Công an tiếp tục ép Đinh Nguyên Kha và Đinh Nhật Uy nhận tội
Sáng ngày 14.10.2013, gia đình bà Nguyễn Thị Kim Liên như thường lệ đã có buổi thăm hai con là Đinh Nhật Uy và Đinh Nguyên Kha tại trại tạm giam tỉnh Long An.
Bà Liên cho biết Trại giam lần này đặc biệt cho gia đình bà được vào trong phòng phía trong trại giam để thăm 2 anh em Uy, Kha.
Lúc gặp Uy thì có đến 5 công an canh và theo dõi cuộc nói chuyện. Đến lúc gặp Kha thì có ít hơn. Không giống như bình thường khi thăm gặp mỗi người chỉ có 1 công an canh giữ.
Kha cho bà Liên biết công an điều tra đã trả hồ sơ vụ án khủng bố về viện kiểm sát vì chắc họ không đủ chứng cứ. Nguyên Kha cũng nói đã trình bày hết mọi việc cho luật sư, phía an ninh đã đưa ra những lời dụ dỗ Kha nhận tội, nhưng sau đó đã lật lọng ghép Kha vào tội khủng bố với mức án từ chung thân tới tử hình. Nguyên Kha cho biết sẽ phản cung và không nhận tội.
Còn phần Đinh Nhật Uy thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra vào làm việc với Uy liên tục với bài bản cũ là thỏa thuận, ép Uy ký nhận tội nhưng Uy không chịu. Đinh Nhật Uy cho biết anh có gửi bản khiếu nại tới Viện kiểm sát tố cáo những cáo buộc vô lý của Cơ quan điều tra đối với Uy, và yêu cầu phải có 1 phiên tòa công khai, gia đình phải được vào dự, bằng không Uy sẽ làm mọi cách để không tham dự phiên tòa. Uy dặn gia đình gửi quần áo, giầy, dây nịt đàng hoàng và nói mẹ dặn Kha ra tòa cũng vậy, không mặc đồ trại giam đưa. Có chuyện gì thì phải làm đơn tố cáo liền.
Bà Liên còn cho biết ngày 31 tháng 10 này là hết hạn tạm giam đối với Uy, nhưng cho đến nay gia đình chưa có thông tin gì từ tòa án nên gia đình đoán là họ sẽ đem ra xử vào tháng 11.
TS Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực để bảo vệ quyền lợi hợp pháp
Bà Nguyễn Thị Dương Hà là vợ của Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ hiện đang bị giam trại giam số 5 Bộ Công an, vừa phổ biến trên mạng để báo động với dư luận thế giới là ông đã bắt đầu tuyệt thực từ ngày 15/10/2013 để “bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình”.
Ngày 16/10/2013, bà Nguyễn Thị Dương Hà đã gửi đơn tới Viện Kiểm sát Tối Cao, Cục trưởng Cục Thi Hành Án Bộ Công An, tố cáo nhà tù số 5 ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa vi phạm pháp luật.
Trong đơn bà Dương Hà cho biết hành vi vi phạm pháp luật của Giám thị Trại giam số 5 Bộ Công an Lường Văn Tuyến do đã tước đoạt quyền sở hữu hợp pháp các tác phẩm hội họa của chồng bà tặng cho bà, gồm 4 bức tranh sơn dầu, và 45 bức ký họa. Bà đòi giao trả các tài sản hợp pháp cho bà cũng như trừng trị giám thị Lường Văn Tuyến đã cố tình vi phạm pháp luật.
Được biết, những bức tranh đó, được ông Cù Huy Hà Vũ trao cho vợ khi bà đến thăm chồng ngày 15/9/2013 nhưng cán bộ trại giam “tạm giữ để kiểm tra”. Ông đã thông báo cho nhà tù biết là trong vòng 1 tháng mà không trao cho vợ ông như ý nguyện của ông thì ông sẽ tuyệt thực.
