Việt Nam sắp quản lý các dịch vụ thông tin miễn phí trên internet
Nhân cuộc họp ngày 07/08/2013 vừa qua về giá cước điện thoại quốc tế tại Việt Nam, ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã « chỉ đạo » cho Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam là cần sớm ban hành « chính sách quản lý » các dịch vụ liên lạc miễn phí qua mạng Internet. Nội dung yêu cầu này được nêu lên trong thông báo 312/TB-VPCP đề ngày 16/08, động thái này làm tăng thêm các quan ngại về tình trạng kiểm duyệt thông tin của đảng cộng sản cầm quyền tại Việt Nam.
Trong thời gian một hai năm gần đây, các dịch vụ nhắn tin, gọi điện thoại miễn phí thông qua đường Internet – thuật ngữ tiếng Anh là OTT (Over The Top) – đã ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam. Các công cụ như Viber, Line, WhatsApp… – gắn trên điện thoại thông minh smartphone – càng lúc càng được nhiều người sử dụng.
Theo báo chí trong nước, một đại diện của Viettel, một trong những nhà cung cấp mạng điện thoại lớn nhất của Việt Nam báo động là Viettel có thể sẽ mất đến 50% doanh thu nếu tất cả 40 triệu khách hàng của tập đoàn này sử dụng Viber thay vì dùng các dịch vụ gọi điện thoại hay gởi tin nhắn truyền thống.
Vì vậy mà các tập đoàn này đã yêu cầu chính quyền sớm ban hành chính sách quản lý các dịch vụ OTT. Theo một số chuyên gia Việt Nam, việc sử dụng các công cụ này đặt ra vấn đề « an ninh chủ quyền Việt Nam ».
Đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng như vậy đã đáp ứng yêu cầu sớm ban hành chính sách, nhưng không thấy đề cập đến yêu cầu cấm đoán. Cho dù vậy, theo hãng Reuters, chủ trương kiểm soát dịch vụ OTT có thể khiến cho những lo ngại về sự kiểm duyệt của Đảng Cộng sản gia tăng vào lúc Việt Nam đã nhiều lần bị chỉ trích vì các biện pháp bị cáo buộc là nhằm kềm chế tự do ngôn luận và trấn áp các blogger đã dám chỉ trích chế độ độc đảng.
Giống như nhiều quy định khó hiểu khác, lần này chính phủ Việt Nam cũng không giải thích rõ ràng kế hoạch thực thi, nhưng báo nhà nước nói Việt Nam có thể sẽ “cấm” tất cả các dịch vụ thông tin liên lạc miễn phí trên mạng.
Một nguyên do khác gây lo ngại là tuyên bố của Thủ tướng Dũng được đưa ra hai tuần sau khi chính phủ ra lệnh cho tất cả các mạng web nước ngoài, trong đó có Facebook, là phải đặt ít nhất là một máy chủ ở Việt Nam.
Theo dư luận thì “Điều này tương tự như một bước mới của nhà cầm quyền Việt Nam nhằm kiểm duyệt người dùng internet. Một khi không thể kiểm soát được, thì họ sẽ chặn tất cả ».
Theo thống kê của Google, Việt Nam hiện có 17 triệu người dùng điện thoại thông minh và nhu cầu về thông tin liên lạc tại Việt Nam rất lớn, với 60 triệu dân dưới tuổi 30.
Thủy điện tiếp tục gieo rắc bất ổn ở Tây Nguyên
Báo chí Việt Nam tiếp tục lên tiếng về những vấn nạn là hệ quả của việc cho phép thực hiện ồ ạt hàng trăm dự án thủy điện tại Tây Nguyên.
Ngoài chuyện nhiều nhà máy thủy điện được xây dựng rất cẩu thả nên đã xảy ra hàng loạt tai nạn nghiêm trọng như vỡ đập, nứt đập,… khiến người chết, nhà cửa, ruộng vườn bị hư hại, các công trình, dự án thủy điện đã làm Tây Nguyên mất 80,000 héc ta đất, gây xáo trộn sinh hoạt, sinh kế của 26,000 gia đình, phần lớn là người thiểu số.
Trong hàng loạt phóng sự về tác động của các dự án thủy điện ở Tây Nguyên, các tờ Người Lao Động, Lao Động cho biết, tuy đập chắn nước của thủy điện Ia Krel 2 (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) bị vỡ từ tháng 6 nhưng tới nay, chủ đầu tư vẫn chưa bồi thường để các nạn nhân dựng lại nhà cửa và có vốn liếng để trồng cấy, chăn nuôi trở lại. Những dự án thủy điện được cấp giấy phép để thực hiện tại Tây Nguyên hiện là nguyên nhân chính tăng thêm đói nghèo, đẩy người thiểu số tới tột đỉnh của sự bần cùng.
Theo báo chí Việt Nam, ba năm sau khi bị bứng khỏi nơi “chôn nhau, cắt rốn,” chỉ mới có 530/577 gia đình được cấp đất để trồng cấy, hiện có khoảng một nửa trong số 577 gia đình không biết sống bằng gì. Đến nay, Tập đoàn Điện Lực Việt Nam, chủ đầu tư của dự án thủy điện này vẫn còn nợ những gia đình bị thu hồi đất, giải tỏa nhà, khoản tiền bồi thường lên tới 18 tỉ đồng. Hiện có khoảng 60% gia đình sinh sống trong khu tái định cư không có nước sinh hoạt. Có thời điểm họ phải mua nước với giá 60,000 đồng một mét khối.
