Gia đình vẫn chưa có tin tức về luật sư Lê Quốc Quân sau phiên xử phúc thẩm
Tin từ gia đình luật sư Lê Quốc Quân, thì cho đến ngày 26/02/2014 gia đình vẫn chưa có thêm tin tức gì về nhà đấu tranh cho nhân quyền đã tuyệt thực 17 ngày cho đến lúc ra tòa hôm 18/2. Trại giam cho biết hiện chưa có quyết định thi hành án, do vậy ông Lê Quốc Quân vẫn đang trong chế độ tạm giam và không được phép gặp thân nhân.
Xin nhắc lại, trong phiên phúc thẩm ngày 18/2, Lê Quốc Quân – một trong những nhà ly khai nổi tiếng nhất ở Việt Nam – bị y án hai năm rưỡi tù giam và khoảng 40.000 euro tiền phạt vì tội danh trốn thuế. Theo các luật sư thì khi ra trước vành móng ngựa luật sư Quân có vẻ rất mệt mỏi, gầy yếu, dường như sắp ngất xỉu khiến các công an đi kèm phải đỡ ông, nhưng ngay từ đầu phiên xử luật sư Lê Quốc Quân đã khẳng định mình vô tội và là nạn nhân của một âm mưu chính trị, phản đối phiên tòa này. Việc truyền hình phiên xử dành cho các nhà báo đã bị cắt ngay sau khi tuyên án khiến không thể biết được phản ứng của ông Quân.
Liên hiệp châu Âu, Bộ Ngoại giao Pháp đã ra thông cáo bày tỏ quan ngại về bản án. Mười bốn tổ chức phi chính phủ lên án việc tòa phúc thẩm Hà Nội giữ nguyên bản án hai năm rưỡi tù giam đối với luật sư Lê Quốc Quân.
Tỷ lệ trẻ sơ sinh ở Việt Nam tử vong cao
Theo báo cáo công bố hôm 25/2/2014 của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children), mỗi năm có gần 12 ngàn trẻ tử vong trong quá trình sinh nở hoặc tử vong trong ngày đầu sau sinh tại Việt Nam. Được đánh giá là một trong các nước Đông Nam Á có tỷ lệ người đỡ đẻ có kỹ năng tại các ca sinh nở cao, nhưng Việt Nam vẫn là một trong sáu nước của khu vực có tên trong danh sách 75 nước trên thế giới phải chịu gánh nặng về tỷ lệ tử vong sản phụ và trẻ sơ sinh cao.
Con số này trên toàn thế giới là 2,2 triệu em, theo báo cáo “Ending Newborn Deaths” (Chấm dứt tình trạng tử vong ở trẻ sơ sinh).
Báo cáo thường niên của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em khuyến nghị Việt Nam đầu tư cho các giải pháp chi phí thấp nhằm giúp giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, mà theo tổ chức này là chỉ tốn khoảng hơn 100 ngàn đồng chi phí mua sản phẩm cho một lần điều trị đã có thể giúp cứu được một phần ba các ca tử vong.
Các sản phẩm mà tổ chức này đề cập tới gồm nội tiết tố dạng tiêm cho các bà mẹ có nguy cơ đẻ non, dụng cụ hồi sức trẻ bị ngạt khi sinh, dung dịch sát khuẩn rốn và thuốc kháng sinh dạng tiêm cho các bé bị nhiễm khuẩn và viêm phổi.
Cũng theo báo cáo của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em thì khoảng một nửa các ca tử vong này lẽ ra có thể tránh được, nếu như các bà mẹ và các bé được tiếp cận với dịch vụ y tế miễn phí và nữ hộ sinh có kinh nghiệm.
Việt Nam có 67 ổ dịch cúm
Một phúc trình mới nhất của Cục Thú Y thuộc bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tính đến ngày 25/02, Việt Nam xuất hiện tổng cộng 67 ổ dịch cúm H5N1. Tổng số đàn gà vịt chết vì nhiễm virus H5N1 lên đến xấp xỉ 64,000 con.
Dịch cúm gia cầm nay đang lan tràn khắp 21 tỉnh khắp nước. Hai vùng được cho là bị bệnh dịch trầm trọng nhất hiện là tỉnh Khánh Hoà và tỉnh Lào Cai. Báo mạng Việt Nam Net cũng nói rằng, giá gà trên thị trường đang giảm mạnh, khoảng 25%. Theo đại diện Cục Chăn Nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Việt Nam, dịch cúm lan rộng dẫn đến nguy cơ thiếu hụt, có thể buộc phải nhập cảng thịt gà cho tiêu dùng trong nước.
Tại tỉnh Quảng Nam hôm 25 tháng 2, huyện thứ ba của tỉnh này lại xuất hiện dịch cúm gia cầm, sau Duy Xuyên và Thăng Bình. Đàn gà của các nông dân nuôi tại nhà ở huyện Điện Bàn lăn ra chết hàng loạt, với kết quả xét nghiệm cho thấy dương tính với virus H5N1.
