Hôm 24.02.2014, chiếc cầu treo ở bản Chu Va 6, xã Sơn Bình, Tam Đường, Lai Châu đã bị đứt khi đoàn người đưa tang đang rước linh cữu người quá cố đi qua, khiến nhiều người rơi từ độ cao 20 mét xuống lòng suối nhiều đá tảng lởm chởm làm 8 người thiệt mạng, 33 người khác bị thương.
Được biết chiếc cầu bị sập có chiều dài 54 mét, chiều cao 9 mét, được chính thức sử dụng mới hơn một năm và vừa hết thời hạn bảo hành.
Ông Hoàng Thọ Trung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tam Đường nói cầu sập là do đứt tăng đơ len (đoạn ốc neo) vì quá tải.
Cầu treo có ghi rõ trọng tải 1,5 tấn, tuy nhiên không ghi cảnh báo về việc lượng người tối đa được phép cùng lên cầu là bao nhiêu. Theo như ước tính trọng tải 1,5 tấn thì chỉ bảo đảm cho khoảng 20 người cùng lưu thông một lúc, nhưng khi xảy ra tai nạn có khoảng 50 người trên cầu.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia thì ngay trên địa bàn huyện Tam Đường hiện còn có 30 cây cầu tương tự như cây cầu vừa sập. Hiện chưa rõ cầu treo Chu Va do đơn vị nào thực hiện.
Hồi tháng 6/2013, một cầu treo dân sinh cũng bị sập tại tỉnh Sơn La, cũng do bị đứt đầu dây tăng đơ len, khiến gần 20 người bị thương. Tuy nhiên, cầu Bùa Chung, thuộc xã Tường Phù, huyện Yên Phù, tỉnh Sơn La khi đó đang trong giai đoạn thi công, chưa thông cầu.
Sài Gòn: Công an khủng bố dân bằng “Phiếu tố giác tội phạm”
Công an Quận 4 Sài Gòn vừa phổ biến rộng rãi đến hộ dân một mẫu “phiếu tố giác tội phạm” với nội dung lập lờ có tính cách khủng bố nhằm bịt miệng người dân, đặc biệt là mục tố giác về “An Ninh Chính Trị”
Phản ứng của người dân về “Phiếu tố giác tội phạm” mới của Ban chỉ huy công an quận 4 cho rằng với cái mẫu phiếu này, bất cứ cá nhân nào cũng có thể tự nhiên gặp tai vạ vì bị dựng đứng tố cáo bởi một cá nhân không có thật để công an lấy cớ đàn áp, vì công an sẽ “giữ bí mật người tố giác”.
Theo Bauxíte Việt Nam, bằng cách làm này của công an, người ta có thể bắt bất kỳ ai dám phê phán Đảng và Nhà nước, vì bị tố giác tội “kích động, nói xấu chế độ”, cũng như có thể bắt bất kỳ ai cả gan liên kết với nhau để khiếu kiện, vì tội “vận động khiếu kiện tập thể”.
Đó là chưa kể những tội danh khác cũng liên quan đến nghi vấn “an ninh chính trị” như “tung tin đồn nhãm”, “tổ chức hội họp trái phép”, và cả “những hoạt động khác”… cũng có thể bị tố giác.
Linh mục Giuse Đinh Hữu Thoại, Trưởng văn phòng Công Lý và Hòa Bình, DCCT Sài Gòn cũng đặt vấn đề về mục tố giác tội phạm “tổ chức hội họp trái phép”, và “những hoạt động khác”. Tổ chức hội họp như thế nào là được phép? hội họp xin phép ở đâu? và “hoạt động khác” là hoạt động gì? … Ngoài ra theo linh mục Đinh Hữu Thoại, việc làm “Phiếu tố giác tội phạm” này sẽ gây lo sợ, nghi ngờ, hận thù… lẫn nhau, phá hoại sự đoàn kết, tình làng nghĩa xóm… trong dân chúng. Đặc biệt quan trọng hơn là “Phiếu tố giác tội phạm” này vi phạm pháp luật nghiêm trọng (như Luật không cấm “khiếu kiện tập thể”), tạo tiền đề xấu cho người dân xem thường pháp luật. Đó là chưa kể đến một vài đề mục gọi là “tội phạm” cần tố giác khác mà thực chất không phải là tội phạm (như việc trốn ”Trường giáo dục”, “trung tâm cai nghiện…” vì đấy không phải là trại giam; hay “Gái mại dâm” là tệ nạn xã hội chứ BLHS chưa qui định là tội nên không thể là tội phạm…)
Có thể nói, đây quả là một sáng kiến “vĩ đại” của ngành công an sau sáng kiến thu thập thông tin cá nhân của công an Hà Nội, vốn đã được thu hồi hồi tháng 10 năm ngoái vì người dân phản đối.
