Việt Nam giam tù chính trị nhiều nhất Đông Nam Á
Hôm 6.3.2014, Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền FIDH có trụ sở tại Châu Âu công bố một thống kê, theo đó Việt Nam là nhà tù lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á giam giữ tù nhân chính trị.
FIDH nói ước tính hiện có ít nhất 212 nhà bất đồng chính kiến đang bị nhà cầm quyền CSVN giam cầm và nhiều người khác đang bị quản thúc tại gia.
Ông Andrea Giorgetta, Giám đốc khu vực Châu Á của Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền cho biết khó có được con số cụ thể các tù nhân chính trị tại Việt Nam, đặc biệt đối với các trường hợp người Thượng Cơ Đốc giáo bị giam cầm. Danh sách 212 tù nhân chính trị nêu trên là những trường hợp đã được Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam xác minh, kiểm chứng.
Trong số này có những luật sư, các blogger, các nhà hoạt động vì quyền đất đai, các nhà sư Phật giáo, ký giả, văn nghệ sĩ, các nhà hoạt động công đoàn, các nhà vận động dân chủ, thành viên các nhóm sắc tộc và tôn giáo thiểu số như Hmong, Phật giáo Khmer Krom, và người Thượng Cơ Đốc giáo.
FIDH, Liên đoàn gồm 178 tổ chức phi chính phủ bảo vệ nhân quyền tại hơn 100 quốc gia trên thế giới, chỉ ra rằng nhiều nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam đang phải thi hành các bản án tù dài hạn trong các điều kiện giam giữ hết sức tồi tệ, sức khỏe bị suy kiệt, rất cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.
Cùng ngày 6.3 FIDH và Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam đã ra thông cáo chung kêu gọi nhà cầm quyền CSVN phải trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho các tù nhân chính trị để chứng minh tôn trọng nhân quyền và các cam kết với quốc tế.
Hồ sơ 17 tù nhân chính trị cần đặc biệt quan tâm do hai tổ chức này cùng công bố hôm nay bao gồm trường hợp của nhà giáo bất đồng chính kiến Đinh Đăng Định, người đang bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối; Hòa thượng Thích Quảng Độ, Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải; luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân; tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ; nhà hoạt động công đoàn Đỗ Thị Minh Hạnh; nhà hoạt động dân chủ Trần Huỳnh Duy Thức; nhạc sĩ Việt Khang; và nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình.
Cán bộ gỡ cột đình làng gỗ sưa đem bán
Tối 2 tháng 3, hàng trăm người dân thôn Cựu Quán, huyện Hoài Đức, Hà Nội tụ họp tại ngôi đình Cựu Quán thờ lục vị Đại Vương để phản đối việc một số cán bộ thôn nằm trong Ban khánh tiết của đình dở cột mái ngói bằng gỗ sưa của ngôi đình đem đi bán. Số gỗ và các vật dụng chưa kịp ráp lại được để nằm dưới đất, che phủ bởi một tấm bạt mỏng.
Đại diện cư dân nói rằng có ít nhất bốn cột gỗ sưa dựng mái ngôi đình đã được bán cho một phụ nữ cư dân làng tên Vân.
Công an huyện Hoài Đức xác nhận có người bán 4 thanh gỗ sưa, nặng 127.5kg với giá 10 triệu đồng/kg, tương đương 500 đô la.
Cây Sưa Đỏ được biết là một loại gỗ cực quý hiếm. Sưa Đỏ là loại gỗ có vân ở cả 4 mặt chứ không chỉ có 2 mặt như ở Sưa Trắng hay Sưa Vàng, tạo ánh sáng 7 màu óng ánh được xem là yếu tố đặc trưng của loại gỗ quý hiếm này. Loại gỗ này không chỉ nổi tiếng ở trong nước mà còn lan sang tận Trung Quốc. Nhiều đại gia săn đón, lùng mua gỗ sưa vì tin rằng gỗ sưa đỏ là vị thuốc chữa “bách bệnh”, và còn dùng để ướp xác, trừ tà.
600 công nhân đình công đòi quyền lợi
Vào 2 ngày 4 và 5 tháng 3, toàn bộ 600 công nhân Cty TNHH TS Vina (Cty TS Vina) – đóng trên địa bàn xã Định Liên, huyện Yên Định (tỉnh Thanh Hóa) – đã đồng loạt ngừng việc đòi chủ doanh nghiệp (DN) thực hiện các quyền chính đáng của người lao động .
Công nhân đã nêu ra 21 ý kiến kiến nghị với lãnh đạo công ty như: Mức lương cơ bản, thời gian trả lương, thời gian tăng ca, phí công đoàn, ngày nghỉ phép, học nghề phải có lương cơ bản, hợp đồng lao động…chưa hợp lý.
Cụ thể, các khoản lương, phụ cấp không rõ ràng; thời gian làm việc theo hợp đồng lao động đã ký kết thì buổi sáng làm việc từ 7h30 đến 12h, chiều làm từ 13h đến 16h30, thế nhưng giờ buổi sáng Công ty yêu cầu công nhân phải làm việc từ 7h20, chiều vào làm việc từ 12h50 là trái với quy định; mặc dù hợp đồng lao động đã ký nhưng đến thời điểm này, công nhân vẫn chưa được cầm hợp đồng, chưa được bảo hiểm.
Bên cạnh đó, mỗi ngày công nhân chỉ được tính tăng ca thêm 1,5h là trái với quy định; việc giao khoán sản phẩm cũng nảy sinh bất cập, ban đầu Công ty khoán mỗi công nhân làm 380 sản phẩm/ngày nhưng khi công nhân hoàn thành chỉ tiêu thì Công ty lại nâng mức khoán lên 520 sản phẩm/ngày, cũng như thái đội ứng xử của lãnh đạo các phân xưởng đối với họ làm nảy sinh những bức xúc.