Hàng trăm người dân Quảng Ngãi biểu tình phản đối tàu hút cát trái phép

- Quảng Cáo -

 

Hàng trăm người dân Quảng Ngãi biểu tình phản đối tàu hút cát trái phép

quangngai_1Tin từ báo chí trong nước thì vào ngày chủ nhật, nàng ngàn người dân huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi đổ về trung tâm thành phố Quảng Ngãi để phản đối việc chính quyền cho doanh nghiệp nạo hút cát ở cửa biển Cửa Đại của sông Trà Khúc.

Cuộc biểu tình đã làm tắt nghẽn tuyến đường huyết mạch Bắc – Nam, Quốc lộ 1A, trên một đoạn đường hơn 3 km, trong nhiều giờ liền.

- Quảng Cáo -

Đây là lần thứ hai trong tháng này, dân chúng huyện Tư Nghĩa biểu tình để phản đối việc nhà cầm quyền tỉnh Quảng Ngãi cho phép công ty Ngọc Việt và công ty Trường Phát Lộc “tận thu cát” dẫn đến biển xâm thực, kéo nhà cửa, hồ nuôi tôm xuống biển. Theo đánh giá của truyền thông trong nước, cát nhiễm mặn tại Cửa Đại và khu vực mà người dân phản đối doanh nghiệp đã được khai thác từ đầu tháng Bảy tới nay và đã xuất khẩu được khoảng 1 triệu mét khối.

BIEUTINH-QUANGNGAI2Báo Dân Việt nói tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu tạm dừng việc nạo vét và hai doanh nghiệp phải xem xét đền bù, nhưng dường như mọi việc chưa ngã ngũ. Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có mặt để mời người dân vào một địa điểm để giải thích, nhưng người dân không chấp hành.

Khai thác bừa bãi tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, quặng mỏ, để bán ra ngoại quốc là vấn nạn lớn tại Việt Nam từng được báo động rất nhiều từ ô nhiễm môi trường đến phung phí nhưng không hề thấy suy giảm. Theo phúc trình của Bộ Tài Nguyên – Môi Trường thì các hoạt động khai thác khoáng sản tại Việt Nam “kiểm tra tới đâu thấy sai phạm tới đó”.

Tuy nhiên, các công ty từ khai thác cát titan dọc theo biển miền Trung, quặng sắt, chì, kẽm, măng-gan và nhiều loại khoáng sản khác, hoặc là những công ty “sân sau” của các quan chức nhiều thần thế. Hoặc chúng được các quan bảo kê, ăn hối lộ nên bất chấp luật lệ, bất chấp dân chống đối.

Bên cạnh đó, sự kiện càng ngày càng xuất hiện nhiều các cuộc biểu tỉnh của người dân phản ứng lại cách hành xử của chính quyền từ địa phương cho đến trung ương cho thấy người dân đã ý thức được quyền con người và dám đứng lên đấu tranh giành lại những quyền cơ bản của mình, cũng như không để nhà cầm quyền tự tung tự tác bán tài nguyên đất nước.

 

HRW kêu gọi Việt Nam bỏ điều 258, phóng thích blogger Đinh Nhật Huy

Human-Rights-Watch-400x300Trước phiên xét xử Đinh Nhật Uy vi phạm điều 258 dự kiến diễn ra tại Tòa án Nhân dân tỉnh Long An vào sáng nay 29.10.2013, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Right Wacht) kêu gọi Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho blogger Đinh Nhật Uy và hủy bỏ điều luật 258 về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước”.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á thuộc Human Rights Watch, nhấn mạnh trong thông cáo báo chí của Human Rights Watch ngày 28/10 rằng việc Hà Nội leo thang sử dụng các điều luật lạm quyền để đàn áp sự chỉ trích của công chúng và các hành động phản kháng ôn hòa là một trò hề đối với chính những tuyên bố của nhà cầm quyền rằng Việt Nam là một nhà nước tôn trọng nhân quyền. Nhà cầm quyền Việt Nam kết tội Đinh Nhật Uy chỉ vì anh đòi trả tự do cho em trai và phê phán nhà nước là một sự vi phạm nhân quyền trắng trợn, nhất là trong khi Hà Nội đang vận động một ghế trong cơ quan nhân quyền cao cấp nhất của Liên hiệp quốc.

Theo Human Rights Watch, phiên xử Đinh Nhật Uy là vụ mới nhất trong chiến dịch xử án các nhà hoạt động chính trị và bất đồng chính kiến trong năm nay với ít nhất 61 người bị kết án và đi tù, tăng đáng kể so với khoảng 40 trường hợp của năm ngoái. Giới hoạt động trong nước coi vụ xử Đinh Nhật Uy về điều 258 là một nỗ lực của chính phủ tìm cách tăng cường trấn áp quyền tự do ngôn luận của công dân, bóp nghẹt mọi tiếng bất đồng.

Human Rights Watch, nhận xét 2013 là một năm đầy nguy hiểm đối với giới hoạt động nhân quyền Việt Nam, và kêu gọi quốc tế phải tăng cường hành động cho Việt Nam thấy rằng như thế đã quá đủ và Hà Nội cần phải chấm dứt đàn áp.

Ông Robertson nói chính phủ các quốc gia nên công khai yêu cầu Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho Đinh Nhật Uy và các tù nhân khác ở Việt Nam bị tù vì đã thực thi quyền tự do đã được quốc tế công nhận, bằng không, Hà Nội sẽ gặp khó khăn trong quá trình tranh cử vào Hội đồng Nhân quyền của Liên hiệp quốc.

