Đường Hồ Chí Minh trở thành hoang vắng
Đường Hồ Chí Minh (HCM) dài 3.167 cây số được coi là ‘công trình quốc gia’, đi qua 30 tỉnh, thành phố của Việt Nam, bắt đầu từ Pác Bó, tỉnh Cao Bằng kéo dài đến Đất Mũi, Cà Mau đang đứng trước nguy cơ trở thành hoang vắng.
Con đường này được xây dựng từ đầu tháng 4 năm 2000 với chi phí ước tính chỉ riêng trong giai đoạn đầu tiên được xây dựng đã tốn hết 14.000 tỉ đồng vốn, khoảng 700 triệu đô để hoàn tất 1.350 km đường và 300 chiếc cầu.
Đó là chưa kể, theo kế hoạch được công bố, Bộ Giao Thông – Vận Tải đã xúc tiến đợt mở rộng đường HCM, đoạn băng qua Tây Nguyên trong hai năm, tốn tới 4.100 tỉ đồng, khoảng 200 triệu đô kể từ ngày 15.9.2013.
Cuối năm 2012, Tổng cục đường bộ thuộc Bộ Giao Thông – Vận Tải Hà Nội lập quy hoạch cho phép 150 công ty vận tải tung 414 chiếc xe đưa đón khách trên một tuyến đường dài 1.000 cây số của đường HCM.
Tuy nhiên, đến nay hơn 9 tháng sau ngày từng bừng khai trương, số xe chở khách qua lại vẫn đếm trên đầu ngón tay. Theo báo Tiền Phong, dự án “mở rộng đường HCM để giảm tải cho Quốc lộ 1 coi như đã phá sản.” Cũng theo báo Tiền Phong, đoạn đường HCM từ Nghệ An đến Quảng Bình hầu như không có một chiếc xe nào chở khách chạy qua. Còn đoạn từ Hà Nội đến Nghệ An, gần 1 tiếng đồng hồ mới có một chiếc.
Một cán bộ đội trưởng Cảnh sát Giao thông tỉnh Thanh Hóa cho hay, Quốc lộ 1A tiếp tục đông đúc, trong khi đường HCM vắng hẳn.
Trong khi đó, ông Thân Văn Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng dùng biện pháp hành chính “ép” các doanh nghiệp đưa xe vào hoạt động ở đường HCM là sai lầm. Ông này nói rằng nhà cầm quyền nên miễn phí, miễn thuế cho các công ty vận tải dám “liều” đưa xe vào “cung đường HCM huyền thoại” này. Ông Thanh cũng nói, chế độ Hà Nội chỉ nên khuyến khích xe vận tải đông lạnh, container đi đường HCM bằng cách trợ giúp chi phí cho họ. Còn loại xe chở khách, theo ông, phải để cho họ đi quốc lộ 1A để còn được “sống còn.”
Ông Thanh cũng đưa ra con số so sánh cho thấy, Quốc lộ 1 A riêng đoạn từ Hà Nội đến Vinh cũng đã có ít nhất 40.000 xe hơi qua lại mỗi ngày đêm. Trong khi cả đoạn đường HCM hiện nay chỉ có khoảng 11.000 chiếc.
Đinh Nguyên Kha bị quy thêm tội khủng bố
Gia đình Đinh Nguyên Kha được tin Nguyên Kha đã nhận cáo trạng truy tố tội Khủng bố theo Điều 230a Bộ Luật hình sự từ Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An.
Tin này được luật sư Nguyễn Văn Miếng thuật lại cho bà Nguyễn Thị Kim Liên khi ông vào thăm Kha ngày 16/9.
Trước đó, ngày 30/8, bà Liên đã cùng chồng và con gái đến thăm hai anh em Đinh Nguyên Kha và Đinh Nhật Uy tại trại tạm giam, tuy nhiên chỉ có chồng bà, ông Đinh Văn Chuộng, được phép đối thoại trực tiếp với Kha.
Sau khi trở ra, bà Liên được ông Chuộng thông báo rằng Kha nói với ông là cần luật sư bào chữa vì “bị ép cung nhận tội khủng bố” và đã ký vào biên bản nhận tội.
