Ủy ban Nhân quyền Quốc hội Đức đỡ đầu cho LS Lê Quốc Quân
Trong thông cáo báo chí ngày 4/07/2014, Ủy ban Nhân quyền và Cứu trợ Nhân đạo của quốc hội liên bang Đức thì dân biểu liên bang Tiến sĩ Philipp Lengsfeld trong khuôn khổ chương trình “Dân biểu bảo vệ dân biểu” đã đỡ đầu cho luật sư blogger Lê Quốc Quân hiện đang bị giam tù, mục tiêu là để Ls Lê Quốc Quân sớm được trả tự do.
LS Lê Quốc Quân, là tín đồ Công giáo và là người tham gia đấu tranh dân chủ tích cực trước khi bị bắt. Ông được xem là một nhà hoạt đồng xã hội nhân quyền tại Việt Nam. Các phương tiện truyền thông trong nước, luôn cáo buộc luật sư Quân tham gia tụ tập đông người, kích động gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản, chống người thi hành công vụ
Luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân ngày 18/2/2014 bị tòa phúc thẩm giữ nguyên 30 tháng tù giam về tội danh ‘trốn thuế’, bản án bị giới bảo vệ nhân quyền quốc tế và các nước dân chủ trên thế giới xem là mang động cơ chính trị nhắm vào các hoạt động ôn hòa của ông thực thi quyền con người căn bản.
Vào tháng 2/2014, Giáo sư Johannes Kals, đại diện cho khoảng 70 trí thức Đức và Pháp đã gởi thư đến Bộ Ngoại Giao CHLB Đức để yêu cầu chính phủ Đức lên tiếng hỗ trợ cho LS. Lê Quốc Quân.
Bên cạnh đó trong thông cáo báo chí Ủy ban Nhân quyền và Cứu trợ Nhân đạo của quốc hội liên bang Đức cũng chào mừng việc trả tự do cho Tù Nhân Lương Tâm Đỗ Thị Minh Hạnh. Chủ tịch của Ủy ban Nhân quyền, dân biểu liên bang Michael Brand (đảng CDU), trong tư cách là người đỡ đầu cho Đỗ Thị Minh Hạnh tuyên bố ông “nhẹ nhõm và hài lòng” trước tin Đỗ Thị Minh Hạnh đuợc trả tự do.
Tuy nhiên ông Michael Brand tuyên bố “Việt Nam tiếp tục là mối lo ngại và đáng quan tâm”. Trong tư cách của Ủy ban và Quốc hội, chúng tôi vẫn đứng bên cạnh các tù nhân chính trị, những người bị đàn áp vì không có tự do tư tưởng và thiếu vắng cơ chế dân chủ.
Tàu Chiến Trung Quốc Lại Tấn Công Tàu Cá Việt Nam
Tin từ các trang mạng thì tàu đánh cá của ngư dân Đảo Lý Sơn lại vừa bị tàu chiến của Trung Quốc đâm và bỏ chạy hôm ngày 3 tháng 7, khi tàu này đang đánh bắt cá tại khu vực ngư trường truyền thống quần đảo Hoàng Sa.
Thuyền trưởng Mai Văn Cường của chiếc QNg 96185 TS, cho biết “Phía Trung Quốc đâm tàu lủng hai lỗ và làm bể gương tàu hôm ngày 3 tháng 7 tại vùng biển Hoàng Sa, tọa độ 16.8 (vĩ bắc) và 112,3 (kinh đông). Theo anh Mai Văn Cường, thì trên chiếc tàu 1213 của Trung Quốc thấy có súng. Khi rượt đuổi thì phía bên tàu Trung Quốc dùng cây chỉa dài cả mấy thước phóng sang trúng cabin nên kính của cabin tàu TS bị vỡ.
Trên tàu do anh Mai Văn Cường làm thuyền trưởng còn có 12 ngư dân khác cùng là người sinh sống tại thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. May mắn tất cả mọi người trên tàu đều không bị thương tích gì. Tuy nhiên thiệt hại do tàu bị đâm ước tính khoảng 100 triệu chưa kể phí tổn chi cho chuyến đi phải rút ngắn như thế.
Cũng vào ngày 3 tháng 7 vừa qua, chiếc tàu cá QNg 94912 TS cùng sáu ngư dân trên đó bị hải quân Trung Quốc vây bắt khi đang đánh bắt tại Vịnh Bắc Bộ.
