Thêm chi tiết trong vụ án Dương Chí Dũng

- Quảng Cáo -

Thêm chi tiết trong vụ án Dương Chí Dũng

DCDungNhư dư luận tiên đoán vụ án Dương Chí Dũng đã không dừng lại ở với con số 11 bị cáo, mà nó còn liên quan đến nhiều nhân vật cao cấp trong giới cầm quyền Việt Nam.

Tin từ phiên toà xử Dương Tự Trọng và 6 bị cáo khác tại Toà Án Nhân Dân Hà Nội vào sáng ngày 7/01/2014 thì trong vai trò nhân chứng, Dương Chí Dũng đã cung cấp thêm nhiều thông tin, bằng chứng về các khoản hối lộ lên 1,5 triệu đô-la cho thứ trưởng bộ công an Phạm Quý Ngọ. Ngoài ra, một số nhân vật đang giữ các vị trí quan trọng trong bộ công an và cả giới tài phiệt cũng đã được nêu đích danh tên tuổi, chức vụ. Dương Chí Dũng cho biết là chính Thứ Trưởng Công An Phạm Quý Ngọ là người đã báo tin cho biết là ông ta đã bị khởi tố và khuyên mình nên tạm lánh đi một thời gian và tắt điện thoại.

Ngoài ra, Dương Chí Dũng còn cho biết là đã đưa tiền cho nhiều cán bộ công an với số tiền từ 2000 đến 20 ngàn đô la. Trong đó, có đưa cho ông Thanh là cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C48), 20 ngàn đô la và một chai rượu quý. Đáng chú ý, bộ trưởng bộ công an Trần Đại Quang cũng xuất hiện trong lời khai của ông Dương Chí Dũng liên quan đến khoản hối lộ 20 tỷ, tức 1 triệu đô-la Mĩ cho tướng Ngọ. Trong lời khai tiếp theo, ông Dương Chí Dũng kể lại buổi tiếp xúc và trao đổi riêng với ông Trần Đại Quang tại nhà bộ trưởng. Tuy nhiên, khi đang nói tiếp những vấn đề liên quan đến bộ trưởng công an Trần Đại Quang thì phía hội đồng xét xử lập tức lên tiếng cắt lời.

- Quảng Cáo -

Trong phần luận tội, từ lời khai của Dương Chí Dũng, đại diện VKS đã đề nghị tòa kiến nghị các quan chức khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật công tác. Về việc ông Dũng khai đưa cho ông Ngọ 500 ngàn USD có dấu hiệu của tội đưa nhận hối lộ nên VKS đề nghị tòa ghi nhận vào bản án.

Điều làm dư luận thắc mắ là trước tòa ông Dương Chí Dũng có nói lời khai này ông đã báo với cơ quan điều tra khi ông mới bị bắt (tháng 9/2012), và thực sự là tin này đã lộ ra vào tháng 12/2013 trên mạng Quan Làm Báo. Vậy tại sao Bộ Công An lại không biết đến chuyện này để tiến hành điều tra, mà phải đợi “tòa quyết định đúng sai”? Trách nhiệm của Tòa đâu phải đi điều tra lời khai của bị cáo? Điều tra trễ một năm, ông Phạm Quý Ngọ có thừa thời gian để hủy các bằng chứng vật chứng rồi.

 

Cầu Phú Mỹ thất bại, trở thành cục nợ

PhuMySau hơn 4 năm hoạt động, chiếc cầu dây văng đẹp nhất Sài Gòn mang tên Phú Mỹ ở quận 7 đã trở thành “cục nợ” của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam.

Theo báo Tuổi Trẻ, số tiền thu lộ phí xe cột qua lại cầu thấp thảm hại. Riêng trong năm 2012, khoản thu này chỉ đạt 95 tỉ đồng, tương đương 4.7 triệu đô, trong khi theo phương án tài chính phải là 158 tỉ đồng, tương đương 7.9 triệu đô. Mức thu thực tế chỉ đạt 60% mức thu mong muốn.

Trong năm 2013, mức thu này là 102 tỉ đồng, tương đương 5 triệu đô, trong khi mức thu theo dự tính phải là 180 tỉ đồng, tương đương 9 triệu đô, tức chỉ đạt 56%, thấp hơn cả năm trước đó.

Trong khi đó, khoản 1,103 tỉ đồng, tương đương 55 triệu đô, tiền vay ngân hàng ngoại quốc đang tăng dần tiền lãi và “lãi mẹ đẻ lãi con” hầu như mỗi ngày.

Xin nhắc lại, cầu Phú Mỹ được xây dựng và đưa vào sử dụng cách nay hơn 4 năm, nối liền quận 2 và quận 7, Sài Gòn. Chiếc cầu do chính quyền Sài Gòn đứng ra ký kết và giao cho một công ty cổ phần quy tụ năm đơn vị lớn cùng thực hiện dự án xây dựng, gọi tắt là PMC. Theo kế hoạch ban đầu, thời gian thu lệ phí xe cộ qua lại cầu chỉ kéo dài 26 năm. Tuy nhiên, vì số tiền thu được quá thấp so với dự tính, trong khi chi phí đầu tư ban đầu phát sinh quá nhiều, PMC dọa sẽ phải kéo dài thời gian thu phí lên tới 40 năm.

