Cách đây sáu năm, vào ngày 15 tháng Sáu năm 2007 tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Bộ Trưởng Ngoại Giao Ấn Độ đã giới thiệu một nghị quyết về Bất Bạo Động với sự đồng bảo trợ của 140 tổ chức/định chế. Nghị quyết đã được Đại Hội Đồng LHQ thông qua và chọn ngày 2 tháng 10 làm ngày Bất Bạo Động Quốc Tế. Ngày 2 tháng 10 cũng chính là ngày sinh nhật của ông Mahatma Gandhi, vị lãnh tụ của phong trào giành độc lập tại Ấn Độ và là nhân vật tiên phong đề xướng chủ thuyết và chiến lược bất bạo động.
Gandhi là một vị lãnh tụ đã có công lớn trong việc thúc đẩy giành lại độc lập cho Ấn Độ từ người Anh. Với niềm tin vào chủ thuyết bất bạo động, ông Gandhi là tấm gương sáng ngời cho các phong trào bất bạo động đấu tranh cho nhân quyền, dân quyền và làm thay đổi xã hội trên thế giới. Ông luôn giữ vững niềm tin vào chủ thuyết bất bạo động ngay cả khi phải đối diện với tình cảnh đàn áp nặng nề và những thách thức tưởng chừng như không thể nào vượt qua nổi. Ông cho rằng “phương tiện đầy chính nghĩa sẽ dẫn đến kết quả rạng ngời chính nghĩa”, do đó là điều phi lý khi dùng đến bạo động và vũ lực để đạt đến một xã hội yên bình.
Nguyên tắc của đấu tranh bất bạo động là từ khước việc sử dụng bạo lực để làm thay đổi xã hội và chính trị. Hình thái đấu tranh này còn được mô tả như là “chính trị của người dân thường” và phương cách đấu tranh này được quảng đại quần chúng khắp nơi trên thế giới áp dụng để đòi hỏi công bằng xã hội.
Khi giới thiệu nghị quyết Bất Bạo Động trước LHQ vào năm 2007, Bộ Trưởng Ngoại Giao Ấn Độ đã trích dẫn lời của Gandhi, “Bất Bạo Động là sức mạnh lớn lao nhất của nhân loại. Nó mạnh hơn cả những vũ khí sát hại mạnh mẽ nhất mà con người đã từng chế ra.”
Hàng năm vào ngày 2 tháng 10, ngày Bất Bạo Động Quốc Tế là dịp để “quảng bá thông điệp về bất bạo động qua các chương trình giáo dục và nhận thức của công chúng”, theo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.
Riêng tại Việt Nam ngày 2 tháng 10 năm nay thì lại là ngày mà nhà cầm quyền Việt Nam đem Luật sư Lê Quốc Quân ra xét xử về tội “trốn thuế” mà thực chất ra chỉ là động lực chính trị để trừng phạt Ls Quân về những hoạt động ôn hòa cho dân chủ và nhân quyền.
Kể từ khi xảy ra các cuộc cách mạng ôn hòa tại Đông Âu, tại Bắc Phi, tại Á Châu, nhà cầm quyền Việt Nam đã vô cùng lo sợ “diễn tiến hòa bình” của phong trào đấu tranh cho dân chủ nhân quyền bằng phương thức bất bạo động. Dùng vũ lực của công an, côn đồ để đàn áp phong trào dân chủ tại Việt Nam đã không làm giảm nhuệ khí của giới tranh đấu. Ngược lại phong trào dân chủ ngày càng lừng lững tiến lên, áp dụng và biến hóa nhiều chiêu thức bất bạo động.
Đáp lời kêu gọi của Liên Hiệp Quốc về ngày 2 tháng 10, ngày Bất Bạo Động Quốc Tế, chúng ta hãy biến ngày xử Luật sư yêu nước Lê Quốc Quân thành ngày xiển dương tinh thần đấu tranh bất bạo động mà Ls Quân là một biểu tượng.