Thêm một vụ tham nhũng chấn động của ngành đường sắt Việt Nam
Tờ nhật báo lớn nhất nước Nhật Yomiuri Shimbun vừa tung ra một thông tin làm chấn động dư luậ, đó là Chủ tịch Tập đoàn tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) đã hối lộ cho một vài lãnh đạo ngành đường sắt Việt Nam hơn 700.000 USD.
Ông Tamio Kakinuma – chủ tịch Tập đoàn – thừa nhận tập đoàn này đưa hối lộ khoảng 100 triệu yen (978.300 USD) cho lãnh đạo ngành đường sắt các nước Việt Nam, Uzbekistan và Indonesia, nhằm giành được các hợp đồng tư vấn thiết kế cho những dự án đường sắt sử dụng vốn ODA của Nhật Bản ở các nước này.
Báo Yomiuri Shimbun cho biết văn phòng công tố Tokyo sẽ mở cuộc điều tra hình sự vụ hối lộ này, với tội danh “vi phạm luật phòng chống cạnh tranh không công bằng của Nhật Bản ở nước ngoài.”
Cụ thể, họ đã lót tay khoảng 80 triệu yen (782.640 USD) cho các quan chức đường sắt Việt Nam trong dự án trị giá 4,2 tỉ yen (41 triệu USD). JTC được cho là đã đút lót năm người, trong đó có một lãnh đạo thuộc văn phòng quản lý dự án tại Tổng cục Đường sắt. Nhưng danh tính những người này không được tiết lộ.
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã đình chỉ 15 ngày chức danh Trưởng ban Quản lý Dự án đường sắt của ông Nguyễn Văn Hiếu, giám đốc Ban quản lý dự án Đường sắt (RPMU). Đi kèm với quyết định tạm dừng công tác đối với ông Hiếu, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng quyết định lập tổ điều tra về thông tin hối lộ 16 tỷ đồng của Tập đoàn tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) đối với lãnh đạo ngành đường sắt.
Người ta còn nhớ ngày 25-6-2008, cũng chính nhật báo Yomiuri lần đầu tiên đăng tin cơ quan điều tra của Nhật đang điều tra bốn cựu quan chức Nhật Bản tại Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (Pacific Consultants International – PCI, trụ sở chính tại Nhật) đưa hối lộ 20 triệu yen Nhật (khoảng 200.000 USD) tiền mặt cho các quan chức tại Việt Nam.
Xem ra tại Việt Nam, dù có Ủy ban Phòng chống tham nhũng trung ương, nhưng tham nhũng càng chống càng sinh sôi nẩy nở nhiều hơn !
Việt Nam không còn là nước lý tưởng để đầu tư
Năm 2013, có 54% các doanh nhân có vốn đầu tư nước ngoài trước khi chọn Việt Nam, đã từng cân nhắc đầu tư vào các nước khác, chủ yếu là Trung Quốc, Lào, Campuchia, Myanmar… Trong khi đó, con số này của năm 2011 và 2012, chỉ là 32%. Đây là một chỉ báo quan trọng về thứ hạng của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư quốc tế.
Việt Nam không còn là điểm đến ưu ái nhất với các nhà đầu tư quốc tế như giai đoạn 2007-2010, mà hiện giờ đang phải cạnh tranh với các đối thủ truyền thống trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và 1 số nước mới nổi. Các nhà đầu tư xếp hạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam chỉ ngang bằng với Campuchia và Lào, song tham nhũng và gánh nặng quy định pháp luật còn bị đánh giá thấp hơn 2 quốc gia láng giềng này. Cho đến nay, sự cạnh tranh từ các đối thủ mới nổi như Lào, Campuchia không còn là cảnh báo.
Đại diện Tổng cục Du lịch Việt Nam mới đây đã thừa nhận ngành du lịch Việt Nam so với Lào, Campuchia thì quảng bá yếu hơn. Vì thế, dù đạt lượng khách quốc tế cao hơn Lào, Campuchia nhưng tốc độ tăng trưởng khách của VN thấp hơn. Với giáo dục, Việt Nam cũng bị xếp hạng dưới Campuchia về tính hiệu quả. Ngay cả sản xuất lúa gạo vốn là thế mạnh của Việt Nam thì có nhiều dấu hiệu cảnh báo thua kém Campuchia.
72,000 người tốt nghiệp cao đẳng đại học bị thất nghiệp
Một phúc trình của Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội Cộng sản Việt Nam cho biết, số người thất nghiệp tại Việt Nam hiện nay khoảng 900,000, tăng 48,000 người so với năm rồi. Đáng nói là tỉ lệ thất nghiệp ở người có trình độ cao đẳng cao gấp 4 lần, và cao gấp 3 lần ở nhóm người tốt nghiệp đại học, so với các nhóm khác.
