Tuyên Cáo về cuộc Vận động Dân chủ hóa Việt Nam của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
Trước hiện trạng tối tăm và hiểm nguy của đất nước, ngày 23.9.2013, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) đưa ra Tuyên Cáo về cuộc Vận động Dân chủ hóa Việt Nam với những nhận định chính như sau:
Độc tài đảng trị là nguyên nhân của tất cả mọi nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạc hậu và khủng hoảng của Việt Nam hiện nay về mọi phương diện từ kinh tế, văn hoá, chính trị, quốc phòng, môi trường và xã hội.
GHPGVNTN kêu gọi đảng CSVN hãy thức tỉnh vì thời cuộc đã thay đổi, nên đáp ứng nguyện vọng của dân tộc và đòi hỏi của thời đại là hãy Dân chủ hoá Việt Nam.
GHPGVNTN ủng hộ toàn dân và các trí thức, không phân biệt quá khứ, chính kiến và tôn giáo, đứng ra thành lập những đảng phái chính trị đối trọng với đảng Cộng sản cầm quyền hiện nay để cứu nguy đất nước.
GHPGVNTN cho rằng đã đến lúc phải có một diễn đàn đa nguyên đa đảng để nhân dân được tham chính, để những nhân sĩ trí thức, những người yêu nước ưu tú và lỗi lạc tham gia việc điều hành đất nước, phụng sự dân tộc, xây dựng một thể chế chính trị tiến bộ, văn minh với tam quyền phân lập. Nhân quyền và dân quyền đựợc tôn trọng triệt để. Xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật và hài hòa nhân bản.
Đã đến lúc cần phải chấm dứt sự độc tôn độc quyền của đảng Cộng sản từ bấy lâu nay, để Dân tộc Việt Nam được quyền làm chủ vận mạng của mình và đất nước, đưa Việt Nam hội nhập với thế giới văn minh, dân chủ, thoát khỏi quỹ đạo của Trung cộng. Và đã đến lúc đất đai phải được trả lại cho nhân dân Việt Nam với chế độ đa sở hữu, giải quyết thoả đáng thảm trạng dân oan, để toàn dân hạnh phúc và những người đã chết được siêu thoát.
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất chủ trương không làm chính trị nhưng khuyến khích Phật tử và toàn dân tích cực tham chính để bảo vệ đất nước, xây dựng xã hội tự do, dân chủ, hài hoà, hạnh phúc và nhân bản.
Kinh tế Việt Nam đang tụt hậu ngày càng xa so với các nước trong khu vực
Tại cuộc hội thảo “Nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh tế xã hội 5 năm và những điều chỉnh chiến lược” diễn ra sáng 23.9 tại Hà Nội do Ban Kinh tế Trung ương CSVN phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội tổ chức, các nhà hoạch định chính sách nhấn mạnh : ‘Kinh tế Việt Nam đang “Suy yếu”, “tụt hậu”, “khoảng cách ngày càng xa so với các nước”.
Trong nước, những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế tích tụ nhiều năm cùng với những mặt trái của gói kích thích đã cộng hưởng tạo nên hiệu ứng lạm phát tăng cao, bất ổn vĩ mô dài hơn dự kiến.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thẳn nhìn nhận: “Trong khi phần lớn các nước trong khu vực đã lấy lại đà tăng trưởng sau khủng hoảng thì tại Việt Nam, sự phục hồi còn chậm. Xét về mặt tuyệt đối, khoảng cách giữa Việt Nam và các nước trong khu vực đang ngày một cách xa”. Và quan ngại rằng những cảnh báo về một nền kinh tế chưa ẩn nhiều rủi ro và một triển vọng tăng trưởng không mấy tươi sáng đang có nguy cơ trở thành hiện thực”.
Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan thì có thể do các nguyên nhân như chủ quan duy ý chí đề ra những cái không tưởng ; Đề ra nhưng không làm hoặc ngược lại; Tình hình đảo lộn; Tình hình thực tế biến động không lường được. Và nếu không mạnh dạn xử lý thì sẽ lúng túng
Trưởng Ban kinh tế Trung ương Đảng CSVN, ông Vương Đình Huệ thừa nhận: “Nền kinh tế Việt Nam đang tụt hậu ngày càng xa so với các nước trong khu vực!”
Theo ông Vương Đình Huệ, ngoài lý do bên ngoài thì với những yếu kém nội tại đã bộc lộ rõ hơn, cần phải xem xét những nguyên nhân do điều hành . Ông Huệ còn đề xuất nên điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế xã hội 2011 – 2015 như tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm điều chỉnh từ kế hoạch 6,5 – 7% cũ về còn 5,4%. Chỉ số giá tiêu dung vào năm 2015 giảm điều chỉnh từ 5-7% lên 7%.
Hàng nghìn công nhân đình công nhiều nơi trong hai tuần tháng 9
Hải Phòng: Sáng 13.9, khoảng 700 công nhân..Crystal Weater Vietnam Ltd, tại Hải Phòng, 100% vốn Hàn Quốc, chuyên dệt may xuất khẩu..đã ngừng việc tập thể, nguyên nhân chính ngoài vấn đề lương không đảm bảo vì quá thấp còn là do Cty ép sản lượng quá cao dẫn đến nhiều công nhân phải làm việc đến không đủ thời gian ăn trưa, bữa trưa không vệ sinh. (Báo Lao động online ngày 13/09/2013)
Sài Gòn: Khoảng 2.000 công nhân Công ty TNHH Upgain Việt Nam (100% vốn Hồng Kông, chuyên sản xuất hàng may mặc tại Khu chế xuất Linh Trung I, quận Thủ Đức – Sài Gòn) đồng loạt ngừng việc, yêu cầu lãnh đạo công ty tăng lương, tăng phụ cấp…”. vụ ngừng việc đưa ra yêu sách của công nhân bắt đầu từ chiều 17/9, tuy nhiên, phía công ty không đồng ý. Cho đến sáng 18/9, ban giám đốc công ty mới triệu tập toàn thể công nhân lại để tổ chức đối thoại. Theo trình bày của công nhân, mức lương cơ bản công ty trả hiện nay là 2.747.000 đồng là quá thấp, trong bối cảnh giá cả không ngừng leo thang thì đời sống người lao động gặp rất nhiều khó khăn. (Báo Pháp Luật online ngày 19/09/2013).
Huế: Ngày 21.9, hàng trăm công nhân của Công ty TNHH Dệt kim và May mặc Huế đình công đòi công ty phải thực hiện đúng cam kết về chế độ, chính sách cho người lao động. Lương công nhân thấp hơn lương cơ bản (2,3 triệu đồng) và không có chế độ độc hại, nhiều lao động không được hưởng các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT, v.v…(Báo Thanh Niên điện tử ngày 22/09/2013)
Bà Rịa – Vũng Tàu: Trong 4 ngày từ 17-20.9, hàng trăm công nhân đang làm việc tại Cty TNHH Sang Inh (xã Hòa Hưng, H.Xuyên Mộc) đã ngừng việc tập thể để phản đối việc Cty này có những quy định khắt khe đối với công nhân”. Theo tin tức từ báo này, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến đình công là do Cty bắt buộc các công nhân tăng ca ngày chủ nhật hoặc bị hạ bậc bằng hình thức trừ tiền, đuổi việc. Công nhân nữ mang thai trên 7 tháng vẫn phải làm việc 8 giờ/ngày.(Báo Lao Động online ngày 20/09/2013)