Nghị Viện Châu Âu Kêu Gọi Đặt Điều Kiện Nhân Quyền Trong Thỏa Thuận FTA EU-Việt Nam
Hôm 17/04/2014 Nghị viện Châu Âu đã thông qua Nghị quyết đề nghị Ủy ban Châu Âu đề cập tới các quan ngại nhân quyền khi thương lượng về Hiệp định Tự do Thương mại (FTA) giữa Châu Âu với Việt Nam.
Nghị quyết thúc giục Ủy ban Châu Âu tiến hành việc đánh giá về tác động nhân quyền theo các nguyên tắc hướng dẫn của một báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc.
Nghị quyết cũng yêu cầu việc đánh giá này phải được thực hiện bởi một cơ chế độc lập trước khi đúc kết đàm phán FTA với Hà Nội và phải tránh các tác động ngược của những chính sách thương mại-đầu tư đối với lĩnh vực nhân quyền.
Nghị quyết kêu gọi Ủy ban Châu Âu phải áp dụng phương thức đặt điều kiện ký kết Hiệp định FTA dựa trên các tiến bộ cụ thể từ Việt Nam trong việc cải thiện nhân quyền, đặc biệt về quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin, và tự do tôn giáo.
Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền FIDH, gồm 178 tổ chức phi chính phủ bảo vệ nhân quyền tại hơn 100 quốc gia trên thế giới, hoan nghênh Nghị quyết này là ‘một thắng lợi quan trọng’ trong nỗ lực tăng cường bảo vệ nhân quyền cho người dân tại Việt Nam.
Theo FIDH, Hiệp định FTA là cơ hội hữu ích và có thể là công cụ giúp cải thiện thành tích nhân quyền xuống dốc tại Việt Nam. FIDH khuyến nghị thỏa thuận tự do mậu dịch giữa Liên hiệp Châu Âu với Việt Nam cần đề ra các điều khoản ràng buộc rõ ràng buộc Hà Nội bảo vệ nhân quyền, có biện pháp chế tài các vi phạm, và tôn trọng sự quan sát của các tổ chức xã hội dân sự độc lập trong nước.
Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam, một thành viên trong Liên đoàn FIDH, nói Nghị quyết vừa được thông qua là một khuyến cáo rõ ràng với nhà cầm quyền Việt Nam về vai trò thiết yếu của nhân quyền trong tất cả mọi lĩnh vực, kể cả thương mại.
Đàm phán về thỏa thuận tự do thương mại Việt Nam-EU dự kiến kết thúc trước cuối năm nay. Đôi bên kỳ vọng đạt được một tuyên bố chung tại Hội nghị Thượng định Á-Âu (ASEM) vào tháng 10.
Ủy ban Châu Âu là cơ quan cao nhất ngành hành pháp của Liên hiệp Châu Âu chịu trách nhiệm về đề nghị lập pháp, thi hành các quyết định, duy trì các hiệp ước, và điều hành công việc chung của EU.
Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền FIDH nói Việt Nam là nhà tù lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á giam giữ tù nhân chính trị, với trên 200 người đang ngồi tù, nhiều người trong số này bị tuyên án vì các hoạt động cổ súy cho quyền lợi đất đai và bảo vệ môi trường hoặc phản đối các dự án phát triển tác động tiêu cực tới cộng đồng dân cư.
Tử vong vì sởi tại Việt Nam tăng lên 123 người
Số tử vong kỷ lục trong đợt bùng phát sởi tại Việt Nam tiếp tục gia tăng, với ít nhất 123 người thiệt mạng, tính từ tuần trước tới nay có thêm 15 ca tử vong mới được báo cáo. Theo giới hữu trách thì nguyên nhân do nhiều người chưa được tiêm vaccine phòng bệnh và điều kiện thời tiết thuận lợi cho virus sởi phát tán. Được biết nhiều phụ huynh e ngại cho con em tiêm phòng vaccine sau khi báo chí trong tháng này đưa tin có ít nhất 12 trẻ em bị thiệt mạng sau khi được chủng ngừa vaccine.
Theo thống kê, số ca mắc bệnh sởi đã lan tràn khắp 61 trên 63 tỉnh thành của Việt Nam, với 37% ca bệnh phát hiện tại Hà Nội. Tuy nhiên, giới chức Việt Nam vẫn chưa công bố dịch.
Một số chuyên gia y tế trong nước kêu gọi Việt Nam nên công bố dịch sởi để nâng cao ý thức phòng ngừa trong dân chúng. Họ khuyến cáo rằng chậm trễ công bố dịch sẽ làm cho dịch bệnh càng lây lan nhanh chóng hơn.
