Người Trung Quốc thuê đất mở xưởng ồ ạt tại Việt Nam
Tin từ trong nước thì phong trào các thương gia người Trung Quốc thuê đất của dân, mở nhà máy sản xuất ngay tại Việt Nam ngày càng gia tăng.
Theo báo Tuổi Trẻ, người Trung Quốc đã đến huyện U Minh thuê đất của nông dân mở công ty Hội Nguyên Trân. Công ty này do ông Chen Zi Sheng, quốc tịch Trung Quốc làm chủ, với 100% vốn của ông, công khai hoạt động rầm rộ.
Trước đó, báo Tuổi Trẻ đã báo động tình trạng hoạt động gây ô nhiễm không khí khu vực chung quanh của nhà máy Hội Nguyên Trân. Dân chúng ta thán về tình trạng này không ngớt, trong khi hầu hết các cơ quan thẩm quyền của tỉnh Cà Mau không hay biết gì hết.
Trong khi đó, cũng theo báo Tuổi Trẻ, ở tỉnh Bến Tre có đến 10 công ty Trung Quốc thuê đất mở nhà máy hoạt động bất hợp pháp từ nhiều năm nay. Một phúc trình mới nhất của nhà cầm quyền tỉnh này xác nhận có hàng chục công ty ngoại quốc đã thuê trên 82 ha đất nông nghiệp của nông dân tỉnh mở nhà máy hoạt động “chui.” Trong số này, có 3 công ty mở nhà máy nuôi tôm, cá. Bảy công ty còn lại thì mở xưởng sản xuất các sản phẩm từ dừa. Tám công ty trong số này là của người Trung Quốc và hai công ty kia của người Nga và người Indonesia.
Theo lời tố cáo của nông dân tỉnh Bến Tre, thì người ngoại quốc, đa số mang quốc tịch Trung Quốc đã rầm rộ thuê đất của nông dân nơi đây, mở nhà máy hoạt động. Có nhà máy đã hoạt động từ năm 2007 cho đến nay. Họ thu mua dừa để sản xuất, mua bán, xuất cảng các sản phẩm từ dừa. Họ hoạt động rầm rộ, công khai một cách bất hợp pháp vì không có giấy phép, nhưng không hề bị chính quyền “hỏi thăm sức khỏe.” Chưa hết còn có công ty Trung Nhạc của người Trung Quốc mở xưởng sản xuất thạch dừa rộng 2,700 thước vuông tại huyện Châu thành, tỉnh Bến Tre, trực tiếp cạnh tranh với nhà máy của người địa phương. Theo hợp đồng ký kết giữa đôi bên, nông dân Bến Tre đã cho công ty Trung Quốc này thuê đất trong thời hạn 10 năm, kể từ năm 2008. Một số nông dân cho thuê đất còn tiết lộ thêm, các thương nhân Trung Quốc bắt họ phải ký “giao kèo” viết bằng tiếng Trung Hoa. Tuy sợ, nhưng cuối cùng nông dân chấp nhận ký kết, thực hiện mọi điều kết ước cho thuê đất cũng chỉ vì tiền, mà không qua sự nhìn nhận của chính quyền địa phương.
Báo Tuổi Trẻ cho hay, phong trào cho người Trung Quốc thuê đất để mở nhà máy sản xuất rộ lên tại tỉnh Bến Tre trong hai năm 2010-2012. Trong số này có công ty Simmy thuê đến 76 hecta để nuôi cá măng. Một công ty khác của người Nga cũng đã thuê 12 hecta đào ao nuôi cá, công khai hoạt động tại huyện Bình Ðại. Cho đến khi công ty này mua thêm đất ở huyện Ba Tri, đang đào ao thì sự việc mới đổ bể.
Ðể giải quyết tình trạng trên, tỉnh Bến Tre cho hay sẽ thu hồi đất cho thuê của người dân để trực tiếp đứng ra ký kết với người ngoại quốc, coi như cho họ thuê đất thuộc sở hữu nhà nước. Trong trường hợp nông dân không đồng ý, chính quyền tỉnh sẽ đơn phương thương lượng hủy bỏ hợp đồng để đưa công ty ngoại quốc đến nơi khác thuê đất của nhà nước, tiếp tục hoạt động.
