Ông Lý Thái Hùng, về kết quả và ảnh hưởng của UPR 2014

- Quảng Cáo -

Ông Lý Thái Hùng, về kết quả và ảnh hưởng của UPR 2014

UPRBuổi Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát gọi tắt là UPR về tình trạng nhân quyền Việt Nam năm 2014 đã diễn ra vào chiều ngày 5 tháng 2 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Genève, Thụy Sĩ. Phái đoàn của CSVN do Thứ trưởng ngoại giao Hà Kim Ngọc dẫn đầu với 23 người gồm đại diện bộ công an, bộ tư pháp, bộ truyền thông thông tin, ban tôn giáo, ban dân tộc… thay phiên trả lời những chất vấn của đại diện các quốc gia về tình hình đàn áp và những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.

So với lần kiểm định định kỳ phổ quát cách nay 5 năm vào năm 2009, lần này, phái đoàn CSVN không những bị chất vấn, phê phán mạnh mẽ từ các quốc gia mà còn bị lên án trực tiếp từ các tổ chức quốc tế, đoàn thể, đảng phái và các cá nhân của người Việt Nam đến từ Việt Nam, Hoa Kỳ, Âu Châu.. khiến cho không khí quanh buổi kiểm điểm định kỳ của CSVN rất căng thẳng. Để tìm hiểu về phản ứng chung quanh buổi kiểm điểm định kỳ về tình hình nhân quyền Việt Nam hôm mồng 5 tháng 2 vừa qua, Thanh Thảo xin mời quý vị theo dõi phần nhận định sau đây của ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân.

 

- Quảng Cáo -

Thanh Thảo: Trước hết xin ông có thể tóm lược những nội dung báo cáo của phái đoàn CSVN và những phản ứng chung của dư luận đối với buổi kiểm định định kỳ UPR vào tháng 5 năm 2009 cách đây 5 năm để chúng ta dễ so sánh với buổi kiểm định UPR lần này thưa ông?

Lý Thái Hùng: UPR là cơ chế được Hội đồng Nhân quyền LHQ thành lập năm 2007 nhằm đánh giá một cách toàn diện về tình hình thực hiện các cam kết tôn trọng nhân quyền của tất cả các nước thành viên Liên Hiệp Quốc. CSVN đã tham gia điều trần trước UPR lần đầu tiên vào ngày 8 tháng 5 năm 2009 với một phái đoàn khá hùng hậu gồm 29 người đại diện của Bộ ngoại giao, Bộ lao động thương binh, Bộ thông tin truyền thông, Bộ tư pháp, Bộ nội vụ, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ công an, Hội luật sư, Hội nhà báo, Ban đối nội và đại diện thường trú của CSVN tại Văn phòng Liên hiệp quốc ở Genève.

Vào năm 2009, phần báo cáo dài 30 phút của CSVN tập trung bốn điểm chính : 1/Hệ thống luật pháp và những luật lệ liên quan đến quyền con người; 2/Chính sách phát triển kinh tế nhằm nâng cao mức sống và bảo đảm chất lượng đời sống của người dân; 3/Các kế hoạch an sinh xã hội liên quan đến những chương trình xóa đói, giảm nghèo, cải cách y tế, giáo dục; 3/Bảo đảm quyền của thành phần thiếu số trong xã hội. Nói chung bản báo cáo mang nặng tính tuyên truyền.

Vì thế, sau phần báo cáo, CSVN đã nhận tất cả 131 khuyến nghị từ các quốc gia thành viên yêu cầu phải có những thay đổi như bỏ án tử hình, bảo đảm người bị giam giữ được tiếp cận với Luật sư mà không bị ngăn cản, công bố có bao nhiêu trại giam của công an và quân đội, thiết lập một cơ quan nhân  quyền quốc gia theo nguyên tắc của Hiệp ước Paris, thiết lập một cơ quan giám sát nhân quyền độc lập cố định, nhanh chóng thông qua các luật về quyền tiếp cận thông tin của người dân, cho phép truyền thông đóng vai trò giám sát trong xã hội…

Trong 131 khuyến nghị nói trên, CSVN chấp thuận 46 khuyến nghị mang tính chung chung, và từ chối 45 khuyến nghị liên quan đến việc nâng cao quyền của người dân trong các lãnh vực báo chí, tôn giáo, chính trị. Điều này cho thấy là CSVN coi thường các khuyến nghị nên đã bị dư luận quốc tế lên án mạnh mẽ trong suốt 5 năm vừa qua và chính vì những lên án này mà Hà Nội đã phải dành hẵn một chương đề cập về Quyền Con Người trong bản hiến pháp mới, thông qua vào cuối năm 2013.