Tổ chức Y tế Thế giới WHO đề nghị Việt Nam nên ‘đặt tình trạng sởi hiện nay vào tình huống khẩn cấp và nghiêm trọng’ và dồn mọi nỗ lực để kiểm soát bệnh dịch.
Tính tới ngày 24/4, số bệnh nhân được xác nhận nhiễm sởi tại Việt Nam là 3.569 người, trong khi 9.932 trường hợp khác bộc phát triệu chứng tương tự như sởi.
Trong một kiến nghị gửi lên Thủ tướng Việt Nam, luật sư Trần Vũ Hải thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội, yêu cầu ‘kỷ luật nghiêm khắc’ các giới chức ‘thiếu trách nhiệm và có những phát ngôn trái Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.’
Trước sự kiện hàng trăm trẻ em đã chết vì bệnh sởi với biết bao đau đớn của cha mẹ, trước tình trạng bệnh dịch này tiếp tục lan tràn đến những em khác, và trước thái độ vô cảm, trốn tránh trách nhiệm của bà bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cộng đồng mạng Facebook vừa tự phát thành lập trang đòi bà Bộ-Trưởng-Y-Tế-Từ-Chức, tại địa chỉ
với lời kêu gọi :
– tiếp tục ký tên kêu gọi Bộ trưởng Y Tế hãy từ chức,
– tạo ra những hình chụp cha mẹ và bé với khẩu hiệu kêu gọi “Bộ trưởng Y Tế hãy từ chức”
– cùng với đó, cách thức được lựa chọn nhiều nhất, sẽ biểu tình, trong ôn hòa, kêu gọi bà Bộ trưởng Y Tế hãy từ chức. Cuộc biểu tình dự kiến diễn ra vào lúc 9 giờ sáng ngày Chủ Nhật, 27/4, tại Bộ Y Tế, 138A Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội.
Việt Nam hoãn tuyên án Dương Chí Dũng
Tin từ báo chí trong nước thì tòa án Nhân dân Tối cao của Việt Nam ngày 25/4 đã đột ngột trở lại phần xét hỏi thay vì tuyên án như dự kiến đối với ông Dương Chí Dũng, cựu Chủ tịch công ty hàng hải quốc doanh lớn nhất Việt Nam, cùng các đồng phạm.
Xin nhắc lại, ông Dương Chí Dũng, 57 tuổi, bị kết án tử hình trong phiên tòa sơ thẩm ngày 16/12/2013 vì bị cáo buộc “Cố ý làm trái về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng…” và tội tham ô từ khi ông còn là chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty hàng hải quốc doanh Vinalines.
Trong phiên tòa phúc thẩm diễn ra từ ngày 22 tháng 4, qua các bài tường thuật trên báo chí tại Việt Nam, người ta không thấy đề cập gì đến lời khai của ông Dương Chí Dũng đã thú nhận đã hai lần mang số tiền tổng cộng 510,000 USD đến ông thượng tướng Công an Phạm Quý Ngọ nhờ “chạy án”. Cũng nhờ ông Ngọ mật báo mà ông Dương Chí Dũng đã bỏ trốn một ngày trước khi Cơ quan điều tra của Bộ Công an Hà Nội tới nhà ông để bắt giam.
Trong phần chất vấn, hai ông Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đều cho rằng mình không phạm tội ‘Tham ô’ và bác bỏ việc nhận tiền từ bị cáo Trần Hải Sơn.
Cùng ra tòa phúc thẩm với ông Dương Chí Dũng còn có các đồng phạm khác của vụ án mà ông Mai Văn Phúc, nguyên tổng giám đốc công ty hàng hải quốc doanh Vinalines cũng bị kết án tử hình. Tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư Trần Đình Triển trình bày bản khai hữu thệ của ông Goh, giám đốc công ty AP ở Singapore trung gian môi giới mua Ụ nổi phế thải của Nga, rồi phù phép đi lòng vòng đưa về Việt Nam, phủ nhận quan chức Vinalines chia nhau số tiền 1.66 triệu USD.
Hội đồng Xét xử thông báo chưa tuyên án vì còn một số vấn đề chưa sáng tỏ sau phần tranh luận giữa các bên.
Một số báo trước đó có đăng ảnh ông Dương Chí Dũng rời tòa hôm 24/4 với gương mặt bình tĩnh, thậm chí tươi cười và chắp tay cảm tạ mọi người từ bên trong xe thùng. Đang có đồn đoán liệu ông có biết trước sẽ chưa bị tuyên phạt như kế hoạch hay không ?
Vụ Dương Chí Dũng là một trong những đại án tham nhũng tại các doanh nghiệp nhà nước làm ảnh hưởng mức tín nhiệm của giới đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam, một trong những quốc gia chưa khống chế hiệu quả nạn tham nhũng tràn lan.