Lào sắp xây thêm đập trên dòng chính sông Mêkông
Chính quyền Lào vừa thông báo chính thức cho Ủy hội Quốc tế Sông Mêkông MRC và các thành viên của Ủy hội về kế hoạch xây dựng đập thủy điện Don Sahong với công suất 260MW ngay trên sông Mêkông ở miền Nam Lào, cách biên giới Cam Bốt không xa. Đây là con đập thứ hai trên dòng chính sông Mêkông sau đập Xayaburi đang được xúc tiến và có nguy cơ đẩy thêm Cam Bốt và Việt Nam vào một cuộc khủng hoảng lương thực.
Ngay sau khi quyết định của Lào được Ủy hội Sông Mêkông loan báo, Tổ chức Sông ngòi Quốc tế International Rivers – một hiệp hội đi đầu trong công việc đấu tranh bảo vệ môi trường vùng lưu vực sông Mêkông – đã lập tức lên tiếng tố cáo chính quyền Vientiane là đã né tránh, không tuân thủ quy trình ‘tham vấn trước’ các nước trong ủy hội, cụ thể là Việt Nam, Cam Bốt và Thái Lan.
Cùng với nhiều tổ chức hiệp hội quốc tế bảo vệ môi trường khác, Sông ngòi Quốc tế ngày 03/10 đã ra thông báo yêu cầu Lào hủy bỏ đề án này trước khi quá muộn.
Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cũng đã lên tiếng tố cáo chính quyền Lào coi thường các láng giềng, cũng như xem nhẹ vai trò của Ủy hội Sông Mêkông. Trong bản thông cáo báo chí, ông Jim Leape, Tổng giám đốc đặc trách mảng quốc tế của WWF cho rằng Ủy hội Sông Mêkông MRC sẽ trở thành vô dụng nếu việc xây dựng đập Don Sahong được xúc tiến mà không có bất kỳ một cuộc tham khảo ý kiến trước nào.
Ông Jim Leape cũng kêu gọi Việt Nam, Cam Bốt và Thái Lan công khai lên tiếng bày tỏ thái độ quan ngại trước sự kiện Lào ” tiếp tục không tôn trọng các thỏa thuận về việc tham khảo ý kiến.” Theo người đại diện WWF : “Nếu không có sự hợp tác xuyên biên giới hiệu quả, sinh kế và an ninh lương thực của 60 triệu người đang bị đe dọa”.
Người dân vẫn bị buộc phải đóng những khoản phí và lệ phí quái đản.
Tại Việt Nam, dân chúng phải đóng 375 loại phí và 75 loại lệ phí. Khiến túi tiền của người dân vốn đã nhỏ bởi lạm phát cao kéo dài trong nhiều năm, nay lại càng teo tóp vì mức thuế, phí, lệ phí quá cao.
Năm 2001, Ủy ban Thường vụ Quốc hội CSVN ban hành Pháp lệnh về phí, lệ phí nhằm ngăn chặn tình trạng lạm thu và tăng khả năng cung cấp dịch vụ của hệ thống công quyền cho xã hội và cá nhân. Đính kèm theo Pháp Lệnh này là danh sách 73 loại “phí” và 42 loại “lệ phí” (tổng cộng 115 loại) mà người dân phải nộp khi sử dụng các dịch vụ do nhà cầm quyền cung cấp.
Hiện nay, các cơ quan cấp trung ương có quyền đặt ra 393 khoản phí và lệ phí, còn các cơ quan cấp địa phương có quyền đặt ra 39 khoản phí và lệ phí, mà việc đặt định này lại phụ thuộc vào… nhận định của từng cấp, từng nơi nên mỗi chỗ mỗi khác. Cuối cùng, việc đặt định phí và lệ phí, mức phí, cách thu – quản lý – sử dụng trở thành tùy tiện, lộn xộn và không được kiểm soát.
Qua một vài nghiên cứu, nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, tỉ trọng các khoản thu từ thuế và phí tại Việt Nam đang tăng ngày càng cao. Trong năm năm vừa qua, nguồn thu từ thuế và phí của Việt Nam hiện dẫn đầu khu vực. Mức thu từ thuế và phí của Việt Nam hiện chiếm 20% GDP, nhiều hơn các nước từ 2,7 đến 12,2%.
