Tại một hội nghị bàn về sự an toàn của hệ thống hồ chứa nước, đập thủy lợi, thủy điện trên toàn Việt Nam, diễn ra hồi cuối tuần trước, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn CSVN loan báo, Việt Nam có khoảng 7,000 hồ, cung cấp nước cho thủy lợi và thủy điện. Trong số này, có hơn 300 hồ chứa nước đang trong tình trạng “không an toàn” được gọi là “quả bom nước” vì được xây dựng theo phương pháp thủ công, hoặc khả năng khảo sát thiết kế của chủ đầu tư quá kém cỏi. Ông Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng CSVN gọi đó là những thảm họa tiềm ẩn.
Đây cũng là lý do khiến nhiều hồ chứa nước, đập chắn nước liên tục vỡ trong thời gian vừa qua: Z20, Khe Mơ, Vàng Anh (Hà Tĩnh), Khe Làng, 271 (Nghệ An), Vưng (Hoà Bình), Bà Râu (Ninh Thuận),… Theo kết quả điều tra, các hồ, đập đã vỡ đều mắc một số lỗi nghiêm trọng : Không đủ khả năng chống lũ, đập không đảm bảo kích thước, tràn thiếu khả năng xả, hoặc đập bị xuống cấp, tràn xả lũ bị hư nhưng không được sửa chữa, cống hư, nước thấm qua thân đập, mối xâm hại thân đập…
Ngoài những nguy cơ tiềm ẩn trong các hồ chứa nước dành cho thủy lợi, các hồ chứa nước dành cho thủy điện cũng đang đe dọa tính mạng của hàng trăm ngàn người. Một viên chức Bộ Xây dựng loan báo, gần đây, họ phát giác khá nhiều hồ chứa nước, đập chắn nước dành cho thủy điện không đạt yêu cầu an toàn.
Chẳng hạn đập chắn nước của nhiều công trình thủy điện như: Bản Vẽ, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Sông Tranh 2… bị nứt, nước thấm qua thân đập. Thậm chí đập chắn nước của một số công trình thủy điện như: Đăk Rông 3 (Quảng Trị), Đăm Bol-Đạ Tẻh (Lâm Đồng), Đăk Mêk 3 (Kon Tum), Ia Krêl 2 (Gia Lai), Ea Súp 3 (Đắk Lắk)… đã bị vỡ.
Thứ trưởng của Bộ Công Thương CSVN, Nguyễn Cẩm Tú, kể thêm rằng, đa số chủ đầu tư các công trình thủy điện thuộc loại vừa và nhỏ (có công suất từ 30 MW trở xuống), không tiến hành kiểm định đập và kiểm tra lại dòng chảy của lũ theo quy định.
Điểm đáng chú ý là ngay sau khi các viên chức cấp cao của nhà cầm quyền trung ương, cảnh báo về thảm họa “bom nước” và yêu cầu nhà cầm quyền các địa phương phải kiểm tra, sửa chữa gấp những hồ, đập dành cho thủy lợi, thủy điện trước mùa mưa bão thì các viên chức địa phương không muốn nhận trách nhiệm.
Là người chỉ đạo hội nghị bàn về sự an toàn của hệ thống hồ chứa nước, đập thủy lợi, thủy điện trên toàn Việt Nam, ông Hoàng Trung Hải chỉ yêu cầu các bộ hữu quan của nhà cầm quyền trung ương, “điều chỉnh các quy chuẩn bảo đảm an toàn công trình, rà soát mức độ an toàn của hệ thống hồ, đập trước mùa lũ, báo cáo tình hình thường xuyên” vì “quên một hồ là phải trả giá đắt”.
Tuy nhiên, ông ta không hề nói gì đến chuyện chi tiền để sửa chữa các hồ, đập thủy lợi, thủy điện theo đề nghị của nhà cầm quyền nhiều địa phương.
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài dọa bỏ Việt Nam sang các nước láng giềng
Theo một cuộc khảo sát mới do Phòng Thương Mại Châu Âu thực hiện thì hơn 20% các thành viên của họ đang cứu xét giải pháp bỏ Việt Nam để chuyển sang làm ăn tại các thị trường khác trong khu vực. Đây là một dấu hiệu cho thấy sự thất vọng của giới đầu tư về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, và sự xuất hiện nổi bật hơn của các nước láng giềng trong khu vực, kể cả Campuchia và Miến Điện.