Cũng theo báo Tuổi Trẻ, các công ty đầu tư hoạch định vốn xây dựng chiếc cầu Phú Mỹ hồi năm 2004 là 1,806 tỉ đồng, tương đương 90 triệu đô. Ðến tháng 5, 2013, vốn đầu tư được điều chỉnh tăng lên 3,250 tỉ đồng, tương đương 162 triệu đô, tức tăng gần gấp đôi. Phúc trình của PMC nói rằng, tổng mức chi tăng vọt là vì phải đổ thêm tiền bồi thường đất đai giải tỏa của người dân. Riêng khoản lãi vay ngân hàng ngoại quốc cũng đã lên tới 465 tỉ đồng, tương đương 23 triệu đô.

Theo một chuyên viên quốc tế, ông Karthryn Vagneur của Quỹ Vietnam Equity Holdings & Vietnam Property Holdings, nếu PMC không “giải quyết dứt điểm” khoản vốn vay thì các nhà đầu tư ngoại quốc sẽ phải kết luận rằng, cầu Phú Mỹ là một dự án hạ tầng thất bại. Ðiều này sẽ làm Việt Nam khó vay vốn ngoại quốc cho những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong tương lai.

 

Học sinh phản đối thầy cô kiểm soát Facebook

hocsinhTin từ báo mạng VNExpress, ngành giáo dục thành phố Ðà Nẵng vừa mở đợt huấn luyện các thầy cô giáo và cả ban hiệu trưởng các trường trung học về phương pháp “quản lý học sinh trên mạng Facebook” kể từ học kỳ tới. Qua đó thầy cô giáo sẽ buộc học sinh em phải “add” tên của họ vào danh sách các “friends.”

Ðây là một trong những biện pháp nhằm kiểm soát nghiêm ngặt hoạt động của học trò các trường trung học tại thành phố này thông qua Facebook (FB), theo chủ trương của ngành giáo dục thành phố Ðà Nẵng.

Điều này khiến các học sinh các trường trung học ở thành phố Ðà Nẵng đều rúng động, và hoang mang. Vì theo các em, mạng xã hội FB hiện là nơi sinh hoạt “đông vui” của các em. Ðó là nơi trao đổi nhiều thông tin bổ ích, chia sẻ tâm sự cùng với bạn bè thân thiết, nếu người trẻ bị buộc phải “kết bạn” với thầy cô của mình là điều đáng ngại, và “chẳng còn thú vị gì nữa, các em cảm thấy bị gò bó bất thường mỗi khi vào FB, và chắc chắn mối ác cảm với thầy cô sẽ nẩy sinh ở một số học sinh, khi nghĩ đến việc sự riêng tư của mình không được tôn trọng.”

Trong khi đó, một số thầy cô giáo cố gắng giải thích, biện minh cho chủ trương mới của ngành giáo dục. Những người này cho rằng việc giám sát học sinh qua mạng Facebook là hết sức cần thiết.

Cuộc tranh cãi giữa đôi bên về vấn đề trên đang tiếp tục gây dư luận, giờ đây không chỉ riêng thành phố Ðà Nẵng mà lan rộng khắp Việt Nam.

 

Trung Quốc cấm tàu cá ‘nước ngoài’ hoạt động ở Biển Đông

TQVào ngày 1/01/2014 Trung Quốc đã ra quyết định cấm tàu đánh các ‘nước ngoài” hoạt động trong khu vực thẩm quyền của tình này chiếm đến hai phần ba Biển Đông, nơi Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei.

Lệnh cấm trên được nhà cầm quyền tỉnh đảo Hải Nam lặng lẽ đưa ra ngày 29 tháng 11 năm 2013, được truyền thông địa phương loan báo ngày 3 tháng 12 năm 2013 trong tính cách thông tin về các quyết định của nhà cầm quyền thực thi luật lệ ngư nghiệp. Theo đó, lệnh cấm tàu cá ngoại quốc bao trùm khu vực lên đến hơn 2 triệu km2  của Biển Đông mà nếu không được nhà cầm quyền Trung quốc cấp phép, sẽ bị bắt giữ, tịch thu tài sản và phạt vạ với tiền phạt lên tới 82.600 đô la; và trong một số trường hợp, tàu đánh cá có thể bị tịch thu và thủy thủ trên tàu sẽ bị truy tố theo luật pháp Trung Quốc.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra một yêu sách pháp lý rõ ràng đối với ngư trường nằm trong phạm vi của đường chín đoạn đứt khúc, thường được gọi là “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự ý vạch ra và cho là “hải phận lịch sử” của họ.
Các nhà phân tích cho rằng hành động này của Trung Quốc có phần chắc sẽ làm cho vụ tranh chấp ở Biển Đông trở nên căng thẳng hơn. Ông John Tkacik, một chuyên gia về Trung Quốc từng làm việc tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nói rằng “Đây là một diễn tiến quan trọng, nhưng không phải là bất ngờ.” Ông nói thêm rằng việc tuyên bố khu vực quản lý mới của tỉnh Hải Nam dường như là một phần của chính sách của Trung Quốc nhằm siết chặt dần dần sự kiểm soát của họ trong khu vực.
Theo ông Tkacik, Bắc Kinh đang bước ra khỏi sự mơ hồ trước đây về qui chế pháp lý của “đường chín đoạn” để ban bố “một biện pháp cấp tỉnh” để xem phản ứng của các nước khác như thế nào. Ông Tkacik cho biết các nước Đông Nam Á có thể thông qua Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển để thách thức vùng cấm đánh cá mới của Trung Quốc. Ông nói rằng “Với loan báo này, Trung Quốc rõ ràng là đang xem thường công ước của Liên hiệp quốc.”

 

 

 

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here