Theo báo mạng Cali Today, các dân biểu Hoa Kỳ tiết lộ tin nói rằng, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam “ngã giá” với quốc hội Hoa Kỳ về điều kiện mở rộng tự do nghiệp đoàn để đổi lấy viện trợ.
Báo Cali-Today cho biết, tại cuộc điều trần về Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương, viết tắt là TPP trước quốc hội Hoa Kỳ ngày 3 tháng 4, 2014 vừa qua, dân biểu Hoa Kỳ Michael Froman xác nhận rằng, Việt Nam đang trì hoãn và đặt điều kiện Hoa Kỳ viện trợ để đổi lấy việc trả lại quyền tự do nghiệp đoàn cho người dân Việt. Liền sau đó, người đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Hoa Kỳ yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ không vội giảm thuế nhập cảng hàng hoá từ Việt Nam.
Phúc trình của Tổng Liên đoàn nói rằng, cần đợi Việt Nam xác lập quyền tự do nghiệp đoàn rồi mới giảm thuế hàng xuất cảng sang Hoa Kỳ. Nói tóm lại, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam tiếp tục trì hoãn việc nới rộng quyền tự do nghiệp đoàn và coi đây là điều kiện để buộc Hoa Kỳ và thế giới phải viện trợ cho họ. Còn đối với các dân biểu Hoa Kỳ, quyền tự do hoạt động nghiệp đoàn là một trong những điều kiện tiên quyết và Việt Nam cần phải bảo đảm để có thể chính thức ký kết TPP.
TPP, còn được gọi là Trans-Pacific Partnership, thoả ước mậu dịch có sự tham gia thương lượng của 12 quốc gia là Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Peru, Chile, Australia, New Zealand, Singapore, Malaysia, Brunei, Việt Nam và Nhật Bản.
Y tế VN bất lực trước dịch bệnh sởi hoành hành
Theo số liệu chính thức được ông Trần Đắc Phu, cục trưởng Y tế dự phòng, công bố trên báo chí Việt Nam thì đến nay đã có 108 em nhỏ tử vong do bệnh sởi. Nhưng cho đến này Bộ Y tế Việt Nam vẫn chưa công bố dịch vì chưa đủ yếu tố kỹ thuật.
Trong khi đó theo ông Nguyễn Văn Tuấn, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Garvan ở Sydney nói nếu ở nước ngoài mà có con số tử vong như thế thì đó là ‘khủng hoảng lớn đối với hệ thống chính trị và hệ thống y tế”.
Trên trang nhà của Bộ Y tế, Cục trưởng Trần Đắc Phu cho biết từ đầu năm đến nay Việt Nam ghi nhận gần 2.500 trường hợp mắc sởi tại 60 trên tổng số 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Trong số này, theo xác định của Bộ Y tế, 86% các em mắc bệnh là ‘không tiêm vaccine sởi hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng’.
Cũng theo ông Phu thì đợt bùng phát bệnh sởi này nhỏ hơn hồi xảy ra dịch trong hai năm 2009-2010 với hơn 8.200 ca nhiễm bệnh.
Theo nhận định của Tiến sỹ Phu thì nguyên nhân bùng phát đợt sởi này là do ‘tính chất chu kỳ dịch xuất hiện sau 4 hay 5 năm’ vì ‘quá trình tích lũy những trường hợp trẻ em không được tiêm chủng hoặc có được tiêm chủng nhưng không tạo được miễn dịch qua các năm’.
Trong một diễn biến khác, chiều thứ Ba ngày 15/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến thị sát tình tình chữa trị cho các bệnh nhi sởi ở Bệnh viện Nhi Trung ương ở Hà Nội, nơi tập trung các bệnh nhi sởi ở miền Bắc hiện nay và đang bị quá tải.
Trong số 108 ca tử vong do sởi thì có đến 103 ca ở Bệnh viện Nhi Trung ương, theo số liệu chính thức.
Người dân miền Trung phải chấp nhận đời khổ sai ở các mỏ đãi vàng
Vì quá nghèo khổ, nhiều người dân ở miền Trung đã phải chấp nhận đời khổ sai ở các mỏ đãi vàng, thế nhưng ngay cái nghề ít người làm đó, giờ đây cũng đã không giúp được người lao động có 2 bữa cơm no. Mới đây, vì quá cùng cực trước cảnh làm phu vàng chỉ có bệnh tật, đói nghèo và chết tại nơi làm việc, gần 100 phu vàng ở thị trấn Khâm Đức của huyện Phước Sơn (Quảng Nam) đã cùng nhau trốn khỏi chổ làm.
Sự kiện này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Ở nhiều vùng rừng núi của Việt Nam, vẫn có hàng ngàn người làm công việc này mà đời sống thì hết sức thiếu thốn, ngày càng nợ nần với chủ nhiều hơn, trở thành những nô lệ thời hiện đại.
Đa phần là người dân tộc. Lý do là họ dễ bị dẫn dụ vào công việc này để kiếm tiền cho gia đình, và có đủ sức khỏe để chống chọi với rừng núi. Vốn không gần với người Kinh, nên hầu hết những người này khi rời bỏ công việc, dù như thế nào, cũng không biết kiện cáo với ai. Thiệt thòi chỉ mình họ chịu lấy.
Theo lời kể của người dân chung quanh vùng, đoàn phu vàng cắt rừng vượt suối từ bãi vàng lúc 7g sáng và ra đến trung tâm huyện Phước Sơn vào chiều tối 3-4. Tính đoạn đường họ đi gần cả trăm cây số.
Tất cả họ đều là thanh thiếu niên người Khơ Mú quê ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Dù là thành viên của Liên Hợp Quốc, Việt Nam cũng có ký kết nhiều văn bản về quyền con người và lao động, nhưng thực tế của những mỏ vàng này là một sự trái ngược. Sự tồi tệ và khổ sai ở đây không khác gì những trại lao động ở Châu Phi.
“Lương tháng họ không trả, có người bị nợ lương từ năm ngoái. Bọn em trốn thế này bảo vệ bắt được đánh có người nằm liệt giường. Làm trong hầm ở độ sâu cả ngàn mét nhưng không có máy thổi ngạt khiến nhiều người bị xỉu. Ăn uống chỉ là cơm thừa canh cặn” – một người trong đoàn phu vàng tức giận nói.
Hầu hết những công ty khai thác vàng ở đây, đều có ăn chia với chính quyền địa phương. Thậm chí, người làm công bị bóc lột trốn được đi tố cáo, cũng bị chính quyền hãm hại để bịt đầu mối.
Theo luật của Việt Nam, việc khai thác khoáng sản, cổ vật… nếu thành công, sẽ chia cho chính quyền đại phương 50%. Chính vì điều khoản này, mà nhiều vùng của miền Trung, chính quyền làm ngơ, để cho các công ty khai thác ép người dân tộc, dân nghèo làm việc khổ sai.