Ông Ngô Trí Long, một chuyên gia hành chính than rằng, chuyện lạm thu phí và lệ phí đang diễn ra tràn lan trong mọi lĩnh vực và trên diện rộng từ thành thị tới nông thôn và tỏ ra đặc biệt lo ngại về tình trạng lạm thu tràn lan ở nông thôn. Dù bị nghiêm cấm nhưng tình trạng lạm thu vẫn rất phổ biến tại nông thôn. Nông dân vẫn bị buộc phải đóng những khoản phí, qũy hết sức quái đản.
Có nơi như ở xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An người dân từ một tuổi cho tới người 60 tuổi phải đóng “phí đường nhựa”. Điểm đáng chú ý là nhà cầm quyền thu tiền nhưng không hề xuất biên nhận. Còn ở thị trấn Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa mỗi gia đình một năm phải đóng 30 ngàn cho“Qũy xe tang“ và 100 ngàn cho “Qũy đường nghĩa trang”…
Cuối năm ngoái, trước tình trạng lạm thu tràn lan, nhà nước CSVN tiếp tục ban hành một văn bản, yêu cầu nhà cầm quyền các tỉnh, thành phố “rà soát, chấn chỉnh kịp thời” việc thu phí, lệ phí và huy động đóng góp của người dân, bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên trên thực tế, những khoản thu quái đản như “phí đường nhựa”, “qũy xe tang” vẫn tăng đều đặn, ở khắp mọi nơi.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thua lỗ lại bổ đầu dân
Thanh tra Chính phủ CSVN vừa công bố kết quả thanh tra tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Theo đó việc thua lỗ của tập đoàn này là do đầu tư ngoài ngành thiếu hiệu quả chứ không phải do đầu tư sản xuất điện giống như trước đây lãnh đạo tập đoàn này đã lý giải.
Tính đến hết năm 2011, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)đã đầu tư vốn ra ngoài ngành lên đến trên 121.000 tỉ đồng, bao gồm các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, trong khi vốn điều lệ của công ty mẹ chỉ có gần 77.000 tỉ đồng. Nhưng mặc dù đầu tư ra ngoài cả trăm ngàn tỉ đồng nhưng EVN không thu được đồng lãi nào mà lỗ đến 2.195 tỉ đồng.
Theo kết quả kinh doanh năm 2011, toàn EVN lỗ trên 10 nghìn tỷ đồng, lỗ chênh lệch tỷ giá trên 26 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, EVN vẫn còn nợ hơn 22 nghìn tỷ đồng từ các nhà máy phát điện, trong đó có hơn 10 nghìn tỷ đồng là nợ quá hạn thanh toán, hơn 9 nghìn tỷ đồng từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và hơn 335 tỷ đồng từ Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam.
Ngày 31.7.2013 vừa qua, EVN đã bất ngờ ra quyết định kể từ ngày 1/8 giá bán điện bình quân sẽ tăng 71,85 đồng/kwh, tương đương 5% so với giá bán điện bình quân đang áp dụng là 1.437 đồng/kwh.
Lý giải về việc EVN tăng giá điện, ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục điều tiết điện lực, Bộ Công thương là vì giá than, khí đã tăng quá mạnh từ đầu năm 2013. Ngoài ra EVN đang nợ Tổng công ty khí quốc gia một khoản nợ trên 3.000 tỷ đồng do chưa thu xếp được nguồn tiền để trả nên buộc phải quyết định tăng giá điện.
Báo cáo của thanh tra chính phủ CSVN còn chỉ ra rằng có sáu dự án điện của EVN bao gồm cả hạng mục “Khu nhà quản lý vận hành và sửa chửa”. Điểm đáng chú ý tại các dự án này là số vốn đầu tư với tổng giá trị trên 595 tỷ đồng được sử dụng để xây dựng các loại biệt thự, chung cư và các cơ sở tiện ích như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis phục vụ cho cán bộ công ty mà theo ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN thì đây là khoản đầu tư để “thu hút cán bộ” làm việc tại các dự án. Toàn bộ số chi phí này nằm trong tổng mức đầu tư dự án nguồn điện. Đồng nghĩa với việc sẽ được tính vào giá bán điện.
Như vậy thì đã quá rõ ràng cứ khi nào doanh nghiệp thua lỗ thì lại bổ vào đầu dân.