Nhiều tổ chức xã hội dân sự tại VN phản ứng việc quốc hội sắp thông qua hiến pháp 2013
Theo chương trình, ngày 28.11 tới đây, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp này sẽ thông qua Hiến pháp 1992, sửa đổi năm 2013. Việc thông qua Hiến pháp lần này là do quyết ý của Đảng cộng sản VN.
Trước sự việc này, Giáo hội Phật giáo VN Thống nhất (GHPGVNTT), Khối 8406, Nhóm nhân sĩ trí thức 72 … đã lên tiếng kêu gọi các đại biểu Quốc hội dừng việc thông qua này.
Theo Hòa thượng Thích Viên Định, Viện trưởng Viện Hóa Đạo (VHĐ) thì tuy các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã không được nhân dân bầu lên một cách dân chủ theo đúng tình tự của một cuộc bầu cử công bằng và tự do, cũng như không có được thực quyền của một Quốc hội trong thể chế tam quyền phân lập như các quốc gia dân chủ khác trên thế giới, nhưng theo điều 83 Hiến pháp VN hiện hành, thì các ĐBQH có quyền và trách nhiệm rất cao.
Trong hoàn cảnh hiện nay của đất nước khi Trung quốc đang từng bước thực hiện ý đồ độc chiếm biển Đông và đang trên lộ trình trở thành một thế lực siêu cường hùng mạnh và tham lam tại Đông Á thì nguy cơ đối với an ninh quốc gia là nhãn tiền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trở nên mong manh, cần phải có một đối sách thích ứng để giữ nước.
Sau khi phân tích tình hình VN, Hòa thượng Viện trưởng đã kêu gọi các ĐBQH hãy can đảm thực hiện sứ mạng lịch sử của mình khi viết: “Quý vị hãy can đảm vượt qua chính mình, vượt qua sợ hãi, vượt qua những mặc cảm tội lỗi và quyền lợi cá nhân, phe nhóm nhất thời. Quí vị hãy thức tỉnh một lần cho muôn đời đất nước được bền vững, cho dân tộc được sống trong tự do, dân chủ, nhân quyền.
Quí vị hãy theo ý dân, vì dân, cho dân, đúng với nghĩa người dại diện dân chứ không phải là đại diện cho một đảng phái nào. Được như vậy, là quí vị sẽ cứu dân, cứu nước thoát khỏi quốc nạn nội ngoại xâm hiện nay. Lịch sử sẽ ghi công quí vị, dân tộc sẽ nhớ ơn quí vị, thế giới sẽ cảm phục quí vị”.
Hòa thượng kêu gọi trả lại quyền tư hữu đất đai cho mọi công dân, hủy điều 18, và đặt các ĐBQH trước chọn lựa hoặc là những người phục vụ nhân dân đúng nghĩa quốc tế, hoặc là những tội đồ của nhân dân.
Khối 8406 phản ứng trước việc cương quyết thông qua bản Hiến pháp 2013 bằng cách đưa ra lời kêu gọi toàn thể đồng bào Việt Nam quốc nội và hải ngoại: Chú ý về tuyên truyền thu thập ý kiến của dân về bản Hiến pháp sắp thông qua, vì bản chất vẫn đi ngược lại quyền lợi của dân. Lời kêu gọi nhấn mạnh: “Hãy nhận thức rõ ràng rằng: bản Hiến pháp mà Quốc hội sắp thông qua là bản Hiến pháp của Đảng cộng sản (ĐCS), do ĐCS và vì ĐCS, nhằm duy trì chế độ độc tài, toàn trị của Đảng trên đầu trên cổ nhân dân, nhằm bảo đảm cho Đảng muôn năm thống trị Đất nước. Bộ luật gốc kiểu ấy, dân tộc tuyệt đối không thể nào chấp nhận và phải phản đối kịch liệt (qua những cuộc biểu tình ôn hòa bất bạo động)”. Lời kêu gọi nhắc đến quyền phúc quyết của nhân dân về Hiến Pháp, và kêu gọi mọi người đòi có một bản Hiến pháp mới thực sự do dân và vì dân, tạo ra một xã hội đa nguyên, một chính trường đa đảng… và nhiều điều khác.
Nhóm kiến nghị 72 thì cho rằng tình hình đất nước đang nguy cập, nên không thể thông qua một bản Hiến pháp mà không thật sự tiếp thu ý kiến của dân.
Nhóm kiến nghị 72 viết: “Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi các đại biểu Quốc hội khóa XIII, với tất cả lương tri và ý thức trách nhiệm của những người có danh nghĩa đại diện cho nhân dân, hãy nhìn thẳng vào thực trạng đất nước, lắng nghe những ý kiến tâm huyết đóng góp xây dựng hiến pháp, để có đủ dũng khí quyết định tạm dừng việc thông qua Dự thảo hiến pháp sửa đổi và trả lại quyền lập hiến cho nhân dân. Muốn vậy, phải tổ chức tranh luận một cách thẳng thắn, nghiêm túc và công khai những điểm cơ bản về thể chế chính trị đang còn ý kiến khác nhau, tạo sự đồng thuận trong xã hội và tiến hành trưng cầu ý dân. Trường hợp vẫn đưa ra bỏ phiếu, chúng tôi kêu gọi các vị đại biểu bỏ phiếu không thông qua.
Nếu cam chịu thông qua một bản hiến pháp như Dự thảo đang bàn thì Quốc hội khóa XIII sẽ có tội với Tổ quốc và nhân dân, và cá nhân các đại biểu Quốc hội khóa XIII sẽ phải chịu phần trách nhiệm của mình trước lịch sử, trước dân tộc”.
