Luật gia Lê Hiếu Đằng và nhà báo Phạm Chí Dũng từ bỏ đảng Cộng sản
Luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, và trước đó từng giử nhiều chức vụ khác nhau ở Thành phố Sài Gòn, vừa tuyên bố từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Qua một bản viết tay đề ngày 4.12.2013, được truyền đi nhanh chóng trên rất nhiều diễn đàn internet, ông Lê Hiếu Đằng xác định đây là quyết định của ông.
Là một người có 40 tuổi đảng cùng bề dày thành tích hoạt động phục vụ đảng CSVN, nhưng những năm sau này, ông đã nhìn ra đảng CSVN không phải là lực lượng vì dân vì nước mà ông chủ tâm tham gia. Theo ông, ĐCSVN bây giờ thực chất chỉ là đảng của những tập đoàn lợi ích, trở thành lực cản cho sự phát triển đất nước, dân tộc, đi ngược lại lợi ích dân tộc, nhân dân.
Ông Đằng cho biết kể từ nay ông trở thành ‘công dân tự do’ để ‘đấu tranh cho chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, cho dân chủ và nhất là đấu tranh bảo vệ lợi ích người dân’.
Theo ông Đằng, tác nhân có thể tác động làm đảng CSVN thay đổi. Đó là xây dựng xã hội dân sự mạnh để người dân có thể đấu tranh hầu chuyển một Nhà nước toàn trị sang một Nhà nước dân chủ.
Trong những năm gần đây, người ta thấy có một số đảng viên Đảng CSVN tuyên bố bỏ đảng nhưng một nhân vật nổi tiếng như ông Lê Hiếu Đằng và nhất là sau khi quốc hội CSVN nhất quyết thông qua bản Hiến pháp 1992 sửa đổi vào cuối tháng qua sẽ gây nhiều tiếng vang trong dư luận.
Sau ông Lê Hiếu Đằng tuyên bố bỏ đảng một ngày, hôm 5.12 nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, đảng viên từ năm 1993, hiện công tác và sinh hoạt đảng tại Viện Nghiên cứu phát triển, trực thuộc Ủy ban nhân dân TP Sài Gòn cũng đã làm đơn xin ra khỏi đảng với lý do mà theo ông Dũng là nhận thấy đảng Cộng sản không còn đại diện và phục vụ cho quyền lợi của đại đa số nhân dân, và điều đó đi ngược với tôn chỉ mục tiêu ban đầu của đảng cùng lời thề của ông khi vào đảng. Do vậy ông không còn phù hợp với vai trò và nghĩa vụ một đảng viên trong đảng Cộng sản.
‘Đại dịch’ bệnh tiểu đường ở Việt Nam
Trong cuộc hội thảo về bệnh tiểu đường do “Hội Nội Tiết và Ðái Tháo Ðường Việt Nam” phối hợp với công ty dược Novo Nordisk tổ chức tại Hà Nội mới đây đã đưa ra nhận định chung: Bệnh tiểu đường đã trở thành “đại dịch” tại Việt Nam trong năm 2013.
Phúc trình của cuộc hội thảo cho biết, tính đến cuối năm 2013, khoảng 1,2% dân số Việt Nam trong độ tuổi từ 20 đến 79 mắc bệnh tiểu đường.
Từ năm 2002 đến năm 2012, số người mắc bệnh tiểu đường tại Việt Nam tăng 211%, tổng cộng khoảng 5 triệu người. Với con số này, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có số người bệnh tiểu đường tăng nhanh nhất thế giới.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo phúc trình của cuộc hội thảo, là vì nếp sống thiếu vận động và việc người dân áp dụng chế độ dinh dưỡng không hợp lý.
Một số chuyên gia của cuộc hội thảo còn lên tiếng báo động về những thách thức mà Việt Nam phải đối phó một khi bệnh tiểu đường trở thành đại dịch đáng sợ. Ðó là tình trạng thiếu bác sĩ; thiếu máy móc ở các bệnh viện…
Ðáng lo là dư luận cho rằng Việt Nam hiện có ít nhất 60% người mắc bệnh tiểu đường không biết mình bị bệnh. Hầu hết các bệnh nhân đã “không được điều trị đúng mức” vì thiếu tiền bạc, và vì Việt Nam thiếu cả cơ sở y tế chuyên môn.
Công an lại tra tấn chết người ở trụ sở
Theo tin tờ Tuổi Trẻ, Y Két Dhap, 36 tuổi, cùng một người nữa tên Y Buyl Brap bị công an địa phương bắt về “nhà làm việc” ở xã Ea Bhok, huyện Cư Kuin tỉnh Dak Lak từ khoảng 9 giờ sáng ngày 27-11-2013 để điều tra vì bị tình nghi đã ăn trộm một con bò của gia đình ông Vũ Đức Hòa ở xã Quỳnh Tân, huyện Cư Kuin.
Khoảng 2 giờ chiều cùng ngày, gia đình được tin Y Két Dhap đang nguy kịch ở bệnh viện đa khoa huyện Cư Kuin. Khi họ đến nơi thì ông đã chết ở đây rồi. Bà H’Kinh, chị ruột nạn nhân vừa khóc vừa cho biết em bà là một người đang khỏe mạnh thì sao có thể tự nhiên chết được.
Chiều tối cùng ngày, công an tỉnh Dak Lak đã khám nghiệm tử thi và đã xác định nguyên nhân tử vong của anh Y Két là do có tác động ngoại lực.
Dù khám nghiệm tử thi xác định Y két chết vì “tác động ngoại lực” tức có nhiều dấu vết trên thân thể bị tra tấn đến chết, Vũ Hòa Bình, thượng tá CA, Trưởng phòng Cảnh sát Điều Tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Dak Lak vẫn nói rằng “Hiện chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan pháp y về nguyên nhân tử vong nên chưa thể khẳng định nguyên nhân cái chết của anh Y Két có phải do Công an xã đánh hay không”.
Y Két Dhap là nạn nhân thứ 8 chết trong tay công an CSVN năm 2013.