Vì sao quặng sắt Việt Nam vẫn được ào ạt đưa sang Trung Quốc ?

- Quảng Cáo -

Trước tình trạng khai thác quặng sắt bừa bãi và xuất cảng ồ ạt sang Trung Quốc, thất thu hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế, và khiến nhiều nhà máy đóng cửa vì thiếu nguyên liệu, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã phải lên tiếng cho biết rằng sự kiện này rất khó ngăn chặn vì đứng phía sau các nhóm khai thác – xuất cảng quặng sắt sang Trung Quốc “là con cháu nhiều cán bộ lãnh đạo các tỉnh”.

Được biết năm 2011, Hải quan Trung Quốc loan báo, Trung Quốc nhập cảng 2.9 triệu tấn quặng sắt từ Việt Nam với giá 106 USD/tấn. Trong khi đó theo Hải quan Việt Nam, thì Việt Nam chỉ xuất cảng 1.3 triệu tấn quặng sắt sang Trung Quốc với giá 52 USD/tấn. Chênh lệch giữa số lượng quặng sắt nhập cảng do Hải quan Trung Quốc tiết lộ và quặng sắt xuất cảng do Hải quan Việt Nam công bố là 1.6 triệu tấn. Tương tự, chênh lệch về gía nhập cảng của Trung Quốc với giá xuất cảng của Việt Nam lên tới 54 USD/tấn.

Đây là lý do khiến VSA khẳng định, việc xuất cảng quặng sắt từ Việt Nam sang Trung Quốc có gian lận. Sự gian lận này có sự tiếp tay của Hải quan Việt Nam cả về số lượng quặng xuất cảng lẫn giá xuất cảng và làm thất thu hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế. Bất chấp các cảnh báo từ VSA, năm 2012, tình trạng vừa kể tiếp tục tái diễn.

Do quặng sắt ồ ạt chảy sang Trung Quốc, tại Việt Nam, hiện chỉ còn nhà máy thép Thái Nguyên và nhà máy thép Hòa Phát đang hoạt động. Những nhà máy, lò luyện gang thép khác đã đóng cửa vì thiếu nguyên liệu.

- Quảng Cáo -

Một viên chức của VSA cho biết, không phải là con cháu lãnh đạo các tỉnh thì khó mà được cấp phép khai thác quặng. Các doanh nghiệp khai thác quặng thường khai thác vô tội vạ, sau đó đẩy giá bán quặng lên cao để các nhà máy, lò luyện gang thép trong nước không thể mua được, rồi xin xuất cảng để giải phóng quặng tồn kho, lợi dụng giấy phép cho một, xuất mười, trốn thuế.

Khai thác quặng kiểu này vừa lãng phí tài nguyên, vì phía khai thác chỉ chọn loại có hàm lượng quặng cao, vứt bỏ loại có hàm lượng quặng thấp, vừa tàn phá môi trường, ngân sách lại thất thu bởi các doanh nghiệp khai thác quặng được miễn nhiều thứ thuế, phí. Giới khoa học tại Việt Nam đã nhiều lần cảnh báo song các doanh nghiệp khai thác quặng vẫn thản nhiên vì không có ai dám đụng tới.

Tuy Hà Nội hứa hẹn sẽ có biện pháp để giúp các nhà máy, lò luyện gang thép tại Việt Nam có nguyên liệu hoạt động nhưng tâm tình với báo giới, đại diện VSA vẫn tỏ vẻ hoài nghi về những lời hứa đó. Theo ông này, đó là “lợi ích nhóm”. Khi tại Việt Nam, cứ làm rồi hết nhiệm kỳ thì nghỉ, vi phạm mà không phải chịu trách nhiệm thì người này sẽ đua với người kia để làm.

Kinh tế Việt Nam đối diện tăng trưởng chậm, lạm phát cao

Trong báo cáo mới nhất công bố ngày 12/7, Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm 5,3%, lạm phát cao tới 8,2% và đối diện nhiều thách thức.

Theo TS Lê Đăng Doanh, nhận xét này cũng phù hợp với những ý kiến của các chuyên gia độc lập của Việt Nam, trong đó những vấn đề được nêu lên là vấn đề doanh nghiệp nhà nước, vấn đề đầu tư công, vấn đề hiệu lực của các chính sách và bộ máy quản lý nhà nước. Đó là những vấn đề sắp tới đây Việt Nam cần phải chú ý có sự cải cách mạnh mẽ nếu không tình hình đó có thể diễn biến phức tạp.

Và cũng theo TS Lê Đăng Doanh thì điều quan trọng nhất của Việt Nam bây giờ là cải cách thể chế, tức là phải có sự giám sát quyền lực, phải có những thể chế hoạt động theo luật và tự chịu trách nhiệm.

Điểm thứ hai đó là phải tiến hành cải cách doanh nghiệp nhà nước, trong đó phải chú ý thực hiện qui chế quản trị doanh nghiệp một cách hiện đại; thực hiện việc bổ nhiệm nhân sự công khai minh bạch qua tuyển chọn và bổ nhiệm theo hợp đồng có thời hạn với những điều kiện nhất định tránh chuyện bổ nhiệm trong nội bộ và không rõ các điều kiện.

