Ông Ngô Hào tiếp tục nhận bản án bất công
Theo tin tức loan tải thì ông Ngô Hào đã bị y án trong phiên tòa phúc thẩm là 15 năm tù giam và 5 năm quản chế, với cáo buộc “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 BLHS.
Như những phiên xử khác, trong phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào ngày 23/12 vừa qua thì những chứng cứ luật sư đưa ra và những lời biện hộ của ông Ngô Hào đã bị tòa bác bỏ. Viện Kiểm sát chỉ cho ông Hào trả lời có hay không mà thôi.
Theo nhận xét của gia đình ông Hào thì sức khỏe của ông rất yếu, chân của ông bị teo đi rất nhiều so với trước, nhưng tinh thần thì ổn định và trả lời dõng dạc trước những câu hỏi của tòa. Gia đình cũng cho biết là không hề nhận được bất kỳ một giấy thông báo nào phiên xử phúc thẩm từ phía cơ quan an ninh và từ phía tòa án, cũng như không có giấy mời được tham dự phiên tòa. Gia đình biết được phiên tòa diễn ra do luật sư thông báo cho biết để đến tham dự. Tham dự phiên tòa ngoài bà Hào và hai con còn có hơn 50 công an sắc phục và thường phục.
Anh Minh Tâm con trai ông Ngô Hào khẳng định việc làm của ba anh, là không có tội. Và cho đây là một bản án nhiều uẩn khúc và oan uổng cho gia đình. Những chứng cứ lập luận để viện kiểm sát kết luận là hoàn tòa vô căn cứ và không có cơ sở. Kèm theo là trong quá trình điều tra, họ đã vi phạm luật pháp VN.
Được biết, trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, gia đình đã làm đơn thăm gặp ông Ngô Hào thì được Tòa án Nhân dân Tối cao tại Đà Nẵng chấp nhận và cấp cho giấy thăm gặp. Nhưng tại trại giam, khi gia đình nộp đơn thăm gặp thì cán bộ trại giam không đồng ý mà còn thu luôn tờ giấy xác nhận đó mà không hề đưa ra một lý do nào.
Gia đình ông Ngô Hào kêu gọi mọi người cùng lên tiếng để giúp tác động, gây áp lực cho nhà cầm quyền cho ông được đối xử bình đẳng và được điều trị bệnh, bởi vì từ phiên tòa sơ thẩm cho đến phiên tòa phúc thẩm sức khỏe của ông không được cải thiện mà chân đang có dấu hiệu bị teo đi và có nguy cơ không đi được nữa.
Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc tới 21.6 tỉ USD
Theo Tổng cục Hải quan CSVN, trong 11 tháng vừa qua, nhập siêu từ Trung Quốc là 21.6 tỉ USD. Năm ngoái, con số này là 16.4 tỷ USD mà nhiều người đã cho là rất nghiêm trọng. Ngoài số liệu vừa kể do Tổng cục Hải quan cung cấp, đầu tuần này, tại một hội nghị bàn về việc thực hiện thỏa thuận thương mại tự do, Bộ Công Thương CSVN xác nhận, chỉ trong 10 năm, từ 2001 đến 2012, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc đã tăng 76 lần, từ 210 triệu USD hồi 2001, thành 16 tỷ USD vào năm 2012. Cũng vì vậy, số liệu chính thức về nhập siêu từ Trung Quốc của cả năm 2013 chắc chắn sẽ làm nhiều người choáng váng. Không phải ngẫu nhiên mà năm ngoái và năm nay, các chuyên gia kinh tế cũng như một số viên chức Việt Nam liên tục cảnh báo nguy cơ lệ thuộc Trung Quốc về kinh tế, tại các hội thảo, hội nghị. Thậm chí là tại diễn đàn Quốc hội.
Hồi tháng sáu, thống kê cho biết, bốn tháng đầu năm 2013, Việt Nam chi 40.2 tỷ USD cho việc nhập cảng, trong đó có tới 10 tỷ USD chỉ để nhập cảng nguyên liệu, vật liệu, phụ liệu, hàng hóa của Trung Quốc. Ông Võ Trí Thành, một chuyên gia kinh tế, khẳng định, điều đó cho thấy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam càng ngày càng phụ thuộc vào nguyên liệu, vật liệu, phụ liêu của Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc ngừng xuất cảng sang Việt Nam, sẽ có hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam hấp hối vì không kịp ứng phó. Ông Thành than rằng, cả khả năng cạnh tranh lẫn công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam quá yếu, vì vậy Việt Nam đang phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cả về hàng trung gian lẫn hàng tiêu dùng cuối cùng.
Ngoài than, quặng sắt của Việt Nam cũng đang ồ ạt chảy sang Trung Quốc. Theo Hải quan Trung Quốc, năm ngoái, Trung Quốc nhập cảng 1.7 triệu tấn quặng sắt từ Việt Nam trong khi nhiều nhà máy thép của Việt Nam phải đóng cửa, ngưng hoạt động vì thiếu nguyên liệu. Xuất lậu khoáng sản sang Trung Quốc vừa lãng phí tài nguyên, vừa thất thu hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế, vừa ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất trong nước vì thiếu nguyên liệu, nhiên liệu, nhưng không thể ngăn chặn.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng, nhận định, tình trạng khoáng sản của Việt Nam bị xuất lậu sang Trung Quốc kéo dài nhiều năm vì có sự móc ngoặc giữa các doanh nghiệp xuất cảng với những lực lượng có trách nhiệm kiểm soát.
