– Bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
Thanh Nhàn: Trong chương trình hôm nay, chúng tôi sẽ đề cập đến những vụ bê bối của ngành y tế và trách nhiệm của bà bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, sự kiện Đinh Nhật Uy được tự do và lễ giỗ thứ 50 của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Mời quí thính giả cùng theo dõi.
Phạm Lộc: Từ gần một năm nay, bộ Y Tế VN đã liên tục gây ra nhiều vụ tai tiếng nghiêm trọng, đã có nhiều vụ liên quan đến cả tử vong của nhiều mạng người. Từ vụ xử dụng dịch nhầy thay thủy tinh thể cho nhiều bệnh nhân, đến vụ 3 em bé ở Quảng trị chết vì tiêm vaccine, vụ kết quả thử nghiệm máu dùng chung cho cả ngàn người ở bệnh viện Hoài Đức, rồi hai mẹ con sản phụ ở Thanh Hóa chết vì không được mỗ kịp thời, vụ sản phụ ở Sơn Tây bị truyền nhầm máu, và vụ tai tiếng lớn nhất là việc ông bác sĩ thẩm mỹ Nguyễn Mạnh Tường làm chết bệnh nhân rồi ném xác bệnh nhân xuống sông…vân…vân… Bao nhiêu vụ đó đã từ lâu gây sự phẩn nộ trong cộng đồng mạng, họ qui trách nhiệm về bộ y tế và nhiều lần lên tiếng cho rằng bà BT YTế Nguyễn Thị Kim Tiến nên từ chức.
Người ta thường thấy ở các quốc gia khác, khi xảy ra một lỗi nghiêm trọng thì các quan chức xứ người phải chính thức nhận lỗi,nếu không, cũng bị mất chức, và chính phủ phải gấp rút thực hiện các biện pháp cải tổ. Trong khi ở VN, nhà nước chỉ xử qua loa, rồi sau đó, mọi việc chìm xuồng nhanh chóng và những người đứng đầu ngành vẫn nhỡn nhơ ngồi tại chức một cách vô trách nhiệm.
Thanh Nhàn: Sẽ là điều vô vọng nếu người dân trông mong vào cái trách nhiệm hiếm hoi của nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sau nhiều ngày im lặng, hôm 26/10 đã chuyển trách nhiệm của sự việc đến Thanh tra Sở Y tế Hà Nội và Phòng Y tế Quận Hai Bà Trưng, trong khi chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội thì lại khẳng định, sở chỉ quản lý những cơ sở kinh doanh có phép và họ không có trách nhiệm bởi vì thẩm mỹ viện Cát Tường không ghi biển nên họ không biết mà kiểm tra.
Ông bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị còn tuyên bố: “Vụ việc này mang tính cá biệt, không nên lấy một vụ cá biệt này để quy trách nhiệm cho Bộ Y tế, thành phố Hà Nội, hay cho phường.” lời tuyên bố này gây phẩn nộ trong cộng đồng mạng, khiến FBker Cát Đằng đã thốt lên: “Ông này fủi tay hay quá! Sống bằng thuế của nhân dân mà giờ bảo ai làm người đó chịu. Thế thì ai kiếm ra tiền người đó hưởng thôi, dựa vào đâu mà các ông đòi đóng thuế với nộp fạt cho các ông tham nhũng?”
Phạm Lộc: Trước sự vô trách nhiệm của những người đầu ngành trong bộ Y Tế, cộng đồng mạng đã liên tục đưa ra những lời kêu gọi bà BT YT Kim Tiến phải từ chức. Họ có lập cả một trang web có tên “Bộ Trưởng Bộ Y Tế Hãy Từ Chức” để đăng tãi những tin tức về các vụ bê bối trong ngành, trang này chỉ mới lập được mấy tháng mà đã có hơn 60 ngàn người like cho thấy nó cũng phản ảnh được bức xúc của cộng đồng mạng. Ngoài ra, cũng có cả một đoạn youtube của FBker Bà Ngoài Xì Tin thực hiện với tựa đề là “Lương Y Như Dì Ghẻ” để trêu chọc sự vô trách nhiệm của bà bộ trưởng Kim Tiến, quí thính giả có thể vào xem, đây là một trong nhiều video clip phê bình chế độ rất có duyên của Bà Ngoại Xì Tin.
Thanh Nhàn: Cuối cùng thì từ tội danh “cố ý giết người và phi tang” thì ông BS Cát Tường đã được đổi sang tội danh là “vi phạm về khám chữa bệnh và vi phạm thi thể”. Vụ này trước sau gì thì cũng sẽ được dàn xếp êm thấm, quá nhỏ so với vụ Vinashin.
Alibaba Cường Ở Việt Nam bây giờ có 1 câu quen thuộc là “cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”. Lo gì, chuyện lớn hoá nhỏ, chuyện nhỏ coi như ko có. Biết kêu ai?
