Thưa quý thính giả, trước tình hình đất nước đang có nhiều biến chuyển. Người dân VN đã bắt đầu vượt qua sợ hãi để đóng góp vào sự đổi thay tích cực cho đất nước. Các phong trào xã hội dân sự là một trong những môi trường có thể quy tụ được đám đông. Ngày hôm nay chúng tôi sẽ dành một buổi nói chuyện với nhà văn Trần Trung Đạo, anh cũng là người đóng góp tích cực vào nỗ lực xây dựng các phong trào trẻ tại hải ngoại từ đầu thập niên 90 đến nay. Mời quý vị nghe buổi phỏng vấn được thực hiện với phóng viên Mai Hương.
***
Mai Hương: Thưa anh Trần Trung Đạo, được biết anh vừa đến Washington DC để tham dự Ngày Nhân Quyền 10 tháng 5 tại Quốc Hội Hoa Kỳ và trình bày về đề tài Phong Trào Xã Hội tại Việt Nam, khó khăn và triển vọng trong buổi tiếp tân cùng ngày. Theo Mai Hương biết, đây là một khái niệm xã hội học có một lịch sử lâu dài nhưng trong điều kiện Việt Nam còn tương đối mới và còn đang được thảo luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn cũng như các phương tiện truyền thông trong cũng như ngoài nước. Trước khi hỏi ý kiến anh về các cuộc biểu tình chống Trung Cộng vừa qua. Xin anh cho biết một cách tóm tắt về khái niệm Phong Trào Xã Hội nói chung cũng như sự hình thành và phát triển của Phong Trào Xã Hội tại Việt Nam nói riêng?
Trần Trung Đạo: Trước khi bàn về Phong Trào Xã Hội, có lẽ chúng ta nên bàn về khái niệm Xã Hội Dân Sự vì đó là nền tảng để các phong trào xã hội được sinh ra và phát triển. Theo định nghĩ của Michael Edwards, xã hội dân sự “Một phần của xã hội bao gồm các tổ chức và hội đoàn tự nguyện nhằm cung cấp cho dân chúng cơ hội hoạt động tập thể và môi trường phát triển những giá trị và kỹ năng công dân” cũng như đó là “một không gian bao gồm các cuộc tranh cãi và nghị luận, nơi công dân có thể phát biểu những quan điểm dị biệt và thương thảo để đạt được sự đồng thuận.”
Về mặt quốc tế, Phong trào xã hội ở Âu Châu đã có từ cuối thế kỷ 18, dẫn đến cuộc cách mạng Pháp 1789. Từ sau Thế Chiến II, các phong trào đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ, bảo vệ hòa bình, nhân quyền, dân quyền, dân chủ, môi sinh. Phong trào chống toàn cầu hóa, WTO, World Bank, từ 1990. Sự ra đời và lớn mạnh của các tổ chức phi chính phủ (NGO).
Phong trào xã hội là một hình thức hoạt động tập thể có tổ chức của nhiều cá nhân hay nhóm cùng chia sẻ một số giá trị hay niềm tin nhất định. Phong trào là môi trường tiếp cận để xây dựng một tổ chức chung và có định hướng lâu dài. Có rất nhiều dạng Phong Trào Xã Hội tùy theo phân tích như dạng dựa theo phạm vi hoạt động (thế giới, quốc tế, quốc gia, địa phương), dựa theo mục tiêu, dựa theo phương pháp. Một đặc điểm quan trọng của Phong Trào Xã Hội là thời gian tính. Vì bị chi phối bởi mục đích, không có phong trào nào có thể tồn tại vĩnh viễn. Các phong trào ra đời, hoạt động và dù thành công hay thất bại cũng dẫn tới điểm chấm dứt. Phong trào nối kết bằng tình cảm và sự tin cậy cá nhân hơn là đảng tính và là môi trường tiếp cận để xây dựng một tổ chức chung và có định hướng lâu dài.
Mai Hương: Một trong những sự kiện đang được quan tâm nhiều nhất là việc giàn khoan Hải Dương 981 đang hoạt động trong vùng lục địa Việt Nam. Hành động ngang ngược đó đã thúc đẩy các phong trào xã hội phát động cuộc biểu tình ồ ạt tại khắp nơi. Ngoài ra tại hải ngoại gần như các thành phố lớn đều có biểu tình vừa để tố cáo Trung Cộng và cũng yểm trợ tinh thần cho đồng bào trong nước. Xin anh cho biết cảm tưởng chung về chiến dịch này ?
Trần Trung Đạo: Cuộc biểu tình trong mấy ngày qua cho thấy sức mạnh tổng hợp đã thể hiện trên một phạm vi hết sức rộng lớn. Nhiều thành phần trước đây chưa tham gia hay còn do dự nay cũng đã tham gia. Nhiều thành phố trước đây không có biểu tình nay đã tự động phát động các cuộc biểu tình. Điều đó cho thấy yếu tố duy nhất còn lại là sức mạnh tổng hợp của các thành phần dân tộc. Chính các thành phần dân tộc Việt Nam trong và ngoài nước là lực duy nhất nằm ngoài sự kiểm soát của đảng Cộng Sản và cũng là lực duy nhất có khả năng đưa Việt Nam ra khỏi bờ vực chiến tranh và đưa đất nước tới một tương lai sáng lạng cho con cháu mai sau. Các thành phần dân tộc không chỉ là những người đang công khai chống đảng, những người đứng ngoài cơ chế lãnh đạo, những người không Cộng Sản nhưng là bất cứ ai nhận thức được manh tâm của chủ nghĩa bành trướng Trung Cộng, bản chất sai lầm trong cơ chế độc tài đang thống trị Việt Nam và chọn lựa dứt khoát đứng về phía dân tộc. Thấy được con đường dân tộc phải đi và dâng hiến tình yêu cho đất nước không bao giờ quá trễ. Không ai chiêu hồi ai. Không ai tha tội ai. Không ai sách động ai. Hành trang là tinh thần độc lập, tự chủ của tổ tiên giòng giống Việt. Chọn lựa của thời đại không chỉ là chọn lựa giữa dân chủ hay độc tài nhưng quan trọng hơn thế nữa, là mất hay còn, tồn tại hay diệt vong của một dân tộc.
Mai Hương: Trong bài viết mới nhất về xung đột biển Đông, anh cho rằng Trung Cộng không đáng phải sợ. Anh có thể tóm tắt lý luận của anh tại sao một cường quốc kinh tế như Trung Cộng lại không đáng sợ?
Trần Trung Đạo: Vâng. Trung Cộng không đáng sợ vì các lý do sau:
1. Hoàn cảnh chính trị Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung đã khác hẳn so với 35 năm trước. Chiến tranh giữa Trung Cộng và Việt Nam không còn là chiến tranh giữa hai nước mà là cuộc chiến tranh vùng và có khả năng cao lôi kéo cả Mỹ và Nhật vào. Kỹ thuật quân sự của Trung Cộng đã tiến khá xa so với thời kỳ chiến tranh với Việt Nam 1979 nhưng còn quá yếu so với Mỹ.
2. Các điều kiện kinh tế toàn cầu ngày nay đã làm cho các cường quốc phụ thuộc vào nhau nhiều hơn so với 35 năm trước. Nếu có xung đột quân sự, các quốc gia dân chủ dù thắng hay bại vẫn có cơ hội phục hồi nhưng Trung Cộng sẽ tiêu vong. Hơn ai hết, giới lãnh đạo Trung Cộng biết chế độ CS như người đi trên dây, ngồi trên lưỡi dao cạo. Sự ổn định tại Trung Cộng hiện nay chỉ là sự ổn định tạm thời vì cơ chế chính trị được xây dựng trên một nền tảng bất ổn.
3. Trung Cộng một đất nước hơn một tỉ dân, với hàng trăm chủng tộc, sắc dân, giọng nói, các khu tự trị. Nhiều vùng tự trị chỉ chờ cơ hội để đòi độc lập. Quân đội dù có đông đảo và tàn bạo bao nhiêu cũng không thể ngăn chận hơn một tỉ người cùng có một phản ứng tiêu cực giống nhau. Các cuộc biểu tình ở Tân Cương cho thấy không nhất thiết phải có một tổ chức quy mô nhưng chỉ cần một tin ngắn được phát ra đúng lúc và đúng chỗ cũng có thể tạo nên một biến cố lớn và khi đó, bom nguyên tử, hỏa tiễn, chiến hạm đều trở thành vô dụng.
4. Trung Cộng đang bị bao vây. Hầu hết các quốc gia dân chủ trong vùng từ Ấn Độ đến Nhật Bản, Đài Loan, Nam Hàn, Thái Lan, tuy mức độ khác nhau nhưng đều là các quốc gia đang có những mâu thuẫn căn bản với Trung Cộng, không những về quyền lợi kinh tế mà cả chế độ chính trị. Vì lý do kinh tế, họ có thể hòa hoãn hay ngay cả thân thiện với Trung Cộng nhưng khi chiến tranh bùng nổ, không một quốc gia nào sẽ chọn đứng về phía Trung Cộng. Tuy phụ thuộc nhau vào nhau về mặt kinh tế không có nghĩa là các chính quyền Mỹ không xem Trung Cộng là đối thủ nguy hiểm trong tương lai gần và không có nghĩa Mỹ ngồi yên để nhìn bàn tay tham vọng của Trung Cộng vươn xa toàn thế giới.
