Trung quốc “mắng” Việt Nam cho “thổi phồng” vụ HD-981
Theo báo chí VN, trong cuộc hội đàm của cái gọi là Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác song phương Trung-Việt diễn ra tại Hà Nội sáng 18.06.2014, Bộ trưởng Ngoại giao VN Phạm Bình Minh đã khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng việc giữ gìn và tăng cường phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện với Trung Quốc; và đồng thời khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác định theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982. Đồng thời yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam…
Còn theo Tân Hoa Xã thì tại cuộc hội đàm này, Dương Khiết Trì đã mắng mõ các quan chức Việt Nam đã liên tiếp cho “thổi phồng lên” vụ tranh cãi quanh giàn khoan HD-981 trên biển Đông và đòi Hà Nội ngừng ngay việc “thổi phồng” này.
Dương Khiết Trì nói rằng đến VN theo chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương đảng Công sản Trung quốc để gọi là thảo luận thẳng thắn và sâu rộng với đồng chí Phạm Bình Minh.
Dương Khiết Trì vẫn miệng lưỡi rằng mối quan hệ Trung Quốc và Việt Nam đang phải đối mặt khó khăn tại thời điểm này bởi vì trong hơn một tháng, Việt Nam đã liên tục quấy rối bất hợp pháp hoạt động giàn khoan của Trung Quốc ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa. Họ Dương vẫn ngang nhiên nhấn mạnh rằng quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc và rằng không có tranh chấp về việc này.
Tân Hoa Xã viết thêm rằng, Dương Khiết Trì chỉ rõ, đối với vấn đề trên biển hiện nay, hai bên cần phải xuất phát từ đại cục gìn giữ quan hệ giữa hai Đảng và hai nước, tránh mở rộng, làm phức tạp và quốc tế hoá vấn đề liên quan. Việt Nam cần phải đình chỉ quấy nhiễu đối với sự tác nghiệp của Trung Quốc, đình chỉ thổi phồng bất đồng, gây ra tranh chấp mới, xử lý và khắc phục tốt hậu quả vụ bạo lực đánh đập, cướp bóc và thiêu đốt xảy ra tại Việt Nam cách đây không lâu, đồng thời bảo đảm an toàn cho các cơ quan, doanh nghiệp và nhân viên Trung Quốc tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao VN Phạm Bình Minh cho biết, Việt Nam sẵn sàng tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa Lãnh đạo hai nước về xử lý thoả đáng các vấn đề nhạy cảm trong quan hệ hai nước, tránh để cho các vấn đề này quấy nhiễu toàn cục của quan hệ hai Đảng và hai nước, sẵn sàng tiếp tục duy trì sự trao đổi mật thiết với Trung Quốc về tình hình trên biển hiện nay,…
Theo đánh giá của dư luận thì hai bên không đạt được đột phá. Trung quốc vẫn không lùi bước trong âm mưu độc chiếm biển Đông.
Trung Quốc đưa giàn khoan dầu thứ hai xuống Biển Đông
Quyết định này lại được loan báo vào lúc quan chức hai nước xác nhận rằng đàm phán về vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan thứ nhất HD-981 không đạt được tiến bộ nào.
Trong một thông báo đăng trên trang web của mình, được hãng tin Mỹ AP đọc thấy vào hôm nay, 19/06/2014, Cục Hải sự Trung Quốc đã cho biết là họ đang di chuyển một giàn khoan dầu thứ hai đến gần bờ biển Việt Nam.
Theo thông báo này, giàn khoan mang tên Nan Hai Jiu Hao – trước đây gọi là Nam Hải 9 – đang được kéo xuống vùng biển phía Đông Nam. Thông báo cho biết giàn khoan dài 600 mét này sẽ đến vị trí quy định vào ngày thứ Sáu 20/06, và yêu cầu tàu thuyền trong khu vực dãn ra để nhường chỗ cho giàn khoan này.
Báo chí Việt Nam cũng đã nêu bật tin trên và cho biết thêm chi tiết là giàn khoan Nam Hải số 9 được kéo từ phía Nam đảo Hải Nam, tiến về hướng Tây Nam, đến gần phía giàn khoan Hải Dương-981 vốn đang được hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam. Hiện chưa rõ giàn khoan này sẽ nằm trên Biển Đông trong bao lâu.
Nếu HD-981 là giàn khoan thuộc sở hữu của Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc CNOOC, thì Nam Hải 9 là một giàn khoan đã được CNOOC bán lại cho Công ty dịch vụ mỏ dầu Trung Hải (COSL).
