‘Tàu Lạ’ đâm liên tiếp vào tàu ngư dân Việt
Theo tường trình của anh Trương Đình Hùng (SN 1984, trú tại thôn Giang Sơn xã Hoằng Trường tỉnh Thanh Hóa, là chủ tàu cá 165CV mang số hiệu TH 90095TS), thì khoảng 9h sáng ngày 20/12, khi tàu cá của anh Hùng đang đánh bắt cá bằng lưới Lưỡng tại vĩ tuyến 19,250 Bắc – 107,300 Đông thì bất ngờ có tàu lạ lao tới đâm thẳng vào Cabin mạn phải của thuyền anh Hùng. Lúc này thuyền lạ vừa đâm vừa ném gạch, đá, phi lao bằng các thanh gỗ về phía tàu anh Hùng.
Thấy tình hình nguy cấp, anh Trương Đình Hùng đã hô 10 thuyền viên khác đi trên tàu nhanh chóng vào trong khoang máy để trú ẩn, tránh những “cơn mưa” hung khí bên phía tàu lạ ném sang. Không dừng lại ở đó, sau cú đâm thứ nhất, tàu lạ tiếp tục quay lại đâm cú thứ 2 khiến tàu anh Hùng nghiêng ngả, Cabin tàu tiếp tục bị đâm khiến gãy nát phần cửa ra vào khoang máy và kính bị vỡ tung. Lúc này, tình thế hết sức nguy hiểm nên tàu TH 90095TS đã phải cắt đứt lưới của mình và nổ máy chạy nhằm thoát khỏi những cú đâm liên tiếp của tàu lạ. Nhưng vừa nổ máy chạy thì tàu lạ cũng nhằm thẳng hướng tàu anh Hùng truy đuổi. Được khoảng 500m tàu anh Hùng tiếp tục bị đâm cú thứ 3 nhưng rất may tàu không bị chìm và tiếp tục thoát chạy. Nhận được tin kêu cứu, nhiều tàu bạn cùng vùng đánh bắt gần đó đã chạy lại ứng cứu nhưng tàu lạ đã kịp tẩu thoát.
Ngoài phần Cabin tàu bị hư hỏng nhiều chỗ, neo tàu bị đứt rơi xuống biển trên tàu còn có hai người bị thương là anh Hùng và thuyền viên Trương Đình Hải. Sau khi được thuyền bạn giúp đỡ và đưa vào bờ, anh Trương Đình Hùng đã làm đơn kể lại toàn bộ sự việc xảy ra gửi cho Đồn biên phòng xã Hoằng Trường và chính quyền địa phương đề nghị điều tra, làm rõ tàu lạ đâm tàu của anh. Trong quá trình bị đâm anh chỉ kịp nhìn thấy biển đánh bắt cá chung của tàu lạ có số hiệu V0778, tàu sơn màu xanh và đi nghề lưới bao.
Tổng Cục Thống Kê CSVN ‘báo cáo láo’
Việt Nam vốn nổi tiếng về các số liệu thống kê mâu thuẫn, không đáng tin nhưng chưa bao giờ chuyện thống kê, “báo cáo láo” lại rõ ràng như báo cáo mới nhất về “thu nhập bình quân theo đầu người” của Tổng Cục Thống Kê.
Hôm 5 tháng 12.2013, trong hội nghị với các nhà tài trợ nước ngoài, nơi gặp gỡ đại diện của các chính phủ và các tổ chức tài chính quốc tế nhằm tìm kiếm những thỏa thuận về viện trợ và vay tiền, chính phủ loan báo, năm nay, “thu nhập bình quân theo đầu người” tại Việt Nam là $1.960.
Năm ngoái, “thu nhập bình quân theo đầu người” tại Việt Nam chỉ có $1.600. Tính ra chỉ trong một năm, “thu nhập bình quân theo đầu người” tại Việt Nam tăng thêm $360. Nói cách khác, tỷ lệ tăng “thu nhập bình quân theo đầu người” tại Việt Nam trong năm nay lên tới 22,5%.
Tuy nhiên theo một số chuyên gia thì sự kiện này được xem là vô lý, không thể chấp nhận được. Lý do: Kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục suy thoái. Cuộc sống càng ngày càng thêm căng thẳng, khó khăn. Mức sống càng ngày càng giảm. Đây là một thực tế mà bất kỳ ai cũng thấy. Thậm chí, chính quyền trung ương đã xin Quốc Hội cho phép giảm chỉ tiêu tăng trưởng GDP xuống 5,3% vì ngân sách thất thu nghiêm trọng do doanh nghiệp phá sản hàng loạt.
