Món quà kỳ lạ của ông Trương Tấn Sang

Ngô Đình Thu

- Quảng Cáo -

Trong cuộc gặp gỡ ngày 25/7/13, chủ tịch nước CHXHCNVN Trương Tấn Sang đã trao tặng Tổng thống Mỹ Obama một bản sao của lá thư mà ông Hồ Chí Minh, trong vai trò chủ tịch nước VNDCCH, đã gởi Tổng Thống Mỹ Truman ngày 28 tháng 2 năm 1946, tức 67 năm trước.

Thường thì các món quà trong những dịp này là những vật quí hiếm, đặc thù của nước nhà mà nước bạn chưa có, hoặc là một báu vật mang một giá trị chung nào đó mà cả 2 nước đều trân quí, hoặc một vật nhiều ý nghĩa và có tiềm năng gia tăng sự thân thiết giữa hai nước.

Xét theo cả 3 tiêu chuẩn thông thường đó trong  các quan hệ cấp quốc gia, người ta khó hiểu lý do tại sao ông Trương Tấn Sang – và các cố vấn của ông – lại chọn tặng bức thư nói trên.

Nhưng trước hết, có lẽ cần ôn lại bối cảnh lịch sử  quanh ngày ra đời bức thư của ông Hồ.

- Quảng Cáo -

Vào những tháng đầu năm 1946, mặc dù gọi là đã “cướp được chính quyền” trong Cách Mạng Tháng Tám năm trước đó, nhưng ông Hồ Chí Minh biết rõ đó chỉ là khoảng trống quyền lực sau khi quân đội Nhật rút đi. Cách Mạng Tháng Tám thực chất là nhiều cuộc biểu tình yêu nước của toàn dân mà một số cán bộ cộng sản lợi dụng tình hình giương cờ đỏ lên tạo ấn tượng  do đảng cộng sản lãnh đạo. Và ông Hồ nhanh chóng trám mình vào vị trí cai trị đang trống đó. Lực lượng riêng của ông lúc đó rất mỏng manh nên ông quấn chặt vào mình lá cờ dân tộc để dựa vào sức và lòng yêu nước của toàn dân. Ông cũng biết sau thế chiến 2, đàn anh Liên Xô đang dồn hết tâm trí, nhân lực, vật lực vào vùng Đông Âu rộng lớn vừa nhuộm đỏ được và vào các trò đối đầu hàng ngày với Hoa Kỳ dọc theo đường ranh chia đôi nước Đức, nên không có hy vọng gì Liên Xô sẽ giúp ông ở nơi quá xa xôi.

Chính vì vậy mà khi Tổng thống Pháp De Gaulle quyết tâm trở lại thuộc địa Đông Dương bằng vũ lực, ông Hồ Chí Minh đành viết thư cầu cứu Tổng thống Hoa Kỳ Truman. Bức thư có nội dung như sau:

“Thay mặt cho chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi xin thông báo với ông rằng trong quá trình thảo luận giữa chính phủ Việt Nam và các đại diện nước Pháp, họ đòi tách rời Nam Kỳ ra và quân lính Pháp trở lại Hà Nội. Trong khi đó cộng đồng người Pháp và binh lính đang tích cực chuẩn bị để đảo chính tại Hà Nội và gây chiến. Vì vậy tôi khẩn thiết kêu gọi cá nhân ông và nhân dân Hoa Kỳ gấp rút can thiệp, ủng hộ nền độc lập của chúng tôi và giúp các cuộc thương thuyết đúng với các nguyên tắc của Hiến Chương Atlantic và San Francisco.”

Bức thư này hoàn toàn đi vào im lặng và quên lãng. Chính phủ Truman nhận được và chỉ cất vào văn khố, hoàn toàn không trả lời. Đến năm 1992, bức thư  này nằm trong số các văn kiện đến hạn được giải mật và công bố cho công chúng tự do tham khảo.

Chính với lai lịch đó của bức thư mà việc ông Trương Tấn Sang mang một bản sao sang Mỹ làm quà ở thời điểm 2013 đã làm nhiều người ngạc nhiên về sáng kiến kỳ lạ này — có người còn xem là “quái lạ”.

Điểm kỳ lạ thứ nhất: bức thư này không phải là vật mà phía Hoa Kỳ chưa có hay chưa biết. Văn khố Hoa Kỳ đang giữ bản chính – chứ không phải bản sao mà ông Sang “tặng” – và dân chúng ai muốn tìm xem cũng được. Chỉ cần google vài chữ là ra hàng loạt các trang mạng đang đăng hình chụp bức thư này, thí dụ như tại đây: http://www.cvce.eu/obj/letter_from_ho_chi_minh_to_harry_s_truman_28_february_1946-en-63812c0e-9a33-400c-b53a-272fc7669d96.html

Điểm kỳ lạ thứ hai: bức thư chẳng mang giá trị lịch sử quý báu gì trong quan hệ giữa 2 nước. Tệ hơn thế nữa, nó đánh dấu một thất bại ngoại giao hoàn toàn. Lịch sử cận đại còn ghi lại, trong những năm sau Thế Chiến 2, chính phủ Truman rất bực mình về chính sách tái lập thuộc địa của Pháp, đến độ Hoa Kỳ bỏ mặc cho Pháp sa lầy quân sự ở nhiều nơi, đặc biệt là tại Việt Nam và Algeria. Tuy vậy, Tổng thống Truman vẫn quyết định không đáp ứng lòi kêu cứu của Việt Nam qua bức thư của ông Hồ. Lý do đơn giản nhưng lại hệ trọng nhất là vì cái gốc “cộng sản quốc tế” của ông Hồ. Cái gốc này được ghi rất rõ trong hồ sơ mật thám Pháp, đầy đủ về những năm tháng ông Hồ được huấn luyện tại trường Quốc tế Cộng sản Đông Phương ở Moscow để trở thành một cốt cán cộng sản Đệ tam , và những năm tháng phục vụ cho Liên Xô tại Cục Phương Đông, v.v…