5. Chính sách của Trung Cộng đối với CSVN là vừa lấn chiếm, vừa đe dọa nhưng cũng vừa bảo vệ cơ chế CS. Mặc dù không công khai tuyên bố, giới lãnh đạo CSTQ cũng biết hiện nay chỉ còn năm quốc gia theo một loại chủ nghĩa mà giáo sư sử học Roderick Macfarquhar, thuộc đại học Harvard, gọi là chủ nghĩa Lê Nin không có Mác, tức một nhà nước chuyên chính sắc máu nhưng không còn dựa trên nền tảng triết lý duy vật. Hai cơ chế chính trị CSTQ và CSVN có một mối quan hệ hữu cơ mật thiết với các yếu tố tương quan và phụ thuộc vào nhau. S
Mai Hương: Trong phần trên anh cho rằng Trung Cộng có nhiều thế yếu và lo sợ chiến tranh vì chiến tranh có thể dẫn đến sự sụp đổ của toàn bộ cơ chế chính trị CS nhưng các diễn biến hiện nay cho thấy Trung Cộng rất ngang ngược và hiếu chiến. Như vậy, lý luận anh trình bày có mâu thuẫn với thực tế đang diễn ra tại biển Đông không anh?
Trần Trung Đạo: Tôi nghĩ là không có mâu thuẫn. Trước hết cần xác định Trung Cộng thật sự muốn gì ở Việt Nam. Mặc dù có những thay đổi chiến thuật trong từng thời kỳ, về căn bản, mục tiêu của chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc từ khi bắt đầu can dự vào cuộc chiến Việt Nam đến nay vẫn không thay đổi. Trung Quốc muốn Việt Nam: (1) Hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Quốc về chế độ chính trị. (2) Một phần không thể tách rời trong toàn bộ chiến lược an ninh châu Á của Trung Quốc. (3) Từng mảnh nhỏ cho đến khi độc chiếm toàn bộ các quyền lợi kinh tế vùng biển Đông bao gồm cả các vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa đang tranh chấp.
Nhưng để thực hiện các mục đích đó, Trung Cộng không thể phát động chiến tranh theo kiểu họ đã làm trong chiến tranh biên giới năm 1979 nhưng theo đuổi chính sách đối ngoại như cách loài chuột đồng tàn phá mùa màng. Chúng tàn phá cả cánh đồng Việt Nam bằng cách gặm nhấm từng bụi lúa. Như đã và đang áp dụng ngay từ khi chiến tranh Việt Nam chưa chấm dứt qua các sự kiện dời cột mốc biên giới, Trung Cộng từ từ gặm nhắm dần mòn lãnh thổ và lành hải Việt Nam. Một mặt chúng lớn tiếng với quốc tế là luôn theo đuổi chính sách “hòa bình” và “ổn định” nhưng mặt khác lấn chiếm từng thước đất, từng bãi san hô, từng hòn đảo nhỏ trên biển Đông, đặt những giàn khoan trong thềm lục địa Việt Nam. Những hành vi ăn cắp vặt này không đủ va chạm quyền lợi nặng đến mức các cường quốc phải đặt vấn đề và các biến cố do chúng gây ra không đủ tác hại an ninh khu vực đến mức quốc tế phải quan tâm. Trung Cộng làm vậy, một phần vì chúng đi guốc trong bụng các lãnh đạo CSVN. Ngoài các tuyên ngôn, tuyên cáo mang nội dung giống hệt từ sau chiến tranh biên giới đến nay, lãnh đạo CSVN không có một hành động nào cụ thể để bảo vệ lãnh thổ Việt Nam. Những lời phản đối rỗng của Lê Hải Bình không gây một tác hại gì và mũi khoan của HD-981 vẫn tiếp tục ghim sâu vào lòng biển Việt Nam. Các thế hệ lãnh đạo CSVN che giấu sự phụ thuộc, sự sợ hãi chiến tranh với Trung Cộng, tham vọng quyền lực và quyền lợi trong khẩu hiệu “hòa bình và ổn định” mà quên một điều Trung Cộng ngại chiến tranh hơn bất cứ một quốc gia nào trong vùng.