Trung Quốc bác bỏ tố cáo của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế
Hôm 14.06.2014, tại Hội nghị Các nước thành viên Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển ở New York, trưởng phái đoàn Bắc Kinh nhấn mạnh những tố cáo của Việt Nam là ‘vô căn cứ’ và rằng Bắc Kinh có ‘chủ quyền hoàn toàn’ tại quần đảo Hoàng Sa.
Phó đại diện thường trực Trung Quốc tại Liên hiệp quốc, Vương Dân, nói sự “dối trá” của Việt Nam không thể che dấu được sự thật và việc thổi phồng sự thật không thể hợp pháp hóa cách hành xử bất hợp pháp.
Vương Dân tố cáo ngựợc lại rằng Việt Nam quấy nhiễu hoạt động bình thường của giàn khoan 981 trong vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa cũng như cho phép các cuộc biểu tình bạo động chống Trung Quốc diễn ra nhắm mục tiêu vào công dân, doanh nghiệp Trung Quốc khiến 4 người Trung Quốc thiệt mạng và 300 người khác bị thương.
Đại diện của Trung Quốc cũng phủ nhận sự tranh chấp vì, theo lời Vương Dân, trước 1974 Việt Nam đã công khai thừa nhận Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc.
Vương Dân tuyên bố tại diễn đàn này rằng ‘nếu Việt Nam quay ngược lại với chính những tuyên bố của họ thì làm sao thu phục được lòng tin của cộng đồng quốc tế? Không ai có thể tin vào những lời hứa hẹn của Việt Nam.’ Và yêu cầu Việt Nam tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc và ngừng ngay các hành động ‘gây rối’ để xoa dịu căng thẳng.
Một diễn biến khác trong phiên bế mạc cuộc họp Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước đang phát triển (G77) tại thành phố Santa Cruz, thuộc nước Bolivia, Nam Mỹ, đại diện thường trực của Việt Nam ở Liên hiệp quốc, đại sứ Lê Hoài Trung, tố cáo việc Trung Quốc vận hành giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và gửi tàu chiến tới xua đuổi tàu Việt Nam là xâm phạm chủ quyền Việt Nam.
Lạp Dực Phàm, Phó Vụ trưởng Vụ các Tổ chức và Hội nghị Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói tất cả các chính phủ Việt Nam trước năm 1974 đã chính thức thừa nhận Hoàng Sa là một phần của lãnh thổ Trung Quốc từ ngàn xưa. Lạp Dự Phàm chỉ trích việc đại sứ Việt Nam nêu vấn đề tại thượng đỉnh G77+Trung Quốc là ‘không thích hợp’.
Những tuyên bố của Trung Quốc kịch liệt phản pháo Việt Nam trước công luận quốc tế được đưa ra giữa lúc có tin Việt-Trung chuẩn bị đối thoại cấp cao trong tuần này giửa Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc phụ trách đối ngoại và Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng Việt Nam.
Dư luận cho rằng nhân Dương Khiết Trì sang VN, nhà cầm quyền CSVN nên để người dân biểu tình để nói lên ý chí bảo vệ biển đảo của người dân VN. Đồng thời nghi ngờ sau chuyến đối thoại cấp cao Việt – Trung sắp tới thì những màn tố cáo của Hà Nội trước công luận thế giới và hăm he đòi đưa Bắc Kinh ra tòa quốc tế trong thời gian qua sẽ bị hóa giải, mà phần thiệt hại nghiêng về phía VN.
Thủy điện gây hạn hán nghiêm trọng ở miền Trung và Tây Nguyên
Theo Ðài Khí Tượng Thủy Văn khu vực Trung Trung Bộ, từ tháng 12 năm ngoái đến nay, lượng mưa tại Quảng Nam và Ðà Nẵng chỉ đạt từ 60% đến 70% so với mức trung bình của nhiều năm. Vào lúc này, dung tích ở các hồ chứa nước lớn chỉ còn từ 20% đến 70% mức trung bình. Các hồ chứa nước nhỏ thì đã cạn nước từ tháng 3.