Điểm thứ ba, phải có một công cuộc cải tổ mạnh mẽ, tái cấu trúc đầu tư công, hiện nay Nhà nước Việt Nam đầu tư vào quá nhiều lãnh vực trong đó có những lãnh vực mà tư nhân có thể thực hiện được.

Điểm cuối cùng, Việt Nam cần phải có một cuộc đổi mới lần thứ hai rất mạnh mẽ trong đó kể cả lãnh vực kinh tế tư nhân cũng phải có cải cách.

Đấy là các vấn đề Việt Nam cần phải làm trong vòng từ 3 năm đến 5 năm sắp tới để có thể ổn định kinh tế cũng như đưa nền kinh tế đến một mức độ phát triển cao hơn.

Nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp học viên Pháp Luân Công

Một học viên Pháp Luân Công tại Saigon vừa làm đơn tố cáo gửi đến các cấp công an vì những sách nhiễu, đánh đập, sỉ nhục mà ông phải chịu do phía công an Bến Thành chỉ đạo.

Ông Phạm Hữu Phước cho biết ngày 25 tháng 6 ông và một số người tập luyện Pháp Luân Công ở công viên Tao Đàn ở Saigon thì bị Công an bắt về đồn ở Phường Bến Thành, chúng khóa trái cửa lại và dùng bạo lực uy hiếp đánh đập ông khoảng nửa tiếng đồng hồ. Trước đó nhiều lần ông và các bạn tập luyện cùng nhóm đã bị xua đuổi hoặc bị thành phần côn đồ đánh đập ngay giữa công viên, Công an có thấy thì cũng làm ngơ bỏ đi chỗ khác mặc cho chúng gây chuyện hành hung. Dù bị sách nhiễu, đánh đập nhiều lần đến như thế; nhưng bản thân những người tu theo Pháp Luân Công vẫn dùng lời lẽ ôn hòa giải thích cho những đối tượng gây khó khăn, tấn công thân thể họ rằng việc thực hành Pháp luân công không hề bị nhà nước Cộng sản Việt Nam ngăn cấm bằng văn bản chính thức nên họ không làm gì vi phạm.

Ông nhấn mạnh các học viên Pháp Luân Công không hề có bất kỳ việc làm gây rối xã hội nào, rõ ràng họ không có gì sai cả, nên việc cán bộ hay cơ quan nào đó gây khó khăn cho họ là không đúng luật pháp và vô lý.

Theo ông thì Bắc Kinh đã áp lực Hà Nội để gây khó khăn cho học viên Pháp Luân Công. Tháng 11 năm 2011, nhà cầm quyền Việt Nam đã kết án 2 học viên Pháp Luân Công 3 năm tù vì đã phát sóng chương trình của Đài phát thanh Hy Vọng sang Trung Cộng. Hai người bị bắt và giam giữ 17 tháng trước khi bị đưa ra xét xử. Sau đó nhiều học viên Pháp Luân Công ở Việt Nam bị sách nhiễu, xua đuổi và đánh đập một cách dã man khi họ đến công viên luyện công.

Tòa Án Trọng Tài Liên Hiệp Quốc bắt đầu xử vụ kiện Trung Quốc

Vào ngày 16/07 vừa qua Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez đã xác nhận rằng Tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc có nhiệm vụ xem xét vụ Philippines kiện Trung Quốc về các yêu sách chủ quyền quá đáng tại Biển Đông, đã nhất trí chọn La Haye, Hà Lan làm nơi đặt trụ sở của tòa án xem xét vụ này, và Tòa án Trọng tài Thường trực làm cơ quan đăng ký các thủ tục tố tụng.

Tòa án được thành lập trong khuôn khổ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển đã thông qua một loạt quy tắc nhằm đơn kiện của Philippines đưa ra hồi tháng Giêng trước Liên Hiệp Quốc để tố cáo Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Phi Luật Tân tại khu Bãi Cạn Scarborough (Scarborough Shoal, mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) cũng như phản đối đường 9 vạch (đường lưỡi bò) của Trung Quốc.

Tòa Án Trọng Tài LHQ về luật biển gồm có 5 vị thẩm phán. Công Ước về Luật Biển 1982 đã được 160 quốc gia ký kết trong đó có Trung Quốc và Phi Luật Tân. Nếu Tòa Trọng Tài tuyên bố có thẩm quyền xét xử thì tòa này sẽ bắt đầu điều tra và phán quyết, có thể là sẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm chủ quyền của Phi Luật Tân. Mặc dầu không ai có thể đoán trước được là tiến trình này sẽ kết thúc ra sao, nhưng việc làm của Phi Luật Tân chắc chắn sẽ mở đường cho những quốc gia mà lãnh thổ lãnh hải hiện đang bị Trung Quốc xâm phạm, trong đó có Việt Nam.

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here