Tình trạng buôn người ở Việt Nam vẫn đứng thứ 2 trên thế giới
Theo phúc trình thường niên về tình trạng buôn người trên thế giới 2014 do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố ngày 19.06, Việt Nam năm nay vẫn tiếp tục bị xếp vào bậc 2, tức các nước có vấn đề, chưa đạt tiêu chuẩn tối thiểu, nhưng có nỗ lực phòng chống buôn người.
Báo cáo cho thấy phụ nữ và trẻ em Việt Nam thường bị bán vào các đường dây mãi dâm xuyên suốt Châu Á, bị lừa gạt với các hứa hẹn về công ăn việc làm tốt, nhưng rốt cuộc bị bán vào các ổ mãi dâm ở các nước láng giềng.
Khảo sát do UNICEF cho thấy Việt Nam cũng là điểm đến của kỹ nghệ du lịch tình dục trẻ em với các khách hàng chủ yếu từ Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, hay Châu Âu, Mỹ, Anh quốc, Australia.
Trong khi đó thì Thái Lan và Malaysia bị liệt vào danh sách đen trong phúc trình thường niên về nạn buôn người trên thế giới năm 2014 của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, tức là nằm trên bậc 3, là bậc chót với lý do không đạt nỗ lực cùng tiêu chuẩn cần có về phòng chống buôn người trong nước họ.
Phúc trình này được ngoại trưởng John Kerry công bố ngày 20.06 ở Washington, thẩm định và xếp hạng 188 quốc gia trên thế giới về chiến dịch bài trừ cũng như phòng chống nạn buôn người, trong đó có những vấn đề khác chẳng hạn xuất khẩu, khai thác sức lao động của con người.
Phúc trình năm nay cũng cho thấy Trung Cộng được đánh giá có nhiều tiến bộ với kế hoạch tiến tới việc bãi bỏ những trại lao động cải tạo.
Trung Cộng cho thành lập quyền sử dụng đất ở Trường Sa – Hoàng Sa
Tờ Economic Observer dẫn nguồn tin từ Văn phòng Đăng ký Bất động sản thuộc Bộ Đất đai và và Tài nguyên Trung Cộng, hôm 18.06 cho biết hệ thống thành lập quyển sử dụng đất mới của nước này sẽ có cả các vùng biển đảo tranh chấp ở Biển Đông.
Trung Cộng sẽ đưa cái gọi là thành phố Tam Sa, bao gồm các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam vào hệ thống đăng ký quyền sử dụng đất mới. Theo báo này, đối tượng của hệ thống thành lập quyền sử dụng đất mới là tất cả vùng lãnh thổ được coi là của Trung Cộng, trong đó có bất động sản của những doanh nghiệp, cư dân sinh sống trên vùng biển, đảo mà Trung Cộng cho là của họ.
Bất động sản cụ thể ở đây là đất, vùng biển và đảo, nhà ở, những tòa nhà, rừng cây và các vật thể bất di bất dịch Nguồn tin xác nhận thành phố Tam Sa, đơn vị hành chính phi pháp nước này lập bao gồm cả quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, sẽ nằm trong kế hoạch mới.
Các nguồn tin còn xác nhận bất kỳ người dân hay doanh nghiệp Trung Quốc nào cũng có thể đăng ký quyền sở hữu và sử dụng đất, nhà ở, vùng biển ở những đảo và quần đảo trên biển Đông, bao gồm các hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Thời gian gần đây, Trung Cộng còn tăng cường các hoạt động xây dựng trái phép bao gồm xây dựng trường học phi pháp tại đảo Phú Lâm nằm trong quần đảo Hoàng Sa và xây đảo nhân tạo ở bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Quảng Nam, Ðà Nẵng, Tây Nguyên và Bình Ðịnh bị hạn hán nghiêm trọng
Báo chí Việt Nam cho biết, do nắng nóng kéo dài, gần như toàn bộ các hồ chứa nước ở Bình Ðịnh đã trơ đáy. Hàng chục ngàn gia đình ở Bình Ðịnh đang thiếu cả nước sinh hoạt lẫn nước tưới cho ruộng vườn.
Theo một báo cáo do Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Bình Ðịnh thực hiện, từ đầu năm đến nay, vũ lượng ở Bình Ðịnh chỉ khoảng 129 mm, tương đương 41% vũ lượng của các năm trước. Do mưa ít, nắng nóng kéo dài, gần như toàn bộ ao, hồ, sông, suối ở Bình Ðịnh đều đã cạn khô.
Bình Ðịnh có 161 hồ chứa nước ở các quy mô khác nhau và lượng nước ở các hồ này chỉ còn chừng 266 triệu khối, tương đương 46% dung tích thiết kế.
Ngoài 18,000 gia đình đang khốn khổ vì các giếng nước đã trơ đáy, không còn nước sinh hoạt, khô hạn đang khiến 12,000 héc ta ruộng vườn vừa cháy khô, vừa bị nước mặn xâm nhập. Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Bình Ðịnh cảnh báo, nếu tình trạng này kéo dài, số gia đình thiếu nước sinh hoạt có thể tăng từ 18,000 lên 28,000.
Vào lúc này, các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Nhơn, Tuy Phước ở Bình Ðịnh là những nơi đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hạn hán. Không chỉ có các loại cây trồng chết khô mà nhiều nơi dân chúng phải đi mua hoặc đi xin nước về ăn, uống.
Tại một số nơi như thôn Trung Thứ, thôn Trung Hậu, xã Mỹ Chánh Tây, 100% giếng đào đã trơ đáy từ cách nay hơn một
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt còn xảy ra ngay tại thành phố Quy Nhơn. Khoảng 1,000 gia đình ở xã Nhơn Hải và khoảng 200 gia đình ở phường Ghềnh Ráng đang cử người thức tranh đêm để đi lấy nước từ các giếng công cộng đem về ăn, uống.
Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra tại Quảng Nam, Ðà Nẵng và nhiều khu vực ở Tây Nguyên. Từ người tới lúa và các loại cây trồng khác ở những khu vực này héo rũ vì thiếu nước. Theo Ðài Khí Tượng Thủy Văn khu vực Trung Trung Bộ, từ tháng 12 năm ngoái đến nay, vũ lượng tại Quảng Nam và Ðà Nẵng chỉ đạt từ 60% đến 70% so với mức trung bình của nhiều năm.
Dung tích ở các hồ chứa nước lớn chỉ còn từ 20% đến 70% mức trung bình. Các hồ chứa nước nhỏ thì đã cạn nước từ tháng 3. Ngoài lý do mưa ít, nắng nóng kéo dài, nguyên nhân chính khiến hạn hán ở Quảng Nam, Ðà Nẵng và nhiều khu vực ở Tây Nguyên thêm nghiêm trọng còn vì các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn giữ nước lại để chạy máy phát điện.
Ðường cao tốc 9 000 tỷ trở thành ‘con đường tử thần’
Nhiều tài xế xe đò chạy các tuyến từ Hà Nội đến Nam Ðịnh, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… gọi đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình là “con đường tử thần.” Các tài xế cho biết, chỉ năm tháng sau khi được đưa vào sử dụng hồi tháng 6 năm 2012, mặt đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình đã bị lún theo vết bánh xe, khiến các loại xe rất dễ bị lạc tay lái. Chưa kể gần như tại tất cả các đoạn nối giữa đường với cống đều bị sụp xuống, tạo thành những gờ cao từ 20 cm đến 30 cm. Ðã có rất nhiều tai nạn vì tài xế không biết trước những trở ngại như thế trên mặt đường và vẫn lái xe ở tốc độ cho phép. Nên thay vì được phép chạy từ 60-100 km/h nhưng vì mặt đường hư hỏng, nguy hiểm nên các tài xé phải giảm tốc độ xuống 30 hoặc 40km/h.
Theo thiết kế, đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình có chiều dài 56 cây số, bắt đầu ở cột cây số 210 trên quốc lộ 1A, thuộc Hà Nội và kết thúc ở cột cây số 265 + 600 trên quốc lộ 10 thuộc Ninh Bình, Phát Diệm. Ðường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình có 6 làn xe, tốc độ cho phép theo thiết kế từ 100km/h đến 120 km/h.
Tổng vốn đầu tư cho đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình là 8,974 tỷ đồng, trong đó Tổng Công Ty Ðầu Tư Phát Triển Ðường Cao Tốc Việt Nam (VEC Corporation) – một doanh nghiệp trực Bộ Giao Thông Vận Tải bỏ ra 1,000 tỷ đồng, phần còn lại chủ yếu là vốn vay từ việc bán trái phiếu.
Ðường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình không phải là trường hợp đáng ngờ duy nhất về việc sử dụng và phí phạm vốn vay qua việc bán trái phiếu. Tại kỳ họp diễn ra hồi giữa tháng 6 năm ngoái, rất nhiều đại biểu của Quốc Hội Việt Nam tỏ ra hết sức bất bình về kết quả sử dụng các nguồn vốn vay qua việc bán trái phiếu.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn từ 2006-2012, nhà cầm quyền Hà Nội được phép phát hành trái phiếu để vay của dân chúng 410 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, CSVN đã bán ra lượng trái phiếu lên tới 685 ngàn tỷ đồng, tăng khoảng 67% so với dự kiến.
Tiền thu được từ việc bán trái phiếu là tiền mà chế độ Hà Nội nợ dân và sẽ phải dùng ngân sách – cũng là tiền của dân – để trả lại. Song thực tế cho thấy, CSVN đã dùng nguồn tiền khổng lồ này theo kiểu “vứt qua cửa sổ.”
Có thể vì xem tiền thu được nhờ bán trái phiếu là “tiền chùa” nên theo Kiểm Toán Nhà Nước, tại nhiều công trình đã xảy ra hiện tượng “dễ dãi” tới mức khó hiểu: Lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực, điều chỉnh giá trên hợp đồng không đúng quy định, nhà thầu làm ít nhưng chủ đầu tư xác nhận nhiều.
Kiểm Toán Nhà Nước cảnh báo, có nhiều công trình được điều chỉnh nhiều lần khiến chi phí đầu tư tăng vọt gấp vài lần so với dự kiến ban đầu. Tuy nhiên Kiểm Toán Nhà Nước chỉ nêu ra hàng loạt cảnh báo về các biểu hiện “bất bình thường” rồi thôi.
Theo ông Lê Nam, đại biểu của Thanh Hóa chuyện bán trái phiếu ồ ạt, sử dụng phí phạm là một trong những nguyên nhân dẫn tới lạm phát khiến dân chúng, cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ khốn đốn.
Ðáng ngạc nhiên là những thắc mắc, chất vấn, những lời kêu gọi của một số đại biểu Quốc Hội ở diễn đàn Quốc Hội Việt Nam đã không được lãnh đạo CSVN hồi đáp. Chúng giống như những tiếng kêu trong sa mạc. Trường hợp đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình là bằng chứng mới nhất, hay công trình xây dựng đường cao tốc Sài Gòn-Trung Lương, công trình mở rộng và hoàn thiện đường Láng – Hòa Lạc, công trình xây dựng quốc lộ 48-2 đoạn Yên Lý- Nghĩa Thuận. Những công trình này dù ngốn hàng ngàn tỉ đồng nhưng vừa làm xong đã hư hỏng.