Côn an Sài Gòn xịt nước xua đuổi dân oan
Sáng ngày 6 tháng 12.2013, dân oan nhiều tỉnh như An Giang, Đồng Tháp tới 210 Võ Thị Sáu yêu cầu nhà cầm quyền đối thoại giải quyết khiếu nại đất đai đã bị lực lượng công an, côn đồ ra đánh đập xua đuổi. Sau một hồi đôi co với dân oan đuối lý, lực lượng công an côn đồ đã dùng vòi nước xịt lên người dân oan nhằm xua đuổi họ. Người dân oan mặc dù trời nắng họ vẫn phải mặc áo mưa, che dù để khỏi bị ướt.
Hành động này chứng tỏ một nhà nước vô nhân đạo, đối xử tàn nhẫn bất công, một nhà nước chỉ vì lợi ích của một nhóm, đã gây oan ức cho biết bao người dân khắp cả nước này. Một bản hiến pháp mới ra đời ngày 28.11.2013 cũng chỉ nhằm làm lợi cho một nhóm người chứ không phục vụ lợi ích của đất nước Việt Nam này. Bản hiến pháp đó được thực hiện thì người dân Việt Nam tiếp tục gặp oan ức và bất công.
Cuộc sống người dân Sài Gòn đảo lộn vì thủy triều
Đợt thủy triều dâng cao vào sáng ngày 5/12 đã khiến hàng loạt con đường tại Saigon tiếp tục chìm trong biển nước, giao thông tê liệt, mọi sinh hoạt của người bị xáo trộn hoàn toàn.
Được biết, thủy triều dâng cao đã gây ngập nặng ở các đường ở huyện Nhà Bè, quận 7, quận 2, quận 8, huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và quận Thủ Đức. Tại quốc lộ 50 xã Bình Hưng và Phong Phú, huyện Bình Chánh, thủy triều dâng cao hơn nửa thước đã gây ngập hoàn toàn tuyến đường này. Do thủy triều dâng cao vào giờ cao điểm buổi sáng nên các hoạt động kinh doanh buôn bán của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đường ngập, xe chết máy khiến nhiều người đi làm, đi học bị trễ giờ, giao thông tê liệt. Đến 7 giờ rưỡi sáng, tại quốc lộ 50 đoạn qua 2 xã Phong Phú và Bình Hưng, thủy triều vẫn chưa rút, người dân vẫn phải bì bõm lội sông trên phố. Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, thủy triều sẽ còn kéo dài trong nhiều ngày tới và đỉnh triều luôn ở mức cao.
Ông Nelson Mandela đã qua đời
Nelson Mandela, người đã dẫn dắt đến thành công cuộc đấu tranh chống chủ nghiã phân biệt chủng tộc Apartheid và trở thành tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi dân chủ đa chủng tộc, nhận giải Nobel Hoà Bình năm 1993, là biểu tượng của hoà bình và hoà giải, là một trong những nhà lãnh đạo được kính trọng nhất thế giới và là thần tượng của nhiều thế hệ thanh niên trên toàn thế giới, đã qua đời sau nhiều tháng bạo bệnh, thọ 95 tuổi.
Tổng Thống Nam Phi Jacob Zuma đã loan báo tin này trong một diễn văn được truyền hình toàn quốc. Nam Phi sẽ cử hành quốc tang và treo cờ rủ. Ông Nelson Mandela sinh ngày 18/7/1918 ở Rolihhahla Dalibhunga, trong giòng họ Madiba, thuộc người Thambu nói tiếng Shosa, tại một làng nhỏ thuộc miền Đông Nam Phi, Cape of South Africa. Năm 1943, ở tuổi 25, Ông gia nhập Đại Hội Dân Tộc Phi (ANC = African National Congress) và sau đó trở thành sáng lập viên của Liên Đoàn Thanh Niên ANC. Ông trở thành luật sư vào năm 1952 và bắt đầu vận động chống lại chủ nghĩa Apartheid. Năm 1964 ông Mandela bị kết án tù chung thân và được trả tự do vào năm 1990 sau khi ở tù 27 năm.
Những lời phân ưu dành cho ông Mandela đã bắt đầu đổ về từ khắp nơi.
Nhắc tới những năm tù đày của ông Nelson Mandela và những gì Ông đã làm cho đất nước Nam Phi và nhân loại, người ta không thể không nhớ tới những nhà tranh đấu kiên cường cho tự do, dân chủ và công bằng xã hội ở Việt Nam như Linh Mục Nguyễn Văn Lý, nhà văn Vi Đức Hồi, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, … Họ là những Nelson Mandela của Việt Nam.