Con trai bà Bùi Minh Hằng kêu cứu khẩn cấp cho mẹ
Ngày 18.2.2014, em Trần Bùi Trung, con trai bà Bùi Thị Minh Hằng, một nhà tranh đấu cho Nhân Quyền tại Việt Nam vừa phổ biến một thư kêu cứu khẩn cấp cho mẹ .
Thư kêu cứu được gởi đến toàn thể cộng đồng người Việt ở trong nước và ngoài nước, các tổ chức nhân quyền quốc tế cùng Bộ Ngoại Giao các nước trên thế giới xin lên tiếng, can thiệp, giúp đỡ cho mẹ em được tự do, được trở về đoàn tụ với gia đình.
Trong thư kêu cứu khẩn cấp, em Trần Bùi Trung cho biết hiện nay bà Bùi Thị Minh Hằng còn đang bị giam giữ tại Trại tạm giam An Bình (Thành phố Cao Lãnh – Công An Tỉnh Đồng Tháp), tính đến ngày hôm nay, 18-02-2014, thì bà Bùi Thị Minh Hằng đã bị giam 8 ngày rồi; và bà Bùi Minh Hằng đã tuyệt thực từ khi bị bắt để phản đối việc công an bắt giam người trái pháp luật.
Cũng cần nhắc lại, vào ngày 11-02-2014, bà Bùi Thị Minh Hằng cùng 20 người khác đã bị hàng trăm công an huyện Lấp Vò, Tỉnh Đồng Tháp Việt Nam đánh đập dã man và vô cớ bắt giữ.
Phái Đoàn Liên Hiệp Âu Châu gửi Thông Điệp đến Việt Nam về Phiên tòa phúc thẩm Luật sư Lê Quốc Quân
Phái đoàn EU tại Việt Nam bày tỏ quan ngại về việc Tòa án Nhân dân Tối cao Hà Nội hôm nay bác bỏ kháng cáo của luật sư Lê Quốc Quân đối với án phạt 30 tháng tù giam và phạt tiền vì tội trốn thuế trước đó.
Vào tháng Tám 2013, Ủy Ban Điều Tra về Bắt Giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc ra phán quyết rằng việc giam giữ ông là tùy tiện và vi phạm các tiêu chuẩn xét xử công bằng. Ủy Ban yêu cầu Chính quyền lấy những biện pháp cần thiết để cải sửa tình trạng này.
Chúng tôi xin nhắc lại quyền căn bản của mọi người được bày tỏ ý kiến tự do và ôn hòa, theo Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Hiệp Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị mà Việt Nam đã ký kết. Bản án trên là một thất vọng đặc biệt trong khung cảnh Việt Nam được bầu vào Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.
Phái đoàn xin lập lại những lời kêu gọi trước đây rằng Việt Nam hãy tôn trọng quyền tự do ngôn luận và thả hết những người cổ xúy một cách ôn hòa cho nhân quyền trong nước.
Liên Hiệp Âu Châu cũng sẵn sàng tiếp tục làm việc cùng với Việt Nam về những việc này và những vấn đề về nhân quyền và pháp luật khác.
Khô mực cao su xuất hiện tại Bạc Liêu
Sáng ngày 14 tháng 2, 2014, khô mực “dởm” được bày bán trước cổng khu du lịch Phật Bà Nam Hải ở thành phố Bạc Liêu bị khách hành hương phát giác khi mua ăn. Người phụ nữ lạ mặt bày bán thau khô mực đã thừa cơ hội lộn xộn, lẫn trong đám đông, tẩu thoát mất dạng.
Báo Thanh Niên cho biết, nhân viên Chi Cục Quản Lý Thị Trường tỉnh Bạc Liêu đã tịch thu chiếc thau nhôm đựng khoảng 10 kg khô mực nghi là “dởm.” Một số nhân chứng cho biết, trước đó trông thấy một phụ nữ ngồi bán khô mực xé sẵn thành sợi, nói là mực ăn liền.
Sáng ngày 15 tháng 2, 2014, ông Nguyễn Văn Thành, cán bộ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bạc Liêu xác nhận, khô mực nói trên được làm bằng cao su, tẩm màu và mùi thơm khiến nhiều người lầm tưởng là khô mực.
Cũng theo báo Thanh Niên, số khô mực “dởm” nọ không có nguồn gốc, xuất xứ, nở to khi được ngâm vào nước, hiện nguyên hình những sợi cao su bóng sáng. Các nhân viên thẩm quyền cho hay đang điều tra xem liệu có phải số khô mực cao su nói trên xuất phát từ Trung Quốc hay không.
Mặt khác, cũng trong ngày 14 tháng 2, 2014, công an thành phố Cần Thơ đã tìm thấy hóa chất dùng để sản xuất tàu hũ ky tại cơ sở Bình Minh. Loại hóa chất này được nhận dạng là hydro sulfit, còn gọi là “bột chua,” dùng trong ngành dệt nhuộm, để tẩy trắng bột giấy, đất sét… Tuy nhiên, chủ cơ sở Bình Minh lại dùng chất “bột chua” này để tẩy trắng và làm cho tàu hũ ky có độ dai, giòn.
Cơ sở Bình Minh tọa lạc tại thành phố Cần Thơ, hiện do ông Nguyễn Nhật Trường, 26 tuổi làm chủ. Tại đây, công an Cần Thơ tịch thu được 39 kg “bột chua”. Ông Trường khai đã dùng “bột chua” nói trên pha trộn trong nước ngâm tàu hũ ky để bán ra thị trường, nhiều nhất là Sài Gòn, ước lượng khoảng 250 kg mỗi ngày.
Phạm Quý Ngọ đã bị thanh toán để bịt đầu mối điều tra ăn chia với lãnh đạo?
Thứ trưởng Bộ Công an CS Việt Nam Thượng tướng Phạm Quý Ngọ qua đời tại bệnh viện Quân y 108, Hà Nội, lúc 19 giờ 30 tối 18.2 vì bệnh ung thư gan.
Tin này được Thiếu tướng Đàm Văn Tâm, Phó chánh văn phòng Bộ Công an xác nhận với trang tin Một Thế giới, và cũng được các báo Tiền Phong, Người Lao Động,… đăng tải.
Theo báo Dân Việt, tại trước tòa nhà A11 khu điều trị Đặc biệt Bệnh viện Quân đội 108, khu vực được cho là nơi điều trị cho Thượng tướng Phạm Quý Ngọ trong suốt một thời gian dài vừa qua có một số cảnh sát bảo vệ. Một nguồn tin của PV báo Dân Việt cũng cho biết, một số nhân viên y tế phục vụ trong BV Quân đội 108 cũng chưa được biết thông tin này.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Phạm Anh Tuấn – Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương – tỏ ra hết sức bất ngờ trước thông tin này.
Khoảng 21 giờ 45, theo quan sát của PV Dân Việt, một số người – có thể là người nhà của tướng Phạm Quý Ngọ – cùng một vài vị bác sỹ, y tá chuyển một số đồ đạc từ trong khu điều trị đặc biệt ra phía ngoài sân của bệnh viện, nơi đang có một chiếc ô tô biển số 80B chờ sẵn. Chỉ trong vài phút, chiếc xe chở đồ rời đi luôn.
Cái chết của Thượng tướng Phạm Quý Ngọ xảy ra trong lúc Bộ Chính trị CSVN đang cân nhắc việc xử lý những lời khai trước tòa của ông Dương Chí Dũng, cựu Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, rằng đã hối lộ cho ông Phạm Quý Ngọ 510 ngàn đôla Mỹ để giúp ông Dũng “chạy án”
Sau lời khai đó Bộ Chính trị CSVN đã quyết định cuộc điều tra sẽ chỉ dừng lại ở ông Phạm Quý Ngọ chứ không mở rộng. Tuy nhiên một nguồn khác muốn ẩn danh cho hay mới đây Bộ Chính trị CSVN đồng ý khởi tố bị can đối với ông.
Vì thế hiện chưa rõ diễn tiến vụ việc sẽ ra sao sau khi ông Ngọ qua đời. Điều này khiến dư luận nghi ngờ đây là vụ thanh toán để bịt đầu mối điều tra ăn chia với lãnh đạo.