Các tổ chức, nhân sĩ kêu gọi Biểu Tình Yêu Nước Chống Trung Quốc Xâm Lăng Trên Biển Đông
Như đã loan báo, vào ngày 2/5/2014 Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan HD-981 và một lượng lớn tàu các loại, kể cả tàu quân sự, vào xâm chiếm và hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trung Quốc còn tuyên bố cấm tàu bè xâm nhập vùng biển bán kính 1 hải lý xung quanh giàn khoan HD-981 từ ngày 4/5 đến ngày 15/8/2014. Và trong ngày 3 và 4 tháng 5 tàu Trung Quốc với sự yểm trợ của máy bay đã tấn công các tàu ngư chính và cảnh sát biển Việt Nam đang làm nhiệm vụ.
Hành động này đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Đây là một hành vi xâm lược và chiếm đóng lãnh hải Việt Nam.
Trước làn sóng phẫn nộ của người dân cả nước và các dự tính xuống đường phản đối Trung Quốc xâm lược sắp tới, công an một mặt phá các trang mạng lề trái, bắt các chủ trang mạng lớn như anh Ba Sàm, và nay lại bắt đầu bạo hành các nhà dân chủ, qua sự việc cho côn đồ tấn công luật sư Nguyễn Văn Đài cùng 4 bloggers khác.
Trước tình hình đó, tất cả những người dân Việt Nam quan tâm đến vận mệnh của đất nước đều phẫn nộ và cực lực lên án hành động ngang ngược của nhà cầm quyền Trung Quốc ; đòi hỏi một thái độ ứng xử quyết liệt từ phía Nhà nước, chấm dứt tình trạng chỉ đưa ra những lời tuyên bố ngoại giao nhưng sau đó lãnh hải, lãnh thổ vẫn tiếp tục bị xâm chiếm.
Từ ngày 7/05 khoảng 20 hội, nhóm dân sự độc lập ở Việt Nam cùng đứng tên, đồng kêu gọi đồng bào tham gia tiến hành một cuộc biểu tình vào ngày chủ nhật, 11/5/2014, tại Hà Nội và Sài Gòn, với mục tiêu:
1. Phản đối và lên án hành vi xâm lược của nhà cầm quyền Trung Quốc;
2. Yêu cầu nhà nước Việt Nam có những những biện pháp thích hợp, hữu hiệu, cùng với sức mạnh toàn dân để thực sự chấm dứt tình trạng Trung quốc xâm chiếm lãnh hải của Việt Nam ngay lập tức;
3. Tranh đấu đòi tự do cho blogger Anh Ba Sàm, cho những công dân đang bị bỏ tù vì bày tỏ lòng yêu nước, phản đối Trung Quốc xâm lược : Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải, Bùi Thị Minh Hằng, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Xuân Nghĩa, Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình, Đinh Nguyên Kha.
Thời gian : 9 giờ sáng chủ nhật, 11/5/2014. Địa điểm :
• Tại Hà Nội: Đại sứ quán Trung Quốc, số 46 đường Hoàng Diệu, quận Ba Đình.
• Tại Sài Gòn: Nhà Văn Hoá Thanh Niên, Số 4 Phạm Ngọc Thạch.
Hàng Trăm Ngư Dân Đảo Lý Sơn Biểu Tình Phản Đối TQ
Tại đảo Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi, nơi cách giàn khoan dầu mà TQ áp đặt chỉ 119 hải lý, hàng trăm ngư dân đã họp mặt và mạnh mẽ phản đối hành động “hung hăng, gây hấn” này của phía TQ. Lên tiếng tại nơi mít-tinh – ở Nhà Văn Hóa huyện, thuyền trưởng Nguyễn Văn Lộc cáo giác việc TQ “ngang ngược” cấm biển từ trước đến nay, hành hung, xua đuổi ngư dân VN, và giờ lại đặt giàn khoan “ngay trên đường ra khơi của ngư dân”. Đại diện ngư dân là ông Lê Quốc Chính yêu cầu Bắc Kinh ngưng ngay lập tức hành động của họ và rút giàn khoan, lực lượng hộ tống khỏi lãnh hải VN.
Hàng trăm ngư dân huyện đảo Lý Sơn, hòn đảo được xem là tiền đồn Hoàng Sa, đã họp mặt sáng ngày 9/5, phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép, hung hăng gây hấn các lực lượng chức năng Việt Nam ở Hoàng Sa. Ngay từ sáng sớm, hàng trăm ngư dân, thuyền trưởng và người dân khác đã tập trung về nhà văn hóa huyện để gặp mặt, nghe ông Lê Quốc Chinh – Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải nói lời phát động.
Ngay sau buổi gặp gỡ nghe lời hiệu triệu, ngư dân Lý Sơn đã cùng nhau đến tượng đài Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải thắp hương dưới bóng tiền nhân.
