Cơn bão số 2 đổ bộ vào thành phố Hải Phòng tuy không gây thương vong về người nhưng đã gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Đặc biệt, nhiều đoạn đê kè xung yếu ở quận Đồ Sơn và huyện Cát Hải bị sạt lở khiến nhiều nhà dân bị tốc mái, đổ tường. Sáng nay tại huyện đảo Cát Hải Hải Phòng, nước đã rút, người dân đã trở về nhà từ nơi di tản, dọn dẹp nhà cửa để tái lập cuộc sống. Cơn bão số 2 có cường độ gió không lớn song lại có diễn biến phức tạp, gây ra một trận đại hồng thuỷ lớn nhất kể từ năm 2005 đến nay, mang lại nỗi bàng hoàng cho người dân nơi đây.
Nước dâng cao từ 1 đến 1.5 thước, gây ngập lụt toàn bộ thị trấn Cát Hải và một số khu dân cư trũng thấp tại Hoàng Châu, Văn Phong, chia cắt các khu dân cư, giao thông bị tê liệt hoàn toàn. Tại đảo Cát Hải có mưa nhỏ, gió cấp 4 cấp 5; các phương tiện tàu, phà, thuyền vẫn chưa có lệnh rời bến. Tình trạng mất điện xảy ra tại một số khu dân cư thị trấn Cát Hải. Tuyến đường 2B đất đá ngổn ngang, giao thông đi lại rất khó khăn. Cây cối bị gãy gục, tường sập. Theo ghi nhận ban đầu, thiệt hại do bão số 2 gây thiệt hại tại đảo Cát Hải đã làm sập đổ một số ngôi nhà; hầu hết các diện tích hoa màu của bà con bị tàn phá, thiệt hại về nuôi đầm hồ, nhiều cây xanh, cột điện viễn thông bị quật gãy.
Bão đã làm vỡ trên 400 thước đê biển ở khu vực Cái Vỡ; tuyến kè Gót đến Gia Lộc, sóng biển khoét sâu vào thân kè làm sạt lở khá nặng. Nước biển đã tràn qua khu vực bờ phi lao, tràn vào làm ngập diện tích nuôi đầm hồ của người dân xã Hoàng Châu, làm đổ một số cột điện viễn thông. Tại huyện Tiên Lãng, bão số 2 khiến khoảng 1000 mẫu diện tích nuôi trồng thủy sản phía ngoài đê bị ngập toàn bộ, 40 mẫu diện tích hoa màu bị ảnh hưởng. Tại quận Đồ Sơn, khoảng 40 thước kè tại khu I bị sóng biển tràn qua gây sạt lở; hơn 200 hecta nuôi trồng thủy sản bị lụt do thủy triều, 20 hecta nuôi trồng thủy sản tại huyện Kiến An cũng bị ngập lụt.
Khoai tây Trung Quốc tẩm hóa chất tiếp tục đổ về Ðà Lạt
Khoai tây Trung Quốc tẩm hóa chất tiếp tục được tuồn về thành phố Ðà Lạt trong những ngày qua, bất chấp việc chính quyền ra lệnh nghiền nát 26 tấn khoai giữa tháng 6, 2013.
Mới đây, Việt Nam rộ lên dư luận phẫn nộ về lời tuyên bố “vô tư” của ông Nguyễn Xuân Hồng, cục trưởng Cục Bảo Vệ Thực Vật thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển-Nông Thôn CSVN. Đông đảo bạn đọc của báo đã tung hàng trăm bức thư điện tử phản đối tuyên bố của ông Hồng khuyên người dân “phải chấp nhận khoai tây Trung Quốc.” Trong một bài phỏng vấn trước đó, báo Người Lao Ðộng đăng nguyên văn tuyên bố của ông Nguyễn Xuân Hồng nói rằng, “Dù dư lượng Chlorpyrifos, một thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép đến 16 lần, nhưng khoai tây Trung Quốc vẫn an toàn.” Ông Hồng còn ví von rằng: “Có những mẫu, dù dư lượng thuốc trừ sâu vượt mức cho phép, và vi phạm quy định của Việt Nam, nhưng cũng chưa đồng nghĩa với việc mất an toàn.” Nhiều người cho rằng ông Xuân Hồng đã lặp đi lặp lại nhiều lần những lời lẽ như trên, chứng tỏ ông ta “vô cảm” trước sinh mạng của người dân. Báo Người Lao Ðộng dẫn chứng tuyên bố của ông Nguyễn Xuân Hồng từng bênh vực táo Trung Quốc khi cho rằng độ nhiễm độc Thiram và Aren “thấp hơn ngưỡng cho phép.”
Hàng trăm người viết thư điện tử bày tỏ ý kiến phản đối kịch liệt nhận định của ông cục trưởng Cục Bảo Vệ Thực Vật CSVN. Dư luận còn cho rằng chính vì nhận định nguy hiểm như vậy cho nên ngành bảo vệ thực vật và cả Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn CSVN đã để cho trái cây, rau củ Trung Quốc chứa hóa chất độc hại tràn ngập thị trường Việt Nam.
Ông Xuân Hồng còn đổ trách nhiệm cho các công ty nhập cảng và chủ vựa ở Ðà Lạt “trộn thêm hóa chất vào để khoai tây giữ được lâu.”