Vẫn theo Human Rights Watch, một trong những biểu hiện bất mãn ngày càng lớn trong xã hội Việt Nam là sự hình thành Mạng lưới Blogger đấu tranh đòi hủy bỏ điều 258 đang được Hà Nội dùng để giam cầm 3 blogger Đinh Nhật Uy, Phạm Viết Đào, và Trương Duy Nhất. Mạng lưới này đang mang Tuyên bố phản đối điều 258 ra thế giới vận động, nhờ quốc tế áp lực Việt Nam phải dỡ bỏ.

 

Bộ Trưởng Y Tế Việt Nam bị đề nghị từ chức

bo_truong-kim_tien400x300
Bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Một bài viết đăng trên tờ báo PetroTimes của nhà nước CSVN ngày 25/10 kêu gọi Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từ chức. Đây là lần đầu tiên truyền thông nhà nước đăng tải lời kêu gọi Bộ trưởng Tiến từ chức sau hàng loạt các tai tiếng trong ngành dẫn tới liên tiếp các ca tử vong cho bệnh nhân, đặc biệt là sản phụ và trẻ em. Vẫn theo bài báo, việc lãnh đạo Bộ Y tế đổ lỗi cho các cấp dưới quản lý lỏng lẽo để thẩm mỹ viện Cát Tường hoạt động chui không giấy phép gây hậu quả chết người là sự ngụy biện, trút tội, vô trách nhiệm, nếu Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến có lòng tự trọng thì nên từ chức.

Ngoài ra, tác giả còn đề nghị cách chức ngay Giám đốc Sở Y tế Hà Nội và Trưởng phòng Y tế quận trong vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường. Bài báo của PetroTimes kêu gọi lãnh đạo Việt Nam nên học tập gương của các lãnh đạo nước ngoài, tự giác từ chức khi có sai phạm nghiêm trọng. Tác giả nói trong khi văn hóa từ chức còn quá xa lạ đối với quan chức Việt Nam, nếu cứ để mọi việc trôi qua như thế thì số bệnh nhân chết oan vì bác sĩ tiêm thuốc lầm hay vô trách nhiệm sẽ còn tăng cao hơn nữa. Bài viết cảnh báo nạn tiêu cực không chỉ trong ngành y mà còn trong nhiều ngành khác nữa tại Việt Nam sẽ không bao giờ được giải quyết nếu không dám cách chức, không dám từ chức, dung túng, lấp liếm, bao che.

 

Trung Quốc ‘thể hiện mộng bá quyền’ qua Viện Khổng Tử ở Việt Nam?

tuongkhongtubi vutbo Tin từ các trang mạng, tuy Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường rời Hà Nội hôm 15/10, nhưng dư âm của chuyến công du của giới chức từ nước láng giềng phương bắc của Việt Nam vẫn chưa lắng dịu. Một trong những vấn đề được bàn luận nhiều trên các trang mạng xã hội những ngày qua là bản thỏa thuận giữa giới chức hai nước về việc thành lập Viện Khổng Tử tại Trường Đại học Hà Nội.

Tin cho hay, ý tưởng thành lập Viện này ở Việt Nam đã được nhen nhóm từ năm 2009, nhưng theo nhận định của giới quan sát, những mối căng thẳng ở biển Đông đã làm cho dự án này bị trì hoãn. Nhưng Bắc Kinh đã tỏ ra dịu giọng hơn trong chuyến thăm của ông Lý vì theo đánh giá của các chuyên gia, ‘Trung Quốc muốn tỏ ra rằng họ không hiếu chiến’ trong bối cảnh nước này ‘đang bị cô lập trong vấn đề tranh chấp lãnh hải’.

Tiến sỹ Nguyễn Nhã, nhà sử học có nghiên cứu về Trung Quốc, cho rằng Viện Khổng tử là ‘một trong những ý đồ của Bắc Kinh muốn sử dụng ảnh hưởng về văn hóa để thể hiện quyền lực mềm đối với Việt Nam’. Ngay cả Trung Quốc, thời kỳ Cách mạng văn hóa cũng đã đạp đổ hoàn toàn cả Khổng học cũng như Nho giáo. Bây giờ họ muốn dựng lại để tạo ảnh hưởng đối với các nước lân bang hay là các nước mà họ muốn gây ảnh hưởng”.

Theo Tiến sĩ Nhã, sự mở rộng văn hóa của Trung Quốc ‘không phải là hướng có lợi cho Việt Nam’.

Còn blogger Paulo Thành Nguyễn cho rằng Viện Khổng tử là một trong những công cụ để Trung Quốc ‘thể hiện mộng bá quyền’, cũng như Trung Quốc đã truyền bá văn hóa của nước này ở Việt Nam ‘qua con đường phim ảnh từ lâu rồi’.

Riêng blogger Nguyễn Xuân Diện, thuộc Viện Hán – Nôm ở Hà Nội, cho rằng giới lãnh đạo Việt Nam ‘có một sự hiểu biết rất hạn chế về văn hóa của Trung Quốc’.

“Để những học viện Khổng Tử như thế tồn tại ở Việt Nam đòi hỏi những nhà lãnh đạo về tư tưởng và văn hóa phải có sự hiểu biết sâu sắc, một bản lĩnh vững vàng. Nếu không, nó sẽ là cuộc xâm lăng về mặt văn hóa”.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here