Tờ Doanh Nhân Sài Gòn nhận định, với lối thống kê nhằm tạo ra các “con số đẹp,” các chỉ tiêu kinh tế khác như nợ công, tổng vốn đầu tư toàn xã hội hay kế hoạch giảm nghèo trở thành chông chênh, khó đoán định. Cũng vì vậy, việc hoạch định chính sách không thể đánh giá đúng tình hình, không thể dự báo chính xác các xu hướng, không thể đưa ra các chủ trương đúng, khiến cho các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế không phù hợp.
Báo giới Việt Nam xem trường hợp vừa kể là một vụ “bắt quả tang” Tổng Cục Thống Kê “báo cáo láo” và niềm tin vào các số liệu thống kê của Việt Nam, vốn đã rất mong manh, lại thêm một lần bị tổn thương.
Học sinh Việt học bản đồ có ‘đường lưỡi bò’
Tại Việt Nam đang bùng lên dư luận chỉ trích Bộ Giáo Dục đã để hàng chục triệu học sinh, sinh viên học nhu liệu có in hình “đường lưỡi bò”. Loại nhu liệu này tên là Earth Explores do một công ty Trung Quốc sản xuất, du nhập vào Việt Nam khá phổ biến thời gian qua.
Theo báo Thanh Niên, công ty Motherplanet sở hữu loại nhu liệu trên còn có một trang web mang tên “Motherplanet.com”. Công ty này tọa lạc tại Thượng Hải, Trung Quốc, được thành lập từ năm 2002, chuyên cung cấp loại bản đồ thế giới loại 3D được ưa chuộng. Báo Thanh Niên dẫn lời một số thầy cô giáo nói rằng, công ty công nghệ tin học ở Việt Nam đã tung ra nhiều bộ sách dạy tin học cho học sinh cấp hai, quảng bá nhu liệu của Motherplanet hàng chục năm nay. Trong nhu liệu này, khi tra cứu bản đồ thế giới, học sinh Việt được học bản đồ các quốc gia Ðông Nam Á có hình “đường lưỡi bò,” theo sự giải thích của nhà nước Trung Quốc, đó là lãnh hải của Trung Quốc.
Dư luận cho rằng, lập luận trên xuất hiện trong nhu liệu của Motherplanet đã được nhai đi nhai lại lâu nay, không ai khám phá ra, đặc biệt là Bộ Giáo Dục Cộng Sản Việt Nam. Một số thầy cô giáo cũng cho hay, họ còn được nhà trường khuyến khích vào mạng tải để nhu liệu nói trên xuống, dạy cho học sinh. Nói tóm lại, đường biên giới biển mà học sinh Việt phải học hiện nay có hình “đường lưỡi bò”.
Cũng mới gần đây, nhân viên Chi cục hải quan phi trường Ðà Nẵng đã tìm thấy trong hành lý của một phụ nữ Trung Quốc một số bản đồ Việt Nam có thừa hình “đường lưỡi bò” mà lại thiếu hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Thế giới chống việc thu thập nội tạng bất hợp pháp tại Trung Quốc
Việc thu thập nội tạng bất hợp phát tại Trung Quốc không phải là một điều mới lạ mà đã nhiều lần bùng nổ trên nhiều diễn đàn quốc tế trong nhiều năm qua, đặc biệt liên quan đến việc lấy nội tạng của các học viên Pháp Luân Công.
Vào ngày 12/12/2013 vừa qua, Nghị Viện Châu Âu đã lên tiếng chính thức kêu gọi Trung Quốc lập tức ngưng việc làm này trong khi Hạ Viện Hoa Kỳ cũng đang xem xét một giải pháp tương tự.
Trong cùng ngày, nhiều thành viên Pháp Luân Công đã tổ chức biểu tình trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Los Angeles, giăng các biểu ngữ và đọc những bài phát biểu tố cáo nhà cầm quyền Trung Cộng thu thập nội tạng của các học viên Pháp Luân Công đang bị tù.
Bà Zeng Zhen một người sống sót khỏi trại tù lao động cải tạo ở Trung Quốc cho biết là đa số những người trong các trại lao cải là thành viên Pháp Luân Công, và phần lớn nội tạng được thu thập là từ những người này. Ước tính là kể từ năm 2001 tới 2007 đã có khoảng 65 ngàn học viên Pháp Luân Công đã bị giết chết để lấy nội tạng đem bán.
Cách đây vài năm, ông David Kilgour, một cựu Bộ Trưởng Canada đã cùng với ông David Matas, là một luật sư Canada, vào năm 2006 đã cùng phổ biến một bản báo cáo có tên là The Kilgour – Matas Report với nội dung chứa đựng nhiều bằng chứng mà hai ông đã thu thập được liên quan đến việc Trung Quốc giết hại các thành viên Pháp Luân Công để lấy bộ phận cơ thể đem bán.