Vẫn theo kết quả cuộc khảo sát, 45% các doanh nghiệp tin rằng so với Việt Nam, các thị trường ASEAN khác có thể là những nơi tốt hơn cho các hoạt động kinh doanh của họ. Khi được hỏi về sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam, 37% trả lời “trung bình”, chỉ có 18% cho rằng Việt Nam nằm trong số các nước dẫn đầu về tính hấp dẫn đối với giới đầu tư.
Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tin rằng những thủ tục hành chánh rườm rà là những rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Một trở ngại khác được nhắc tới là các dịch vụ hậu cần kém, và lực lượng lao động không thể được khai thác triệt để vì những quy định giới hạn các giờ làm việc phụ trội.
Ông Kimio Yamaguchi, Chủ tịch Hiệp Hội này, và cũng là Tổng giám đốc của Công ty Sojitz Vietnam, xác nhận Nhật Bản có kế hoạch đổ thêm đầu tư vào Việt Nam, nhưng ông nói rằng môi trường đầu tư tại Việt Nam vẫn kém hơn so với kỳ vọng.
Tờ Thanh Niên dẫn lời ông Đỗ Nhật Hoàng, người đứng đầu Cơ quan Đầu Tư Nước Ngoài của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư Việt Nam, quy lỗi cho Nghị quyết 108, hướng dẫn việc thi hành luật đầu tư về tình hình xấu đi của môi trường đầu tư.
Lãnh đạo Việt – Trung đàm phán về biển Đông
Vào ngày 3/09 vừa qua, Thủ tướng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã có một buổi hội đàm với Thủ tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường tại Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây, cuộc gặp mặt diễn ra trong khung cảnh khai mạc hội chợ thương mại giữa Trung cộng và ASEAN. Tin từ cuộc hội đàm nói hai bên sẽ duy trì và tăng cường các cuộc tiếp xúc cấp cao trong thời gian tới. Về thương mại, hai bên sẽ tìm cách cân bằng trao đổi với việc cố gắng giảm sự thâm hụt cán cân thương mại về phía Việt Nam. Vấn đề biển Đông cũng được đề cập và hai bên cho rằng cùng nhau duy trì hòa bình, giải quyết mọi vấn đề thông qua đàm phán.
Trong khi đó thì nói rằng Bắc Kinh luôn luôn cổ võ đàm phán về Biển Đông nhưng phải “trên căn bản tôn trọng chứng cớ lịch sử và luật lệ quốc tế”. Đồng thời, ông lập lại là Bắc Kinh không thay đổi chủ trương “giải quyết tranh chấp chỉ giữa các bên liên quan qua các cuộc đàm phán thân hữu để có các giải pháp đáng tin tưởng”.
Những lời lẽ vuốt ve và kêu gọi của Thủ Tướng Lý Khắc Cường ở Nam Ninh về đàm phán chỉ là trò câu giờ của Bắc Kinh như nhiều nhà phân tích quốc tế từng tố cáo. Nói khác, Bắc Kinh không muốn có một Bộ Qui Tắc Ứng Xử (COC) sớm như các nước tranh chấp khác muốn có.
Về phần Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng chỉ dám nhắc tới việc tôn trọng Công ước Liên Hiệp quốc về luật biển 1982, tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông DOC, cũng như đường dây nóng để giải quyết các xung đột giữa hai bên. Ngoài ra trong bài diễn văn đọc ở buổi khai mạc hội chợ, Nguyễn Tấn Dũng vẫn tỏ ra hèn nhát khi nhắc tới việc Việt Nam là cầu nối quan trọng giữa Trung cộng và khối ASEAN mà không dám có một lời phản đối nào trước quan thày Trung cộng về việc xâm chiếm biển đảo và bắn giết ngư phủ Việt Nam.
Trái ngược hẳn với Hà Nội, Tổng thống Phi Luật Tân là ông Benigno Aquino đã từ chối không đến tham dự hội chợ này để bày tỏ thái độ phản đối Trung cộng đã xâm lấn biển đảo của Phi Luật Tân trong thời gian qua.