– Giỗ cố Tống Thống Ngô Đình Diệm lần thứ 50
Phạm Lộc: Ngày 1 tháng 11 vừa qua, người Việt ở nhiều nơi tại hải ngoại đã làm lễ xiển dương những công đức xây dựng đất nước của Tống Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu. Trong khi đó, tại Việt Nam, theo tin của DCCT thì sáng ngày 1/11/2013, hơn 50 người từ Bắc, Trung, Nam đã đến nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi ở Lái Thiêu, Bình Dương để dâng lễ kỷ niệm 50 năm ngày giổ của hai Ông. 50 năm qua, những người sống ở Miền Nam chỉ âm thầm, lén lút cầu nguyện cho các Cụ, nhưng hôm nay, một số người đã công khai diễn tả tâm tình tôn vinh các Cụ là những người đã thực sự hy sinh vì tổ quốc và vì quê hương Việt Nam. Hiện diện trong buổi lễ trước phần mộ của cố TT Ngô Đình Diệm và bào đệ phần đông là những công dân mạng và các vị Linh Mục Antôn Lê Ngọc Thanh, Giuse Đinh Hữu Thoại, cha Đaminh Nguyễn Văn Phương, và cha Phanxicô X. Nguyễn Văn Nhứt.
Thanh Nhàn: Có lẽ bởi vì dấu mốc 50 năm nên cộng đồng hải ngoại đã có những buổi lễ giỗ lớn, như tại Nam Cali chẳng hạn. Từ nhiều ngày trước đó, cộng đồng mạng cũng đã có những bài viết ghi nhớ công trình kiến tạo đất nước mà nền Đệ Nhất Cộng Hòa của TT Ngô Đình Diệm đã đạt được. Nhưng có một điều mà chúng tôi cho là rất đặc biệt, đó là năm nay, chính người dân trong nước, nói đúng hơn là những anh chị em đấu tranh trên mạng là thành phần chính đến viếng mộ các Ngài. Trong khi những năm trước đó, người dân phải lén lút đi viếng mộ, thì nay những blogger, facebooker từng tranh đấu cho sự tự do của quyền con người đã tự động làm một cái chuyện mà chúng tôi cho đó là một hình thức thách đố mới, tức là làm những điều mà đảng không muốn nhưng cũng không thể cấm. Đây cũng là một trong những thế cờ của đấu tranh bất bạo động mà anh chị em trong nước áp dụng rất ngoạn mục.
Phạm Lộc: Có một điều nữa chúng ta cũng cần ghi nhận là nhờ được tiếp cận với thông tin mạng, giới trẻ sinh sau năm 1975 có cơ hội hiểu thêm được sự thật và bắt đầu có cái nhìn trung thực hơn về những nhân vật của lịch sử cận đại. Chúng tôi xin ghi nhận một số phản ảnh từ cộng đồng mạng như sau:
– Theo FBker Bụi Trần Chi thì: “Trong 9 năm, một người để làm nên thay đổi tất cả, mang lại nhiều điều mà lịch sử không thể phủ nhận. Những người đã sống trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa đã thấy được và nhìn nhận được mọi sự thay đổi vào thời điểm đó.”
– Hay FBker Minh Sang Nguyen thì cho rằng: “Ngô Tổng thống là người duy tân,cải cách đất nước, dân thờ ông là đúng thôi.”
– Và cũng đồng ý với chúng tôi, FBker Anh Dinh Le đã bày tỏ là: “Rất mừng khi biết rằng những người trẻ đã tìm hiểu về lịch sử cận đại và tìm ra sự thật.”
– Phiên toà xử Đinh Nhật Uy
Thanh Nhàn: Vào ngày 29 tháng 10 vừa qua, viện Kiểm sát Nhân dân TP. Tân An đã đưa Đinh Nhật Uy ra xét xử với tội danh “Lợi dụng phương tiện truyền thông trên internet như Facebook” để tuyên truyền chống phá nhà nước. Đây là lần đầu tiên Facebook bị nêu đích danh khiến ông phó giám đốc Châu Á của Human Rights Watch, Phil Robertson đã phát biểu. “Đó là một thử thách đáng kể với Facebook” và “Tự do ngôn luận đã bị xét xử.”
Thông tin về buổi xử án đã huy động sự tham gia của hầu hết những anh chị em hoạt động trên mạng. Tất cả đều đồng lòng hổ trợ gia đình của chị Kim Liên, mẹ của Đinh Nhật Uy, Đinh Nguyên Kha và chính bà cũng là một facebooker được nhiều người thương mến trên cộng đồng mạng.
Từ nhiều ngày trước đó, giới blogger đã treo avatar, treo những banner ủng hộ Đinh Nhật Uy, có rất nhiều những bài thơ, những lời động viên được gửi tới để chia sẻ nổi lo của gia đình chị Kim Liên.
