Lịch sử nước ta đã minh chứng rằng những khi nước nhà lâm nguy con dân VN đã không quản gì thân mình, lên rừng, xuống biển tìm đến nhau, tìm mọi cách để chuyển xoay vận nước. Có lúc vận nước thật gian nan tựa như chuyện đội đá vá trời nhưng đất nước ta chưa hề thiếu người nghĩa dũng:
Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi mang bao tấu, bầu ngòi
Trong tay cầm một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu, nón gỗ
Hai câu thơ trên là hình ảnh dung dị nhất của những người lính vô danh trong Bài văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Bài văn tế đã làm xúc động lòng người một thuở, nhưng câu chuyện của tác giả – vị thầy đồ khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu lại là một tấm gương trung trinh yêu nước thiết tha nhất cần được nhớ đến. Ngày hôm nay Mai Hương và Vương Đạo xin được trân trọng đến với quý vị qua câu chuyện thật cảm động về tấm lòng và cuộc đời của ông.
Nguyễn Đình Chiểu tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai, sinh ngày 01 tháng 7 năm 1822 trong một gia đình quan lại. Ông là con ông lại viên Nguyễn Đình Huy, người xã Bồ Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, làm lại viên Văn hàn ty của Tổng trấn Lê Văn Duyệt, mẹ là Trương Thị Thiệt, người Gia Định.
Năm ông 12 tuổi được gửi cho một người bạn ở Huế để ăn học. Tám năm sống và ăn học ở Huế đã giúp Nguyễn Đình Chiểu tiếp thu được nền văn hóa dân tộc hội tụ về Huế, nhưng cũng giúp ông thấy rõ triều đình Huế thối nát bạc nhược như thế nào. Khoảng năm 1840 ông trở về quê mẹ, và thi đậu tú tài khoa Quý Mão (1843) ở trường thi Gia Định.
Năm 1846 ông ra Huế chờ thi Hội vào năm Kỷ Dậu (1849) thì được tin đột ngột mẹ mất, ông bỏ thi quay về Nam chịu tang mẹ. Dọc đường bị bệnh, ông phải ở lại Quảng Nam vừa chữa bệnh vừa học nghề thuốc. Vì đường sá xa xôi, hiểm trở, đi lại khó khăn, tốn công sức mà chủ yếu là đi bộ, đi thuyền, lại thương mẹ, khóc quá nhiều, nên bệnh càng nặng, đôi mắt bị mù. Năm ấy Nguyễn Đình Chiểu mới có 26 tuổi.
Không thực hiện được ước mơ “phò đời giúp nước”, Nguyễn Đình Chiểu liền mở trường dạy học, làm thuốc, chữa bệnh và sáng tác thơ văn. Truyện thơ Lục Vân Tiên là sáng tác đầu tay của ông và ông đã hóa thân vào nhân vật Lục Văn Tiên. tác phẩm này mang tính nhân văn, nặng lòng yêu nước, thương dân, chính nghĩa thắng gian tà.
Mặc dù bị mù, song Nguyễn Đình Chiểu không thể ngồi yên, lòng sôi sục căm thù khi năm 1858, giặc Pháp tấn công bán đảo Sơn Trà- Đà Nẵng.
Quân Pháp bị thua ở Đà Nẵng, năm 1859 chúng đổ bộ vào Nam đánh chiếm thành Gia Định, rồi đánh chiếm Đại đồn Phú Thọ. Nguyễn Đình Chiểu lui về Bến Tre, vẫn cùng các bạn học như Phan Văn Trị, Hồ Huân Nghiệp, Bùi Hữu Nghĩa đi lại bàn luận công việc cứu nước.
