Lần đầu tiên, khi tôi nghe cái từ “lỗi hệ thống”, thú thực tôi chả hình dung ra nó là gì.
Trong một cuộc họp tổng kết cơ quan, ông thủ trưởng đơn vị tôi lên phát biểu, có dùng từ hệ thống chính trị để chỉ hệ thống lãnh đạo trong cơ quan. Nhưng ông thứ trưởng dự buổi tổng kết đó lại chỉnh lại, rằng hệ thống chính trị chỉ dùng cho các cấp chính quyền, từ thôn xóm phường xã cho đến quận huyện tỉnh thành, chứ không dùng trong các cơ quan chuyên ngành?
Ồ! Nếu vậy, lỗi hệ thống này có phải chỉ là lỗi của riêng “hệ thống chính trị” không? Và như thế thì các cơ quan chuyên ngành là vô can?
Lúc ấy tôi nghĩ rất đơn giản, rằng mình là dân đen, thì quan tâm làm gì đến cái lỗi hệ thống hay không hệ thống ấy. Có biết đâu phần lớn mọi bế tắc trong xã hội, là từ tất cả những cái lỗi đó mà ra.
Nhưng sao thấy lỗi rồi vẫn không ai sửa nhể? Xem ra lỗi hệ thống máy móc thì khó mấy con người cũng sửa cái roẹt. Còn lỗi hệ thống thuộc về con người thì ai sửa?
Chả biết các ông các bà cứ ca tụng chế độ như thế nào, chứ tôi thấy cái hệ thống chính trị hay không chính trị này chỉ lo đến lợi ích của một nhóm người thôi. Một người nước ngoài hỏi tôi: Việt Nam có vẻ đã giàu lên. Vậy Việt Nam có phải là nơi để sống tốt không? Tôi trả lời: tốt cho số ít, và không tốt cho số đông.
Mặc dù đó là quan điểm riêng của tôi, nhưng không khó nhận thấy sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ nét. Người ta cứ cố tình không so sánh mặt bằng chung của cả thế giới ngày nay, mà chỉ so sánh với thời kỳ thay vì có cái xe máy như bây giờ thì ngày xưa chỉ đi bộ, hay đi xe đạp.
Rồi dân Việt Nam vốn sĩ diện, chỉ lo đánh bóng vẻ hào nhoáng bên ngoài. Cái gì trưng ra mặt tiền thì long lanh, bên trong thì ổ chuột, ẩm thấp, khai thối. Người ta nhìn vào vẻ ngoài hào nhoáng của các đô thị, mà quên đi cuộc sống nghèo đói của những người dân lao động trong các khu công nghiệp, dân nghèo đô thị hay miền núi xa xôi hẻo lánh (cách thủ đô chưa đầy 200 cây số cũng có vùng hẻo lánh). Hòa bình gần bốn chục năm vẫn tiếp tục xóa đói giảm nghèo. Và sẽ còn tiếp tục xóa đói giảm nghèo nữa, trong khi một tầng lớp khác vẫn giàu lên mà chắc chắn không thể chứng minh nổi.
Tất cả những điều ở trên chẳng có gì mới, ai cũng có thể nhìn thấy, trừ phi họ cố tình bịt mắt, che tai. Ranh giới giữa sướng và khổ, buồn và vui có khi chỉ cách nhau có vài bước chân. Ví dụ nội trong một không gian hẹp, ở góc phía tây vườn hoa Lý Tự Trọng, nghịch cảnh vẫn diễn ra hàng ngày, giữa một bên là những người đang khiêu vũ trong tiếng nhạc lúc du dương, lúc rộn rã, và một bên là dân oan màn trời chiếu đất đang lặng lẽ ngồi nhìn. Kế đó là Hồ Tây thơ mộng, là nơi làm việc của thủ tướng và chủ tịch nước.
Hà Nội đang cuối thu. Đêm và sáng sớm rất lạnh. Tôi đi qua mấy chàng trai người dân tộc, mùi hôi từ họ bốc lên khiến tôi vừa nhăn mặt, vừa cảm thấy xót xa. Không nhà cửa, không một thứ tiện nghi nào, họ giải quyết những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống ra sao?
Khi tin tức về những người dân H’mong về Hà Nội kêu oan, lan truyền trên mạng internet, một số người dân thủ đô cũng đến chia sẻ cho họ chăn màn, quần áo và lương thực. Có người đem cho họ cả bạt che. Nước là vấn đề thiết yếu. Ban đầu, dân oan dùng nước ở đài phun nước (cho dù nước này chả lấy gì làm sạch sẽ). Thấy thế, người ta tắt nước đi. Dân tình lại hướng dẫn bà con ra bãi cỏ trước lăng Hồ Chí Minh, dùng nước tưới cỏ rỉ ra từ vòi bơm, đọng lại ở các hố nước. Nhưng rồi người ta cũng hạn chế luôn cả việc tưới cỏ.
Tôi thấy thật khó hiểu về cách hành xử của nhà cầm quyền. Họ cứ để mặc kệ dân oan ở đó, như thể thi gan xem ai nản trước. Thi thoảng lại có lực lượng bí hiểm nào đó đến gây sự, đánh đập dân oan đến mức phải nhập viện.
Cho dù họ oan hay không oan, tìm hiểu và giải quyết việc này là trách nhiệm của “hệ thống chính trị”. Nhưng vì hệ thống này bị lỗi, nên hình ảnh dân oan ăn ở tại vườn hoa làm nhếch nhác bộ mặt của thủ đô, xem chừng chưa thể có hồi kết.
Tôi chia sẻ điều này lên mạng facebook. Có lời bình rằng, đây đâu phải chỉ là nghịch cảnh của một vườn hoa, hay của riêng thủ đô, mà là nghịch cảnh của cả một đất nước. Phận con sâu cái kiến, buồn và bất lực quá !