Hoa Kỳ tăng cường hỗ trợ an ninh hàng hải cho các nước Đông Nam Á
Trong chuyến viếng thăm Việt Nam đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng Hoa Kỳ hôm 16/12 ông John Kerry đã thông báo, là Hoa Kỳ sẽ gia tăng trợ giúp Việt Nam bảo vệ lãnh hải trong bối cảnh căng thẳng do các tranh chấp chủ quyền ở vùng Biển Đông.
Theo lời ông Kerry, Hoa Kỳ sẽ cấp thêm một khoản tài trợ 32,5 triệu đôla để giúp các nước Đông Nam Á bảo vệ lãnh hải và bảo đảm tự do lưu thông hàng hải. Riêng Việt Nam sẽ nhận được 18 triệu đôla, trong đó bao gồm 5 chiếc tàu tuần tra sẽ được giao cho lực lượng tuần duyên Việt Nam. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, trợ giúp về an ninh hàng hải cho khu vực Đông Nam Á trong hai năm tới sẽ tăng lên hơn 156 triệu đôla. Ngoài ra, trong một phát ngôn được cho là nhắm vào Trung Quốc, nước định xây một số đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong vốn sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho người dân ở hạ nguồn, ông Kerry nói: “Không một nước nào có quyền tước bỏ nguồn sống, hệ sinh thái của nước khác. Sông Mekong là tài sản toàn cầu, là báu vật của cả khu vực.
Kerry cũng nói rằng một ưu tiên cá nhân của ông là đảm bảo rằng trong số sáu nước cùng nằm trong lưu vực sông Mekong với 60 triệu người sống dựa vào dòng sông này không có nước nào khai thác nó mà gây hại cho những người dân còn lại.
Bên cạnh vấn đề an ninh hàng hải, Ngoại trưởng Mỹ cũng thúc giục chính phủ Hà Nội trả tự do cho các tù chính trị, cải thiện tình trạng nhân quyền, đặc biệt là tôn trọng các quyền tự do tôn giáo và tự do thông tin trên Internet, đồng thời tiếp tục các cải cách theo hướng kinh tế thị trường tự do.
Theo các quan chức Hoa Kỳ, những cải tổ về chính trị và kinh tế nói trên rất quan trọng đối với việc cải thiện quan hệ Mỹ-Việt, cũng như sẽ giúp Việt Nam hưởng lợi đầy đủ từ hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Hoa Kỳ đang đàm phán để ký kết với 11 quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Con buôn Trung Quốc lũng đoạn kinh tế Việt Nam
Theo tin tức loan tải thì vài năm qua thương lái Trung Quốc ồ ạt mua nông sản theo kiểu tiểu ngạch không những làm cho cả doanh giới lẫn nông dân Việt Nam thiệt thòi đủ đường mà còn thường xuyên bị thương lái Trung Quốc chèn ép nhưng không biết kêu ai và cũng chẳng có ai bảo vệ. Càng ngày càng có nhiều cảnh báo về tình trạng kinh tế Việt Nam càng lúc càng lệ thuộc vào Trung Quốc.
Một viên chức Phòng Kinh tế quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ cho biết trong thời gian gần đây có nhiều người Trung Quốc tìm tới để tổ chức thu mua vịt đang đẻ rồi làm thịt.
Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Cần Thơ, nhận định, thu mua vịt đẻ với giá cao để làm thịt là điều bất thường. Thu mua ồ ạt như thế sẽ phá vỡ đàn gia cầm của Cần Thơ và làm ngành chăn nuôi kiệt quệ vì thiếu vịt giống, cũng như việc thu mua khoai lang, chuối, mận xanh đường,… với giá cao bất thường và số lượng nhiều bất thường cũng cần được xem xét thấu đáo.
Chuyện thương lái Trung Quốc thuê hai người Thái Lan đến huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, thu mua sầu riêng, tẩm ướp hóa chất rồi xuất cảng sang Indonesia cũng được xem như một kiểu phá hoại.
Ông Vũ Anh Pháp, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long, khuyến cáo: Nông dân đã học được nhiều bài khi làm ăn với thương lái Trung Quốc. lúc đầu thu mua ồ ạt với giá cao để mọi người thi nhau trồng, sau đó khi nông dân đã trồng đại trà thì ngưng mua, đẩy nông dân tới chỗ khánh kiệt. Ông Pháp nói thêm là thương lái Trung Quốc đang khuyến khích nông dân trồng các loại lúa chất lượng thấp cũng bằng việc trả giá cao. Điều này phá vỡ kế hoạch thúc đẩy sử dụng những giống lúa chất lượng cao để nâng mức độ tín nhiệm về gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Hồi tháng 9 vừa qua, ông Nguyễn Ngọc Trân, một cựu đại biểu của Quốc hội Việt Nam, từng lên tiếng cảnh báo về sự lũng đoạn của thương lái Trung Quốc đối với Việt Nam. Qua bài viết có tựa là “Một nhiệm vụ không thể trì hoãn”, đăng trên tờ Tuổi Trẻ, ông Trân cảnh báo hệ thống các hoạt động, thủ đoạn và tác hại của việc để cho thương lái Trung Quốc tung hoành trên khắp Việt Nam.