Ngày 5/9, bà Liên đã gửi đơn khiếu nại đến Viện Kiểm sát tỉnh Long An về việc công an ép cung để buộc con bà nhận tội khủng bố, đồng thời yêu cầu cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho con trai bà.
Tuy nhiên đến ngày 9/9, bà nhận được văn bản của Viện Kiểm sát, nói “việc khiếu nại của bà không thuộc trường hợp giải quyết khiếu nại trong tố tụng hình sự của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An.”
Bà Liên cho biết bà đã mời thêm Ls. Hà Huy Sơn, một luật sư thứ hai, để bào chữa cho Đinh Nguyên Kha và được luật sư thông báo rằng “nếu tòa án cấp giấy cho nhận thân chủ thì ông sẽ bay vào”.
Cũng cần nhắc lại, Đinh Nguyên Kha bị bắt cùng với sinh viên Nguyễn Phương Uyên hồi tháng 10 năm ngoái vì đã rải truyền đơn trên cầu vượt An Sơn, thành phố Sài Gòn ngày 10/10 và dán khẩu hiệu ở tỉnh Long An, Bình Thuận hồi tháng 8 năm 2012 kêu gọi chống Tàu cộng.
Cháy Trung tâm thương mại Hải Dương: Xe Cứu Hỏa không nước
Vào khoảng 3 giờ sáng ngày 15 tháng 9, một trận hỏa hoạn kéo dài hơn một ngày đêm đã thiêu hủy hoàn toàn Trung tâm Thương mại lớn nhất tỉnh Hải Dương, gồm ba tầng, tổng diện tích sử dụng khoảng 12,000 m2, gồm 536 sạp buôn bán vải vóc, giày dép, máy móc điện tử, điện máy, vật dụng gia đình, trang trí nội thất trở thành đống tro than khổng lồ. Thiệt hại ban đầu ước lượng khoảng 500 tỉ đồng, tương đương 25 triệu đô.
Báo Người Lao động cho biết, tới sáng ngày Thứ Hai 16/9/2013, khói vẫn nghi ngút và hơi nóng hầm hập tỏa ra từ đống tro tàn của Trung tâm Thương mại Hải Dương sau hơn 24 tiếng đồng hồ phựt lửa.
Hàng trăm tiểu thương đã kéo tới trụ sở nhà cầm quyền tỉnh, đòi gặp những người lãnh đạo cao nhất. Họ tố công an chữa cháy “hành động không kịp thời,” còn đưa cả xe cứu hỏa đến nơi – mà bồn không một giọt nước. Nhiều người la ó, phản đối lệnh cho bồi thường thiệt hại 10 triệu đồng, tương đương 500 đô cho mỗi tiểu thương chẳng thấm vào đâu.
Phần lớn vật vã khóc than vì bỗng dưng cả sản nghiệp bị tiêu tan. Tất cả hàng hóa ở trung tâm thương mại lớn nhất tỉnh Hải Dương bỗng chốc ra tro khi mùa mua bán sắp đến gần. Không chủ sạp chợ nào mua bảo hiểm cháy và bồi thường hàng hóa khi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn.
Tin của báo Người Lao động cũng cho biết, mỗi tiểu thương bị tổn thất từ vài trăm triệu đến vài chục tỉ đồng. Theo bà Lê Thị Huyền, chủ sạp bán quần áo, hầu hết các tiểu thương đều thế chấp, cầm cố nhà cửa để vay ngân hàng, lấy tiền mở sạp chợ kinh doanh. Không ai ngờ họ bỗng dưng trở thành kẻ trắng tay chỉ sau một đêm.
Nguyên nhân vụ hỏa hoạn đến nay còn chưa rõ. Có người nghi ngờ Trung tâm Thương mại tỉnh Hải Dương bị đốt vì thù oán cá nhân. Tuy nhiên, theo Phó giám đốc Công an tỉnh Hải Dương, nguyên nhân có thể là… hệ thống điện.
Tin mới nhất của Việt Nam Net dẫn phúc trình của Công an tỉnh Hải Dương nói rằng chạm điện tại một sạp bán vải của bà Nguyễn Thị Huê ở tầng 1 gây hỏa hoạn. Nhận định này mâu thuẫn với nhận định tiểu thương nói đã cắt điện tại Trung tâm thương mại kể từ sau giờ đóng cửa, 6 giờ rưỡi chiều mỗi ngày.