Nguyễn Đình Chiểu có nhiều đóng góp vào cuộc kháng chiến đo Trương Công Định lãnh đạo, Trương Công Định vẫn thường đến hỏi ý kiến ông, coi ông là người tham mưu của mình. Sau khi quân Pháp chiếm được Cần Giuộc, nay thuộc Chợ Lớn, Nguyễn Đình Chiểu liên hệ với Đốc binh Là, tích cực giúp đỡ nghĩa quân nhiều mặt.
Ngày 14 tháng 12/1861, Thống quân Bùi Quang Diệu kéo quân về đánh quân Pháp ở Cần Giuộc. Trong trận này nghĩa quân hy sinh 27 người, trong đó có Đỗ Trình Thoại là bạn của Đồ Chiểu. Tuần phủ Gia Định lúc đó là Đỗ Quang đã sai Bùi Quang Diệu làm lễ truy điệu và thay mặt ông đọc “Bài văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” do Nguyễn Đình Chiểu viết. Đây là một bài Văn tế gây xúc động lòng người, trong đó có đoạn:
Khá thương thay!
Vốn chẳng phải quân cơ, quân vệ, theo vòng ở lính diễu binh;
Chẳng qua là dân ấp, dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ
Mười tám ban võ nghệ nào đợi tập rèn,
Chín chục trận binh thư không hề bày bố,
Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi mang bao tấu, bầu ngòi
Trong tay cầm một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu, nón gỗ
Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia;
Gươm đeo lủng lẳng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ.
Chi nhọc quan quản gióng trống kỳ, trống giục, đạp rào thót tới, coi giặc cũng như không;
Nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có.
Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà, ma ní kinh hồn;
Bọn hè trước lũ ó sau, trối kệ tầu thiếc tầu đồng súng nổ.
…
Ôi!
Một trận khói tan;
Nghìn năm tiết rỡ.
Binh tướng nó hãy đóng sông Bến Nghé, làm cho bốn phía mây đen;
Ông cha ta còn ở đất Đồng Nai, ai cứu một phường con đỏ.
Thác mà trả nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen;
Thác mà ưng đình miếu để thờ, tiếng hay trải muôn đời ai cũng mộ.
Sống đánh giặc thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia,
Sống thờ vua, thác cũng thờ vua, lời dụ dạy đã rành rành, một chữ ấm đủ đền công đó.
Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo, thương vì hai chữ thiên dân
Cây hương nghĩa sĩ thắp thêm thơm, cám bởi một câu vương thổ.
Ngày ấy, trước âm mưu thâm độc của thực dân Pháp kích động những phần tử quá khích trong đạo Thiên chúa gây ra nhiều vụ cướp bóc, phá đình chùa của người bên lương, gây nên mối hận thù dân tộc, Nguyễn Đình Chiểu viết tác phẩm Dương Từ-Hà Mậu, dài 3.448 câu thơ phê phán âm mưu lợi dụng tôn giáo của kẻ địch để phá vỡ khối đoàn kết dân tộc. Tác phẩm này của ông cũng lên án những kẻ thờ ơ, vô trách nhiệm đối với vận mệnh suy vong của đất nước.
Khi ba tỉnh miền Đông rơi vào tay quân Pháp, ông đưa gia đình về làng An Đốc, Bảo An, tỉnh Vĩnh Long, nay là huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Tại đây Nguyễn Đình Chiểu tiếp tục mở trường bốc thuốc trị bệnh cho dân và giữ mối liên hệ chặt chẽ với các sĩ phu yêu nước như Phan Văn Trị và các lực lượng kháng chiến Trương Công Định.
Nguyễn Đình Chiểu là người tích cực hưởng ứng và cổ vũ cho phong trào “tỵ địa” do Phan Văn Trị và một số sĩ phu đương thời khởi xướng. Thực dân Pháp biết ông có uy tín lớn trong nhân dân và nghĩa quân Trương Định và nghĩa quân các cuộc khởi nghĩa khác, tìm mọi cách dụ dỗ, mua chuộc. Nhưng danh lợi, bổng lộc không làm nhà thơ khiếm thị yêu nước thiết tha xiêu lòng. Khi giặc Pháp hứa trả lại ruộng đất cho ông. Ông đã trả lời:
“Nước chung đã mất, đất riêng còn có được sao?”.