Thanh Thảo: Như vậy buổi kiểm định UPR lần này, CSVN đã chuẩn bị ra sao và phản ứng chung của dư luận quốc tế có những gì đáng chú ý thưa ông?

Lý Thái Hùng: Trong đợt báo cáo UPR lần này, CSVN đã chuẩn bị kỹ hơn với sự tham dự của 18 cơ quan của các Bộ, ngành trực thuộc chính phủ và quốc hội soạn bản báo cáo và nộp cho ban thư ký Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng 10 năm 2013.  Tại buổi kiểm định, CSVN đã cử một lực lượng nhân sự khá hùng hậu do Thứ trưởng ngoại giao Hà Kim Ngọc dẫn đầu sang Genève để trả lời những câu hỏi chất vấn trong buổi kiểm định.

Tuy nhiên nội dung bản báo cáo cho UPR lần này vẫn không có gì mới lạ. CSVN vẫn tiếp tục đưa ra những con số thống kê hoàn toàn không kiểm chứng như khoe rằng tỷ lệ người nghèo dưới ngưỡng chuẩn quốc gia đã giảm từ 58,1% xuống 14,8% năm 2007 và 7,8% năm 2013. Ngoài ra, phái đoàn CSVN chứng minh việc tôn trọng quyền con người bằng cách cho rằng đã dành trọn chương II quy định việc bảo vệ quyền con người trong bản hiếp pháp mới, cũng như ban hành một loạt luật mới nhằm thể chế hóa quyền con người như Luật khám chữa bệnh, Luật người cao tuổi, Luật người khuyết tật, Luật phòng chống mua bán người…

Vì thế mà ngay sau khi nghe phần báo cáo 30 phút của Thứ trưởng Hà Kim Ngọc đã có đến 68 phái đoàn trong số 106 hiện diện ghi danh chất vấn và đưa ra những khuyến nghị rất cụ thể đối với tình hình nhân quyền Việt Nam so với lần UPR năm 2009. Ngoài những phái đoàn Trung Quốc, Cuba khen ngợi bản báo cáo của CSVN, đại diện các phái đoàn Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Pháp, Úc, Anh, Thụy Sĩ … tức các quốc gia Tây Phương nói chung, các quốc gia cựu cộng sản Đông Âu, và các quốc gia như Nhật Bản, Mexico, Ba Tây, Miến Điện đều cho rằng tình hình nhân quyền tại Việt Nam không những không được cải thiện so với 5 năm trước mà ngày càng trở nên tồi tệ khi số người bị bắt giữ phi lý, phi pháp gia tăng.

Phái đoàn Thụy Điển đã tố cáo có đến 58 Bloggers bị bắt bỏ tù từ năm 2009 đến nay và Việt Nam đã hạn chế các quyền tự do ngôn luận. Phái đoàn Hoa Kỳ đòi CSVN phải trả tự do tức khắc cho 4 tù nhân lương tâm Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải và Trần Huỳnh Duy Thức cũng như bỏ các đạo luật mơ hồ về an ninh quốc gia để làm lý cớ bắt giữ những công dân yêu nước.

Nói chung, nội dung bản báo cáo tập trung vào những khoe khoang khỏa lấp thực trạng vi phạm nhân quyền như nói thông qua đạo luật này, ban hành chính sách kia nhằm thể chế hóa quyền con người nhưng trong thực tế thì không thi hành hoặc áp dụng ngược lại. Đa số các phái đoàn và đại diện những tổ chức phi chính phủ đều bày tỏ sự bất mãn phiên điều trần của CSVN.

Thanh Thảo: Theo ông thì những hứa hẹn thay đổi của phái đoàn CSVN trong lần kiểm định cách nay 5 năm có gì thay đổi đối với buổi kiểm định này không thưa ông?

Lý Thái Hùng: Trong lần Kiểm định UPR năm 2009, CSVN nhận tất cả là 131 khuyến nghị nhưng chỉ chấp nhận 46 khuyến nghị còn từ chối không thi hành hay cải tổ đối với 45 khuyến nghị.

45 khuyến nghị này tập trung vào những vấn đề như: Thiếp lập một cơ quan nhân quyền quốc gia theo các nguyên tắc Paris, Tăng sự độc lập của truyền thông với nhà nước, bao gồm việc cho phép truyền thông tư nhân, sửa đổi luật xuất bản để tuân thủ theo ICCPR, cho phép truyền thông đóng vai trò giám sát trong xã hội, Mời vả hỗ trợ chuyến thăm của báo cáo viên đặc biệt về Tự do tôn giáo và tín ngưỡng, Tiến hành các biện pháp cần thiết để chấm dứt những hạn chế đối với quyền tự do phát biểu và tụ họp ôn hòa, Cho phép báo và tạp chí độc lập và do tư nhân quản lý, Xây dựng đối thoại chính sách giữa chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự độc lập, Xóa bỏ những quy định không rõ ràng về an ninh quốc gia như các điều 84, 88, 258 đã được sử dụng để kết tội cho những người có tiếng nói bất đồng với chính phủ hay chính sách của chính phủ…

