Gạo ế, nông dân chết vì chính sách nhà nước
Nông dân Việt Nam có thêm một mùa bội thu nhưng thóc gạo không ai mua vì xuất cảng gạo bế tắc và đó là lỗi từ phía nhà cầm quyền đã không có chính sách thích hợp. Theo tin tức thì giá lúa tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang giảm liên tục. Tuy chỉ còn từ 4,100 đồng đến 4,200 đồng một ký nhưng thương lái vẫn không muốn mua vì xuất cảng gạo càng lúc càng bi đát. Cũng vì vậy, ở nhiều nơi tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nông dân để lúa chín rục ngoài đồng chứ không gặt vì sợ mất thêm chi phí gặt, đập.
Càng được mùa càng lỗ vì giá lúa giảm đã trở thành điệp khúc, lặp đi, lặp lại trong nhiều năm và khiến nông dân thêm khốn cùng vì ngập trong nợ (vay để mua hạt giống, phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu chạy máy bơm,…).
Tình trạng này có vẻ như không thấy hồi kết. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa loan báo, xuất cảng gạo của Việt Nam đang bế tắc vì bị cạnh tranh quyết liệt từ Thái Lan và một số quốc gia chuyên xuất cảng gạo khác. VFA tiết lộ, tổng lượng gạo xuất cảng của Việt Nam giảm khoảng 14% về số lượng và 16% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Cần lưu ý rằng 2013 từng được xem là năm bi đát nhất đối với xuất cảng gạo.
Ông Alan Phan, một chuyên gia kinh tế người Mỹ gốc Việt, nhận định, chính những chính sách của nhà cầm quyền Việt Nam đã làm hại công việc xuất cảng gạo của Việt Nam. Nhà cầm quyền CSVN vẫn duy trì sự chi phối thị trường, bày ra hết hiệp hội này đến hiệp hội kia, giấy phép này đến giấy phép khác và biến thị trường trở thành phụ thuộc vào chính sách trong khi chính sách có nhiều sai lầm. Trong khi đó, nếu để thị trường tự do, Việt Nam vẫn đủ khôn khéo để cạnh tranh với các quốc gia xuất cảng gạo khác thay vì phụ thuộc và bị động như hiện nay.
Ông Alan Phan cũng đưa ra cảnh báo về dự tính tìm đường đưa gạo Việt Nam vào thị trường Nam Hàn và Hoa Kỳ. Theo ông, đây là hai thị trường theo định chế kinh tế tự do cho nên chỉ có thể thắng nếu thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng. Điều đó có nghĩa là phải hành động đúng theo quy luật của thị trường và đúng theo nhu cầu của người tiêu dùng. Chế độ Hà Nội không thể can thiệp vào vấn đề này.
Hải sản ở Việt Nam bị tẩm đầy hóa chất
Những người mê món hải sản ở Việt Nam vừa rẻ, vừa tươi đang xôn xao trước tin cho hay, tất cả các loại nghêu, sò, ốc, hến, tôm cua,… đều bị tẩm đầy hóa chất trước khi đưa lên bàn ăn. Các chủ trại nuôi hải sản dùng đủ loại hóa chất để giữ cho các loại tôm cá không giảm cân, không mắc bệnh truyền nhiễm để thu được nhiều lợi. Các loại độc chất này được đưa vào cơ thể thực khách, khiến nhiều chứng bệnh nhiễm trùng, dẫn đến ung thư lan tràn khắp Việt Nam.
Theo báo Diễn Ðàn Kinh Tế Việt Nam (VEF.vn) trích dẫn phúc trình công bố hồi đầu năm nay của Cục Quản Lý Chất Lượng Nông-Lâm-Thủy Sản, thuộc Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Việt Nam thì rất nhiều loại hải sản nhiễm vi khuẩn gây bệnh ngay tại hồ nuôi. Kết quả xét nghiệm các mẫu nghêu thu được tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Ðịnh cho thấy, cả mẫu nghêu chứa acid vượt quá giới hạn cho phép. Nhiều thông tin khác từ phía các chuyên viên ngành nông nghiệp còn xác nhận rằng, các loại nghêu, sò chứa tới 38 loài tảo độc, trong đó có 4 loại cực độc gây tiêu chảy, liệt cơ, mất trí nhớ và nhũn não. Phúc trình này còn kết luận rằng, các loại hải sản được nuôi tại Việt Nam bằng các loại thức ăn của Trung Quốc, chứa đầy hóa chất độc hại.
Hồi năm rồi, theo báo mạng VEF.vn, một số mẫu cá tầm, cá trê thu thập tại các chợ ở Hà Nội được đưa đi xét nghiệm cũng cho kết quả bất lợi đối với người tiêu thụ. Tất cả các mẫu được lựa chọn ngẫu nhiên đều có chứa Malachite Green, loại hóa chất dùng để diệt nấm mốc ngoài da, và một loại thuốc kháng sinh là NitroFurans.
Cũng theo VEF.vn, hầu hết các loại hải sản đang có mặt tại Việt Nam như cá khoai, tôm,… đều được “vỗ béo” bằng cách chích thuốc tăng trọng, chích bột rau câu, tinh bột, và một loại hóa chất kiểm soát độ nhớt. Người ta còn trộn loại hóa chất tạo gạch cho cua, ghẹ, hoặc ngâm trong hàn the và bột ngọt để cua, ghẹ trở nên tươi rói, đẹp mắt.
