Tù nhân bất đồng chính kiến Cù Huy Hà Vũ ngừng tuyệt thực
Vào sáng ngày thứ sáu 21/06 nhà bất đồng chính kiến Cù Huy Hà Vũ tuyên bố chấm dứt tuyệt thực trong trại giam sau 25 ngày nhịn ăn để phản đối các hành vi ngược đãi và phi pháp của giới hữu trách Việt Nam. Được biết Ban giám thị trại giam đã phải giải quyết đơn tố cáo cán bộ cố ý giết ông.
Bức thư của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ thông báo ngưng tuyệt thực do vợ, là Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, ghi lại từ trại giam Thanh Hóa sau buổi làm việc với đại diện nhà tù và thân chủ, cũng là chồng bà , Luật sư Dương Hà một lần nữa xác nhận Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã ngưng tuyệt thực sau “25 ngày tuyệt thực chỉ uống nước lã và thuốc trợ tim”.
Trong thư, tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ từng bị kết án 7 năm tù với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” một lần nữa khẳng định tranh đấu vì “Công lý, Dân chủ, Nhân quyền tại Việt Nam và sự toàn vẹn lãnh thổ” và sẽ đi đến “thắng lợi cuối cùng”. Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ giải thích lý do vì sao ông tuyệt thực từ ngày 27/05/2013 và đã đạt được thành công đầu tiên như thế nào. Ông xem đây là bước thành công đầu tiên trong cuộc tranh đấu của riêng mình và cho toàn thể người Việt. Tiến sĩ Hà Vũ cám ơn những người đã “đồng hành” cùng tuyệt thực hậu thuẫn ông trong những ngày qua và các chính phủ tây phương Hoa Kỳ, Canada, Liên Hiệp Châu Âu… các tổ chức và các cá nhân trong và ngoài nước.
Ông Vũ bày tỏ sự biết ơn tới tất cả những người đã ủng hộ ông và nói ông tin tưởng rằng cuộc đấu tranh của ông và nhân dân Việt Nam vì Công lý, Dân chủ và Nhân quyền ở Việt Nam sẽ tiếp tục được ủng hộ “vì cuộc đấu tranh này còn phải tiếp tục cho đến thắng lợi cuối cùng”.
Hà Nội tái khẳng định quan hệ 16 chữ vàng, 4 tốt với quan thầy Bắc Kinh
Các đài truyền hình Trung cộng trong những ngày qua đều đồng loạt phổ biến những tin tức về việc Chủ tịch nhà nước Cộng sản Việt Nam Trương Tấn Sang và Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình tham dự một buổi lễ ký kết tại thủ đô Bắc Kinh.
Trong cuộc gặp này, ông Tập Cận Bình nhắc lại lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Nam Hải (tức Biển Đông), rằng hai nước cần phải thể theo tinh thần có trách nhiệm đối với lịch sử và nhân dân, hạ quyết tâm chỉ đạo và thúc đẩy giải quyết chính trị vấn đề Nam Hải (Biển Đông). Có thể nói, chuyến công du này đã tạo cơ hội cho Trung Quốc nhắc lại trực tiếp và công khai với lãnh đạo Việt Nam về lập trường đầy quyết đoán của Bắc Kinh trong hồ sơ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Ngoài ra, trong chuyến công du này, hai nước đã đạt được đồng thuận lập đường dây điện thoại nóng nhằm giải quyết những tranh chấp tại Biển Đông, nơi thường xuyên xẩy ra những vụ tàu ngư chính Trung Quốc bắt giữ, tấn công các tàu đánh cá của Việt Nam. Tuy nhiên tất cả những điều này đều không hề được lãnh tụ Cộng sản Việt Nam nhắc tới trong lần gặp gỡ này, mà hai bên chỉ tuyên bố đã ký kết 10 văn kiện hợp tác toàn diện giữa hai nước, mà ai cũng hiểu là Việt Nam là một nước nhỏ, trong khi Trung cộng là một nước khổng lồ nên hợp tác toàn diện có nghĩa là thần phục toàn diện mà thôi. Theo báo chí Việt Nam, nhân chuyến công du Trung Quốc của ông Trương Tấn Sang, hai nước đã ký thỏa thuận cùng hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí trong vịnh Bắc Bộ, chỉ nhằm phục vụ lợi ích kinh tế của hai nước, không liên quan đến nước thứ ba.
