Trong số ra ngày 25/6/2013, tờ Asahi Shinbun, nhật báo lớn nhất của Nhật Bản, có đăng bài viết dưới nhan đề «Thảo luận khó khăn, những vấn đề trong hợp tác với Việt Nam» của Ari Nakano, một học giả khá quen thuộc với bạn đọc Việt Nam.(1)
Tiến sỹ Ari Nakano là một chuyên gia về Việt Nam từ 25 năm nay. Cô vừa là nhà nghiên cứu, vừa là giáo sư đại học, lại là nhà báo có uy tín. Năm nào cô cũng sang Việt Nam một vài lần. Cô đọc, nói và viết thông thạo tiếng Việt. Cô được giới thiệu với đông đảo bạn đọc Nhật như là một người am hiểu tình hình chính trị, quan hệ đối ngoại và vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Gần đây cô đã lên tận Tây Nguyên, đến Đắc Nông, Lâm Đồng xem xét tại chỗ việc khai thác bauxite.
Cô đã có 4 cuốn sách và hàng mấy chục bài báo về Việt Nam, giới thiệu cuộc chiến tranh từ 1946 đến 1975, cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam và phía Bắc của nước ta, những cuộc đấu tranh cho nhân quyền của trí thức, thanh niên, phụ nữ và nông dân Việt Nam, với cách nhìn khách quan và tiến bộ, tỏ rõ cảm tình với các chiến sỹ dân chủ từ Phạm Hồng Sơn, Cù Huy Hà Vũ đến Phạm Thanh Nghiên, Tạ Phong Tần, rồi Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha gần đây.
Trong bài báo này, Tiến sỹ Ari Nakano chỉ rõ tình trạng khai thác bauxite trong vùng Tây Nguyên đang lâm vào bế tắc, tiến lui đều khó. Cô lưu ý rằng việc Việt Nam mở cửa cho Trung Quốc vào thầu để sản xuất ra nhôm chỉ được ghi trên Tuyên bố chung giữa 2 tổng bí thư đảng CS Nông Đức Mạnh và Giang Trạch Dân, lại không được thảo luận và biểu quyết tại Quốc hội Việt Nam. Cô nói rõ theo quy hoạch lẽ ra nhôm được ra lò từ năm 2010, nay đã đến năm 2013 mà việc chính thức sản xuất nhôm vẫn chưa đi vào quy trình bình thường, chậm mất 3 năm, trong khi cảng Kê Gà ở Bình Thuận lẽ ra phải được xây dựng xong để xuất khẩu nhôm, nay đã bị đình chỉ, làm cho dây chuyền vận chuyển lâm vào bế tắc. Cô tả lại cảnh rời rạc, tiêu điều ở các nơi khai thác quặng bauxite trên khắp vùng Tây Nguyên, cho rằng một số trí thức Việt Nam đã rất có lý khi kiến nghị phải xem xét kỹ về thảm họa môi trường do khai thác bauxite gây ra. Cô cũng tỏ ra rất băn khoăn về ý đồ của lãnh đạo đảng CS ở Việt Nam chủ trương xây dựng một số nhà máy điện hạt nhân, qua các mối quan hệ mua bán với các chính phủ Nhật Bản và Nga, sau khi đã xảy ra những tai nạn hạt nhân bi thảm ở Chernobyl và Fukushima.
Nhà báo Ari Nakano cho biết gần đây cô cùng một số trí thức chuyên gia Nhật Bản và Việt Nam dự định mở một cuộc họp ở Hà Nội trao đổi ý kiến về bảo vệ môi trường trong khai thác quặng bauxite và xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Thế nhưng Bộ Công nghiệp của Việt Nam đã ngăn cản ý định ấy, không muốn cho ai tham dự, theo cô là do họ muốn che dấu những sự thật liên quan, ngăn cản sự thảo luận đối thoại và phản biện công khai minh bạch, trong khi đó, họ còn bắt bớ đàn áp, đe dọa những tiếng nói ngay thật của những trí thức tiến bộ.
Kết thúc bài báo, cô Ari Nakano có ý kiến khá mạnh mẽ:«Đã hơn 20 năm nay tôi đã thấy chính quyền VN vẫn giữ một thái độ che lấp những sự thật. Năm nay nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ Nhật – Việt, phía Nhật Bản mong muốn thắt chặt hơn quan hệ giữa 2 nước, tôi thấy phía Nhật Bản rất cần nhận rõ tình hình trên đây để xem xét, rút ra những kết luận cần thiết cho quan hệ 2 nước».
Tiếng nói của Tiến sỹ Ari Nakano chắc chắn có trọng lượng đối với công luận Nhật Bản. Được biết hiện trong quỹ chi viện chính thức cho phát triển (Official Development Assistance) cùng với quỹ đầu tư phát triển từ nước ngoài (Foreign Development Investment), nước Nhật hiện đứng đầu bảng trong việc trợ giúp Việt Nam. Nếu việc trợ giúp này bị trắc trở do sự ngăn cản trao đổi, giao lưu, thiếu công khai minh bạch trong học thuật và kỹ thuật, sẽ tác động không ít tới sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước.
http://www.voatiengviet.com/content/hoc-gia-nhat-can-xem-lai-quan-he-nhat-viet/1697520.html