Việt Nam mạt vì nuôi công chức
Công chức đông, chi phí cao nhưng hiệu quả kém vốn là một vấn nạn đã xuất hiện cách nay vài thập niên chế độ Hà Nội hoàn toàn bất lực, không thể giải quyết. Sau các tuyên bố, kế hoạch “tinh giản biên chế”, đội ngũ công chức không những không giảm mà càng ngày càng nhiều hơn trước.
Gần đây, do ngân sách thất thu nghiêm trọng, số lượng – chất lượng của công chức lại được xới lên như một chuyện cần giải quyết ngay để giảm bội chi.
Hồi cuối tháng giêng năm nay, khi thảo luận về việc “cải cách chế độ công vụ, công chức”, Phó Thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc, cho biết, Việt Nam có tới 2,8 triệu công chức nhưng 30% không làm gì cả và không có cũng chẳng sao. Viên Phó Thủ tướng này khẳng định phải cải tổ hệ thống công quyền, giảm bớt công chức để nâng cao hiệu quả hoạt động và tiết giảm chi phí.
Trả lời thắc mắc về chuyện tại sao “cải cách chế độ công vụ, công chức” chậm chạp, viên Vụ phó Vụ Công chức – Viên chức của Bộ Nội vụ, phân bua: “Bàn suông thì dễ nhưng đi vào cụ thể thì rất nhạy cảm”. Theo báo chí Việt Nam, “cải cách chế độ công vụ, công chức” khó thực hiện bởi hệ thống công quyền là chỗ chứa con, cháu, thân nhân của các công chức cao cấp, trung cấp, đồng thời tuyển dụng công chức là cơ hội để các công chức cao cấp, trung cấp kiếm tiền hối lộ.
Trong khi chờ đợi chế độ Hà Nội thực hiện thành công kế hoạch “cải cách chế độ công vụ, công chức”, dân chúng Việt Nam vẫn phải còng lưng nuôi công chức. Dựa trên các thống kê hàng năm, người ta xác định, trong giai đoạn từ 2001 – 2012, chi tiêu cho hệ thống công quyền – nuôi công chức Việt Nam ngốn 55,37% tổng chi tiêu của cả quốc gia.
Theo các con số được công bố, năm nay, các nguồn thi cho ngân sách của nhà cầm quyền CSVN bị hụt khoảng 65.000 tỉ, trong khi bội chi có thể lên tới 195.500 tỉ. Viên Bộ trưởng Tài chính phân bua rằng, sở dĩ bội chi tăng vọt, trở thành nghiêm trọng là vì chi tiêu của hệ thống công quyền “không ngừng tăng, tăng quá nhanh”.
Để đủ tiền cho hệ thống phung phí ngân sách và nuôi công chức, chế độ Hà Nội ép dân chúng và doanh giới nộp đủ thứ thuế, phí và lệ phí. Việt Nam hiện đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tỷ lệ thu thuế.
Ngành giấy Việt Nam hiện chỉ sản xuất được… giấy vàng mã.
Tình hình kinh tế khó khăn hiện nay tại VN đang làm cho các ngành sản xuất tiếp tục rơi vào “thế bí,” đặc biệt là ngành giấy.
Sáng ngày 17 tháng 12 2013, ông Vũ Ngọc Bảo, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp Hội Giấy và Bột Giấy Việt Nam – VPPA, nói rằng ngành giấy Việt Nam hiện đang hoạt động trong tình trạng bất đắc dĩ và “tụt hậu,” vì chỉ sản xuất được… giấy vàng mã.
Ông Bảo nói rằng, mỗi năm Việt Nam xuất cảng sang Ðài Loan khoảng 80,000 tấn giấy vàng mã. Ðài Loan cũng là thị trường tiêu thụ giấy vàng mã lớn nhất thế giới, được cung cấp phần lớn từ Việt Nam và Indonesia. Ông Bảo tỏ ý không hài lòng với hoạt động của ngành sản xuất này vì cho rằng giấy vàng mã là loại sản phẩm rẻ tiền, kém phẩm chất và gây ô nhiễm trầm trọng. Ông Bảo gọi đây là loại hoạt động có tính chất “giải pháp tình thế” vì các công ty Việt Nam cần có việc làm cho công nhân và cũng để duy trì sự tồn tại của đơn vị mình.
Báo Thanh Niên còn dẫn phúc trình của VPPA nói rằng, mức tiêu thụ giấy của người dân ở Việt Nam hiện nay trung bình khoảng 32 kg/một năm, chỉ bằng một nửa mức trung bình của thế giới. Còn theo dư luận, mặc dù nhu cầu sử dụng các loại sản phẩm bằng giấy của người dân Việt còn rất lớn, nhưng các công ty ở Việt Nam hầu như bó tay trước áp lực nhập cảng ồ ạt từ bên ngoài, nhất là từ Trung Quốc. (PL)
Việt Nam: người chết vì chó dại gia tăng
Phúc trình của cục Y Tế Dự Phòng thuộc Bộ Y Tế CSVN cho biết trong năm 2013 có đến 90 người chết vì bị chó dại cắn, trong đó có 98% người chết vì không chích ngừa bệnh dại ngay sau khi bị chó cắn. Còn 2% còn lại có chích nhưng quá muộn.
Bệnh chó dại là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam những năm gần đây.
Người dân không biết rằng cần phải chích ngừa càng sớm càng tốt, nội trong vòng 24 tiếng đồng hồ sau khi bị chó cắn. Và khi bệnh dại đã khởi phát thì coi như bệnh nhân không còn cơ hội sống còn.
Theo báo Người Ðưa Tin, một số người dân đã chích ngừa bệnh dại nhưng sau đó lại dùng thêm vài loại thuốc nam nữa, vô tình làm vaccine ngừa bệnh dại mất tác dụng.
Theo Cục Thú Y thuộc Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn, trong vòng mười năm, từ 1991 đến 2010 có hơn 8.8 triệu người nghi bị chó dại cắn tại Việt Nam và trong số này có 3.523 người chết . Theo một thống kê khác của Tổng cục Thống kê, tính đến năm 2012, ở Việt Nam có chừng 10 triệu con chó.
Vào tháng 10.2013, số vụ chó hoang cắn người lại tăng vọt ở các tỉnh miền Bắc. Một số mẫu xét nghiệm lấy được tại các lò giết mổ chó cho kết quả tỉ lệ dương tính với virus bệnh dại rất cao. Riêng tại tỉnh Thái Nguyên trong tháng 7.2013 có đến 83 người bị chó cắn. Kết quả xét nghiệm cho thấy có đến 2/3 mẫu bệnh phẩm của người bệnh có chứa virus bệnh dại.
Hồi tháng 7.2013 tại xã Bắc Sơn, Nam Sơn, Việt Long, Minh Phú thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội tất cả 130 người bị chó cắn đều dương tính với virus bệnh dại.