Việt Nam vẫn trong nhóm 10 nước tồi tệ nhất về tự do báo chí
Sau khi bị tổ chức Freedom House vào danh sách các nước không có tự do báo chí hôm 1/05 vừa qua, thì vào ngày 3/05 Việt Nam tiếp tục bị tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) xếp hạng thứ 172 trong tổng số 179 quốc gia được xem xét, tức là vẫn nằm trong nhóm 10 nước cuối bảng, bóp nghẹt quyền tự do báo chí, và Tổng bí thư đảng CS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vẫn nằm trong danh sách 39 sát thủ của quyền tự do báo chí.
Theo Phóng Viên Không Biên Giới, Việt Nam là nhà tù khổng lồ thứ hai trên thế giới đối với các công dân mạng.
Tổ chức Phóng viên Không biên giới nhấn mạnh “Các hung thần của Tự Do Thông Tin” phải chịu trách nhiệm về những vụ vi phạm tồi tệ chống lại giới truyền thông và các nhà báo.
Tổ chức Phóng viên Không biên giới cũng kêu gọi quốc tế cần phải có hành động cụ thể thúc đẩy Hà Nội phải cải thiện thành tích nhân quyền đầy tai tiếng bao gồm quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận. RSF nói sự im lặng của cộng đồng quốc tế không chỉ là điều đáng xấu hổ mà còn là một sự đồng lõa với tội ác.
RSF nhắc lại rằng việc bảo vệ pháp lý cho các nhà báo cũng được đảm bảo bởi Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị, Công ước Geneva và các công ước quốc tế khác.
Ngày Tự do Báo chí Thế giới được thành lập theo sáng kiến của tổ chức Phóng viên Không biên giới nhằm vinh danh các những người cầm bút bất chấp hiểm nguy, dấn thân tố cáo tội ác do các “Hung thần của Tự do Thông tin” gây ra.
Trong số 5 tên mới được thêm vào danh sách năm nay có ông Tập Cận Bình, Chủ tịch mới của Trung Quốc, thay thế cho tên của ông Hồ Cẩm Đào, cựu Chủ tịch.
Nguy cơ phá rừng trong Hạ vùng châu thổ sông Mekong
Theo một bản phúc trình của Quỹ Thiên nhiên Thế giới, thì vùng hạ nguồn châu thổ sông Mekong ở Ðông nam châu Á sắp mất đi 1/3 các khu rừng thiên nhiên trong 2 thập niên sắp tới. Cũng theo các chuyên gia về rừng thì vấn nạn phá rừng ngày càng gia tăng là do các chính phủ đánh giá thấp các tài nguyên rừng.
Bản phúc trình của Quỹ Thiên nhiên Thế giới, có tựa đề là “Các hệ sinh thái ở vùng Mekong mở rộng” nói trong thời gian từ 1973 đến 2009, các nước ở hạ nguồn sông Mekong đã đốn gần 1/3 rừng của họ để lấy gỗ và để khai quang cho nông nghiệp.
Miến Ðiện và Lào mất đi 24% vùng đất rừng. Kampuchea mất 22%, trong khi Thái Lan và Việt Nam đã khai quang chặt đi 43% cây rừng của họ. “Các rừng cột trụ”, một vùng rộng 3 kilomet vuông rừng liền, đã tụt giảm từ 70 xuống còn 20% tổng diện tích rừng. Nhóm bảo vệ môi trường cho biết tình trạng phá rừng đang tăng tốc, và các nước có nguy cơ mất đi 1/3 cây rừng còn lại vào năm 2030.
Những phát hiện của bản phúc trình dựa vào sự phân tích các dữ liệu thu thập được bằng vệ tinh và trái ngược với những số liệu chính thức của các nước đó.
Các chuyên gia về rừng nói các nước trong vùng đã không đánh giá đủ cao đối với rừng của họ và chỉ nhìn vào giá thị trường của các tài nguyên rút ra hay gặt hái được. Ông Thomas Enters là một phối hợp viên khu vực của Liên Hiệp Quốc về châu Á Thái Bình Dương cho rằng những hạn chế về đốn gỗ ở trong vùng chỉ được áp dụng sau khi xảy ra những trận lụt tai hại, cho thấy rằng diện tích rừng thiên nhiên có phần chắc sẽ tiếp tục đi xuống cho đến khi các nước nhận ra rằng họ đã mất quá nhiều.