Việc đưa giàn khoan thứ hai xuống Biển Đông, là một hành động khiêu khích mới của Trung Quốc đối với Việt Nam.
Bắc Kinh hợp pháp hóa chủ quyền các đảo có tranh chấp ở Biển Đông
Trong khi thái độ nhu nhược của nhà cầm quyền CSVN đối với những hành động của Trung cộng lấn chiếm biển đảo của VN, thì Bắc Kinh tiến xa thêm một bước trong việc đơn phương khẳng định chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ đang có tranh chấp.
Hôm 18.6.2014, Tờ Economic Observer có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết chính quyền Trung Quốc sẽ áp dụng chính sách mới cho phép dân chúng Hoa lục có quyền sở hữu đất đai tại các đảo đang tranh chấp trên biển Đông, trong đó có hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam mà nước này đã dùng vũ lực chiếm trước đây.
Đặc biệt là theo quy định mới về việc đăng ký quyền sở hữu đất đai của Trung Quốc, khái niệm « bất động sản » bao gồm « đất đai, biển, nhà cửa và các công trình xây dựng, kết cấu khác tại đó, rừng, cây và những vật cố định khác ».
Những ai đăng ký quyền sở hữu bất động sản trên biển lần đầu tiên, thì phải nộp bản đồ phân định ranh giới trên biển, tài liệu chấp thuận dự án, cũng như các hợp đồng liên quan, giấy phép và các xác nhận khác.
Nguồn tin trên cũng khẳng định là Tam Sa, một thành phố mà Trung Quốc mới thành lập năm 2012, thuộc tỉnh Hải Nam, nằm trong hệ thống quản lý đăng ký quyền sở hữu đất đai. Theo phân cấp của Bắc Kinh, Tam Sa quản lý nhiều quần đảo và bãi đá ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa), Trường Sa (tức Nam Sa theo Bắc Kinh) và quần đảo Macclesfield (Trung Quốc gọi là Trung Sa).
Quyết định của Trung Quốc đưa các vùng biển và quần đảo đang có tranh chấp ở Biển Đông vào hệ thống quản lý đăng ký quyền sở hữu bất động sản càng làm gia tăng mối lo ngại trước thái độ hung hăng và quyết đoán của Bắc Kinh, nhằm thực hiện chiến lược bành trướng lãnh thổ.
TQ lại vừa xác nhận thêm bãi McKennan (nằm trong quần đảo Trường Sa) là thuộc chủ quyền của họ. Philppine đã lên tiếng phản đối ngay hành động trên của TQ trước Liên Hiệp Quốc.
Trước đó vào ngày 14.06.2014, chính quyền cái gọi là “thành phố Tam Sa” (tỉnh Hải Nam, TQ) đã động thổ dự án xây dựng trường học và các công trình đồng bộ liên quan trên đảo “Vĩnh Hưng”, tức đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN.
Rõ ràng các hành vi xâm lược của TQ trên Biển Đông ngày càng lộ liễu và ngang ngược.
500 tấn hóa chất chứa trong rạch Lê Minh Xuân đe doạ môi trường
Rạch Lê Minh Xuân tại huyện Bình Chánh, Sài Gòn đang chứa 500 tấn hoá chất độc hại sau vụ cháy nổ kho chứa của một công ty, làm hoá chất tràn hết xuống kênh. Đó là chưa kể chất thải của 300 nhà máy, hãng xưởng trong vùng cũng đồng loạt được “đấu nối” chảy vào.
Theo VTC News, sự độc hại của con kênh mỗi lúc một lan rộng, đe doạ gây ô nhiễm cho 2.000 ha đất trồng trọt. Báo này nói rằng, khi cơn mưa lớn trút xuống, nước có acid từ con kênh tràn ra sẽ đốt cháy các cánh đồng lúa ở hai bên.
Hệ thống thuỷ lợi bao gồm kênh rạch Lê Minh Xuân và các nhánh kênh phụ, trước đây cung cấp nước tưới tiêu cho các cánh đồng lúa khu vực Bình Chánh, Củ Chi, Tây Ninh thường xuyên khô hạn.
Từ khi khu chế xuất – khu công nghiệp Hepza hình thành tại huyện Bình Chánh, kênh Lê Minh Xuân không còn được coi là nguồn nước sạch cung cấp cho đất nông nghiệp trong vùng. Vụ cháy nổ kho chứa hoá chất làm 500 tấn acid chảy tràn vào kênh làm vỡ tràn thảm hoạ vì ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Mặc dù đã được cảnh cáo từ 3 năm trước, các đơn vị chức năng hầu như không hề ngó ngàng, bất chấp lời kêu cứu thảm thiết của người dân.