Ngay trong “biên bản làm việc” với cán bộ trại giam số 5, bà Dương Hà đã viết ý kiến trên đó rằng “Căn cứ Điều 60 Hiến pháp (Công dân có quyền sáng tác phê bình văn học nghệ thuật và tham gia các hoạt động văn hóa khác. Nhà nước bảo hộ quyền tác giả) và Khoản 1 Điều 44 Luật thi hành án hình sự (phạm nhân được sinh hoạt văn hóa văn nghệ…) Điều 51 Hiến pháp (Nhà nước bảo đảm các quyền công dân); Điều 58 Hiến pháp (Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp của công dân ); Khoản 9 Điều 9 Luật thi hành án hình sự (Nghiêm cấm xâm phạm quyền lợi ích hợp pháp của người chấp hành án)…
“Như vậy Giám thị Trại giam số 5 – Bộ công an đã vi phạm pháp luật. 45 bức ký họa và 4 bức sơn dầu mà chồng tôi đã vẽ và bị Giám thị thu giữ là tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của chồng tôi cho, tặng tôi, được Hiến pháp, Bộ luật dân sự và Luật Sở hữu trí tuệ bảo hộ. Dù ông giám thị có được quyền kiểm tra thì 30 ngày qua (từ 15/9/2013 đến 15/10/2013) cũng đủ thời gian để ông và các cán bộ của ông kiểm tra.
“Tôi yêu cầu ông trả ngay các tài sản kể trên cho tôi để đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng tôi không bị xâm hại. Đảm bảo cho tính mạng của chồng tôi vì chồng tôi đã phản đối các hành vi vi phạm pháp luật của ông Giám thị với chồng tôi mà chồng tôi không còn con đường nào khác là phải tuyệt thực…”.
Lãnh đạo CSVN nhất quyết làm điện hạt nhân
Dự án xây 7 nhà máy điện chạy bằng năng lượng nguyên tử được đẩy mạnh thông qua thỏa thuận hạt nhân dân sự ký tắt với Hoa Kỳ bên lề thượng đỉnh Brunei tuần trước là đòn bẩy cho lãnh đạo CS Việt Nam bắt tay vào kế hoạch điện hạt nhân đầy tham vọng so với các quốc gia Đông Nam Á, bất kể những quan ngại tương tự như sự cố Fukushima ở Nhật Bản.
Bản tin AP cho biết theo ước tính của chính giới Mỹ thì tổng vốn dự án điện hạt nhân trong lĩnh vực dân sự của Việt Nam có thể lên đến 50 tỷ mỹ kim.
Ông Vương Hữu Tân, viện trưởng Viện Năng Lượng Nguyên Tử Việt Nam cho rằng mọi sự không hoàn toàn thuận lợi, trong đó yếu tố an toàn, như nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật rò rỉ phóng xa sau trận động đất năm 2010, khiến thời điểm dự trù xây hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên bị hoãn lại trong ba năm, rời từ 2014 đến 2017.
Tuy nhiên, theo lời ông Tân, vì nhu cầu năng lượng trong thời gian tới, Việt Nam vẫn phải theo đuổi kế hoạch nhà máy điện hạt nhân .
Một nghiên cứu hồi năm 2011 của ba nhà khoa học Ý nói tiền lệ lịch sử cho thấy bờ biển Việt Nam có nguy cơ bị ảnh hưởng của sóng thần do động đất xuất phát từ ngoài khơi Biển Đông gây ra.
Bản đồ mô phỏng của họ cho thấy Bình Thuận, nơi được chọn để xây nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, và một số tỉnh lân cận dễ bị ảnh hưởng của sóng thần nhất.
Trong lĩnh vực điện hạt nhân, các nhà đầu tư Nga và Nhật Bản dang dẫn đầu trong hai dự án ở Bình Thuận.
Các đối thủ cạnh tranh Hàn Quốc và Hoa Kỳ cũng đang bám sát.
Thỏa thuận mà Việt Nam mới ký với Hoa Kỳ sẽ đòi hỏi Hà Nội mua nhiên liệu hạt nhân trên thị trường quốc tế thay vì tự làm giàu uranium.
Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, nguyên cố vấn chiến lược Tập đoàn Điện quốc gia Pháp (EDF) trong cuộc phòng vấn của đài BBC vào tháng trước đã cảnh báo Việt Nam có thể sẽ phung phí hàng chục, hàng trăm tỷ đôla mà không đem lợi ích gì cho đất nước. Nếu một thảm họa như Chernobyl hay Fukushima xảy ra thì cả miền Trung sẽ bị phóng xạ bao trùm và đất nước ta sẽ bị chia đôi lâu dài, du lịch, xuất khẩu, kinh tế sẽ bị tê liệt trong chớp nhoáng.