Một phúc trình được công bố hồi năm 2013 của Hiệp Hội Xuất Nhập Cảng Thủy Sản Việt Nam còn xác nhận rằng, một số hải sản ở Việt Nam được tẩm các loại hóa chất như thuốc Triflurain dùng để diệt cỏ, Chloramphenicol… hoặc trộn vào thức ăn. Các chất này giúp tôm, cá căng nước, béo mọng, nhưng thành phần dinh dưỡng giảm đi một nửa, trong khi hàm lượng độc chất tăng cao.
Hơn 90% xí nghiệp ở Việt Nam thuê “xã hội đen” đòi nợ
Bản tin của tờ Pháp Luật thành phố ở Sài Gòn hôm Thứ Hai cho biết, có đến 90% các doanh nghiệp đã sử dụng những kẻ gọi là “xã hội đen” để đòi nợ. Lý do các doanh nghiệp dùng xã hội đen đi đòi nợ thay vì kiện ra tòa, nếu thắng kiện và nhờ cơ quan “Thi hành án dân sự” giúp giải quyết thì “hiệu quả thu hồi chỉ khoảng 50%”.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra trong cuộc hội thảo phối hợp với Bộ Tư Pháp CSVN về “Luật thi hành án dân sự – góc nhìn từ doanh nghiệp (DN)” tại Hà Nội mới đây, thì
ngoài tỉ lệ thành công thấp, còn nguyên nhân như đã nói trên đây là thủ tục phức tạp và mất nhiều thời gian. Trong 10 doanh nghiệp đã được thi hành án vừa rồi mà chúng tôi khảo sát thì có đến ba doanh nghiệp cho biết nếu gặp vụ việc tương tự họ sẽ không khởi kiện nữa. Từ trải nghiệm của mình, họ quá ngán ngẩm về thủ tục trong thi hành án. Chắc không doanh nghiệp nào muốn đằng đẵng thời gian dài theo đuổi một vụ kiện, có được bản án rồi lại tiếp tục toát mồ hôi xoay sở để nó được thi hành và khả năng thất bại thì rất lớn.”
Không những vậy, nếu thưa kiện ra tòa, công lý không ở giữa mà ở phía nào chi tiền “chạy án”, theo ông Đậu Anh Tuấn cho hay và khi thi hành án thì “có tình trạng chấp hành viên vòi vĩnh”
“Tỉ lệ bản án được thi hành và tỉ lệ thi hành án thành công ở Việt Nam hiện nay quá thấp. Chính báo cáo của Tổng cục Thi Hành Án đã cho thấy điều đó, nhiều địa phương trong cả nước như Hà Nội, Hải Phòng và Sài Gòn tỉ lệ thi hành án dân sự thành công chỉ xấp xỉ 30%.”
Nghệ An: Hàng chục cán bộ huyện xài bằng giả
Theo tiết lộ của tờ Lao Động hôm 10/3/2014 thì hàng chục cán bộ đảng viên đang nắm các chức vụ các xã ở huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An tiến thân với bằng giả hoặc mua bằng. Có gần 20 người đã và đang đảm nhận các chức vụ phó, trưởng đầu ngành mà không tốt nghiệp kỳ thi “bổ túc văn hóa”. Các ông bà vừa đề cập nằm trong số 123/141 thi rớt nhưng vẫn có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông thuộc khóa thi bổ túc văn hóa 2006-2009. Hiện, còn cả chục người hỏng thi vẫn đang được đảm nhận các chức vụ trưởng, phó đầu ngành ở một số xã, đặc biệt có người đang theo học các lớp trung cấp, đại học”.
Tình trạng quan chức nhà nước xài bằng dỏm, bằng giả rất phổ biến tại Việt Nam. Ngày 25/2/2014, trong một cuộc họp của “Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2015”, bộ trưởng Giáo dục CSVN Phạm Vũ Luận nhìn nhận “Việc học giả, bằng giả, học thật nhưng chất lượng giả chỉ có thể chui vào hệ thống công chức nhà nước”.
Các nước ở hạ nguồn sông Mekong kêu gọi đình chỉ dự án xây đập ở Lào
Các giới chức của các nước trong vùng sông Mekong như Kampuchea, Thái Lan và Việt Nam đang kêu gọi Lào đình chỉ việc phát triển một dự án xây đập có thể tác động đáng kể đến các cộng đồng ở hạ nguồn sông và các hệ sinh thái dọc theo con sông Mekong. Theo ước tính, đập này sẽ ảnh hưởng tới ít nhất 6 triệu người Kampuchea sinh sống hoặc gần địa điểm hoặc dọc theo con sông Mekong hay hồ Tonle Sap, vì khi xây đập những con đường di trú của cá sẽ bị chận lại, đưa đến tình trạng một số chủng loài cá chắc chắn sẽ bị mất đi.”
Hơn 50 tổ chức môi sinh và phát triển đang chuẩn bị đệ trình một bức thư lên Ủy ban sông Mekong, một cơ quan liên khu vực được thành lập để giải quyết các vấn đề sông ngòi, để bày tỏ các mối quan ngại của mình về tác động của con đập.
Trong khi đó, các giới chức Lào nói họ đang thực hiện dự án một cách minh bạch và với các biện pháp phòng vệ thích ứng.