Tàu này của ông Võ Đạt, ngụ tại thôn Thạnh Đức, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Những ngư dân cùng đánh bắt tại Vịnh Bắc Bộ chứng kiến sự việc và dùng máy Icom gọi về cho ông Võ Đạt và ông này báo với cơ quan chức năng việc tàu của ông bị hải quân Trung Quốc bắt đưa về nước họ.
Dư luận phản đối kế hoạch xây miếu thờ ở khu kinh tế Vũng Áng
Hôm 3 tháng 7, 2014, nhà cầm quyền tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đã chấp thuận lời yêu cầu cho xây miếu thờ tại khu Kinh tế Vũng Áng.
Kế hoạch xây miếu thờ này là của công ty tư nhân gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, thuộc tổ hợp Formosa của Ðài Loan. Công ty này trước đó đã đề nghị được “xây một miếu nhỏ” để thờ các vong linh vì phần đất mà nhà máy tọa lạc trước đây là nghĩa địa, có thể chưa bốc hết hài cốt của người chết.
Văn bản đề nghị của công ty Formosa Hà Tĩnh cam kết xây miếu thờ “không gây ảnh hưởng đến qui hoạch khu hành chính và khu liên hợp sản xuất gang thép sau này.” Theo báo Tuổi Trẻ, miếu thờ này rộng 18 thước vuông, cao 4.5m, sẽ sớm được khởi công trong thời gian tới, sau khi nhận được văn bản chấp thuận của nhà cầm quyền địa phương.
Tuy nhiên, nguồn tin trên lập tức làm bùng nổ dư luận chống đối. Nhiều ý kiến khuyến cáo nhà cầm quyền địa phương cảnh giác trước âm mưu lấn đất có tính chất “áp đặt.” Có ý kiến liên hệ đến việc tố cáo chính quyền Trung Quốc đã lén lút cho đắp mộ và dựng mộ bia giả có viết chữ Tàu tại một số đảo thuộc Hoàng Sa của Việt Nam. Ý kiến này tố cáo người Trung Quốc dựng các mô hình giả để chứng tỏ sự có mặt của người dân họ trên đảo từ lâu đời.
Ủng Hộ Nông Dân Phía Bắc, SG Tiêu Thụ 1300 Tấn Vải/Ngày
Trước sự kiện con buôn Trung Quốc tràn ngập, ép giá nông dân bán vải thiều, thìcác doanh nghiệp TP. Sài Gòn tiến hành thu mua vải thiều ở phía Bắc nên sản lượng vải thiều bán ra ở các chợ đầu mối, chợ lẻ và các siêu thị trong thành phố đã tăng mạnh. Theo ước lượng thì Sài Gòn hiện đang tiêu thụ hơn 1300 tấn vải thiều tươi mỗi ngày. Mặt khác, cũng góp phần hạn chế sự lệ thuộc của trái vải thiều Việt Nam đối với thị trường Trung Quốc (thị trường xuất khẩu vải thiều lớn nhất của VN), gần một nửa sản lượng vải thiều Bắc Giang được tiêu thụ nội địa. Tính đến hết ngày 26/6, toàn tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được 105, 445 tấn vải thiều, chiếm gần 70% tổng sản lượng vải thiều tươi của tỉnh.
Trong số này, tổng sản lượng tiêu thụ nội địa khoảng 50 000 tấn (thị trường phía Nam khoảng 32 500 tấn), còn lại là xuất khẩu. Giá bán vải thiều tại Bắc Giang ổn định, dao động từ 8,000 đến 18,000 đồng/kg, tại các cửa khẩu dao dộng từ 20,000 đến 22,000 đồng/kg.Trong khi đó, tại Sài Gòn, giá thành phẩm loại vải ngon, tươi (vào Nam bằng máy bay) đạt 35,000 đến 40,000 đồng mỗi kg, còn các xe đẩy bán dạo ngoài đường, chuyên bán loại vải kém chất lượng hơn (vào Nam bằng xe lửa) đều có giá đại chúng là 20,000 đồng/kg.
Theo tin từ báo ‘Bắc Giang’, hiện trên địa bàn huyện Lục Ngạn, hàng ngày vẫn có từ 40 đến 50 xe container chở vải thiểu xuất khẩu sang Trung Quốc và một lượng xe tương đương phục vụ tiêu thụ nội địa.