Hàng chục cây số bờ biển Đà Nẵng ngập chìm trong rác
Trong đợt lũ lớn vừa qua, một lượng rác thải lớn từ các sông đổ ra biển Đà Nẵng khiến khu vực bờ biển của thành phố tràn ngập rác thải. Dọc bờ biển Đà Nẵng nay tràn ngập rác thải theo sóng biển trội dạt vào bờ. Rác thải gồm nhành cây, gỗ khô, bao ni lông, ngay cả xác động vật bốc mùi hôi thối. Hàng chục người dân thành phố đổ ra biển nhặt cây củi khô về sử dụng. Một người dân ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, cho biết từ 2 ngày trước, rác thải đã bắt đầu dạt vào bờ và mỗi ngày lượng rác tập trung về ngày càng nhiều. Chị cũng như những người khác đã ra biển nhặt củi về làm củi đốt. Một số người dân còn mang cả xe kéo ra biển chở củi về. Công ty môi trường thành phố Đà Nẵng đã huy động công nhân dọn vệ sinh dọc đường biển.
Tuy nhiên lượng rác quá lớn khiến việc thu dọn khá chậm. Một công nhân Công ty môi trường Đà Nẵng cho biết do lượng rác thải vẫn còn trôi dạt ngoài biển nên khi công nhân tiến hành thu dọn khu vực này xong thì sóng biển lại đưa rác dạt vào bờ.
Hàng ngàn nhân viên ngân hàng mất việc
Tin từ báo chí trong nước thì có chín ngân hàng thương mại cổ phần được cho là yếu kém trong năm 2012 đã lần lượt bị sáp nhập, gồm Sài Gòn, Ðệ Nhất, Tín Nghĩa; Habubank và SHB; Tienphong Bank, Navibanl và TrustBank. Mới đây, thêm hai ngân hàng được bổ túc vào danh sách yếu kém nói trên và chuẩn bị sáp nhập là Western Bank và PVFC. Ðó là chưa kể GP Bank và BaoVietBank đang trong giai đoạn xem xét việc tái cơ cấu. Tính ra, có tổng cộng 15/25 ngân hàng thương mại buộc phải tái cơ cấu vì yếu kém, để nợ quá hạn triền miên. Được biết từ năm 2012 đến nay, hầu như ngành ngân hàng thương mại cổ phần không tăng lương cho nhân viên, trong khi tiếp tục cắt giảm nhân sự.
Từ đầu năm 2013 đến nay, Ngân hàng Á Châu (ACB) giảm 7% số lượng nhân viên, tức khoảng 568 người; Vietin Bank giảm 189 người; BIDV giảm 285 người…, riêng trong ba tháng 7, 8 và 9, 2013, ít nhất 700 nhân viên ACB đã bị mất việc. Tính tổng cộng, các ngân hàng Vietinbank, BIDV, ACB và SHB đã buộc khoảng 1,200 nhân viên phải ra đi với đủ lý do từ tự nguyện đến ép buộc.
Tòa án Tây Ban Nha ra lệnh truy nã quốc tế Giang Trạch Dân và Lý Bằng
Tư pháp Tây Ban Nha hôm 19/11/2013 đã ra lệnh truy nã quốc tế cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân và cựu Thủ tướng Lý Bằng, trong khuôn khổ một vụ án được thụ lý từ năm 2006 vì tội «diệt chủng» đối với người Tây Tạng trong thập niên 80-90.
Tòa án quốc gia ở Madrid nhận thấy có thẩm quyền điều tra vì một trong số các nguyên đơn là Thubten Wangchen, một người Tây Tạng lưu vong mang quốc tịch Tây Ban Nha ; và tư pháp Trung Quốc không mở điều tra về vụ kiện này.
Từ năm 2005, tư pháp Tây Ban Nha có thẩm quyền trên toàn cầu để truy tố các tội phạm hàng loạt như tội diệt chủng, với điều kiện là chưa được điều tra tại nước liên quan.
Trong phán quyết tòa án Madrid nhận định có « những dấu hiệu cho thấy có sự tham gia » của Giang Trạch Dân, Lý Bằng và ba lãnh đạo khác vào thời đó vào tội ác diệt chủng người Tây Tạng. Đó là do « trách nhiệm về chính trị và quân sự của từng người trong suốt một thời kỳ dài được điều tra ». Xét các yếu tố trên, tòa án Madrid «cho rằng cần thiết phải ra lệnh truy nã quốc tế» đối với họ.
Đơn kiện chủ yếu do Ủy ban Ủng hộ Tây Tạng (CAT) và quỹ « Nhà Tây Tạng » đệ trình, tố cáo năm người này về tội « diệt chủng, tội ác chống nhân loại, tra tấn và khủng bố đối với nhân dân Tây Tạng » trong thập niên 80-90.
Hôm 11/10, tòa án Madrid đã mở rộng điều tra đến cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vì không còn được quyền đặc miễn từ khi thôi chức Chủ tịch nước vào tháng 11/2012. Cũng như các nguyên đơn, tòa án Tây Ban Nha cho rằng Hồ Cẩm Đào, nguyên Bí thư Trung Quốc, « có thẩm quyền và quyền hạn đủ để tiến hành một loạt các hoạt động trong những chiến dịch nhắm vào việc quấy nhiễu nhân dân Tây Tạng ». Và ông Hồ Cẩm Đào « là cựu Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Tây Tạng, trong nhiều chiến dịch đàn áp khác nhau ở vùng này trong những năm 1988-1992 ».
Hơn nữa, tòa án nhắc lại các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc nhìn nhận rằng « chính quyền Trung Quốc đã quyết định tiến hành một loạt hành động nhắm vào việc loại trừ tính đặc thù và sự hiện hữu của đất nước Tây Tạng, bằng cách áp đặt lệnh thiết quân luật, cưỡng bức di dời, tung ra các chiến dịch triệt sản hàng loạt, tra tấn các nhà ly khai ».