Như vậy, mới chỉ sau 2 ngày làm việc, chủ tịch Sang đã tiếp tục khẳng định thân phận “bầy tôi” trước “nước lạ” qua cách duy trì mối quan hệ “16 chữ vàng và 4 tốt”. Dù cho “nước lạ” có cướp đất, cướp biển đảo, và đánh tan tác tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam. Dư luận trong nước đã nhiều lần chỉ trích ban lãnh đạo Hà Nội là quá “nhu nhược” trước các hành động gây hấn của Trung Quốc.
‘Nhiều công nhân xuất khẩu Việt Nam chịu cảnh lao động khổ sai’
Một phúc trình mới được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố cho biết Việt Nam là điểm xuất phát của nhiều công nhân xuất khẩu lao động sang nhiều quốc gia trên khắp thế giới như Đài Loan, Malaysia hay Hàn Quốc, và nhiều người trong số đó phải làm việc như lao động khổ sai.
Theo báo cáo có tên gọi ‘Phúc trình thường niên về nạn buôn người’, nhiều công ty xuất khẩu lao động ở Việt Nam mà đa phần có liên hệ tới các tập đoàn nhà nước cùng với các công ty trái phép đã lấy tiền môi giới đi làm việc ở nước ngoài với giá cao. Điều này khiến các công nhân xuất khẩu lao động của Việt Nam vướng vào cảnh nợ nần chồng chất thuộc loại cao nhất trong các công nhân xuất khẩu lao động châu Á, nên họ dễ bị buộc phải lao động khổ sai.
Theo báo cáo về nạn buôn người, nhiều lao động Việt Nam phải làm việc trong điều kiện tồi tệ, thiếu tiêu chuẩn nhưng lại được trả lương ít hay thậm chí không được trả tiền dù còn vướng nợ nần”. Có tình trạng người lao động phải làm việc thêm giờ mà không được trả tiền, nhất là những người làm trong lĩnh vực nông nghiệp và đánh bắt thủy sản ở Hàn Quốc, nhưng giờ không còn phổ biến như xưa.
‘Phúc trình thường niên về nạn buôn người’ của Hoa Kỳ còn cho rằng nhiều công ty tuyển dụng Việt Nam chỉ cho phép các công nhân đọc các hợp đồng ngay trước ngày lên đường đi làm việc ở nước ngoài. Báo cáo còn cho hay, một số công nhân phải ký vào các hợp đồng viết bằng ngôn ngữ mà họ không thể hiểu được cũng như không được trợ giúp trong khi xảy ra các tình thế bất ngờ.
Phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng gần như tất cả người lao động phải trả phí tuyển dụng cao.
Nhiều người lao động bị buộc phải trở về Việt Nam sớm, thường sau một hay hai năm, thì không thể trả khoản tiền nợ đã vay để ra nước ngoài làm việc.
Ngoài vấn đề lao động nhập cư, phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ còn đề cập tới nhiều khía cạnh khác nhau của nạn buôn người ở Việt Nam như mãi dâm, tội phạm có tổ chức hay tình trạng lạm dụng tình dục.
Về quyết tâm của chính phủ Việt Nam, phúc trình của Hoa Kỳ nói rằng Việt Nam vẫn chưa tuân thủ hoàn toàn với các tiêu chuẩn tối thiểu để xóa bỏ nạn buôn người, nhưng hiện đang nỗ lực để thực hiện điều đó.
Việt Nam ra sức ‘bồi dưỡng’ quân đội để làm gì ?
Báo Quân đội Nhân dân vừa đi tin, Học viện Quốc phòng vừa tổ chức khai giảng “Lớp Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh” lần thứ 49. Đối tượng tham dự lớp này là những “cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang”. Mục tiêu của “Lớp Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh” là gắn “quốc phòng” với “an ninh” để “đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới”, nhằm “thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa”.
Tại lễ khai giảng, ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng, những “Lớp Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh” đã hỗ trợ đáng kể cho việc “xây dựng thế trận quốc phòng – an ninh”, qua đó “góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”.