Gần đây có vài dấu hiệu cho thấy khu vực Tây Nguyên tiềm ẩn nhiều bất ổn. Hôm 22 tháng 7, tại hội nghị sơ kết công tác sáu tháng đầu năm 2013, tổ chức tại Lâm Đồng, Ban Chỉ Đạo Tây Nguyên đã chính thức đề nghị chính quyền Việt Nam “tạm dừng khởi công các dự án thủy điện ở khu vực Tây Nguyên cho đến hết năm 2014 để giải quyết các tồn đọng về môi trường và xã hội.” Theo Ban Chỉ Đạo Tây Nguyên, Tây Nguyên hiện có 118 nhà máy thủy điện và 75 dự án thủy điện đang được thực hiện.
Tờ Sống Mới cho rằng, tình trạng cho phép thực hiện ồ ạt các dự án thủy điện ở Tây Nguyên cho thấy, giới lãnh đạo coi rẻ dân chúng, không tôn trọng cuộc sống của họ, gây xáo trộn sinh hoạt của hàng ngàn gia đình. Thực chất của các khu tái định cư chỉ chờ nhằm đưa họ ra khỏi nơi ở cũ để lấy đất, còn dân chúng sẽ sống thế nào thì không màng. Nhiều gia đình thấy họ bị lừa nên quay về nơi ở cũ, chấp nhận đặt cược tính mạng với “tử thần” để có cuộc sống đủ ăn, đủ nước sinh hoạt như trước.
Cấm công dân và nhà báo ghi hình cảnh sát giao thông (CSGT) làm nhiệm vụ
Cục CSGT đường bộ, đường sắt (Bộ Công an) đã ra văn bản gửi Trưởng phòng CSGT các tỉnh, thành phố chỉ đạo về việc “Giả danh nhà báo ghi hình CSGT”. Nội dung văn bản này đang khiến bất kỳ ai đọc cũng có thể hiểu là từ sau khi có chỉ đạo này thì công dân, nhà báo sẽ không được ghi hình CSGT đang làm nhiệm vụ !
Văn bản nêu trên mục đích nhằm “xử lý” hành vi giả danh nhà báo tuy nhiên, ngôn ngữ trong văn bản thiếu rõ ràng gây khó hiểu như : “Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản…”. Phải chăng trong trường hợp nhà báo (có thẻ nhà báo được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp) thực hiện nghiệp vụ ghi hình, chụp ảnh CSGT làm nhiệm vụ thì phải được “sự đồng ý” của CSGT thì mới có quyền tác nghiệp? Động thái yêu cầu “tập hợp, thông báo cho cơ quan chủ quản” do Đại tá Trần Sơn Hà đưa ra là nhằm mục đích gì? Phải chăng, trong trường hợp này, nhà báo vừa phải được sự đồng ý của CSGT, được lực lượng này tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản xong thì mới được tiếp tục tác nghiệp?
Luật sư Phạm Ngọc Minh, Công ty Trách nhiệm Hữu Hạn (NHH) Luật YouMe cho rằng, theo quy định của Luật báo chí, thì nhà báo: “Được đến các cơ quan, tổ chức, thư viện, bảo tàng, triển lãm để thu thập thông tin, tra cứu tài liệu, làm nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan nhà nước không được từ chối cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi quy định trong Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước” (khoản 1 Điều 8 Nghị định số 51). Như vậy, nghĩa vụ cung cấp thông tin không thuộc bí mật Nhà nước là trách nhiệm (bắt buộc) của cơ quan, tố chức. Do đó, hướng dẫn của Cục CSGT Đường bộ, đường sắt là trái quy định của pháp luật”.
Ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cũkhẳng định, nhà báo hoạt động theo Luật Báo chí và khi nhà báo tác nghiệp đúng Luật Báo chí thì không ai có quyền ngăn cản.
Học trò trường làng bị ép may đồng phục như trường quốc tế
Trong mấy ngày qua, hàng trăm nông dân đã kéo đến trường tiểu học Văn Bình, tọa lạc tại huyện Thường Tín, Hà Nội để phản đối việc “nâng cấp” đồng phục học sinh, hoang phí tiền bạc của giới phụ huynh nghèo.
Đồng thời với việc đòi gặp ban giám hiệu trường tiểu học Văn Bình để chất vấn, người dân còn khẩn cấp báo tin cho Phòng Giáo dục huyện Thường Tín hay để giải quyết “hậu quả” của một kế hoạch may đồng phục học sinh đẹp như những “cô dâu, chú rể.”
Theo lời một số cư dân các thôn Bình Vọng, Văn Giáp, Văn Hội thuộc huyện Thường Tín nói rằng, “đồng phục học sinh đẹp thì tốt thôi, nhưng giá thì khó chấp nhận vì quá đắc.” Giá bộ đồng phục “hiện đại” này tăng gấp đôi so với đồng phục cũ, từ 629,000 đến xấp xỉ 700,000 đồng, tương đương 31 – 35 đôla mỗi bộ.
Nhiều phụ huynh khác nói rằng, ít nhất 70% học sinh xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, sống bằng nghề làm ruộng. Đầu năm lo tiền học cho con đã khổ sở, nay thêm khoản đồng phục cao ngất như thế thì không biết xoay sở đường nào.” Hiện nay, rất nhiều người trong số 700 phụ huynh học sinh vẫn chưa đóng nổi 200,000 đồng, tương đương 10 đôla, tiền học thêm cho con em mình. Một phụ huynh còn cho biết, đã bị cô giáo dọa cho con mình “đứng ra ngoài” trong buổi lễ khai giảng, nếu không có bộ đồng phục mới “đẹp như mơ.”