Trước cảnh mất nước, nhà tan, thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu mang màu sắc bi tráng. Văn tế Nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh là một thí dụ. Đoạn kết của bài Văn tế ông viết:
Ôi!
Trời xuống nàn quỷ trắng mây năm;
Người uống giận suối vàng lắm bực.
Cảnh Nam thổ phôi màu hoa thảo, động tình oan nửa úa nửa tươi;
Cõi Tây thiên treo bức vân hà, kết hơn oán trăng thưa, chăng nhặt.
Ngày gió thổi lao xao tinh dã mã thoạt nhóm, thoạt tan, thoạt lui, thoạt lới, như tuồng rạng bóng tinh binh
Đêm trăng lờ réo rắt tiếng đề quyên, dường hờn, dường mếu, dường khóc, dường than, đòi đoạn tỏ tình oan khuất.
Xưa nghe có bên sông Vị Thủy, lấy lễ nhân đầu tế đảng hồn oan;
Nay biết đâu bãi cát Trường Sa, mượn của âm phù độ bè quỷ ức
Đốt lọn nhang trầm trời đất chứng, chút gọi là làm lễ vãn vong
Đọc bài văn tế quỷ thần soi, xin hộ đó theo đường âm chất
Người dân ở Ba Tri kể lại, chính Nguyễn Đình Chiểu đứng ra làm chủ tế những nghĩa sĩ lục tỉnh ngay tại chợ Ba Tri. Khi đọc xong bài điếu, ông quá xúc động, nước mắt đầm đìa rồi ngã nằm bất tỉnh nhân sự, mọi người phải đưa đi cứu chữa.
Về cuối đời, Nguyễn Đình Chiểu vẫn sống ở Ba Tri dạy học và làm thuốc, nhưng ông vẫn lên án triều đình Huế cắt đất đầu hàng, ngăn cấm nhân dân chống Pháp, để đến nỗi mất lục tỉnh vào tay giặc Pháp. Ông giãi bày tâm sự trong “Ngư tiều ư thuật vấn đáp”, đây là tác phẩm cuối cùng của ông với lời văn xót xa trước cảnh đất nước bị “chia dưa”, “khăn xé” trong đó có đoạn:
“Cây đa đua nhánh đón đường
Như tuồng đón hỏi: Đông hoàng ở đâu ?
…Gió tru hưu hắt theo sau
Như tuồng xúi giục đi may tìm thày.
Dưới non suối chảy kêu ngày
Như tuồng nhắn hỏi: “ Sự này bởi ai?”
Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu bao gồm nhiều thể loại thơ, văn tế, câu đối, trướng, truyện thơ, văn đều sâu sắc thiết tha căm thù giặc Pháp cướp nước, yêu chính nghĩa, ghét gian tà, lên án vua quan nhà Nguyễn hèn nhát đầu hàng giặc Pháp, tiếp lay cho giặc đàn áp các cuộc khởi nghĩa chống Pháp của nhân dân.
Nguyễn Đình Chiểu mất ngày 3 tháng 7 năm 1888. Đến nay, người ta còn kể lại rằng ngày đưa đám ông cả cánh đồng An Bình Đông nay là xã An Đức đã trắng xóa khăn tang của bạn bè, đồng chí, của học trò của những người bệnh được ông cứu sống và của người dân luôn cảm phục tấm lòng của một nhà thơ lớn, một nhà cách mạng.
Chương trình Chuyện Dân Tôi xin chân thành cám ơn tác giả Vũ Thanh Sơn. Mai Hương và Vương Đạo xin thân ái chào tạm biệt quý thính giả và xin hẹn gặp lại quý vị vào chương trình kỳ tới.