Khác với nhiều quốc gia, chính quyền Việt Nam muốn đặt quân đội dưới quyền kiểm soát và điều hành của Đảng CSVN. Thậm chí còn muốn hiến định, quân đội phải trung thành với Đảng CSVN và phải bảo vệ tổ chức chính trị này. Nhiều người, trong đó có cả cán bộ, đảng viên Đảng CSVN đã chỉ trích kịch liệt ý định đó khi thấy chúng xuất hiện trong dự thảo Hiến pháp mới.
Thông tin về việc tổ chức các “Lớp Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh” giúp người ta hiểu hơn tại sao trong bối cảnh như hiện nay, quân đội Việt Nam lại cử các sĩ quan cao cấp sang Trung Quốc tu nghiệp.
Hồi đầu tháng này, tờ Quân đội Nhân dân loan báo, Việt Nam mới cử 22 sĩ quan quân đội cao cấp đến “tập huấn tại Trung Quốc”. Ngoài tờ Quân đội Nhân dân, khi đưa tin Việt Nam cử 22 sĩ quan quân đội cao cấp đến “tập huấn tại Trung Quốc” hồi đầu tháng này, một vài tờ báo của chính quyền Việt Nam còn cho biết thêm là từ năm 2009 đến nay, quân đội Việt Nam đã cử tổng cộng sáu đoàn sĩ quan quân đội sang Trung Quốc “tập huấn”, theo một chương trình có tên là “Đề án 165”.
Không riêng quân đội, Công an Việt Nam cũng đang đẩy mạnh chuyện “tập huấn” về đàn áp. Theo báo chí Việt Nam, hồi tháng 3 năm nay, các chuyên gia từ Bắc Hàn – quốc gia được xem là khắc nghiệt nhất trên thế giới – đã đến Sài Gòn để “tập huấn” cho 100 “cảnh sát đặc nhiệm” thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động. Tại Việt Nam, Cảnh sát cơ động là lực lượng chuyên trấn áp, giải tán biểu tình.
50 triệu nông dân điêu đứng
Tiêu thụ nông sản ở Việt Nam đang lâm vào một cuộc đại khủng hoảng. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Cộng sản Việt Nam đã phải thú nhận trước Quốc hội rằng khó khăn lớn nhất mà ngành nông nghiệp đang gặp phải là thị trường tiêu thụ, hiện lúa đang chín đầy đồng, trái cây, cá tra, heo gà rất nhiều nhưng tiêu thụ rất chậm.
Một đại biểu tỏ ra thất vọng vì người đứng đầu ngành nông nghiệp Việt Nam không đưa ra được một giải pháp nào để phát triển nông nghiệp và nông dân thoát nghèo, trong khi nông dân đang lỗ lã, doanh thu suy giảm nhưng chi phí tiêu dùng vẫn tăng. Ở Việt Nam, nước xuất gạo nhiều thứ nhì thế giới, câu chuyện được mùa mất giá không có gì mới, nhưng chưa khi nào tất cả các sản phẩm chính của ngành nông nghiệp đều bế tắc cùng một lúc. Lúa ế bán dưới giá thành vẫn khó, gạo xuất cảng rẻ nhất thế giới vẫn không dễ có hợp đồng, người nuôi cá tra phá sản vì nạn chiếm dụng vốn, còn gia súc, gia cầm thì người chăn nuôi bỏ nghề vì lỗ vốn kéo dài.
Nhận định về tình trạng vừa nêu, các chuyên gia kinh tế tỏ ra lo ngại đối với nông nghiệp nông sản và những người trực tiếp gắn với số phận là những nông dân. Nông dân chiếm một lực lương đông đảo nhất trong xã hội Việt Nam, họ cũng đã làm rất nhiều việc để nuôi sống được cả một đất nước 90 triệu dân và lại làm ra các sản phẩm xuất cảng với số lượng rất lớn. Thế nhưng với cách điều hành “vô lối” của những lãnh tụ Cộng sản, tương lai người nông dân Việt Nam vẫn mịt mù không có một dấu hiệu gì để hy vọng.