Đối với quặng sắt, vì các nhà máy, cơ sở luyện gang thép kêu cứu do thiếu nguyên liệu, chế độ Hà Nội đã ra lệnh cấm xuất quặng thô sang Trung Quốc. Nhưng cũng tháng trước, một viên chức của Hiệp hội Thép Việt Nam khẳng định, lệnh cấm đó bất khả thi bởi đứng sau các nhóm khai thác – xuất cảng quặng sắt sang Trung Quốc là con cháu nhiều cán bộ lãnh đạo các tỉnh.
Theo một vài chuyên gia kinh tế, không thể tách tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc và những dấu hiệu cho thấy kinh tế Việt Nam càng ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc ra khỏi sự câu kết rất chặt chẽ giữa các thế lực kinh tế mà chủ yếu là các doanh nghiệp lớn của nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân lớn, với các thế lực chính trị, để các bên đạt tới lợi ích lớn nhất mà Việt Nam thường gọi là nhóm lợi ích.
Dân núi rừng Đồng Lam cầu nguyện cho Ls Lê Quốc Quân và các Thanh Niên Yêu Nước
Vào sáng ngày 21/12 Giáo xứ Đồng Lam tổ chức thánh lễ cầu nguyện cho luật sư Lê Quốc Quân và các thanh niên yêu nước. Thánh lễ do Linh mục Phêrô Tự Hồ Sỹ Huyền chủ tế. Trước thánh lễ, linh mục nói về ý nghĩa cầu nguyện cho các thanh niên công giáo và cách riêng cho luật sư Lê Quốc Quân sắp bị nhà cầm quyền đem ra xử phúc thẩm. Đặc biệt, linh mục còn cho thắp nến cầu nguyện trước giờ lễ, làm cho tinh thần mỗi người tham dự Thánh lễ và những lời nguyện cầu thêm phần long trọng, và thánh thiện. Linh mục Huyền nhắc cho mọi người rằng: Những thanh niên yêu nước đang bị nhà cầm quyền Việt Nam kết án và giam cầm một cách tùy tiện và luật sư Quân là người có nhiều đóng góp cho giáo hội.
Hơn một ngàn giáo dân tham dự Thánh lễ, từ trên cung Thánh kéo dài xuống hết nhà thờ, mỗi người một ngọn nến trên tay cháy sáng rực. Từ ông già, bà lão cho đến thanh niên và trẻ nhỏ, mọi người nghiêm trang cầu nguyện. Ngoài nến ra, các em thanh thiếu niên con cầm mỗi em một tờ giấy A4 trên tay nối dài với nội dung cầu nguyện cho Luật sư Lê Quốc Quân và các thanh niên yêu nước.
Sau những lời nguyện của cha xứ mỗi người giơ cao ngọn nến và cất lên lời kinh hòa bình. Việc cầu nguyện cho các thanh niên yêu nước và luật sư Lê Quốc Quân không chỉ diễn ra tại giáo phận Vinh mà còn khắp muôn phương ở Việt Nam và Hải Ngoại.
Xứ Đồng Lam mới được tách ra từ Giao xứ Quan Lạng, từ ngày 30 tháng 3 năm 2012. Hiện nay trong lịch phụng vụ của giáo phận đã có giáo xứ Đồng Lam, nhưng về phía chính quyền thì chưa công nhận việc tách xứ.
Campuchia biểu tình đòi bầu cử lại
Những người ủng hộ đảng đối lập tại Campuchia, tức là Đảng Cứu Quốc, đang rầm rộ xuống đường, mà số lượng được cho là lên tới cả nửa triệu người, đòi hỏi Thủ Tướng Hunsen từ chức hoặc tổ chức cuộc bầu cử mới.
Lãnh tụ dối lập là ông Sam Rainsy và phó lãnh tụ là ông Kemm Sokha cũg có mặt tại cuộc biểu tình. Những người biểu tình nói là họ sẽ biểu tình mỗi ngày cho tới khi đạt được đòi hỏi.
Đảng Cứu Quốc đối lập của ông Sam Rainsy cho rằng cuộc bầu cử vào ngày 28/7/2013 vừa qua có nhiều gian lận về phiếu, bao gồm việc loại bỏ khỏi danh sách cử tri hơn 1 triệu người. Đảng Cứu Quốc đã đạt được thắng lợi lớn nhất về bầu cử từ trước đến nay với 55 ghế trong số 128 ghế dân biểu Quốc Hội. Tuy nhiên, để phản đối kết quả bầu cử, đảng này đã từ chối không chấp nhận những trách vụ được mời trong chính phủ.
Giám Đốc của tổ chức Human Rights Watch tại Á Châu là ông Brad Adams nhận định là “Ông Hunsen nắm quyền dựa trên một cuộc bầu cử gian lận”. Ông nói “Lãnh tụ các quốc gia dân chủ không nên chúc mừng, mà ngược lại nên đòi hỏi có một cuộc điều tra độc lập liên quan đến những gian lận bầu cử”. Sau cuộc bầu cử thì các quốc gia Pháp, Úc và Nhật đã công nhận chiến thắng của đảng cầm quyền.