Giang San Pham “Người mẹ đi tìm công lý cho con, người chị đi đòi lẽ phải cho em mình, ôi những người phụ nữ nước việt từ thời xa xưa tới nay vẫn mang nặng hai chữ yêu thương, họ yêu thương chồng, con, em mà còn ôm ấp cả tình yêu quê hương đất nước vào trong tim mình, …” và bạn đã mượn mấy câu thơ của Hồ Dzếnh để gửi tặng bà mẹ Kim Liên và người chị Thạch Thảo của Uy như sau:
“Cô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ hi sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi”
Pham Lộc: Ngoài ra, cũng có một sự kiện đặc biệt là ở hải ngoại vào ngày 24 tháng 10, một nhóm Facebookers đến trụ sở FaceBook ở San Jose để trao thư của Bà Kim Liên mẹ Facebooker Đinh Nhật Uy, mời ông Mark Zukerberg, người sáng lập Facebook đến tham dự phiên tòa xử Đinh Nhật Uy ở Long An. Dĩ nhiên, yêu cầu này đã không được đáp ứng nhưng sự xuất hiện của nhóm người đấu tranh gốc Việt này khiến các nhân viên của Facebook bất ngờ. Và đây cũng là một thế đánh của đấu tranh bất bạo động, tức tranh thủ sự quan tâm của công luận thế giới.
Thanh Nhàn: Cũng như những lần xử các nhà dân chủ trước, các blogger đã bằng mọi cách kéo về Long An để tham dự phiên toà, họ cũng đã bị ngăn chặn, bị đánh đập, bị bắt tập thể đưa về các đồn nhưng những trấn áp của CA lần này hoàn toàn vô hiệu, bởi vì ngay trong nơi tạm giam, họ cũng vẫn tiếp tục tranh đấu bằng những đối chất, đã trả lời phỏng vấn điện thoại từ nước ngoài, đã hát vang những bài ca đấu tranh ngay trong đồn công an, và rốt cuộc rồi thì CA cũng phải chịu thua mà thả tất cả ra.
Phạm Lộc: Cao điểm của phiên toà xử Đinh Nhật Uy chính là lúc toà tuyên án xử anh 15 tháng tù treo, có nghĩa là anh được ra khỏi nhà tù ngay trong ngày xử. Sự kiện này đã khiến cộng đồng mạng vui mừng tột điểm. Những lời chúc mừng đã được gửi lên mạng, không chỉ mừng cho Đinh Nhật Uy và gia đình mà là một sự vui mừng chung của phong trào dân chủ. Những hình ảnh khi Đinh Nhật Uy bước ra khỏi cổng tù được công kênh, đón tiếp như thế nào, sự vui mừng của anh em, bạn bè đến đón anh ra sao phải nói là những hình ảnh rất đẹp mà sẽ đi vào lịch sử với giai đoạn đấu tranh hào hùng này của cộng đồng blogger VN.
Quí thính giả có thể lên mạng để coi những đoạn youtube quay trước và sau lúc Đinh Nhật Uy được thả ra để cảm nhận được cái hào hùng đó, khi mà các anh chị em công kênh Đinh Nhật Uy lên vai và hát vang những bài hát đấu tranh “Dậy mà đi”, “Trả lại đây” trong khi các anh CA bất lực đứng nhìn.
FBker An Đổ Nguyễn đã cho biết như sau: “Hum qua, lúc trong đồn công an, tui bắt đầu cất tiếng hát, các anh công an cấm không cho hát. Thế là mọi người lại cùng tôi hát to hơn. Bằng mọi nổ lực, các anh vẫn không thể ngăn cản lời ca tiếng hát của chúng tôi.”
Thanh Nhàn: Những bài hát này cũng đã được hát vang rền trong hội trường khi các bạn blogger tổ chức ăn mừng ngày Đinh Nhật Uy được tự do. Qua sự kiện này và việc blogger công khai viếng mộ TT Ngô Đình Diệm chúng ta thấy rằng phong trào dân chủ trong nước đã thực sự bước qua gia đoạn mới, đó là giai đoạn hết còn sợ hãi trước sự đàn áp và công khai trực diện đối đầu với những thế lực bức hiếp họ.
FBker An Đổ Nguyễn đã tâm sự như sau: “Nhìn mấy đứa nhập kho mà phát ham… Các anh nên cho em nhập kho… chứ để em ở ngoài rảnh rỗi sinh nông nỗi, em cứ luyện “đấu tranh bất bạo động” là thiệt hại cho các anh á…”
Và khi mà người dân không còn biết sợ thì bộ máy đàn áp của nhà nước sẽ không còn hiệu quả. Đây chính là lúc mà đảng bắt đầu lo sợ.