Tài liệu của Tổng cục Thống kê cũng nói rằng, nền kinh tế Việt Nam chậm phục hồi nên không có khả năng tạo việc làm mới. Cũng theo tài liệu này, trong số 72,000 người bị thất nghiệp hiện nay, có 19,200 người có trình độ cao đẳng trở lên, và số còn lại, tức là 52,800 người có trình độ đại học. Đáng chú ý là nhóm thanh niên trong độ tuổi từ 20 đến 24 tuổi mới tốt nghiệp cao đẳng và đại học chiếm tới 20.75% số người thất nghiệp hiện nay tại Việt Nam.
Được biết ông Nguyễn Bá Thắng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học – Lao động – xã hội thuộc Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội Cộng sản Việt Nam đổ trách nhiệm cho khối trường đại học “đào tạo một lớp người không đáp ứng được nhu cầu của các nhà máy.” Mặt khác, bản tin cập nhật thị trường của Viện Khoa học – Lao động – xã hội tháng 3, 2014 nói rằng, lực lượng lao động Việt Nam sẽ lên đến 54.87 triệu người trong năm 2014.
Kế hoạch nuôi gián đất bị thiêu hủy, ‘chuyên gia Trung Quốc’ chuồn về nước
Ðầu tuần vừa qua, báo chí Việt Nam loan báo, một số nơi ở Bắc Ninh đang bắt đầu nuôi gián đất dưới sự hướng dẫn của một số cá nhân được gọi là chuyên gia đến từ Trung Quốc. Chủ những cơ sở đó cho biết, sau khi xây dựng chuồng, trại theo hướng dẫn của các chuyên gia Trung Quốc, họ đặt mua trứng gián từ Trung Quốc và tùy loại giống mà giá dao động từ 450 ngàn đến 9 triệu đồng một ký, rồi ấp cho trứng nở thành gián. Vì theo “chuyên gia Trung Quốc,” khẳng định, gián đất được nuôi rộng rãi tại Trung Quốc để cung cấp cho các công ty dược phẩm. Việc đưa gián đất sang Việt Nam là vì muốn giúp người Việt Nam làm giàu.
Trong khi đó giới hữu trách Việt Nam vẫn chưa biết gì về gián đất. Nhưng trên thực tế, gián vẫn được xem là loài trung gian gieo rắc nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, ví dụ như dịch tả.
Sau khi chuyện nuôi gián đất được báo giới cảnh báo, Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn của Việt Nam ra lệnh thiêu hủy ngay toàn bộ gián đất ở Bắc Ninh vì “tự ý nhập khẩu và nuôi côn trùng.” Được biết sau sự kiện vừa kể, các “chuyên gia Trung Quốc” đã thu dọn hành lý cá nhân, lên đường về nước.
Tuy nhiên chuyện nuôi gián đất vẫn còn một số lấn cấn cần được giải quyết.
Ông Nguyễn Ðình Nguyên, ngụ ở huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, một trong những người nuôi gián đất với quy mô lớn cho biết, trước khi cùng hai người khác mở cơ sở nuôi gián đất, ông đã liên lạc với Sở Kế Hoạch-Ðầu Tư tỉnh Bắc Ninh để làm thủ tục đăng ký kinh doanh và được cơ quan này cấp giấy phép thành lập công ty Ðại Thiên, với ngành nghề kinh doanh chính là… nuôi gián đất. Ông chấp nhận thiêu hủy theo yêu cầu của chính quyền nhưng đòi Sở Kế Hoạch-Ðầu Tư tỉnh Bắc Ninh phải có trách nhiệm vì đã cấp giấy phép kinh doanh, chứ không ngăn cản ông đầu tư.
Ngoài ra, phòng chăn nuôi của Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Bắc Ninh đã từng đến kiểm tra, lập biên bản, cho phép công ty Ðại Thiên được nuôi thử nghiệm, chứ ông và thân hữu không làm bừa.
Cần nói thêm trước đây, thương lái Trung Quốc đã từng đặt nông dân Việt Nam nuôi ốc bươu vàng, một loại côn trùng hủy hoại mùa màng và trong hàng chục năm qua, ốc bươu vàng vẫn là đại nạn của nông nghiệp Việt Nam.
Phu nhân Tổng Thống Obama hô hào cho tự do ở Trung Quốc
Tại buổi nói chuyện với sinh viên tại Trung Tâm Stanford của Đại Học Bắc Kinh trong chuyến viếng thăm Trung Quốc, bà Michelle Obama đã nói với các sinh viên rằng các quyền tự do phát biểu, tự do tôn giáo, tự do tiếp cận đặc biệt là tiếp cận thông tin trên mạng và quyền tự do ngôn luận là những quyền bẩm sinh của tất cả mọi người trên trái đất này.
Trung Quốc là một trong những nước đứng đầu về việc giới hạn các quyền tự do nói trên. Hoa Kỳ cho biết là chuyến thăm viếng Trung Quốc của bà Michelle Obama chú trọng về vấn đề giáo dục và tránh những vấn đề như nhân quyền dễ gây tranh cãi giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, một việc mà các đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ thường làm trước đây khi viếng thăm Trung Quốc.