Nông dân Việt “thiệt hai lần” vì chính sách lúa gạo
Một nông dân quanh năm nợ nần, quần quật trên đồng ruộng quanh năm mà vẫn nghèo khổ, cáo buộc chính sách kinh doanh lúa gạo độc quyền của nhà nước CSVN là “chụp giật kiểu buôn chuyến”.
Ông trưng dẫn cho thấy nông dân Việt Nam đã ‘thiệt hại hai lần” vì cái chính sách đó dù nhà cầm quyền Hà Nội từng tuyên truyền và ra các nghị định, nghị quyết buộc đám quốc doanh xuất khẩu gạo phải thu mua với giá để nông dân lãi 30%.
Cho đến bây giờ, các công ty thu mua và xuất cảng gạo quốc doanh chỉ đi gom lúa của nông dân khi đã ký được hợp đồng, thường là để nông dân mỏi mòn, cần phải bán lúa nhanh dù phải bán giá thấp để có tiền trả nợ ngân hàng và cơ hội vay món vay khác làm mùa sau.
Từ năm 2008 đến nay, thu nhập của nông dân càng ngày càng giảm, do thiệt hại hai lần, vì giá lúa giảm, trong khi các mặt hàng thiết yếu là phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đều tăng cao.
Năm 2010, nhà cầm quyền Hà Nội đưa ra Nghị quyết số 63/NQ-CP “Về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia” từ đó thúc hối đám quốc doanh phải thu mua với giá cho nông dân “đảm bảo người sản xuất lúa gạo có lãi trên 30% so với giá thành sản xuất.” Thực tế, nhiều bản phân tích thời gian đó đã nêu ra nghịch lý là nông dân không hề được lãi như vậy. Thậm chí còn phải bán “dưới giá thành sản suất” vì quá kẹt tiền trả nợ.
Dư luận đã chỉ trích chế độ Hà Nội không biết đưa ra chính sách bảo vệ nông dân như chính phủ Thái Lan với “chiến lược hợp lý, có đủ kho trữ, xây dựng thương hiệu” thay vì bán gạo “kiểu chụp giựt buôn chuyến như VFA đang làm”.
Ngày 13/6/2013, Bộ trưởng Nông Nghiệp và Phát triển Nông Thôn Cao Đức Phát nói ở Quốc hội rằng thị trường tiêu thụ nông sản đang bế tắc. Lúa chín đầy đồng, tôm cá ê hề nhưng nông dân không bán được.
Công ty du lịch “ma” tràn lan ở Việt Nam
Ngành du lịch Việt Nam vừa tiết lộ số đơn vị đang kinh doanh “chui” trong ngành “kỹ nghệ không khói” này hiện nay lên đến hàng trăm. Đây là sự kiện làm choáng váng không ít người, sau vụ 701 khách bị công ty du lịch bỏ rơi tại Thái Lan suốt 6 ngày 5 đêm đầu tháng 6 vừa qua.
Theo báo Tuổi Trẻ, số công ty “dởm,” lừa đảo trong lĩnh vực kinh doanh du lịch hiện nay đang tràn lan. Một trăm phần trăm trong danh sách 9 công ty du lịch đang bán tour cho khách ngoại quốc xuất hiện trên internet, mà báo Tuổi Trẻ chọn bất kỳ để nhờ Sở Du lịch – Thể thao Sài Gòn kiểm tra, đều là “dởm.” Tất cả đều không có giấy phép tổ chức tour du lịch ngoại quốc, nhưng họ lại lên mạng rao bán tour công khai.
Cũng theo ông Nguyễn Việt Anh, đại diện Sở Văn Hoá – Thể Thao và Du Lịch Sài Gòn hiện có 809 công ty du lịch, trong đó chỉ có 458 công ty có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Tuy nhiên, nhiều công ty không có giấy phép bán tour quốc tế, vẫn phớt lờ quy định, hoạt động “bình thường.” Hầu như tình trạng này đã được duy trì lâu nay. Chỉ khi nào có chuyện trục trặc, thì mọi việc mới vỡ lỡ, hoạt động trái phép của họ mới bị khui ra. Một trong những “mánh” làm ăn của một số người môi giới giả danh công ty du lịch là thu thập tin tức của các tổ chức muốn mua tour. Họ gom khách, chuyển cho các công ty kinh doanh chính thức để đòi tiền huê hồng, bằng một biên bản “bàn giao khách.” Dư luận cho biết, vì việc kiếm tiền như thế quá dễ dàng nên số công ty “môi giới, kiếm khách, bán nước bọt, ăn huê hồng” ngày càng nhiều.
Mới đây, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng thị trường du lịch ngoại quốc hiện nay tại Việt Nam vô cùng lộn xộn. Cũng theo ông, cuộc kiểm soát câu lạc bộ lữ hành Hà Nội hồi năm rồi cho thấy, tất cả thành viên của câu lạc bộ này đều hoạt động “chui.”
Báo Tuổi Trẻ cho hay, số công ty “ma” thay đổi tên gọi soành soạch, với địa chỉ không rõ ràng và chỉ xuất hiện như sung vào mùa hè, lễ tết… để kiếm ăn.
Cuối cùng rủi ro lớn thuộc về khách du lịch, chưa kể giá tour tăng vọt vì có quá nhiều công ty “ma” ăn theo.