Vì thế mà bản báo cáo UPR năm 2014, CSVN đã không những không đá động gì đến các khuyến nghị từ 2009, mà còn cho rằng những nội dung khuyến nghị về tôn trọng nhân quyền chỉ nhằm hỗ trợ những thế lực bên ngoài chống phá lại đảng và nhà nước CSVN. Khi CSVN tiếp tục coi những khuyến nghị của quốc tế nhằm nâng cao quyền con người đúng theo nhu cầu của một xã hội văn minh tiến bộ của nhân loại là chống lại họ, cho thấy là não trạng của Hà Nội rất dị ứng với hai chữ “nhân quyền”.

Thanh Thảo: Trước khi buổi kiểm định diễn ra buổi chiều ngày 5 tháng 2 tại trụ sở Geneve của Liên Hiệp Quốc đã có 3 buổi hội thảo về tình hình nhân quyền VN. Ông đánh giá ra sao về nỗ lực của các buổi hội thảo này và có tác dụng gì không?

Lý Thái Hùng: Phải nói là dư luận Việt Nam lẫn quốc tế rất chú ý đến lần kiểm định UPR năm 2014 vì một lý do khá hiển nhiên là CSVN vừa được bầu vào làm thành viên mới của Hội đồng nhân quyển Liên Hiệp Quốc vào tháng 11 năm 2013.

Trong sự quan tâm đó, những tổ chức NGO quốc tế và những đoàn thể, đảng phái, các cá nhân ở trong và ngoài Việt Nam đã tổ chức hay tham gia vào ba cuộc hội thảo trong trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Genève để tạo thêm sức ép lên phái đoàn CSVN.

Hội thảo thứ nhất diễn ra vào ngày 30 tháng 1 do các tổ chức dân sự độc lập Việt Nam như Mạng Lưới Blogger Việt Nam, Dân Làm Báo, Con Đường Việt Nam, Phật Giáo Hòa Hảo Truyền thống, No-U Việt Nam, Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị-Tôn giáo Việt Nam và VOICE tổ chức, thu hút nhiều phái đoàn quốc tế tham dự. Đặc biệt là các tổ chức dân sự độc lập này đã thực hiện một tài liệu đúc kết lại toàn bộ những vi phạm quyền con người của nhà cầm quyền CSVN hầu giúp cho các phái đoàn nắm vững tình hình Việt Nam và không nghe một chiều từ phía Hà Nội.

Hội thảo thứ hai diễn ra vào ngày 4 tháng 2, một ngày trước khi buổi Kiểm định định kỳ của CSVN diễn ra vào chiều ngày 5 tháng 2. Hội thảo này mang chủ đề “Trách nhiệm của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc” với sự tham dự của các NGO quốc tế  như UN Watch, Article 19, PEN International, RFA và các tổ chức Việt Nam như đảng Việt Tân, Vietnam Progress, Vietnam Human Right PAC. Tại buổi hội thảo này có 3 nhân chứng Việt Nam là Luật sư Hà Huy Sơn, Ký giả Trần Quang Thành cựu phóng viên đài Truyền hình Việt Nam và Tiến sĩ Phạm Chí Dũng. Tuy nhiên Tiến sĩ Phạm Chí Dũng đã bị công an CSVN ngăn chận không cho xuất cảnh để sang Thụy Sĩ tham dự Hội thảo.

Hội thảo thứ ba cũng diễn ra vào ngày 4 tháng 2 do Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền với sự hậu thuẫn của Ân Xá Quốc tế và Human Rights Watch tổ chức cuộc Hội luận “Những tiếng nói của Xã hội dân sự bị cấm đoán”.

Ba hội thảo nói trên đã đưa ra được những nét đặc thù giúp cho dư luận quốc tế, đặc biệt là đại diện một số quốc gia tham dự UPR hiểu rõ khát vọng nhân quyền của người Việt Nam đang tranh đấu ngay tại Việt Nam, cũng như nắm được các điểm chính cần truy cứu trách nhiệm của CSVN trong vai trò là thành viên nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016.

Nhờ  vào nội dung đề xướng của ba Hội thảo nói trên và những cuộc vận động hành lang đối với một số đại diện các quốc gia trước thềm UPR, khiến cho các lên tiếng của một số quốc gia trong phần chất vấn và khuyến nghị phái đoàn CSVN rất mạnh mẽ như yêu cầu Hà Nội bỏ đều 79, 88, 258 của Luật hình sự hay trả tự do tức thời cho Tiến sĩ Cù huy Hà Vũ, Luật sư Lê Quốc Quân,  blogger Điều Cày, doanh gia Trần Huỳnh Duy Thức.

