Thông tư cấm phụ nữ tại VN làm 77 ngành nghề
Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội Cộng Sản Việt Nam vừa ra thông tư số 26 cấm phụ nữ làm việc 77 ngành nghề, vì theo điều 160 của luật Lao động cho đó là việc nặng nhọc chỉ dành cho nam giới.
77 công việc mà phụ nữ ở Việt Nam không được làm như nghề nấu chảy, rót kim loại nóng chảy ở các lò nấu kim loại; cán kim loại; hàn thùng; khoan, nổ mìn; bảo quản, lắp, dựng, sửa chữa cột antenne; đào giếng; lái xe cơ giới hạn nặng như máy xúc, máy ủi; đi biển; khai thác tổ yến; lái xe lửa; vận hành tàu hút bùn; khuân vác trên 50kg trở lên; vận hành máy hồ, máy nhuộm; lái máy kéo nông nghiệp công suất 50 mã lực trở lên; mổ tử thi, liệm, mai táng người chết, bốc cốt…
Ngoài ra 30 ngành nghề tuy nhẹ nhưng độc hại, cấm phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hành nghề như công việc có thể tiếp xúc với nguồn phóng xạ, trong môi trường ô nhiễm, tiếp xúc với hóa chất độc, v.v…
Thông tư này bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15.12.2013 đã làm bùng nổ dư luận phản đối. Một số phụ nữ đang làm vài ngành nghề bị cấm nói đây là thông tư gây bất lợi cho nữ giới. Phó chủ tịch Liên Ðoàn Lao Ðộng Sài Gòn – Nguyễn Thị Bích Thủy cho rằng “không thể một sớm một chiều cấm đoán ngay lập tức”, theo nội dung thông tư nói trên. Bà Bích Thủy còn tiên đoán rằng, thông tư có thể sẽ vấp phải sự chống đối của người lao động lẫn người sử dụng lao động, dẫn đến tình trạng vô hiệu hóa một văn bản của nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội Luật Gia Sài Gòn, cho biết dân số phụ nữ trong độ tuổi lao động ở Việt Nam hiện nay khoảng 23 triệu người, chiếm gần 70% dân số. Vì vậy việc thu hẹp ngành nghề hoạt động dành cho nữ giới sẽ gây khó khăn cho họ, một lực lượng cần được trợ giúp nhiều hơn, thay vì cấm đoán. Ông Hậu còn khẳng định rằng, nếu vẫn ép cả một xã hội phải khư khư áp dụng thông tư này thì hẳn sẽ dẫn đến tình trạng “luật có, nhưng không được tuân thủ” trong thực tế.
Theo báo Tuổi Trẻ, đã có luật được ban hành hồi năm 1986 tức gần 30 năm trước đây, cấm phụ nữ làm việc 16 ngành nghề. Tuy nhiên, luật này không khả thi, bị trôi vào quên lãng. Vì vậy, trong thực tế, người ta vẫn thấy phụ nữ làm những việc bị cấm, như cạy đá trên núi; tẩm da, muối da; chế biến lông vũ; nạo vét cống ngầm; khuân vác nặng…
Rượu sản xuất từ men Trung Quốc tràn ngập Việt Nam
Hiện tượng chết vì ngộ độ rượu ngày càng gia tăng vào dịp gần Tết, một phần do các loại rượu dầm không rõ gốc gác, phần khác, và cũng là nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt cái chết vì rượu, đó là men Trung Quốc. Hiện nay, gần như tất cả các lò rượu Việt Nam đều sử dụng men Trung Quốc, đây là loại men làm rượu từ gạo sống và cho sản lượng rượu rất cao nhưng mức độ nguy hiểm của nó thì không thể lường được.