Nông dân Việt Nam tiếp tục bỏ ruộng
Theo tường thuật của nhiều tờ báo tại Việt Nam, hiện rất khó thấy thanh niên ở nông thôn vì họ đã tản ra khắp nơi để tìm sinh kế do không còn sống được nhờ ruộng vườn. “người cày bỏ ruộng” đã trở thành thực trạng đáng ngại suốt từ năm ngoái đến nay và càng ngày càng trầm trọng.
Năm 2008, Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng CSVN ban hành một nghị quyết về nông nghiệp, nông thôn và nông dân (thường được gọi tắt là nghị quyết về tam nông). Cho dù Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn vẫn khẳng định, nghị quyết về tam nông là đúng đắn, hồi đầu năm nay, Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn vẫn phải thừa nhận mức sống của nông dân còn thấp, khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị tăng, bảo đảm an sinh xã hội cho nông dân còn bất cập, nông dân phải tự gánh chịu đủ loại rủi ro do thu hồi đất đai nhưng bồi thường không thỏa đáng, thủy điện xả lũ không đúng quy trình, buộc đóng góp quá mức…
Hồi cuối năm ngoái, trong một cuộc họp tổng kết công việc năm 2013 và bàn về kế hoạch làm việc của năm 2014, ông Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, sẽ không để nông dân nghèo, sẽ đẩy mạnh “tái cơ cấu nông nghiệp” để tăng thu nhập cho nông dân. Nhưng các giải pháp tiêu thụ nông sản chỉ có tính ngắn hạn và trở thành “điểm nghẽn” cản trở sự tăng trưởng chung của nông nghiệp.
Ở cuộc họp “sơ kết năm năm thực hiện nghị quyết tam nông,” ông Nguyễn Quốc Cường, chủ tịch Hội Nông Dân Việt Nam, nói rằng, tình trạng nông dân bỏ hoang đất đai, không canh tác, đòi trả ruộng diễn ra ở khắp nơi có liên quan đến thu nhập, hiệu quả sản xuất nông nghiệp và vì vậy trở thành “một dấu hỏi lớn cho những nhà hoạch định chính sách.”
Một sự kiện khác cũng đáng được quan tâm là trong khi nông dân bỏ ruộng, tìm tới những thành phố lớn để mưu sinh thì ngư dân bỏ tàu để đi làm chui cho các tàu đánh cá của Trung Quốc.
Phi Luật Tân phản đối Trung Quốc phun vòi rồng vào ngư dân Phi
Ngày 25/02 phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Phi Luật Tân là ông Raul Hernandez cho biết là Bộ Ngoại Giao Phi đã triệu tập đại diện ngoại giao của Trung Quốc để chuyển công hàm phản đối việc tàu tuần duyên của Trung Quốc vào ngày 27/1/2014 đã dùng vòi rồng vào tàu cá của Phi tại bãi cạn Scarborough mà Phi Luật Tân coi là lãnh thổ của mình. Khi sự việc xảy ra thì có 14 tàu cá của Phi đang đánh bắt trong khu vực và 1 trong 3 tàu tuần duyên của Trung Quốc đã phun vòi rồng vào hai tàu của Phi, tuy không gây thương tích nhưng buộc tàu Phi phải rút lui.
Phi Luật Tân kêu gọi Trung Quốc “tôn trọng chủ quyền của Phi Luật Tân và nói là Phi Luật Tân sẽ có biện pháp để bảo vệ quyền lợi của ngư dân Phi.
Cảnh sát Ukraine quỳ gối xin lỗi người dân bị đàn áp trong các cuộc biểu tình
Một cảnh tượng lạ đã được giới truyền thông quốc tế đăng tải trong nhiều ngày qua đó là hình ảnh cảnh sát chống bạo động tại Ukraine quỳ gối xin tha lỗi vì đồng nghiệp của họ bắn giết và đánh đập đoàn người biểu tình chống chính quyền vừa rồi. Nhóm cảnh sát này thuộc lực lượng ưu tú Berkut chống bạo loạn. Họ quỳ gối xin lỗi trước mặt nhóm biểu tình thân Âu châu. Cảnh tượng lạ thường này diễn ra tại thành phố Lviv.
Bộ trưởng Nội vụ lâm thời Arsen Avakok cho biết là sẽ điều tra vụ lực lượng đặc biệt Berkut tàn sát người biểu tình. Hiện nay có một số nhân viên cảnh sát đã trốn mất đem theo một số vũ khí. Trong khi tại Odessa và Crimea thì nhóm cảnh sát Berkut được quần chúng hoan nghênh, reo hò đón tiếp vì đã không có hành động đàn áp đoàn người biểu tình mà chỉ làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự.