Phiên tòa xử Kha và Uyên có cứu được chế độ ?

- Quảng Cáo -

Những kẻ bạo quyền cho rằng: trừng phạt thật nặng những người khác chính kiến là cách răn đe để giữ vững chế độ. Với quan điểm đó, không biết bao nhiêu những phiên tòa mà kể cho xiết đã được trình diễn từ khi đảng CSVN cướp chính quyền vào năm 1945, kết án cho hàng ngàn con người phản kháng chế độ. Sau năm 1975, cũng theo quan điểm bạo lực, trừng phạt, hàng ngàn năm tù đã được dành cho hàng trăm con người nhằm bảo vệ chế độ.

Trước khi phong trào đấu tranh bất bạo động được khởi xướng tại Việt Nam. Những người phản kháng chế độ đa phần là các quân nhân, quan chức của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, người dân lúc đó hầu hết không nhận ra được sự dối trá của cái gọi là “giải phóng miền Nam”. Tập trung quân – dân – cán – chính vào trại gọi là “cải tạo”, đánh tư sản, đổi tiền, dồn ép người dân lên rừng, phân biệt đối xử các gia đình có người làm việc cho chính quyền Sài Gòn…những điều gian ác đó giúp cho bộ mặt “vô sản” của những kẻ cai trị rớt xuống để hiện nguyên hình là những kẻ gọi là “giải phóng” đi tịch thu chiến lợi phẩm.

Ba mươi tám năm qua, phản kháng chế độ nổi lên đủ mọi thành phần. Từ những người đã từng phục vụ chế độ cộng sản trong chính quyền, quân đội cho đến nhà tu hành, nhà báo, luật sư, doanh nhân, sinh viên…Từ trí thức hay những người chỉ biết đọc biết viết, từ nông dân cho đến công nhân. Khắp nơi sự bất mãn trong dân không còn là điều hiếm thấy hay e ngại biểu lộ. Chỉ cần chúng ta bước ra khỏi nhà, kiếm một cái ghế ngồi bên quán nước ven đường sẽ nghe người dân ta thán về chế độ. Người rụt rè thì chửi đổng, mạnh dạn hơn thì nêu đích danh mà chửi. Khoảng 10 năm trước đây, không ai dám nghĩ rằng cái mà người ta tung hô là “muôn năm” là “vinh quang” thì ngày nay bị người dân khinh bỉ, bị xem là những con sâu, con giòi của xã hội.

Lấy cái mốc Việt Nam gia nhập WTO đầu năm 2007, thời kỳ bắt đầu cho phong trào đấu tranh Tự do – Dân chủ – Nhân quyền theo phương thức đấu tranh bất bạo động được quảng bá rộng rãi tại Việt Nam và trong Cộng đồng người Việt tại hải ngoại. Trước đó, phong trào này cũng đã được nhiều Niên trưởng trong nước khởi xướng như Thầy Thích Quảng Độ, Bác sỹ Nguyễn Đan Quế, Giáo sư Đoàn Viết Hoạt , Linh mục Nguyễn Văn Lý… (khởi xướng) nhưng đều bị dìm trong cảnh tù đày triền miên. Người dân trong nước thì chỉ biết tiếp nhận thông tin tuyên truyền từ báo chí quốc doanh cho rằng đó là những người “phản động”.

- Quảng Cáo -

Cuộc cách mạng truyền thông đã làm thay đổi cục diện đấu tranh, người bị bắt, người bị tù không còn chịu cảnh âm thầm trong bóng tối. Tin những nhà đấu tranh bị bắt đã nhanh chóng được truyền đi khắp nơi trên Thế giới đến với Cộng đồng người Việt và nhân dân trong nước. Vũ khí sắc bén của những nhà đấu tranh là tấm lòng, bộ óc nhanh nhạy bên bàn phím hay đơn giản hơn chỉ là cái điện thoại di động có chức năng ghi âm, chụp ảnh. Chỉ những điều đó thôi cũng làm cho những kẻ cai trị độc tài phải lo lắng kêu gào cả cái “hệ thống chính trị” phải tăng cường cảnh giác những cái mà họ gọi là “các thế lực thù địch”, chống “diễn biến hòa bình”, hay  “tự diễn biến”. Họ có biết đâu hay cố tình giả vờ không biết, bóng ma “diễn biến hòa bình”, hay “tự diễn biến”đã bắt đầu xuất hiện từ khi họ biết ngồi máy lạnh, biết hưởng thụ bên những resort cao cấp, sân golf hay ngồi đếm đô-la. Chế độ mà họ cho là muôn năm thì bây giờ chỉ mong được thêm vài năm nữa, đủ thời gian thu xếp một chỗ tị nạn và thu vén tài sản. Nhưng đó là nước cờ cho những kẻ cấp cao còn phường tay sai thì biết chạy về đâu?

Nếu như là đúng theo quan điểm của những kẻ bạo quyền là: trừng phạt thật nặng những người khác chính kiến là cách răn đe để giữ vững chế độ, thì chắc chắn  phiên tòa xét xử Kha và Uyên sẽ không bao giờ đạt được điều họ mong muốn. Người dân đâu còn sợ cái “răn đe” của chế độ đã mục nát từ gốc đến ngọn. Phiên tòa xử Kha và Uyên chính là góp thêm làn gió thổi tung cái chế độ tàn ác nhất trong lịch sử Việt Nam.
Việt Nam, ngày 15/5/2013
NGUYỄN BẮC TRUYỂN

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here