Gần đây, trên một số chương trình thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam, bắt đầu được nghe tin và bình luận về một số vấn đề “bức xúc” hiện nay. Kể ra, báo “lề phải” của Đảng và Nhà nước đã bắt đầu không chỉ “tô son vẽ phấn” cho diễn biến đời sống xã hội, bắt đầu dám nói đến những cái gai góc của đời sống xã hội ấy. Cho dù đây mới chỉ là “nốt nhạc dạo đầu” của những sự thật mà vai trò của báo chí cách mạng không thể làm ngơ.
Qua đó, chúng tôi cảm thấy trong thời gian này đất nước ta có nhiều vấn đề gay cấn quá thể. Qua báo chí “lề phải”, nhất là qua các trang báo địa phương và Đài phát thanh truyền hình địa phương, thì mọi điều vẫn diễn ra “thành công, ổn định” cả, chẳng có gì phải quan tâm. Nhưng, theo dõi nhiều hội nghị của trung ương, của Bộ, ngành thì bật ra những điều lo lắng quá, rối rắm quá. Tôi tạm thời nói lại câu cửa miệng của bà ngoại tôi lúc nuôi tôi còn bé rằng : “Làm gì mà cứ rối như canh hẹ !”
Cái mớ canh hẹ của tình hình xã hội ta trong thời điểm hiện nay là như thế nào ? Chẳng cần phải có “một góc nhìn nào khác” mà chỉ nhìn vào thực tế, nghe thực thế, nghe chính các báo đài “lề phải” cũng chắt lọc ra không ít vấn đề “rối như canh hẹ”.
Về tình hình phát triển kinh tế của đất nước, thì chỉ nghe báo cáo của Chính phủ trong các cuộc họp hàng tháng, có thể có những cái đáng mừng hơn thời kỳ ảm đạm, nhưng lại chưa thật mừng vì không biết tin vào con số nào. Cũng một vấn đề, mà báo cáo Chính phủ một khác, báo cáo ở Quốc hội một khác. Ví dụ như vấn đề phòng, chống tham nhũng “quốc nạn” hiện nay chẳng hạn.
Tham nhũng đã được Trung ương Đảng chỉ mặt vạch tên, gọi thẳng, nhưng mới chỉ là sự “di lý” từ Chính phủ chỉ đạo sang Bộ Chính trị mà thôi. Có khôi phục Ban Nội Chính, Ban Kinh tế trung ương, và nghe đâu có thành lập chân rết các Ban này ở cấp tỉnh, thành nữa, nhưng sao “tham nhũng vẫn còn nhiều” và diễn biến phức tạp, tinh vi, to lớn, nghiêm trọng hơn trước rất nhiều, thì càng chống càng “giương” lên mà thôi.
Những vụ tham nhũng lớn và rất lớn liên quan đến nhiều cấp nhiều ngành, nhiều ông to bà lớn thì nêu đã nhiều, dân ngóng chờ đã nhiều mà không thấy Ban chỉ đạo hoặc cơ quan chức năng, dù của Đảng hay của Chính phủ thì vẫn là một, chưa xử lý dứt điểm cho dân nhờ, cứ tổng kết lại nêu lên “bức xúc”, “quyết liệt”, “quyết liệt” họp xong, nói xong lai đâu vào đấy.
Bọn tham nhũng vẫn nhởn nhơ. Tiền bạc của cải của Nhà nước, của nhân dân vẫn thất thoát (Nói thất thoát cho có vẻ văn chương) chứ thực chất vẫn bị bọn tham nhũng “móc túi” nhiều nhiều lắm.
Một đồng ngân sách cũng là tiến thuế của dân, hoặc ODA gì gì đó sau này cũng do dân phải nai lưng trả nợ chứ có phải là trên trời rơi xuống đâu !
Lại còn nợ xấu, nợ đẹp, lại còn lãng phí hàng trăm hàng nghìn tỷ đồng, lại còn phải “đền” nhà đầu tư nước ngoài hơn 150 tỷ đồng vì cái tội “chậm giải phóng mặt bằng” cầu Nhật Tân, lại còn hàng chục công trình, hàng chục khu công nghiệp dở dang, bất động sản không chỉ đóng băng mà còn vỡ nữa. Tiền của ấy lấy đâu ra, ai chịu trách nhiệm?
Nông dân nước ta còn chiếm 70% dân số cả nước, mấy năm qua được biểu dương kết quả “tam nông”, trong đó có xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo… Bảo rằng nông dân sẽ được lãi 30%. Nhưng thực tế, cả nước nông dân đang chịu cái khổ “được mùa rớt giá” vì đầu vào cái gì cũng đắt, đầu ra lại phụ thuộc vào “thương lái” và đủ thứ ăn chặn… Người làm ra lúa gạo và nông sản xuất khẩu thì không được hưởng lợi. Lợi chỉ rơi vào tay ai đó mà thôi.
Ôi chân lấm tay bùn, một nắng hai sương mà làm gì. Hầu hết nông dân mang tuổi “Sửu”, tuổi “Sửu” cầm tinh con trâu ăn giả làm thật.Nghịch lý đấy nhưng ai sửa lại cho “xuôi” lý, cho “giai cấp nông dân” được mát mày mát mặt bây giờ ?
