Nhận diện và giải quyết nợ xấu của hệ thống ngân hàng tại VN
Thông tư số 02 của Ngân hàng Nhà nước CSVN về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro sẽ có hiệu lực từ ngày 1/6 sắp tới. Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc thực hiện Thông tư số 02 sẽ cho thấy bức tranh tổng thể về nợ xấu, về chất lượng tài sản và phân loại mức độ rủi ro.
Tuy vậy trong phiên họp tham vấn ngày 8/5 vừa qua ở Hà Nội, nhiều ý kiến của giới ngân hàng, doanh nhân kiến nghị tạm hoãn việc thực hiện Thông tư 02, hoặc thiết lập một lộ trình chậm hơn.
Tại sao giới ngân hàng cũng như doanh nghiệp lại muốn chậm thực hiện thông tư 02 về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro tương ứng. Có thể vì là những món nợ xấu bị che dấu sẽ lộ diện, việc trích lập dự phòng rủi ro sẽ khiến ngân hàng tiêu tốn những khoản tiền rất lớn và ngân hàng sẽ bị giảm lợi nhuận. Phía doanh nghiệp vốn dĩ đang khó vay vốn sẽ càng khó khăn hơn; chưa kể những trường hợp có thể vay vốn nhưng không dám vay vì không thể mở rộng sản xuất trong tình trạng sức mua giảm, hàng tồn kho cao.
Ông Bùi Kiến Thành chuyên gia tài chánh hiện làm việc ở Việt Nam nhận định: “Ngân hàng không trung thực đối với nhân dân, không trung thực đối với nền kinh tế, giấu những nợ xấu của mình đi rồi khai ra những lợi nhuận hết sức lớn.”
Thông tư số 02 về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro tương ứng được cho là biện pháp tốt nhất nhiều hứa hẹn cho tới nay, để nhận diện bộ mặt nợ xấu hệ thống ngân hàng từ đó có biện pháp xử lý. Phản ứng của giới ngân hàng và doanh nghiệp cho thấy họ đầy lo âu khi chịu cuộc đại phẫu mở đầu cho vấn đề tái cấu trúc. Thế nhưng chỉ riêng tổng nợ của tập đoàn, tổng công ty doanh nghiệp nhà nước đã lên tới 1.330.000 tỷ đồng. Chưa biết núi nợ khổng lồ này được phân loại thế nào và xử lý ra sao, nó có nằm trong cuộc đại phẫu thuật nợ xấu hay không.
Hội Nghề cá Việt Nam phản đối phía Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Sáng ngày 16.5.2013, Hội Nghề cá Việt Nam đã gửi văn bản tới các cơ quan chức năng CSVN như Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Ban Đối ngoại T.Ư,… về việc phản đối phía Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Công văn nêu rõ: Hiện nay, đội tàu đánh cá của Trung Quốc gồm 32 chiếc, trong đó có cả tàu hậu cần cỡ lớn đang triển khai đánh bắt cá ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là chuyến đi tiếp theo kể từ sau khi 30 tàu cá của tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) tới đánh bắt cá ở Trường Sa hồi tháng 7.2012.
Theo báo cáo của hội viên, ngư dân Hội Nghề cá các tỉnh biển miền Trung, ngoài đội tàu 32 chiếc nêu trên, còn có nhiều tàu cá Trung Quốc thường xuyên đánh bắt cá trên vùng biển của Việt Nam, cản trở việc đánh bắt cá của ngư dân Việt Nam.
Đồng thời từ 12 giờ ngày 16.5 đến 12 giờ ngày 1.8.2013, phía Trung Quốc thi hành lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông, với phạm vi bao gồm cả một số vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối những hành động sai trái, ngang ngược, có hệ thống của Trung Quốc đồng thời yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay và không tái diễn những hành động nêu trên…
Hội Nghề cá Việt Nam kính đề nghị các cơ quan chức năng lên tiếng mạnh mẽ và có biện pháp quyết liệt ngăn chặn những hành động vi phạm của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu thuyền ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, nhằm bảo vệ sản xuất và tài nguyên biển, giữ vững an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Đây không phải là lần đầu Hội Nghề Cá VN phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo VN và đồng thời yêu cầu nhà cầm quyền CSVN phải có phản ứng mạnh mẽ quyết liệt. Tuy nhiên cũng như những lần trước, nhà cầm quyền CSVN thường núp sau Hội Nghề Cá VN và cho người phát ngôn Lương Thanh Nghị lên tiếng phản đối lấy lệ.
Công ty Coc Coc muốn giành thị trường của Google tại Việt Nam?
Coc Coc, một hãng tìm kiếm thông tin trên mạng liên danh Việt – Nga, tin tưởng rằng có thể sẽ thay thế hãng Google cho thị trường thông tin tại Việt Nam, trong bối cảnh nhà cầm quyền CS Việt Nam vẫn đang tìm cách trấn áp tự do bày tỏ ý kiến trên mạng.
Coc Coc hiện đã đầu tư khoảng 10 triệu đô la, thuê mướn 300 nhân viên, trong đó có khoảng 30 người nước ngoài, chủ yếu là người Nga. Theo người sáng lập, trong vòng 5 năm tới, họ sẽ vươn tới bao phủ khoảng 97% những người đang sử dụng công cụ tìm kiếm thông tin của Google.
Tuy nhiên, mạng này vì muốn tránh kẹt với nhà cầm quyền CSVN nên đã đẩy những tìm kiếm thuộc loại nhạy cảm của khách hàng sang mạng Google.
Hôm Thứ Năm 16 tháng 5. 2013, người ta vào “coccoc.com” để tìm thông tin thử từ “Việt Tân” thì thấy hiện ra trong chớp mắt hàng chữ “Câu tra vấn của bạn không hợp lệ với công cụ tìm kiếm của chúng tôi”.
Ngay đó liền hiện ra mạng tìm kiếm Google với khoảng 1.130.000 kết quả chỉ “trong vòng 0.12 giây” từ trang mạng chính thức của Đảng Việt Tân – Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng, đến các thông tin liên quan đến hoạt động của Đảng Việt Tân cả của báo chí trong nước và ngoài nước.
Tương tự, với trang mạng “chuacuuthe.com” tức trang mạng của Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, mạng Coc Coc cũng đẩy sang cho Google “giúp” với “Khoảng 228,000 kết quả” trong “0.14 giây”.
Theo các cuộc nghiên cứu, có tới 97% những người sử dụng mang tìm kiếm trên Internet tại Việt Nam sử dụng công cụ tìm kiếm của Google. Coc Coc muốn dành thị trường này.