Ông Trân lên án chiến lược “cột chặt” các doanh nghiệp Việt Nam vào mạng lưới thu mua của Trung Quốc để đẩy hoạt động xuất cảng hàng hóa sang Trung Quốc chỉ theo “con đường tiểu ngạch”, đã tạo điều kiện cho thương lái Trung Quốc dễ quịt nợ, dễ “lật kèo”, phải xem việc thương lái Trung Quốc tận thu mọi thứ là có thâm ý : tận diệt các loại thực vật, động vật qúy hiếm, thúc đẩy tiến trình phá rừng, làm đất sớm bạc màu, khiến quá trình rửa trôi đất đồi núi diễn ra nhanh hơn, phá hoại môi sinh, môi trường. Không chỉ tác động để hủy diệt tự nhiên, những chiến dịch thu mua của thương lái Trung Quốc còn đánh vào các doanh nghiệp Việt Nam, khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì thiếu nguyên liệu, mất uy tín vì không còn khả năng thực hiện đúng hợp đồng.
Đặc biệt đáng trách là chế độ Hà Nội đã bỏ ngỏ vấn đề này. Ông Trân kêu gọi, phải xem chuyện giải quyết tình trạng thương lái Trung Quốc đang phá hoại kinh tế Việt Nam là “một nhiệm vụ không thể trì hoãn”
Hơn 17 triệu người Việt kiếm không đủ sống
Hệ thống tuyên truyền của nhà cầm quyền thường đưa ra các con số thống kê khoe khoang thành tích “xóa đói giảm nghèo” nhưng thực tế, một tỉ lệ rất lớn người Việt Nam kiếm không đủ sống. Theo các tính toán thông kê của nhà cầm quyền trung ương, lợi tức trung bình đầu người ở Việt Nam năm 2013 lên tới $1,900 USD dù kinh tế èo uột và hàng chục ngàn công ty xí nghiệp lớn nhỏ dẹp tiệm.
Nhà cầm quyền Việt Nam từng hồ hởi ca ngợi là Việt Nam đã thoát ra khỏi cái danh hiệu nước nghèo từ năm 2010 nhưng trên thực tế không phải như vậy. Theo tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) hiện còn khoảng 17 triệu người lao động ở Việt Nam kiếm được ít hơn 40,000 đồng/ngày hay 1.2 triệu đồng một tháng như cái chuẩn nghèo do nhà nước dùng làm ranh giới nghèo và không còn nghèo.
Số tiền 40 ngàn đồng (hay dưới 2 đô la Mỹ) chỉ tạm đủ cho người ta ăn hai bữa cơm bình dân, chưa kể những nhu cầu khác từ nhà ở đến quần áo, thuốc men, giải trí cùng nhiều thứ khác. Không những người kiếm không đủ sống nhiều như thế, ILO còn thấy có khoảng 23 triệu người lao động Việt Nam chỉ kiếm được tiền ở mức “cận nghèo”. Họ là những người rất dễ rơi xuống cái hố nghèo vì hoàn cảnh sống và việc làm lúc nào cũng rất chênh vênh.
Dân số Việt Nam hiện hơn 90 triệu người mà số người lao động kiếm quá ít tiền và “cận nghèo” lên tới 40 triệu người, chứng tỏ các con số thống kê trung bình to lớn về lời tức trung bình đầu người của Việt Nam che đậy cái gì đó không thật.
Đối chiếu cách ước tính của ILO, thấy nó có rất nhiều dấu hỏi cần giải đáp giữa thực tế đói nghèo của người dân và những con số đẹp đẽ của nhà cầm quyền.
Cần nói thêm, trong suốt hai thập niên qua, các định chế tài trợ quốc tế, các chính phủ tây phương và kỹ nghệ hóa cao đã đổ các số tiền vô cùng lớn vào Việt Nam giúp đất nước này “xóa đói giảm nghèo, nhưng một số không nhỏ tiền viện trợ đã chui vào túi đám quan lại tham nhũng ở các cấp.
Án tử hình với 2 cựu quan chức tham nhũng Vinalines
Vào chiều ngày 16/12 vừa qua, sau hơn hai giờ luận án, Tòa án thành phố Hà Nội đã tuyên án tử hình hai bị cao chính của vụ án tham nhũng tại Tổng công ty hàng hải Việt Nam Vinalines là Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục hàng hải và Mai Văn Phúc, nguyên Tổng giám đốc Vinalines. Ngoài ra, 8 bị cáo khác của vụ án bị tuyên phạt án tù từ 4 năm đến 22 năm.
Các bị cáo phải bồi thường hơn 300 tỷ đồng, trong đó Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc mỗi người phải bồi thường 110 tỷ đồng.
Theo mô tả của truyền thông trong nước, trước giờ bị tuyên án, bị cáo Dương Chí Dũng vẫn « bình thản », trong khi bị cáo Phúc tỏ ra « khá căng thẳng ».
Phiên tòa sơ thẩm bắt đầu từ ngày 12/12/2013, chỉ tập trung vào những hành vi tham nhũng liên quan đến vụ mua bán vòng vèo chiếc ụ nổi 83M cũ nát của công ty AP của Singapore, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 366 tỷ đồng. Các bị cáo chủ chốt bị buộc tội tham ô vì đã ăn chia 1,66 triệu đô la Mỹ tiền gọi là « lại quả » của công ty AP.