Săn tìm mua lá khoai lang non: thủ đoạn mới của thương lái Trung Quốc
Dư luận tỉnh Vĩnh Long đang xôn xao bàn tán vụ các thương lái Trung Quốc xuất hiện tại các khu vườn khoai lang đặt mua lá non từ sau tết nguyên đán đến nay.
Ông Lê Văn Trung ông Lê Văn Trung, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Thành Lợi (Bình Tân) cho biết, kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay, HTX Rau an toàn Thành Lợi tiếp rất nhiều đoàn thương lái (người Việt Nam và cả người Trung Quốc) đến đặt vấn đề mua bán rất lạ. Họ ngỏ ý mua 20 tấn lá khoai lang, với giá 10.000 đ/kg (khoảng 0,50 Cent). Nếu HTX chủ động kêu gọi nông dân trồng cắt lá bán, thu gom thì sau đó công ty đưa xe đến nơi vận chuyển và HTX sẽ được hưởng huê hồng 1.000 đ/kg.
Theo ông Trung, nhóm thương lái gồm có 4 người. Trong đó, có 2 người Việt Nam và 2 người Trung Quốc, giới thiệu công ty ở Sài Gòn chuyên thu mua nông sản.
Ông Trung nói, đã từ chối nhận khoản tiền 20 triệu đồng (tương đương 1.000 USD) của nhóm thương lái muốn đặt cọc cho việc thu mua lá khoai lang non.
Một số đặc điểm khá chung của cánh thương lái này là đến trực tiếp HTX, đặt vấn đề mua số lượng lớn, chấp nhận trả giá cao và thái độ mua bán thường tỏ ra rất vội vã…
Cánh thương lái này cho biết, họ mua lá về dùng chế biến thức ăn và xuất khẩu ăn tươi, và họ chỉ mua lá khoai xanh, tươi, còn sau khi thu hoạch lá đã vàng úa thì sẽ không mua.
Báo mạng Vĩnh Long dẫn lời Thạc sĩ Võ Văn Theo- Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Bình Tân cảnh báo rằng dây và lá sẽ hấp thụ chất dinh dưỡng để nuôi củ trong suốt quá trình phát triển. Vì thế, khi cắt lá khoai lang có thể giảm 50% năng suất, thậm chí không có củ.
Ông Trung còn kể, sau tết nguyên đán cũng có một nhóm thương lái Trung Quốc khác đến tận trụ sở hợp tác xã đòi mua đậu bắp non với giá cao hơn giá thị trường khoảng 3.000 đồng một kí nhưng ông từ chối với lý do không có hợp đồng và đặt cọc trước cho xã viên.
Sau sự việc thương lái thu mua đậu bắp xanh bằng hợp đồng miệng, ông Trung đã khuyến cáo bà con xã viên phải cẩn thận đừng vì lợi ích trước mắt mà vội mở rộng diện tích trồng, để rồi chịu cảnh dội chợ một khi thương lái tháo lui.
Người ta còn nhớ nông dân VN đã từng điêu đứng, chết dỡ sống dỡ vì những thủ đoạn thu mua bằng miệng của cánh thương lái Trung Quốc. Lúc đầu, giá cả được đẩy lên, thu mua ào ạt. Khi bà con nông dân mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thì các thương lái thay đổi phương thức thu mua, ép giá, thậm chí là đột ngột biến mất.