Trong quá trình soạn thảo cuốn “Từ điển nguồn gốc tiếng Việt”, Bác sĩ Nguyễn Hy Vọng đã được sự hợp tác và khíc lệ của nhiều nhà trí thức trong đó có Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích.
Trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ tháng 6 mới đây, nhà báo Trần Quang Thành đã có cơ hội phỏng vấn Giao sư Nguyễn Ngọc Bích về cuốn “Từ điển nguồn gốc tiếng Việt” Mời qúi vị theo dõi.
***
– Trần Quang Thành : Xin chào Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích.
– Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích : Xin chào phóng viên ký giảTrần Quang Thành.
– TQT : Mới đây Bác sỹ Nguyễn Hy Vọngsau nhiều năm khổ công sưu tầm và biên soạn đã cho ra mắt bạn đọc một cuốn từ điển gọi tên là Từ điển nguồn gốc tiếng Việt rất công phu và rất có giá trị. Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích là người đã theo dõi quá trình Bác sỹ Nguyễn Hy Vọng biên tập và soạn thảo cũng như ông từng đọc những trang biên tập của cuốn sách này, Vậy ông có thể giới thiệu với bạn đọc nội dung cuốn sách được không ạ?
– NNB : Cuốn gọi là từ điển của Bác sỹ Nguyễn Hy Vọng là tác phẩm mà ông đã bỏ ra 31 năm trời để thực hiện, Chúng tôi ở Virginia và Bác sỹ Nguyễn Hy Vọng ngày xưa ở vùng Tây Bắc Hoa kỳ tiểu bang Washington State, thành phố Seatle, Bác sỹ Nguyễn Hy Vọng nay về hưu dọn xuống phía Nam Cali tức khu vực quận Cam thì chúng tôi có rất nhiều dịp gặp Bác sỹ Nguyễn Hy Vọng và theo dõi bước tiến của bộ từ điển này. Đây là bộ từ điển rất là đồ sộ trên 2.200 trang và nó đưa được ra khoảng trên 27.500 từ tiếng Việt Nhưng bên cạnh đó Bác sỹ Nguyễn Hy Vọng có tìm được ra tất cả những từ trong tiếng của các quốc gia lân cận như là môn Khơ me, của Thái , của Lào, của các dân tộc thiểu số trên vùng cao nguyên cũng như miền Bắc, thậm chí ông đi xa cả sang những vùng như ở phía đông Ấn độ, Miến điện, Thái lan để chứng minh rằng từ ngữ đó là cùng nguồn gốc với tiếng của chúng ta.
Để hiểu vấn đề đó thì tôi xin thưa thế này, tỷ dụ tiếng Việt có những từ ta gọi là gần thì chúng ta có thể nói được là nó có gốc gác từ chữ cận của Trung Hoa thế nhưng mà “xịt” là cái gì? Nếu chúng ta biết tiếng Thái thì chúng ta thấy ngay rằng cái chữ “xịt” đó tiếng Thái nó có nghĩa là gần. Hay chữ “trắng bóc” thì tại sao lại trắng mà lại bóc? Khi chúng ta đi theo cuốn từ điển của Bác sỹ Nguyễn Hy Vọng thì chúng ta sẽ thấy ngay hay là cuốn từ điển của ông Phan Ngọc trước kia ở Hà thì chúng ta cũng thấy ngay rằng chữ “bóc” đó là tiếng Miên nghĩa là trắng, rất trắng hay là “trắng muốt” chẳng hạn thì chữ “muốt” đó cũng là tiếng Miên có nghĩa là hoàn toàn, “trắng muốt” nghĩa là hoàn toàn trắng. “Đen nhánh” thì chữ “nhánh” là tiếng Miên có nghĩa “rất”, đen nhánh nghĩa là rất đen.
Khi chúng ta đi tìm về nguồn gốc tiếng Việt như vậy thì chúng ta sẽ bỏ đi cái mặc cảm rằng tiếng Việt như giáo sư Lê Ngọc Trụ trước kia tìm cách chứng minh cho rằng gốc gác tiếng Việt đa phần ở tiếng Trung Hoa, tiếng Hán đó là điều rất là sai. Với cái bộ từ điển trên 2.200 trang này của Bác sỹ Nguyễn Hy Vọng thì chúng ta có một bằng chứng hùng hồn là có ít nhất 27.500 chữ tiếng Việt có nguồn gốc Đông Nam Á như là những tiếng ở các quốc gia lân cận như vậy chúng ta nhìn thấy liên hệ họ hàng với những quốc gia ở Đông Nam Á. Đây là một khám phá lớn vô cùng tận sẽ làm thay đổi hoàn toàn những nghiên cứu về lịch sử của tiếng Việt và nguồn gốc của tiếng nói của chúng ta.
– TQT : Thưa Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích ông đã từng đọc rất kỹ cuốn từ điển này ông có thấy những đặc điểm gì nổi bật có thể giới thiệu để bạn đọc thấy được công trình rất công phu và rất kiên nhẫn của Bác sỹ Nguyễn Hy Vọng?
– NNB : Việc đầu tiên của Bác sỹ Nguyễn Hy Vọng là ông học rất nhiều tiếng và do đó ông lấy một chữ tiếng Việt ra thì ông so sánh được với cả chục các thứ tiếng Đông Nam Á và ông có ghi lại tất cả các thứ tiếng đó trong tiếng Thái tiếng Lào tiếng Miên tiếng Rô-rô, tiếng này tiếng kia, rồi lại còn chép lại cả những cái chữ và phiên âm ra để chúng ta thấy liên hệ trực tiếp họ hàng giữa chữ của tiếng Việt với những ngôn ngữ đó. Đây là một việc làm mà trước đây hoàn toàn không ai có thể so sánh được như thế cả, có thể nói là một cái lầu đài về ngôn ngữ học mà tôi nghĩ chúng ta có thể khai thác cả trăm năm, tôi lấy 2 cái tỷ dụ một trong thơ của Nguyễn Trãi Nguyễn Bỉnh Khiêm và Hồng đức quốc âm thi tập chẳng hạn, chúng ta có chữ mà bấy lâu nay cứ đọc là song viết, “song viết ai bằng song viết ngư” nhưng mà không ai hiểu rõ song viết là gì cả nên mấy đến nửa thế kỷ qua rất nhiều người đưa ra những cách đọc khác người thì bảo là “rông vác” người thì bảo là “song nhật” ..vv… thế nhưng mà không thuyết phục cho đến khi Bác sỹ Nguyễn Hy Vọngtìm ra rất nhiều chữ trong tiếng Lào tiếng Thái mà nó đọc là “sàng hoạt” mà có nghĩa là sự nghiệp lối sống cách sống, thế thì chúng ta sẽ thấy ngay cái chữ má bấy lâu nay chúng ta đọc là “song viết” có lẽ phải đọc là “sàng hoạt”, và cái lối sống “song viết ai bằng song viết ngư” có nghĩa là lối sống của ai mà hay bằng lối sống của người ngư dân. Hay là trong thơ bộ Lưu hương ký của Hồ Xuân Hương chúng tôi có đọc một chữ là “vả vê” thì rất nhiều người bảo là ông có nói đùa không chứ làm gì có chữ vả vê trong tiếng Việt, thế nhưng mà đọc sách của Bác sỹ Nguyễn Hy Vọngthì chúng ta thấy chữ vả vê thì có trong tiếng Lào tiếng Thái có nghĩa là vắng vẻ thôi. Khi chúng ta có bộ từ điển này thì chúng ta sẽ tìm ra rất nhiều những cái bấy lâu nay là những bí ẩn trong lịch sử ngô ngữ học của Việt nam hay là trong lịch sử văn học những chữ cổ mà trước đây ta không hiểu thì nhờ cuốn này ta sẽ hiểu một cách rất vững chãi, và sẽ làm sáng tỏ nhiều bản văn của cha ông chúng ta từ những thế kỷ 15-16 như Nguyễn Trãi hay Nguyễn Bỉnh Khiêm thì đây là một (…) của Bác sỹ Nguyễn Hy Vọngvào trong việc nghiên cứu tiếng Việt.
– TQT : Bác sỹ Nguyễn Hy Vọngcho biết bộ từ điển của ông đã được thư viện quốc gia Pháp lưu trữ vào thư mục của thư viện, một số thư viện của Hoa kỳ cũng đặt vấn đề để đưa tác phẩm của ông vào lưu trữ tại thư viện quốc gia và giới thiệu trong các thư viện của nhiều trường đại học và nhiều trường học khác của Hoa kỳ. Nhưng tôi thấy quan trọng nhất là đối với 93 triệu dân Việt nam trong đó có 3 triệu người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài, theo ông làm thế nào để phổ biến sâu rộng ở tất cả tầng lớp nhân dân VN đặc biệt là đối với hơn 35 triệu bạn trẻ VN, thưa Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích?
– NNB : việc phổ biến tài liệu thế này không thể xảy ra ngày một ngày hai được. Sự kiện thư viện quốc gia Pháp Bibliothèque nationale đã đón nhận đưa vào trong thư tập của Việt Nam đó là một bước đầu tiên mà người ta sẽ tìm đến tỷ dụ như tuổi trẻ Việt Nam ở Pháp sẽ có cơ hội tìm đến đó để đọc cuốn này. Hai nữa khi là Thư viện quốc gia Pháp cũng hứa rằng khi Giáo sư Nguyễn Hy Vọng sang Pháp thì họ sẽ làm một buổi để giới thiệu cái bộ từ điển này, đây là một việc làm rất là quý mà không phải bất cứ sách nào mà Thư viện quốc gia Pháp lại hứa như vậy. Còn việc phổ biến ở Hoa kỳ thì sẽ phải có nhiều học giả bỏ thời giờ ra để giới thiệu bộ từ điển này tỷ dụ như trong những tạp chí chuyên đề như Tạp chí Việt học, Journal of vietnamese studies ở Berkeley, với những cái đó cũng sẽ được người ta biết đến. Ở vùng tôi có một anh tiến sỹ ngôn ngữ học trẻ tên là anh Mark Ives (?), đã sang VN nghiên cứu các thứ tiếng Mường và đã viết luận án về lịch sử ngôn ngữ học VN, anh đã được xem tài liệu này và Mark Ives nói rằng đã để lại cho anh một ấn tượng thật là lớn. Qua sự giảng dạy của những người như anh Mark Ives thì không những tuổi trẻ VN mà tuổi trẻ Mỹ những ai muốn nghiên cứu ngôn ngữ học lịch sử của VN hay của Đông Nam Á thì không thể nào bỏ qua được bộ từ điển này của Bác sỹ Nguyễn Hy Vọng, chúng tôi cũng thấy Bác sỹ Nguyễn Hy Vọng nêu ra nhận định của những học giả VN về ngôn ngữ như GS Nguyễn Bạt Tụy ở Đà lạt trước khi ông mất có viết cho Bác sỹ Nguyễn Hy Vọngvào năm 1994 cũng công nhận đây là một tác phẩm lớn hay là những người như cụ Nguyễn Khắc Kham, và cụ từ điển gia Đào Đăng Vỹ trước khi mất cũng có những lời khen tặng bộ từ điển này. Riêng cá nhân tôi cũng tự hứa là trong những ngày tháng tới cũng sẽ bỏ thời giờ ra giới thiệu bộ từ điển này ra các độc giả trên thế giới và vào tháng 9 này Bác sỹ Nguyễn Hy Vọng sẽ sang miền Đông thì chúng tôi cũng hứa sẽ tổ chức buổi ra mắt để BS có cơ hội nói về tác phẩm này, đó là những hình thức mà chúng ta mong rằng sẽ đưa bộ sách lớn này của Bác sỹ Nguyễn Hy Vọng đến với độc giả đặc biệt đến với tuổi trẻ.
– TQT : Đấy là vấn đề ở nước ngoài nhưng Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích có nghĩ gì về việc phổ biến ở Việt Nam?
– NNB : Tôi nghĩ là về tính học thuật của nó thì không có lý do gì một bộ sách như thế này lại không thể về được Việt Nam.,Tôi không nghĩ có vấn đề chính trị chính em gì ở đây cả thành ra nó là một cuốn sách dẩy học thuật của Việt Nam đi rất xa, Tôi nghĩ ở trong nước nên tìm cách xin phép Bác sỹ Nguyễn Hy Vọngđể in lại thành một bộ mà có thể dễ giữ hơn. Hiện tại thì nó là ba (03) tập ở khổ rất lớn mà bìa lại mỏng bìa giấy chứ không phải bìa cứng. Nếu chúng ta không giữ kỹ càng thì bộ sách có thể thất lạc hay khó dùng vì phải để trên bàn mới có bộ sách trên 2.200 trang để có thể dùng chứ không phải là bộ sách mà chúng ta có thể mang theo để tra cứu khi chúng ta cần. Nếu có hình thức nào làm cho nó gọn nhẹ hơn thì sẽ làm bộ sách rất quý.
– TQT : Xin cảm ơn Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, mong rằng quyển từ điển của Bác sỹ Nguyễn Hy Vọng sẽ lan truyền nhanh đến độc giả và đặc biệt là giới trẻ trong nước để mang đến nguồn phong phú của tiếng Việt chúng ta.
– NNB : Xin cảm ơn ông Trần Quang Thành, đã cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này để giới thiệu một tác phẩm rất lớn của người Việt hải ngoại đó là Bác sỹ Nguyễn Hy Vọng với cuốn Từ điển nguồn gốc tiếng Việt.