Thông tin đại chúng dai dẳng đưa tin vì văc-xin phòng viêm gan B tiêm cho ba cháu sơ sinh ở Hướng Hóa, Quảng Trị, bị qua đời khi chưa được chào đời đầy 24 tiếng đồng hồ. Nhiều cơ quan vào cuộc điều tra nguyên nhân, nhưng Bà Bộ trưởng Y tế có mặt ở đấy cũng không thèm bớt chút thì giờ đến ủy lạo gia đình họ. Hay vì dân Hướng Hóa, các bà mẹ ở Hướng Hóa không xứng đáng để Bà Bộ trưởng đến thăm?
Tiếp theo đó lại có tin hàng nghìn người chung một tờ kết quả xét nghiệm máu ở Trung tâm Y tế huyên Hoài Đức của Hà Nội. Có lẽ đây là “thành tích” kỷ niệm 5 năm ngày mở rộng Hà Nội ra cả tỉnh Hà Tây quê lụa ?
Khi xảy ra một số tai nạn giao thông nghiêm trọng trong đó có tai nạn đường thủy ở huyện Cần Giờ, ông Bộ trưởng “bay” ngay vào hiện trường. Ít ra cũng cần có động tác như vậy, nhưng tại sao lại có tai nạn như vậy xảy ra bên cạnh rất nhiều tai nạn rất thảm khốc trên các tuyến đường bộ? Trên thế giới này, có nước nào nhiều tai nạn giao thông như nước ta không ?
Gần đây, theo tin của Đài Tiếng nói Việt Nam, thì hàng vạn văn bản pháp quy do các ngành, các cấp ban hành vừa không đúng Luật vừa không khả thi, vẫn được đưa ra “bắt” dân phải thi hành. Tôi được biết, những văn bản này đều do người có trình độ soạn thảo và nhiều cấp nhiều ngành cùng xem đi xét lại trước khi cho ban hành, vậy mà vẫn còn có những sai sót không đáng có. Ví dụ trong 8 ngày Bộ Giáo dục đào tạo cho ra và rút lại văn bản quy định cộng thêm điểm thi cho thí sinh là “Bà mẹ Việt nam anh hùng”. Đấy là cấp trung ương, cấp bộ, cấp ngành, còn về đến cấp tỉnh thành, quận huyện và cấp cơ sở thì văn bản loạn đến mức nào. Chỉ khổ dân thôi.
Qua thông tin đại chúng, tôi có cảm giác đất nước bây giờ thiếu “quan trị, quan nhậm” thiếu người cầm cương thống nhất và có tâm có tầm vì lợi ích quốc gia dân tộc, và lợi ích của nhân dân, dường như mạnh nhóm lợi ích nào nhóm ấy làm, không ai bảo được ai.
Ví dụ, theo các nguồn tin cho hay thì giá thành một kWh điện có 900 đồng, vẫn bị ngành điện nâng lên hơn 1500 đồng, họ vẫn bảo là phải bù chi phí. Mong có điện khí hóa toàn quốc, dân nai lưng đóng thuế góp phần xây dựng mạng lưới phát điện, chuyển tải điện, nay có điện dùng (mặc dù chưa phải 100%) thì bị chính ông ngành điện muốn tăng giá thế nào thì tăng, không nộp đủ tiền điện hàng tháng thì bị cúp điện.
Trong khi một số nơi dân bị “mất điện luân phiên” hay “bị sự cố”, thì những “ông quan, ông vua” ở những khu vực “ưu tiên” hoặc bản thân những anh công nhân điện, chẳng bao giờ bị mất điện.
Giá điện tăng, giá xăng dầu tăng, giá ga tăng, cứ bảo là không ảnh hưởng nhiều lắm, song thị trường cứ tăng giá theo vùn vụt, chẳng ai có thể ngăn được. Họ bảo không ảnh hưởng, như cụ thể, tại một cái chợ nông thôn quê tôi cách Hà Nội 30 km, sáng 8-8-2013, một mớ rau muống lên 8.000, 9.000 đồng, chưa nói đến sữa cho trẻ em người già, người ốm, cứ tăng vùn vụt trong khi thu nhập của dân chỉ tăng trên giấy, tăng trong các báo cáo chứ đời sống thì sắp sửa xuống đến độ âm rồi !
Cũng nghe tin từ thông tin đại chúng, trên các phương tiện báo chí của Đảng và Nhà nước, đây đó có hiện tượng cán bộ xã hội đỏ móc với “xã hội đen” đánh lộn thầu công trình chia nhau tiền tỷ, tranh nhau nơi nuôi ngao, hàng trăm dân đánh nhau như “trong phim” hành động, có người chết và bị thương.
Chỗ này chỗ kia có những đám bạc lớn sát phạt nhau. Người ta còn phát hiện cán bộ ngành bảo vệ pháp luật cũng đánh bạc to lắm, con ông bí thư xã một canh cá độ mất tiền tỷ. Xã hội đen đến tận nhà siết nợ, làm cả gia đình sợ run, đành phải “nôn” tiền trả nợ cho con, “con dại cái mang” mà.
Viết đến đây, tôi đã thấy cần dừng lại kẻo phơi bày ra nhiều “canh hẹ” quá làm khổ người lỡ đọc được bài của tôi. Đúng là “rối như canh hẹ” nhưng chờ mãi chẳng có ai có quyền giải quyết thấu đáo, chẳng thấy ai vào cuộc cho đến nơi đến chốn và xã hội thì cứ vẫn “rối như canh hẹ”. Có người bảo chính là do ta “độc” nên ăn của độc đấy thôi.