Nhiều khu vực ở Tây Nguyên cũng đang trong tình trạng tương tự như Quảng Nam và Ðà Nẵng. Tuy mưa ít song lý do chính khiến hạn hán ở Quảng Nam, Ðà Nẵng và khu vực Tây Nguyên trở thành nghiêm trọng là vì các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn chỉ tích nước để chạy máy phát điện, không chịu xả nước cứu hạn.
Ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Quảng Nam, nhận định, chưa bao giờ các hồ chứa ở Quảng Nam thiếu nước như hiện nay. viên giám đốc Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Quảng Nam, nói thêm, 15.000 héc ta lúa và 10.000 héc ta hoa màu vụ Hè Thu của nông dân sống dọc sông Vu Gia-Thu Bồn đang trông cậy vào nguồn nước mà thủy điện xả ra. Nếu các nhà máy thủy điện chỉ tích nước chứ không xả như vừa qua thì các dòng sông sẽ trơ đáy.
Trong vài tháng qua, chính quyền các tỉnh Quảng Nam, Ðà Nẵng liên tục yêu cầu Bộ Tài Nguyên -Môi Trường can thiệp, yêu cầu các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn xả nước. Bộ này vừa xác lập một quy trình liên quan tới quản lý nguồn nước trong khu vực mà theo đó, các nhà máy thủy điện vẫn có thể tích nước để chạy máy phát điện, nếu mực nước tại Trạm Thủy văn Ái Nghĩa từ 2.53 mét trở lên.
Cũng vì vậy, chính quyền các tỉnh Quảng Nam, Ðà Nẵng đã chỉ trích kịch liệt Bộ Tài Nguyên-Môi Trường.
Ông Huỳnh Vạn Thắng, phó giám đốc Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Ðà Nẵng, tuyên bố, Bộ Tài Nguyên-Môi Trường đã đặt lợi ích của thủy điện lên hàng đầu và bỏ qua lợi ích của hàng ngàn gia đình vùng hạ du. Ðà Nẵng đã lên tiếng nhiều lần nhưng “Bộ Tài Nguyên-Môi Trường đã không tiếp thu một cách cầu thị.”
Doanh nghiệp xả thải chui, dân lãnh đủ
Khu nhà xưởng của Công ty TNHH Phương Anh, Cty tái chế phế phẩm kim loại, nhựa cạnh khu vực Bến Dốc, bên bờ sông Nhuệ tại xã Hữu Hòa, H. Thanh Trì – Hà Nội từ nhiều năm qua thường xuyên xả thải chui vào ban đêm gây khói bụi mù mịt như sương mù bao phủ khu dân cư, mùi nhựa khét lẹt, nồng nặc bay tứ tung.
Việc xả thải chui này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hơn 10.000 ngàn hộ dân với trên 30.000 nhân khẩu tại khu chung cư tầng cao Sông Nhuệ, khu CT6 A, B, C, D Mường Thanh, khu tập thể bê tông, khu dân phố số 6, khu trại giam số 3…thuộc phường Kiến Hưng.
Quan sát bên cạnh nhà trưởng là dòng nước đen ngòm, sánh lại, cây trồng xung quanh bị trụi lá.
Cư dân tại đây cho biết mỗi khi công ty Phương Anh xả thải thì người dân ở đây phải sơ tán đi nơi khác ngay hoặc lên phòng đóng kín cửa tìm mọi cách bịt kín các cánh cửa để mùi không bay vào nhà. Người dân ai cũng phải đeo khẩu trang, hàng quán, hoạt động buôn bán tạm ngừng hết.
Anh Lại Đức Long (Phường Kiến Hưng) có nhà đối diện với khu nhà xưởng này nên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Để đối phó nhà anh Long phải thiết kế cửa kính kín, cửa nhà cả năm không mở một lần, các kẽ hở trong nhà được bịt kín bằng băng dán.
Anh Long bức xúc cho biết: “Làm nhà mấy năm nay rồi mà chưa một lần dám mở cửa ra, người lớn, trẻ em mắc bệnh tật hô hấp rất nhiều. Tất cả là do khu nhà xưởng này xả thải”.
Người dân ở đây đã nhiều lần làm đơn kêu cứu lên cơ quan có thẩm quyền và mặc dù các cơ quan chức năng đều cho biết đã làm đúng nhiệm vụ, quyền hạn nhưng cả chục năm nay tình trạng trên vẫn ì ra đó.