Kiểu mua gom bất thường của thương lái Trung Quốc
Những ngày qua, các vùng chuyên canh chuối ở Phú Yên nhộn nhịp hẳn lên khi có nhiều thương lái đua nhau đến tận vườn tìm mua.
Chỉ riêng tại xã An Lĩnh (Tuy An, Phú Yên), mỗi ngày có hàng chục đầu mối đi mua gom chuối rồi tập kết hàng tại thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An để chuyển đi Trung Quốc.
Tại huyện miền núi An Lão (Bình Định), các thương lái cũng đang lùng sục mua gom lá trầu để đưa sang Trung Quốc. Họ mua cả lá non lẫn lá già, không phân biệt lá lớn nhỏ.
Tình hình cũng diễn ra tương tự tại huyện Hoài Ân (Bình Định) khi thương lái ồ ạt mua cây cà gai leo rồi cũng đưa sang Trung Quốc.
Ông Nguyễn Văn Linh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện An Lão, nói: “Thấy giá cao, nhiều người đổ xô vào rừng tìm tận thu lá trầu. Lo ngại nhất là người dân chặt cây rừng để hái lá trầu”. Tại các huyện Hoài Nhơn, Hoài Ân, người dân cũng kéo nhau đi lùng chặt tận gốc cây cà gai leo để bán.
Còn ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết, vừa qua thương nhân Trung Quốc đến mua một số loại cây thuộc xã vùng cao An Toàn, huyện An Lão, mua chim cút tại huyện Phù Cát và một số nông sản tại các địa phương khác.
Ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên cho biết việc các thương lái đẩy giá chuối lên cao là điều lạ. Phải chăng họ có ý đồ phá hoại? Điều ông lo là thấy giá chuối cao bà con sẽ trồng ồ ạt, sắp tới giá thấp thì lại chặt bỏ. Và tình trạng người dân xâm lấn rừng để trồng chuối.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ, trước đây thị trường Trung Quốc “ăn” mạnh ớt trái lớn nên hầu hết diện tích chuyên canh ớt ở Phù Mỹ chuyển sang trồng loại ớt này. Hiện nay khi Trung Quốc ngưng nhập, loại ớt sừng gần như không tìm được thị trường nên người trồng lỗ nặng.
Trong khi đó, ông Phan Trọng Hổ cho rằng dù Trung Quốc ngừng nhập ớt khiến giá nông sản này rớt thê thảm nhưng hiện rất khó để định hướng thị trường cho nông dân do Nhà nước không điều tiết được thị trường đầu ra. Chính vì thế, người dân vẫn dễ “mắc bẫy” trước những kiểu mua bán của thương lái Trung Quốc.
Cây cà gai leo đang bị tận diệt.
Giới học thuật đồng loạt phản đối vụ thu hồi bằng thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan
Ngày 19/04 vừa qua, những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu khoa học ở Việt Nam đã đưa ra một “Bản phản đối và yêu cầu” gởi Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và đồng thời được phổ biến trên mạng để thu thập chữ ký.
Trong bản phản đối này, những người ký tên ( khoảng hơn 100 người, tính cho đến ngày 20/04 ) yêu cầu hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội hủy các quyết định không công nhận luận văn và thu hồi bằng Thạc sĩ Khoa học Ngữ văn của cô Đỗ Thị Thoan. Theo họ, các quyết định này là « phi pháp và phi lý », vì trái với các quy chế đào tạo thạc sĩ và quy chế văn bằng, chứng chỉ hiện hành ở Việt Nam.
Tiếp theo sau đó, vào ngày 20.04, giới học thuật Việt Nam ở nước ngoài cũng đã lên tiếng về vụ này qua một thư ngỏ « Về sự vi phạm Tự do học thuật trong vụ thu hồi bằng thạc sĩ của bà Đỗ Thị Thoan », cũng được phổ biến trên mạng để lấy chữ ký.
Bức thư ngỏ, với những chữ ký đầu tiên của các nhà trí thức người Việt ở nhiều nước như Mỹ, Pháp, Úc, Canada, Bỉ….. , phản đối việc thu hồi bằng thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan và ủng hộ các đồng nghiệp trong giới giáo dục và nghiên cứu Việt Nam trong việc đòi hủy bỏ các quyết định này.
Đặc biệt, họ nhấn mạnh rằng việc thu hồi bằng Thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan/Nhã Thuyên là một sự « vi phạm nghiêm trọng » quyền tự do học thuật. Theo bức thư ngỏ, « các đại học chỉ có thể đóng góp hữu hiệu cho sự phát triển của đất nước nếu các giảng viên và sinh viên có quyền nghiên cứu bất cứ đề tài nào ».
Tưởng cũng cần nhắc lại, Luận văn thạc sĩ của giảng viên Đỗ Thị Thoan, “Vị trí của kẻ bên lề : thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa”, đã được hội đồng chấm luận văn của Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội cho điểm 10/10 vào năm 2010, nhưng bốn năm sau bỗng bị một hội đồng khác đưa ra thẩm định lại.
Kết quả là bằng thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan bị thu hồi theo các quyết định ngày 11/03/2014 và 14/03/2014, mà tác giả luận văn và người hướng dẫn không được cho cơ hội để phản biện. Lý do dẫn đến các quyết định này cũng không được công bố, và nhất là không có bằng cớ nào chứng tỏ luận văn đã có sai phạm đáng kể về học thuật.
Tư Bản Đỏ TQ đến Đà Nẵng lăm le mua nhà tăng gấp 3
Tại cuộc họp báo sáng 21.04.2014 công bố tiêu điểm thị trường bất động sản Đà Nẵng quý 1/2014, bà Dương Thùy Dung, Phó Giám đốc phụ trách bộ phận nghiên cứu thị trường và tư vấn phát triển của Công ty TNHH CBRE Việt Nam cho hay Danh mục khách hàng và mục đích mua biệt thự nghỉ dưỡng ven biển Đà Nẵng đang có nhiều sự thay đổi đáng chú ý.
Một bản tin nhan đề “Tăng mạnh khách Trung Quốc tìm hiểu biệt thự biển Đà Nẵng” của Infonet cho biết ngày càng có nhiều khách hàng từ Trung Quốc lục địa và Hồng Kông, Macau… quan tâm đến thị trường căn hộ, biệt thự nghỉ dưỡng ven biển Đà Nẵng, quý 1, lượng khách hàng Trung Quốc đến Công ty TNHH CBRE Việt Nam hỏi thông tin tăng gấp 3.
Bản tin ghi lời bà Dương Thùy Dung cho biết, thời gian gần đây bộ phận môi giới đầu tư của CBRE Việt Nam thường xuyên đón nhận khách hàng từ Trung Quốc, Hồng Kông, Macau đến hỏi về thị trường biệt thự nghỉ dưỡng ven biển Việt Nam nói chung. Riêng quý 1/2014, lượng khách hàng Trung Quốc đến CBRE Việt Nam hỏi về thị trường này đã tăng gấp 3 lần so với quý 1/2013. Nếu trước đây chỉ có lẻ tẻ và chỉ hỏi thăm chứ chưa đi sâu thì gần đây hầu như tuần nào cũng có khách hàng Trung Quốc đến CBRE Việt Nam hỏi về thị trường này.