Ngoài ra, một vài phái đoàn còn khuyến cáo là CSVN phải tuân thủ những phán quyết của Ủy Ban LHQ Chống Bắt Giữ Tùy Tiện và trả tự do cho tất cả những người được nêu tên trong các phán quyết đó, bao gồm các vị trong vụ án Bến Tre, Đỗ Thị Minh Hạnh, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Quốc Quân, và các Thanh Niên Yêu Nước tại Vinh. Nói chung, tác dụng quan trọng của các cuộc hội thảo là đánh thức dư luận về tình hình nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam và không nên tin vào các báo cáo của CSVN.

Thanh Thảo: Trong số những người Việt Nam được tổ chức UN Watch mời tham dự Hội thảo trước thềm UPR là Tiến sĩ Phạm Chí Dũng đã bị chận không cho xuất cảnh đến Genève. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên đối với người VN chúng ta, nhưng theo ông phản ứng này của Hà Nội có là kém khôn ngoan trước cuộc kiểm định nhân quyền của LHQ hay không?

 Lý Thái Hùng: Trong thời gian qua, CSVN đã theo dõi và rất ngại những phát biểu sâu sắc và thuyết phục của Tiến sĩ Phạm Chí Dũng về mọi mặt của tình hình Việt Nam. Do đó, việc không cho Tiến sĩ Phạm Chí Dũng rời Việt Nam sang Genève dự Hội thảo theo lời mời của UN Watch không đơn thuần là một quyết định hành chánh của bộ máy công an an ninh, mà là quyết định tối hậu của Bộ chính trị.

Lý do đơn giản là lãnh đạo CSVN lo ngại các phát biểu của Tiến sĩ Phạm Chí Dũng ngay tại Genève sẽ làm cho nội dung báo cáo về cái gọi là nâng cao quyền con người của phái đoàn CSVN hôm mồng 5 tháng 2, trở thành lố bịch, dẫn đến sự bất tín của thế giới về vai trò thành viên Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc của CSVN trong 3 năm tới. 

Thanh Thảo: Có người cho rằng những chất vấn hay những vận động các áp lực của quốc tế trước thềm UPR lần này tuy có tạo một số ảnh hưởng nhất định nhưng vốn là quốc gia độc  tài, CSVN sẽ không đáp ứng các đòi hỏi của quốc tế một cách rốt ráo. Ông nghĩ sao về sự hiệu quả của UPR?

Lý Thái Hùng: UPR là một cơ chế mang tính chất kiểm tra, đối thoại, công khai và không mang tính chế tài, đối đầu giữa các thành viên của Liên Hiệp Quốc về tình hình thực thi nhân quyền chung tại các nước. Khi cơ chế mang tính chất khuyến cáo, người ta khó có thể chờ đợi UPR hay Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc có những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ.

Tuy nhiên, UPR là diễn đàn mà những quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, cứ 4 năm một lần phải làm báo cáo về tình hình nhân quyền và lắng nghe ý kiến, khuyến cáo từ các quốc gia khác để có những biện pháp cải sửa thích ứng. Đây là cơ hội rất lớn để các đoàn thể vận động, tạo áp lực thay đổi lên chế độ nếu họ muốn được tôn trọng trên đường hội nhập.

Do đó chúng ta nên coi UPR là diễn đàn tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia, các NGO thế giới để sau đó tiếp tục duy trì thường xuyên các áp lực buộc Hà Nội phải nghiêm chỉnh thi hành những khuyến nghị mà họ chấp nhận thi hành hay cải sửa.

Những lên án đồng loạt từ nhiều quốc gia và NGO thế giới lần này đã gởi một thông điệp mạnh mẽ  đến lãnh đạo CSVN, đồng thời nói lên sự hỗ trợ mạnh mẽ của thế giới đối với phong trào dân chủ Việt Nam. Đây cũng là một khích lệ tinh thần lớn lao đối với đồng bào và các nhà đấu tranh dân chủ tại Việt Nam, giúp họ vượt qua những khó khăn, trù dập, đe dọa của chế độ. Nhưng điều đáng nói là qua cuộc vận động UPR năm 2014, tinh thần kết hợp đấu tranh giữa người Việt trong nước và hải ngoại đã được thực hiện tuyệt vời để đưa tiếng nói nhân quyền Việt Nam lên tầm mức quốc tế cao nhất so với trước đây.

Thanh Thảo: Xin cảm ơn phần trả lời của ông Lý Thái Hùng.

 

 

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here