Hoa Kỳ đòi Trung Quốc giải thích yêu sách đường „lưỡi bò“ ở Biển Đông.
Thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ chuyên trách khu vực Đông Á, ông Daniel Russel phát biểu tại Quốc hội Hoa Kỳ rằng hiện nay sự quan ngại đang gia tăng vì thái độ của Trung Quốc tại Biển Đông cho thấy nỗ lực của nước này trong việc tìm cách kiểm soát khu vực dù bị các nước láng giềng phản đối; và rằng bất cứ tuyên bố chủ quyền biển nào của Trung Quốc không gắn với các đặc điểm địa lý đã được xác định đều là trái với luật pháp quốc tế.
Ông Daniel Russel nói thêm:”Trung Quốc có thể chứng tỏ mình tôn trọng luật pháp quốc tế bằng cách giải thích yêu sách chủ quyền thể theo luật biển quốc tế”.
Cho tới nay Hoa Kỳ nhiều lần tuyên bố không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền ở Á châu. Thế nhưng ông Russel nói ông ủng hộ quyền của Philippines kiện lên tòa án LHQ nhằm tìm giải pháp hòa bình cho các vấn đề.
Cũng cần nhắc lại, vào tháng 1/2014, giới chức Trung Quốc đòi tàu thuyền nước ngoài khi vào bên trong đường “lưỡi bò” phải xin phép tỉnh Hải Nam. Việc này đã bị các bên tranh chấp ở Biển Đông đều tuyên bố phản bác.
Xả nước ngập nhà dân để cưỡng chế đất
Chưa thuyết phục được về phương án bồi thường khi thu hồi đất, Ban quản lý dự án hồ Suối Mỡ đã nhẫn tâm chặn dòng nước cho nước tràn vào nhấn chìm ngôi nhà cùng toàn bộ tài sản của bà Phạm Thị Đạt ở thôn Bà Gò, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang .
Căn nhà của bà Đạt trên miếng đất diện tích khoảng 6.000 m2 nằm trên con đường vào khu du lịch Suối mỡ, đây cũng là cửa hàng bán hàng của bà để nuôi con ăn học.
Năm 2008, UBND tỉnh Bắc Giang đã thu hồi đất để đầu tư xây dựng công trình hồ chứa nước Suối mỡ, thì tòan bộ nhà đất của bà Phạm Thị Đạt đều nằm trong khu vực phải giải tỏa mặt bằng. Dù không muốn chuyển đi nơi khác, vì sẽ ảnh hưởng đến việc kiếm sống của gia đình, nhưng bà Phạm Thị Đạt vẫn sẵn sàng tuân thủ các quy định của Nhà nước và pháp luật về giải phóng mặt bằng. Thế nhưng, theo văn bản quyết định phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì giá đền bù chỉ có 34.000 đồng/m2 đất, quá rẻ mạt so với giá thị trường.
Và khi thu hồi đất, chính quyền địa phương đã không hề cấp một suất đất tái định cư nào hoặc hỗ trợ, tạo điều kiện giao cho bà Đạt một nơi ở, một chỗ sinh hoạt bình thường để ổn định cuộc sống theo đúng quy định của pháp luật.
Bà Đạt cho biết hiện nay toàn bộ nhà và đất và tài sản ngập sâu dưới nước. Nước ngập bên trên nóc nhà 3 mét và bà phải làm tạm cái lều ở mép hồ để ở.
Khi được báo chí hỏi về việc tại sao chính quyền địa phương lại đưa ra một quyết định có ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng người dân như thế thì ông Đặng Văn Nhàn, Phó Chủ tịch huyện Lục Nam thừa nhận sự việc nêu trên là đúng thực tế và cho biết lý do “do chỉ còn một mình nhà bà Đạt không nhận tiền nên Phòng NN&PTNT huyện đã chặn dòng để tiến hành thi công khu chứa nước hồ Suối Mỡ”.
Cho dù vô vọng, song đến nay bà Phạm Thị Đạt cho biết gia đình bà sẽ tiếp tục khiếu nại để đòi hỏi sự công bằng để yêu cầu chính quyền địa phương phải giải quyết cho bà theo đúng trình tự và các quy định của pháp luật, trong việc giải quyết đền bù cho công dân trong trường hợp thu hồi đất để phục vụ cho các nhu cầu phát triển kinh tế và xã hội. Tuy nhiên theo bà Đat việc của gia đình bà không được xem xét giải quyết thỏa đáng, thậm chí còn bị đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan liên quan.
Cho tới nay người ta đã chứng kiến cảnh nhà cầm quyền cưỡng chế đất của người dân bằng cảnh sát công an côn đồ đủ loại. Người ta cũng biết đến việc các đập thủy điện xã lũ vô tội vạ gây thiệt hại cho dân,… nhưng thật khó tưởng tượng quan chức cầm quyền lại có thể nghĩ ra những chiêu cưỡng chế đất bằng cách xả nước nhấn chìm nhà dân độc ác như vậy.
Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) xếp hạng Việt Nam thuộc nhóm có tự do báo chí suy giảm nhất
Hôm qua ngày 6 tháng 2, Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) lên tiếng cho hay hoạt động theo dõi trên diện rộng của Hoa Kỳ, rồi những luật lệ giới hạn cũng như làn sóng tấn công mạng trên khắp toàn cầu khiến cho tự do báo chí trong lĩnh vực Internet bị giới hạn đáng kể trong năm 2013.
Đây là lần đầu tiên CPJ đưa hoạt động mạng vào danh sách những quốc gia hạn chế tự do báo chí. CPJ nói rõ những quốc gia nơi mà quyền tự do báo chí bị giảm đi nhiều nhất trong năm 2013 gồm có Ai Cập, Bangladesh, Syria và Việt Nam.
CPJ cho biết tình trạng cấm đoán đối với các blogger độc lập ở Việt Nam bắt đầu từ hồi năm 2008 đã gia tăng trong năm ngoái.
CPJ nói ở khu vực Châu Á, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc về số nhà báo bị cầm tù. Trong số này có blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải được CPJ trao giải Tự do Báo chí Quốc tế năm 2013.
Theo CPJ ở Việt Nam không có báo chí tư nhân, nên không gian mạng là nơi duy nhất để đưa ra những phê phán, chỉ trích mà thôi.
Để đối phó với những blogger và các mạng xã hội, nhà cầm quyền CS Việt Nam đã ra nghị định 72/2013/NĐ-CP cấm chia sẻ thông tin trên các trang mạng xã hội. Nghị định „bịt miệng“ vi phạm Hiến pháp, Pháp luật và các Công ước Quốc tế này có hiệu lực hồi đầu tháng giêng năm nay.
Tuy nhiên dư luận cho rằng, nhà cầm quyền CSVN khó có thể ngăn cấm giới Blogger và các trang mạng xã hội sử dụng quyền tư do báo chí này của họ.