Đảng CSVN vẫn ‘kiên trì’ với suy thoái và bất công
Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TW) Đảng CSVN đã khai mạc tại Hà Nội vào ngày 2/5/2013, trễ hơn một tuần so với sự chuẩn bị từ trước.
Báo chí tuyên truyền của nhà nước CSVN cho biết, hội nghị này sẽ kéo dài cho tới ngày 11 tháng 5 để “xem xét” và quyết định sáu vấn đề lớn. Trong đó có “dự kiến quy hoạch cán bộ cấp chiến lược cho nhiệm kỳ tới”. Nói cách khác, các đại biểu dự hội nghị sẽ giới thiệu, thảo luận để quyết định xem những nhân vật nào sẽ tham dự BCH TW, Ban Bí thư, Bộ Chính trị và những nhân vật nào sẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo chính quyền CSVN ở nhiệm kỳ tới (2016-2021).
Gần đây, trước Hội nghị trung ương 7, “bổn cũ” tiếp tục được dùng lại, song đối tượng lần này là ông Nguyễn Phú Trọng – Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Đảng CSVN và ông Trương Tấn Sang – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nhà nước CSVN.
Dẫu các dấu hiệu đấu đá, tranh giành quyền lực trong nội bộ lãnh đạo Đảng CSVN là khá rõ ràng nhưng giới quan sát hiện tình chính trị Việt Nam tin rằng, chưa thể có bất kỳ thay đổi nào về nhân sự ở thời điểm này.
Trong ngày khai mạc Hội nghị Trung ương 7, ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định, Đảng CSVN vẫn “phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN”.
Mặc dù kinh tế Việt Nam đang suy thoái nghiêm trọng, riêng năm qua, đã có hàng trăm ngàn doanh nghiệp phá sản. Số người thất nghiệp được ước đoán phải tới hàng chục triệu, rồi vật giá gia tăng, người nghèo càng ngày càng đông, càng lúc càng cơ cực, xã hội càng ngày càng hỗn loạn…
Không chỉ các chuyên gia kinh tế mà nhiều viên chức trong hệ thống Đảng, hệ thống chính quyền cũng công khai thừa nhận, nguyên nhân chính là do chủ trương sai, quản lý tồi, điều hành kém.
Trung Quốc lại lên giọng bá quyền
Tân Ngoại Trưởng trong chính quyền mới của Trung Quốc là ông Vương Nghị hiện đang thực hiện một chuyến công du tại các quốc gia ASEAN. Ông Vương Nghị vừa nhậm chức Ngoại Trưởng vào Tháng Ba vừa qua.
Tại Nam Dương, trong cuộc họp báo chung với Ngoại Trưởng Nam Dương là ông Marty Natalegawa vào hôm Thứ Năm 2/5/2013, ông Vương Nghị đã lên tiếng cảnh báo với thế giới là “lập trường của Trung Quốc về Biển Đông không thay đổi và cảnh báo những nước ‘muốn gây rối’ vì quyền lợi của mình”.
Ông Vương Nghị nói: “Lập trường của chúng tôi tại Biển Đông có thể gói gọn trong ba điều: thứ nhất, chúng tôi khuyến khích duy trì ổn định và an ninh ở Nam Hải (Biển Đông); thứ hai, chúng tôi sẽ thực hiện DOC (Tuyên bố chung Trung Quốc-Asean về Cách hành xử ở Biển Đông) một cách đầy đủ và hiệu quả… và thứ ba, chúng tôi sẽ tiếp tục giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán với các nước có liên quan. Trung Quốc đang nỗ lực biến giấc mơ Trung Hoa thành hiện thực, và Asean cũng đang nỗ lực đạt giấc mơ của mình về cộng đồng Asean. Tôi muốn nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ bảo vệ chủ quyền của mình tại quần đảo Nam Sa (Việt Nam gọi là Trường Sa) và sẽ bám chặt nguyên tắc đó“.
Một đằng ông Vương Nghị lớn tiếng tuyên bố như trên (là khuyến khích duy trì ổn định và giải quyết tranh chấp qua đàm phán) một đằng Trung Quốc tiếp tục gây bất ổn tại Biển Đông, và việc gây hấn và xâm lấn Việt Nam ít ra là kể từ khi dùng vũ lực tiến chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974 và chiếm một số đảo trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào năm 1988, và gần đây có những vi phạm trắng trợn hải phận của Việt Nam và bắn giết ngư dân Việt trước thái độ vô trách nhiệm và hèn nhát của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.