Ngoài ra cũng bức xúc trước việc nhà cầm quyền Bắc Kinh, đứng đầu là Tập Cận Bình đã điều giàn khoan khổng lồ cắm sâu vào lòng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, nhiều người dân Hà Nội đã kéo đến Đại sứ quán Trung Quốc, 46 Hoàng Diệu, HN vào chiều ngày 9/05 để biểu tình phản đối.
Với thái độ cương quyết chống xâm lược, đoàn biểu tình đòi hỏi Trung Quốc phải rút giàn khoan phi pháp ra khỏi vùng biển Việt Nam. Đồng thời yêu cầu nhà nước Việt Nam phải có biện pháp mạnh mẽ thích đáng để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Việt Nam mất nhiều thị trường xuất khẩu gạo
Xuất khẩu gạo VN trong bốn tháng đầu năm nay giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái do nhiều thị trường truyền thống tại châu Phi và Malaysia đã rơi vào tay Thái Lan.
Đây là điều khá bất thường so với mọi năm. VN tiếp tục chịu sức ép lớn về tiêu thụ gạo từ nay đến cuối năm khi Indonesia chưa có dấu hiệu sẽ nhập khẩu, các thị trường còn lại tiếp tục bị gạo Thái cạnh tranh gay gắt.
Hiệp hội Lương thực VN (VFA) cho rằng do châu Phi là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của VN trong thời gian qua đã rơi vào tay Thái Lan.
Ngoài ra, Malaysia đã mua hầu hết gạo Thái Lan cho nhu cầu trong năm 2014, trong khi Indonesia chưa có nhu cầu nhập khẩu. Do quyết tâm xả hàng, người Thái bán gạo với mọi giá nên gạo VN không thể cạnh tranh được.
Hiện nay gần như xuất khẩu gạo VN phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc do mất thị phần ở các thị trường khác. Xu hướng giá gạo VN sắp tới sẽ phụ thuộc vào sự biến động giá đối với thị trường Trung Quốc, nhất là xuất khẩu qua biên giới nhưng có nhiều rủi ro.
Buôn bán với Trung Quốc có nhiều rủi ro về thanh toán, nếu hợp đồng sau được giá tốt hơn thì có nguy cơ họ sẽ hủy hợp đồng đã ký trước đó.
Quốc tế lên án Trung Quốc gây căng thẳng ở Biển Đông
Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu HD 981 trong vùng biển thuộc thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã được quốc tế quan tâm. Nhiều đại diện các quốc gia, cũng như các chuyên gia đã lên án hành động khiêu khích này của Trung.
Vào ngày 7/05 Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ, John McCain cho rằng các tàu của Trung Quốc bao vây và tông vào các tàu của Cảnh sát biển Việt Nam là hành vi hung hăng và hiếu chiến. Trung Quốc phải gánh chịu hoàn toàn trách nhiệm về hành động đơn phương hòng thay đổi nguyên trạng này.
Cùng ngày nhiều diễn giả và đại biểu trong buổi hội thảo về “Vai trò của Italy tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương” cũng lên án hành động cố tình gây căng thẳng, đe dọa an toàn hàng hải trong khu vực.
Singapore thì hối thúc hai bên tuân thủ đầy đủ Tuyên bố của các bên về ứng xử trên biển Đông. Singapore hy vọng các bên liên quan sẽ giải quyết xung đột một cách hòa bình theo luật quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc 1982 về luật biển (UNCLOS).
Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam, thuộc Học viện Quốc phòng Úc, Đại học New South Wales, nhận định : Trung Quốc đang trực tiếp thách thức chủ quyền của Việt Nam trong vùng Biển Đông, cũng như thách thức thẩm quyền của Việt Nam đối với các nguồn tài nguyên trong khu đặc quyền kinh tế của mình. Hành động đơn phương của Trung Quốc là một mối đe dọa nghiêm trọng, không chỉ cho Việt Nam, mà cả các quốc gia ven biển khác – Philippines, Malaysia và Indonesia.
Còn Tiến sĩ Peter Navarro, chuyên gia về Trung Quốc, giáo sư đại học University of California, Irvine, tác giả hai cuốn sách bán chạy “The Coming China Wars,” và “Death By China – Confronting the Dragon – A Global Call to Action” nhận định rằng Qua đường lưỡi bò chín đoạn, Trung Quốc đã từng tuyên bố và hành xử như thể toàn bộ Biển Đông là “ao nhà” của họ. Mỗi tấc đất biên cương, mỗi hải lý biển đảo nhường cho Trung Quốc là mất đi vĩnh viễn. Tất cả các nước trong vùng đều bị ảnh hưởng, đều là nạn nhân của chính sách xâm lược hung hăng của Trung Quốc.
Điều tồi tệ nhất là các nhà lãnh đạo và phương tiện truyền thông Trung Quốc luôn luôn đưa ra những tuyên truyền giả mạo rằng Trung Quốc là một quốc gia yêu chuộng hòa bình. Trên thực tế, Trung Quốc là một quốc gia chuyên hiếp đáp những nước yếu.