Lại thêm một vụ án oan sai tại Bắc Giang
Sau vụ án oan sai của nạn nhân Nguyễn Thanh Chấn gây chấn động dư luận, Báo Dân Trí hôm Thứ Tư 13/11/2013, đã đưa tin bà Nguyễn Thị Mai, 43 tuổi, vợ của tử tù Hàn Đức Long bị các cơ quan tố tụng của tỉnh Bắc Giang kết án tử hình vì bị cho là hiếp dâm và giết một cô bé 5 tuổi đã ôm đơn tới “Viện kiểm sát nhân dân tối cao” khẩn cấp yêu cầu điều tra lại vụ án đã kết án tử hình chồng bà cũng ở tỉnh Bắc Giang để kêu oan.
Bà Mai cho hay chồng bà đã kêu oan nhiều lần không được cứu xét và khi bị lôi ra tòa, ông Hàn Đức Long đã phản cung, nói những gì khai nhận với các công an viên điều tra là hoàn toàn sai sự thật. Ông viết bản cung khai nhận tội theo lời đọc và bắt viết của công an sau những trận tra tấn thừa chết thiếu sống.
Bà Mai cũng khẳng định, khi tiếp xúc với luật sư trong trại giam và tại phiên tòa ông Long khai báo đã bị cán bộ điều tra đánh đập tưởng rằng sẽ chết trong thời gian bị điều tra, ông Long phải khai nhận theo những nội dung cán bộ điều tra đọc cho để viết. Khi ông không viết liền bị cán bộ điều tra cầm bút đâm thẳng vào bàn tay, ngoài ra là bị đánh đập hành hạ bằng nhiều dụng cụ khác. Điều này lý giải vì sao các bản khai nhận tội do cán bộ điều tra yêu cầu ông Long ký đều rất giống nhau và phù hợp với các tài liệu thu thập khác của cơ quan điều tra.”
Theo lời bà Mai kể, thì chồng bà bị cáo buộc sát hại bé gái 5 tuổi Nguyễn Thị Yến ngày 26/6/2005 tại một mương nước. Công an điều tra vụ án mạng không hỏi han gì ông Long gần 4 tháng cho tới khi có hai bà hàng xóm đi tố cáo ông dọa hiếp dâm. Hai bà hàng xóm tên Khuyến và Năm trước ngày đi tố cáo thì có “tranh chấp ngõ đi” và bị ông Long “gây thương tích cho người nhà”.
Ngày 18/10/2005 thì ông Long bị bắt, thẩm vấn, điều tra rồi truy tố tội “giết người, hiếp dâm trẻ em”. Sau nhiều phiên tòa từ sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm, năm 2009, ông Hàn Đức Long vẫn bị y án tử hình và đang chờ bị hành hình ở nhà giam của tỉnh Bắc Giang.
Khi được vợ thăm trong tù, ông Long cho biết đã “bị ép nhận tội nên nghĩ cứ nhận để khi ra tòa được minh oan”. Không ngờ lại trở thành kẻ tử tù.
Trong những năm gần đây rất nhiều vụ án oan sai được nói đến, tuy nhiên những người cầm đơn đi kêu cứu không hề thấy cán cân công lý ở đâu. Và người ta biết được thủ đoạn tra tấn tàn độc để ép cung của công an CSVN ngày càng gia tăng. Phần lớn những người bị Công an đánh chết trong khi giam giữ điều tra đều bị cho là “tự tử” hay “sốc ma túy” dù thân thể của họ có những bằng chứng hiển nhiên của tra tấn nhục hình.
Ủy ban bảo vệ nhà báo (CPJ) kêu gọi phóng thích blogger Điếu Cày
Hôm 12.11.2013, sau khi đã trao đổi trực tiếp với gia đình blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải, Ủy ban bảo vệ nhà báo (CPJ) đã gởi đến ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước và ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng chính phủ CSVN bản kiến nghị, kêu gọi thả ngay lập tức blogger Nguyễn Văn Hải, một người đang phải chịu một bản án oan sai và bất công.
CPJ viết: “Ông Nguyễn Văn Hải là người được biết đến qua bút danh Điếu Cày, đang thụ án tù 12 năm theo điều luật lệ mơ hồ về “tuyên truyền” chống nhà nước. Các bài đăng trên blog của ông Hải đề cập đến vấn đề chính trị nhạy cảm, bao gồm cả tham nhũng và cuộc biểu tình chống lại Trung Quốc xâm hại vùng lãnh hải Việt Nam”.
Ủy ban bảo vệ nhà báo tỏ ra đã theo dõi sát trường hợp blogger Điếu Cày: “Trong tù, ông Hải đã phải chịu biệt giam, nên đã tuyệt thực. Việc gia đình thăm nuôi ông tại nhà tù gặp rất nhiều hạn chế. Các thành viên gia đình của ông Hải nói sức khỏe của ông đã xấu đi đến mức độ họ khó nhận ra ông”.
CPJ cũng cho biết, Ông Nguyễn Văn Hải là một trong bốn nhà báo quốc tế sẽ được vinh danh với giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế 2013 của CPJ vào ngày 26 tháng này, vì đã dám mạo hiểm cuộc sống của mình để tố cáo sự lạm dụng quyền lực của nhà cầm quyền. Ông sẽ được nhận giải thưởng, mà không thể có mặt tại buổi lễ.
CPJ kêu gọi những người ủng hộ blogger Điếu Cày ký tên và chia sẻ những kiến nghị này tại https://www.causes.com/freedieucay