tung ra nhiều loại lồng đèn dành cho thiếu nhi với giá phải chăng, trong đó phải kể đến Công ty cổ phần Kỹ Thuật Mới, đã tung ra gần nửa triệu lồng đèn trên thị trường. Đặc biệt có đến 50 mẫu có in hình các danh nhân chống ngoại xâm trong sử sách như Ngô Quyền, Hai Bà Trưng, Thánh Gióng…và một đề tài rất mới là biển đảo: Ngư dân và biển đảo, Cảnh sát biển…
Ông Huỳnh Văn Khánh, Tổng giám đốc công ty cho biết thật ra, đẩy lùi được hàng Trung Quốc là điều mà ông đã ấp ủ từ lâu. Theo ông, sự kiện chế độ Bắc Kinh ngang ngược đưa giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 vào vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam đã làm dấy lên lòng yêu nước của người Việt.
Theo kiểm nghiệm của Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng và Viện Công nghệ Hóa học cách đây hai năm, hai mẫu đèn lồng thông dụng của Trung Quốc trên thị trường có chứa muối Cadimi (Cd) – một trong ba kim loại nguy hiểm nhất đối với cơ thể con người – được sử dụng như chất tạo màu trong nhiều loại nhựa. Chất này có thể gây nhiều loại bệnh như ung thư, loãng xương…được tích lũy trong thận và chỉ phát bệnh sau nhiều năm tiếp xúc.
Sau phát hiện này, nhiều bậc phụ huynh đã tẩy chay lồng đèn Trung Quốc, tuy nhiên không phải ai cũng biết được nguy cơ. Ông Huỳnh Văn Khánh giải thích, sản xuất lồng đèn dành cho thiếu nhi cần phải chú trọng về chất lượng, tính thẩm mỹ, bên cạnh đó giá cả cũng cần tính toán cho vừa với túi tiền người mua.
Riêng về phần nhạc, công ty Kỹ Thuật Mới đã đưa vào những bản nhạc trung thu truyền thống, thay cho tiếng nhạc eo éo xa lạ của đèn Trung Quốc, và đều có trả tiền tác quyền. Một cách làm ăn ngay thẳng, bên cạnh đó là ý thức đấu tranh giữ gìn bản sắc dân tộc trong các sản phẩm văn hóa.
Đối với hàng Việt Nam nói chung và riêng lồng đèn trung thu, nếu năm ngoái chỉ mới chiếm được phân nửa thị trường thì năm nay hàng Trung Quốc đã bị đẩy lùi. Ngay cả những người trung gian chỉ chú trọng đến lợi nhuận bây giờ cũng ngại nhập hàng Trung Quốc vì không có mấy người mua.
Là một doanh nghiệp vừa và nhỏ, công ty của ông Khánh phải tự lực, không có sự trợ giúp của Nhà nước trong việc đấu tranh chống hàng Trung Quốc. Không chỉ đèn trung thu cho trẻ em, mà đèn lồng trang trí lâu nay hàng nhập từ Trung Quốc vẫn phổ biến – một sự lai căng đáng buồn.
Còn hơn một tháng nữa mới đến dịp rằm tháng Tám, nhưng những chiếc lồng đèn trung thu made in Vietnam hiện diện trên các quầy hàng khắp nơi là niềm tự hào cho người sản xuất.
Những chiếc lồng đèn nhỏ bé năm nay bắt đầu lung linh khơi nguồn lại tình tự dân tộc Việt.
Trung Cộng trở nên tồi tệ trong mắt người dân các nước
Theo một cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew, một cơ quan nghiên cứu chiến lược uy tín của Hoa Kỳ hồi tháng 6 vừa qua, chính quyền Trung Cộng bị nhìn một cách tiêu cực ở Trung Đông, các nước châu Âu như Tây Ban Nha, Ba Lan, Ý Đức, Pháp và Hy Lạp.
Tại Hoa Kỳ, 58% người nói thiếu tin tưởng với chính quyền ông Tập Cận Bình.
Còn nơi Trung Cộng mất điểm nhất là ở các nước láng giềng. 87% số người được hỏi ở Nhật nói rằng họ không tin tưởng hành động của Trung Cộng trong các vấn đề quốc tế.
Đa phần dân ở nhiều nước châu Á, nơi Pew tiến hành khảo sát với người dân 44 quốc gia đang lo lắng về tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Cộng và e ngại rằng Bắc Kinh có thể đẩy khu vực vào chiến tranh.
Do quan niệm cho rằng Trung Cộng là kẻ bắt nạt các nước láng giềng, nên người dân các nước châu Á đã có tâm lý muốn gần gũi Hoa Kỳ hơn. Khảo sát cho thấy đa phần người dân của 8 trong số 11 quốc gia châu Á muốn Hoa Kỳ trở thành đồng minh số 1 của họ.
Chỉ có ba quốc gia châu Á coi Hoa Kỳ như mối đe dọa lớn là Trung Cộng, Malaysia và Pakistan. Pakistan là đồng minh thân cận của Trung Cộng và đang có hiềm khích với Hoa Kỳ.
Bảng số liệu mà Pew đưa ra cho thấy tại Việt Nam, tâm lý thân Hoa Kỳ, lo ngại Trung Cộng cao thứ hai, sau Nhật Bản. Chỉ có 16% người Việt có cái nhìn tích cực về Trung Cộng trong khi số người dành cho Hoa Kỳ cái nhìn tích cực là 76%.