Theo cách nấu hiện tại, với men Trung Quốc, người nấu rượu khỏi phải tốn công sức và nhiên liệu để nấu gạo thành cơm mà chỉ cần vo, ủ, chờ đợi và chưng cất, lại cho năng suất gấp đôi bình thường
Đặc điểm của men Trung Quốc là nó không loại bỏ được thành phần lipit thực vật. Rượu nấu từ men Trung Quốc có một thứ tạp chất gây độc hại đến gan, thận, tim mạch của người uống, đó là lớp lipit thực vật nổi lên trên bề mặt của rượu trông giống như váng dầu, lấy tay gạt hết lớp này đi vẫn có lớp khác nổi lên. Chính hàm lượng lipit thực vật này vào cơ thể lâu ngày sẽ là nguyên nhân gây triệu chứng mỡ trong máu và dẫn đến các cơn đột quị, tai biến não, đó là chưa nói đến độc tố trong rượu cộng với nồng độ cồn sẽ nhanh chóng phá vỡ gan, thận, tim mạch. Hiện tại, rượu sản xuất từ men Trung Quốc đã tràn ngập thị trường Việt Nam, điều này cũng đồng nghĩa với nguy cơ bệnh gan, thận, tim mạch, đột quị và tai biến não đang tràn ngập Việt Nam.
Tại Việt Nam chứng nghiện rượu cũng khá phổ biến và đáng sợ nhất hiện nay. Bởi tính nguy hiểm của nó không rõ nét như heroin hay các loại á phiện mà nó ngấm ngầm, nó chuyển hóa từ dạng xã giao sang ham vui và lún dần thành con nghiện.
Và nguy hiểm hơn nữa là nguy cơ gây đổ vỡ gia đình do chứng nghiện rượu gây ra rất cao, và một kẻ nghiện rượu có thể biến thành vũ phu, kẻ tàn sát bất kỳ giờ nào.
Việt Nam đang là một đất nước mà đi từ Bắc chí Nam, từ thôn quê ra thành thị, từ những con hẻm nhỏ xíu ra tới đại lộ, đi đâu cũng có thể tìm thấy quán nhậu và quán nhậu vẫn mọc lên nhiều như nấm!
Phong trào “người cày bỏ ruộng” vì đói
Nông dân ào ạt bỏ ruộng vì đói đang lan rộng ở khu vực phía Bắc của miền Trung.
số liệu ruộng đất bị bỏ hoang ở khu vực phía bắc của miền Trung tuy không được cập nhật. Nhưng các số liệu chính thức cũng đủ để cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn nạn, nông dân không còn có thể sống nhờ r nnnuộng đất. Ở Quảng Bình, đến nay ít nhất cũng đã có 750 héc ta ruộng bị bỏ hoang. Tại Hà Tĩnh,số ruộng đất bị bỏ hoang là 1.300 héc ta.
Một lão nông tên là Nguyễn Văn Công, sống tại thôn Thu Thừ, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, than rằng, ngày trước, ông cha tranh đấu để được chia ruộng, được cày bừa. Giờ thì nông dân đua nhau trả ruộng để bỏ xứ đi làm mướn.
Theo ông Công, nếu bỏ ruộng đi làm thợ hồ, mỗi ngày, một người kiếm được 180.000 đồng, mỗi tháng có chừng 5 triệu bạc. Còn giữ ruộng để trồng cấy thì chỉ mang thêm nợ vì giống má, phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu,… thứ gì cũng cao nhưng giá lúa rẻ mạt. Đã vậy, lỡ chẳng may mất mùa thì mang nợ suốt đời.
Nhiều nông dân không giấu diếm nỗi oán hận nhà cầm quyền. Theo họ, “ông dân cực đội sổ” nhưng không được hỗ trợ. Đôi khi nghe nhà nước tuyên truyền sẽ hỗ trợ thứ này, thứ kia nhưng sự hỗ trợ đó không tới tay nông dân.
Tiền hỗ trợ về giống lúa, phân bón, các loại vật tư khác thì nhà cầm quyền lại giao cho những công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Những công ty này vừa nhận tiền hỗ trợ dành cho nông dân, vừa nâng giá bán những thứ mà nông dân cần. Chưa kể giống lúa, phân bón, các loại vật tư mà những công ty đó cung cấp toàn là những loại mà nông dân không muốn dùng. Thành ra nông dân khẳng định, họ chỉ có tiếng, chứ không có miếng nào để hưởng.
Vì vậy nông dân cả quyết nếu không muốn đói thì phải bỏ ruộng.