Thời đó, nói tới cộng sản, nhân loại nghĩ ngay tới hung thần Stalin với hệ thống trại tù tập trung kinh hoàng, và những cảnh cố tình tịch thu thực phẩm để giết hàng triệu người dân Ukrana, cảnh giết trong từng đơn vị quân đội theo quota hàng tháng để chận trước phản bội, cảnh cai trị cực kỳ hung bạo của Liên Xô đối với các nước Đông Âu mà họ mới chiếm đóng, v.v… Nên chẳng có lý do gì ông Truman lại muốn tiếp tay dựng lên một chư hầu Liên Xô mới tại Đông Nam Á. Và vì thế ông chọn quyết định làm ngơ cả thư kêu cứu của ông Hồ Chí Minh vào năm 1946 và lời kêu cứu của Pháp vào năm 1953 khi trận Điện Biên Phủ đi vào giai đoạn quyết định.

Điểm kỳ lạ thứ ba: với bức thư này ông Trương Tấn Sang nhắc nhở chính phủ Obama những lo ngại của Tổng thống Truman là đúng. Chế độ mà cán bộ cộng sản quốc tế Hồ Chí Minh dựng lên thành công đã trở thành tiền đồn và ngọn cờ đầu cho chủ nghĩa cộng sản tràn xuống Đông Nam Á, và chế độ đó đã cai trị dân tộc Việt Nam đúng theo mô hình phi nhân do Lênin và Stalin sáng tạo. Điều nhắc nhở thứ hai là chế độ mà ông Hồ dựng lên còn tồn tại đến ngày nay, mà hiện thân chính là ông Trương Tấn Sang. Kiểu cách cai trị độc tài, chà đạp nhân quyền, bức bách tôn giáo, bưng bít thông tin, v.v… vẫn còn nguyên.  Và vì thế bức thư vô tình nhắc Tổng thống Obama và các trợ tá của ông phải lục lại lịch sử, phải tìm lại lý do dẫn đến các quyết định của Tổng thống Truman.

Một cách ngắn gọn, bức thư này nhắc chính quyền Obama ĐỪNG đứng gần với lãnh đạo Hà Nội. Tổng thống Truman đã đủ khôn ngoan và đạo đức để không làm điều đó.

Với những tác động “quái lạ” đó, khó cho người ta không đặt câu hỏi: những “cố vấn vĩ đại” nào đã thâm hiểm “chơi” ông Sang qua  việc đề nghị cầm bức thư này đi làm quà? Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có dính tay vào cái “tối kiến” này không?

Cũng có nhà phân tích thử biện bạch rằng việc đưa bức thư này cũng chẳng nham nhở gì hơn so với việc lãnh đạo đảng từ hồi mới nối lại bang giao với Mỹ năm 1994, đã bẻ lái 180 độ và khoe rằng Bác Hồ từng “mượn” nguyên câu trong Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ làm câu mở đầu cho Tuyên Ngôn Độc Lập Việt Nam. Vì vậy bức thư này cũng chỉ là nối tiếp đường hướng đó thôi, nghĩa là theo loại suy nghĩ “kẹt quá không có gì để làm quà thì dùng đỡ, chứ  chẳng lẽ đi tay không?” Nhưng biện bạch này không có chân đứng và chỉ kéo theo những câu đùa như: “Chẳng thà cầm sang Mỹ tặng bà Obama cái nón lá như từng tặng bà Clinton còn hay hơn, và biết đâu nhờ thế mà được mời lại ăn bữa cơm trưa chăng.”

(Dĩ nhiên, còn chuyện Bác Hồ “mượn chữ nghĩa” của người khác thì nhiều lắm, từ những câu “Trăm năm trồng người”, “Đoàn kết, đại đoàn kết”, “Sông có thể cạn, núi có thể mòn…” đến bút danh Nguyễn Ái Quốc lúc sống ở Paris, đến tập thơ Ngục Trung Nhật Ký lúc ở bên Tàu, v.v…. Nhưng xin để dành cho một dịp khác.)

Để tạm kết câu chuyện “đưa thư cũ làm quà mới”, và trong tinh thần xây dựng, người viết xin hiến kế với ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang 2 điều:

Thứ nhất, nếu còn cơ hội ra nước ngoài hội kiến với ai trước khi hết nhiệm kỳ, ông Sang cứ đi tay không. Chẳng sao cả! Thế giới bên ngoài không có truyền thống phong bì đâu. Nhất là khi phong bì lại chỉ đựng “bản sao” của một bức thư mà bản chính đã chẳng ai muốn nhận.

Thứ nhì, ông Sang nên coi lại những kẻ đã “sắp xếp” chuyến đi kiểu này. Dĩ nhiên bức thư chỉ là một trong nhiều chuyện “sắp xếp” khác nữa mà chỉ có ông biết. Họ rắp tâm phá ông ngay từ lúc chưa rời Việt Nam. Liệu các “trợ lý” của ông có nhận “trợ giúp” từ nguồn nào khác nữa không?./.

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here